Vẫn giọng điệu thiết tha đau đáu với đời, khác chăng, ở tập thơ này, biên độ cảm xúc được mở rộng hơn, triết lý và suy ngẫm được chú trọng hơn. Điều đó chứng tỏ sự lao động miệt mài, nghiêm cẩn và sức sáng tạo không ngừng mà mỗi nhà thơ muốn trụ vững, cần phải ý thức trong thời buổi người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ như hiện nay.
Đọc tập thơ mới nhất của Vũ Đức Thanh, ta sẽ được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lắng lại là một hồn thơ da diết cất lên từ tiếng lòng sâu thẳm; là nỗi niềm đau đáu với thơ và trên hết là tình yêu quê hương đất nước…
Tình yêu quê hương, đất nước là một nội dung cảm động trong Để còn nỗi nhớ. Hỏi có ai sinh ra mà không yêu tha thiết nơi mình cất tiếng khóc chào đời? Tuy nhiên, mỗi người lại có những cách khác nhau để thể hiện tình yêu ấy.
Với Vũ Đức Thanh, không ồn ào, to tát, tình yêu quê hương đất nước cứ âm ỉ, lặng lẽ chảy vào thơ như một mạch nguồn vô tận. Mà khởi đầu là tình yêu biển đảo Việt Nam. Bởi: “Biển đã thấm vào tâm hồn Lạc Việt / Hóa thành hình đất nước dáng mẹ ta… Sữa của biển trắng nồng vị mặn / Ta lớn lên từ vồng ngực mẹ Âu Cơ…” (Biển Việt Nam).
Nghĩ về biển đảo, người thơ liên tưởng tới cội nguồn “Con rồng cháu Tiên” của người Việt mà ai ai cũng tự hào. Mỗi tấc đất, tấc biển là dáng hình đất nước, dáng mẹ thân yêu. Vì thế, giọng thơ càng thiết tha, đau đáu: “Em ơi / Biển đảo liền trời / Ngàn con sóng đất / Sóng người / Mà nên”. Câu thơ được ngắt ra bất thường, nghẹn ngào một tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo thiêng liêng.
Mỗi bước chân ông đến, mỗi chặng đường đi qua, đều in đậm trong ông những cảm xúc, nghĩ suy… để rồi cảm hứng được thăng hoa, trào lên ngọn bút. Khi là nỗi day dứt: “Phù điêu duyên nợ / Mà thành bão giông / Cõi người dâu bể / Lặng im Hòn Chồng” (Hòn chồng); lúc nặng trĩu yêu thương: “Ngày ta về với Sơn La / Mây khiêng núi đến làm quà tặng em / Dắt vì sao sáng nâng đêm / Cữ này khéo lũ cũng lên nữa mà” (Sơn La); nhiều khi lại ngập tràn trong lòng thi sĩ một tình yêu khó bề cắt nghĩa: “Nắng chiều Ba Dội mưa hoa / Lòng như tơ rối sương sa ráng vàng / Ngó ta một cái sen tàn / Trong veo, gió hỏi đâu làn hương xưa” (Dốc nắng).
Tình yêu quê hương đất nước trong thơ Vũ Đức Thanh luôn gắn với lòng tự hào dân tộc. Từ cao nguyên đá Đồng Văn, cửa khẩu Lóng Sập, Sơn La, Tam Đảo, Nha Trang, Tây Nguyên… cho đến Ninh Bình đều ghi dấu trong thơ ông những vẻ đẹp nên thơ và một tình yêu bất tận.
Ninh Bình là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều danh lam, thắng cảnh đã đi vào thơ ca, lòng người. Một trong những danh thắng đó là Dục Thúy sơn. Núi Dục Thúy thường được mệnh danh là “Núi Thơ”, vì trên vách đá, còn lưu lại nhiều bút tích của các “Tao nhân mặc khách”. Vũ Đức Thanh cũng có Chùm thơ Dục Thúy Sơn với bao hoài niệm về cảnh cũ người xưa.
Tập thơ Để còn nỗi nhớ. Ảnh: C.R.T. |
Biết là “Vũ trụ dĩ lai” (Núi có từ khi có vũ trụ đến nay) và: “Những buồn vui thiên cổ / Vẫn y nguyên tới giờ”. Giữa thiên nhiên hùng vĩ gợi nhắc về những chứng tích hào hùng của một thời đã qua, tâm hồn thi nhân lại bâng khuâng xao xuyến, tìm lời đồng vọng: “Ta day dứt gục xuống miền ám ảnh/ Bỗng sấm truyền trong âm hưởng của đêm…”. Rồi xót xa, bất lực trước quy luật của thiên nhiên: “Sóng vỗ ngoài cửa Đáy / Bóng núi cuộn dòng sâu / Mà nước như dao chém / Đá mòn lòng núi đau”… Mà trăn trở, tự vấn: “Ta làm gì hộ núi / Ngay bây giờ / Tại đây?”. Câu hỏi ấy như xoáy vào tâm can khiến người đọc không thôi day dứt cùng tác giả.
Thơ là tiếng nói của tâm hồn, tình cảm, thể hiện những rung động mãnh liệt của thi sĩ. Vậy nên, trong thơ “Tình là gốc” (Bạch Cư Dị). Chỉ khi nào có sự thôi thúc của tâm hồn thì khi ấy mới có thơ (theo đúng nghĩa). Đọc Để còn nỗi nhớ, ta sẽ gặp những cung bậc tình cảm khác nhau, tạo nên một hồn thơ trầm tĩnh, hồn hậu, giàu suy tưởng, chạm vào cõi sâu của tâm hồn – không chỉ bằng lý trí, mà còn bằng cảm xúc của trái tim. Tất nhiên, không phải bài nào, câu nào trong tập thơ cũng hay, nhưng cảm xúc đều chân thật.
“Thơ phát khởi từ lòng người” (Lê Quý Đôn). Mà lòng người đôi khi chính thi nhân cũng không thể lý giải được: “Một tôi, tôi nắm tay tôi / Ngỡ vòng tay đợi một đời chưa xong” (Ru ta chớp bể). Ba chữ “tôi” trên cùng một dòng thơ, nhấn mạnh khoảnh khắc cô đơn, hụt hẫng của chủ thể trữ tình.
Cũng có khi người thơ lại muốn làm cái việc “khác thường” mà chỉ thi nhân mới có thể làm được: “Vén mây mà dắt trăng vào / Cất đi này cái nghẹn ngào gió mưa”. Và nữa: “Lặng buồn nâng chén cô đơn / Ngang trời một vệt buồn hơn nỗi buồn” (Cảm thông và sẻ chia cùng bác Lê Lựu). Cách so sánh lạ, có vẻ vô lý (buồn hơn nỗi buồn) nhưng hợp lý, diễn tả cái tận cùng của nỗi buồn.
Nhớ nhung, buồn vui, hờn giận là những tình cảm có khi chỉ đến bất chợt: “Mưa xuân cong sợi khói / Ai buộc chiều nhớ mong” (Mưa xuân); có khi lại được nuôi dưỡng bằng cả đời người, đời thơ, dù “Nhớ cứ thổi rỗng chiều sơn cước”, mặc cho: “Em gom hết hương trời Tam Đảo ấy / Xé cho ta mảnh nhớ / Rồi em quên” (Tam Đảo em và thơ), người thơ vẫn xác quyết: “Dỡ cho xong cái dậu thưa / Cho hoa kịp nở giữa mùa hương say”: Phải chăng, nhà thơ quyết tâm phá bỏ những cái cũ kĩ, sáo mòn, đợi chờ niềm vui từ cuộc sống và thi ca? Có thể lắm chứ, bởi “Sườn non én dệt lối ngày sang xuân” (Lời tháng chạp), nghĩa là hy vọng sẽ mở ra, dù người chưa kịp về, có sao đâu? Vì đợi chờ, hy vọng cũng là một phẩm chất của tình yêu đó thôi.
Dù những day dứt đời thường ít nhiều để lại những vết hằn trong trái tim nhà thơ, nhưng cũng vì vậy, người đọc như được tham dự vào những khổ đau, hy vọng. Có thể thơ cũng vì thế mà chân thật và có ích hơn chăng?
Thơ trước hết là cuộc đời. Tiếng lòng trong thơ Vũ Đức Thanh là sự đồng cảm, nỗi yêu thương nặng đầy phía cuộc đời: “Mang nỗi ngày xa lắc / Mà xào xạc trong nhau” (Thời gian như ngựa chạy). Tiếng lòng càng réo rắt, lắng sâu hơn là khi viết về mẹ: “Tre gầy cong dáng mẹ xưa / Nắng mưa bật khóc nắng mưa đồng làng” (Lục bát ruộng đồng). Biện pháp nghệ thuật hoán dụ ở hai câu thơ trên, khắc họa dáng mẹ lam lũ, nhọc nhằn, đem lại nỗi xúc động rưng rưng nơi người đọc.
Là người yêu thơ, đắm đuối vì thơ, thế nên, ta đọc được trong thơ Vũ Đức Thanh những ước muốn, trăn trở và hy vọng, bởi cái “nghiệp” đã vận vào ông cả đời. Không có những “tuyên ngôn” về thơ, nhưng tiềm ẩn qua từng câu chữ, ta hiểu được người thơ luôn ý thức về trách nhiệm và nỗi nhọc nhằn của người cầm bút: “Người đi tìm chữ / Chữ ở trong người / Mà như bắt bóng / Chữ ơi / Người ơi” (Viết bên Tháp Bút).
Thơ với Vũ Đức Thanh trước hết là cái đẹp. Mà cái đẹp có trong sự sống, có ở khắp nơi: “Tháng ngày bần bật / Sự sống trong lành lặng lẽ dắt thơ đi” (Sự sống trong lành lặng lẽ dắt thơ đi). Chỉ cần có một tấm lòng rộng mở, một cái nhìn bao dung, thân thiện, thì lúc ấy sự sống sẽ hóa thơ: “Giữa muôn ngàn tiếng tơ vương / Câu thơ sổ gió / Ngược nguồn / Tìm hoa” (Người thơ Tết ở chợ hoa). Giữa chợ hoa, với muôn đào mai khoe sắc, người thơ như nghe được âm thanh rạo rực của đất trời.
Đó là khi: Hồn ta say bóng chữ, vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời lại phơi phới vào thơ: “…Lặng im / Đem sợi trăng già ra phơi / Nghe lòng khẽ gọi- Xuân ơi / Khói như sương… Chợt bời bời đào, mai”. Tưởng như nghe được tiếng lòng thi nhân cùng tình yêu thi ca, tình yêu cuộc sống và con người nơi đây.
Thơ Vũ Đức Thanh đa dạng về thể loại và hay hơn ở những câu lục bát. Cách dùng từ ngữ, hình ảnh nhiều khi rất điệu và lạ. Tính triết lý trong thơ cũng được nhà thơ ý thức, tuy chưa nhiều. Ở độ tuổi ngoại “Thất thập”, dường như thơ Vũ Đức Thanh ngày càng chín.
Cùng với thời gian, ông vẫn miệt mài “Lặng lẽ dắt thơ đi”. Xin mượn câu thơ trong bài Thơ tình gió và trăng làm lời kết cho bài viết này hy vọng hồn thơ của ông ngày càng thăng hoa, đáp ứng lòng mong đợi của độc giả: “Vẫn còn chớp chớp mắt theo / Tình như cỏ nháy / Đêm nhiều gió trăng”.