Tập hợp 10 bài viết về người mẹ của chính những người con ruột trong gia đình các trí thức, nhân sĩ nổi tiếng viết, sách Mẹ tôi – Câu chuyện về người mẹ trong những gia đình trí thức nổi tiếng thế kỉ XX (NXB Phụ nữ, 2018) không chỉ khắc họa nên những bức chân dung về người mẹ trọn đời tần tảo, mà còn đề cập đến những đóng góp hi sinh thầm lặng nơi hậu phương.
Con không bao giờ quên ơn mẹ
Trong bài Mẹ tôi, nhà văn Nguyệt Tú (phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo) cho biết, chính nhờ mẹ bà là bà Tống Thị Trừng (vợ họa sĩ Nguyễn Phan Chánh) động viên và quyết lo cho con gái được học hành mà được đi học đầy đủ. Bà Tống Thị Trừng tuy không được học hành nhưng luôn quan niệm “con trai hay con gái, đứa nào học được, cứ cho học”.
Bìa sách Mẹ tôi – Câu chuyện về người mẹ trong những gia đình trí thức nổi tiếng thế kỉ XX. |
Khi nhắc tới chuyện này nhà văn Nguyệt Tú bày tỏ cảm xúc: “Cho đến nay, mỗi lần nhìn bức truyền thần cha tôi vẽ về mẹ tôi ở tuổi 40, tôi vẫn thầm nói: “Con không bao giờ quên ơn mẹ””.
Trong những năm tháng nhà sử học Trần Huy Liệu làm cách mạng, một mình bà Nguyễn Thị Tý lo toan ngược xuôi, duy trì một gia đình rất đông miệng ăn.
Nhà văn Trần Chiến, trong bài Hai bà rưỡi đã nói nên suy nghĩ của mình rằng: “Không có bà thì liệu có nhà cách mạng Trần Huy Liệu? Bố tôi có yên lòng bỏ lũ con lít nhít đâu đó, cho ai đấy, để ra đi làm những việc thỏa mãn lòng yêu nước của mình? Khó hình dung lắm”.
Gia đình họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, trong đó họa sĩ đứng ngoài cùng bên trái, bà Tống Thị Trừng – vợ họa sĩ (ngoài cùng bên phải), nhà văn Nguyệt Tú – con gái lớn họa sĩ (đứng sau, mặc áo dài trắng). |
Học giả Phan Khôi có hai người vợ, và các con Phan Thị Mỹ Khanh viết về bà Lương Thị Tuệ (bài Mạ tôi) Phan An Sa viết về bà Nguyễn Thị Huệ (bài Dì Huệ – Mẹ tôi) với một niềm biết ơn sâu sắc với những công lao trời bể của các mẹ đã nuôi nấng con cái trong suốt những năm tháng vô cùng vất vả khi cha làm báo xa nhà, về cuối đời phải chịu thiệt thòi và bị rơi vào quên lãng đến nửa thế kỉ.
Huyền thoại bằng xương bằng thịt
Trong bài Một trợ thủ đắc lực của học giả Đào Duy Anh, tác giả Đào Thế Tuấn cho biết bà Trần Thị Như vừa làm tròn nhiệm vụ của con dâu trưởng, vừa giúp chồng làm nghiên cứu khoa học, vừa làm các hoạt động xã hội, lại làm đủ mọi nghề: “Thật không tưởng tượng rằng một người phụ nữ nhỏ bé, con nhà quan lại cao cấp lại có một nghị lực phi thường làm đủ mọi nghề nghiệp từ chân tay đến trí óc… việc nào cũng hoàn thành một cách xuất sắc”.
Khi nhắc đến bà Hằng Phương, con cháu của bà đều nhớ đến một người mẹ, người bà thật hiền hậu, hy sinh tất cả thời gian và sự nghiệp của mình cho chồng, các con, các cháu. Trong bài, Nhà thơ Hằng Phương, tác giả Vũ Triệu Mân đã viết: “Mỗi khi đọc các trang văn của cha tôi, chúng tôi lại thấy có bóng dáng mẹ sau các trang viết”.
Thượng thư Tôn Thất Đàn cùng các con, bà Tôn Nữ Thị Cung đứng thứ ba từ phải sang. |
Bà Nguyễn Thúy An là người phụ nữ đa tài, và kì tài ở khả năng nữ công gia chánh, đối với con cháu bà là một huyền thoại bằng xương bằng thịt. Giáo sư Nguyễn Xiển dần trở thành một trí thức dấn thân vào sự nghiệp cách mạng dân tộc là nhờ trái tim của bà luôn đập vì chồng con (bài Mẹ tôi của tác giả Nguyễn Lưu).
Bà Tôn Nữ Thị Cung (con gái Thượng thư Tôn Thất Đàn), cán bộ phòng bào chế thuốc kháng sinh Penicilline tại Việt Bắc, một con người“chăm chỉ, thành thật và tiến bộ” khi qua đời đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư chia buồn, kèm theo sự động viên chân thành tới chồng bà là bác sĩ Đặng Văn Ngữ (bài Quê Mẹ của đạo diễn Đặng Nhật Minh).
Những bức chân dung về các mẹ trong những gia đình trí thức nổi tiếng thế kỉ 20 do chính những người con ruột viết nên rất chân thực và sống động. Hơn nữa, những người con này lại là nhà văn, nhà báo có tên tuổi, nên những dòng tự sự, hồi tưởng của họ cũng rất hấp dẫn. Người đọc có thể cảm nhận và hình dung về không khí một thời đã qua và về một thế hệ mẹ Việt Nam.