Ngay sau khi ATM gạo miễn phí đầu tiên ở Hà Nội hoạt động hôm 11/4, TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books – tiếp tục đề xuất thực hiện 5 ATM sách miễn phí.
Ông Hùng có những chia sẻ về ý tưởng mới mẻ cũng như tâm huyết với phát triển văn hóa đọc.
Xúc động khi chứng kiến tinh thần “lá lành đùm lá rách”
– Ý tưởng và quyết tâm thực hiện ATM gạo ở Hà Nội đến với ông như thế nào?
– Ngày 8/4, tôi đọc báo, thấy tin TP.HCM có ATM gạo miễn phí, và rất thích mô hình này. Tôi nhớ ngày xưa ở quê, mình từng đói ăn như nào.
Ngày nay, chúng ta có công ăn việc làm, cuộc sống no đủ hơn, nên có thể không biết từ “đứt bữa” (bữa có bữa không). Trong thời buổi dịch bệnh này, nhiều hoạt động đình trệ, nhiều người mất việc, có thể bị “đứt bữa” lắm chứ.
Tôi nghĩ mình và mọi người góp sức nhỏ bé để giúp những ai chưa may mắn trong lúc này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng tại điểm phát gạo miễn phí ở nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, Hà Nội. Ảnh: FB nhân vật. |
Tôi đưa ý tưởng lên trang Facebook cá nhân, nhiều bạn bè đều nói nên làm ngay mô hình này.
Chiều hôm ấy, tôi họp lãnh đạo Công ty Thái Hà Books để thực thi.
– Làm thế nào để ông có thể hiện thực hóa ý tưởng ATM gạo miễn phí trong chưa đầy 3 ngày?
– Làm được việc này là nhờ sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Khi thực hiện, tôi có 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất là gạo, tôi có thể làm được, lấy tiền của mình ra mua.
Thứ hai là điểm tổ chức. Mấy hôm trước, tôi và các bạn trong công ty đóng những túi gạo, mang đi phát ở đường phố. Cách này không hiệu quả, lại không đảm bảo trật tự, an toàn khi giãn cách.
Ban đầu, tôi định đặt ATM gạo ở tòa nhà Thái Hà Books (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhưng hơi xa trung tâm. Vì thế, chúng tôi chọn Nghĩa Tân, nơi có hiệu sách bản quyền Thái Hà.
Sau khi viết đơn gửi lên các cấp chính quyền, tôi được ủng hộ và chấp thuận đặt ATM gạo ở nhà văn hóa phường Nghĩa Tân.
Vấn đề thứ ba là làm máy ATM gạo. Khi đăng ý tưởng lên Facebook, một học trò của tôi nói “em có thể làm việc này”. Bạn gửi cho tôi bản thiết kế vẽ tay.
Ngày 9/4, chúng tôi bắt tay làm máy. Sang hôm sau, mọi thứ đã chuẩn bị xong. Ngay trong đêm 10/4, chúng tôi làm thử và sáng 11 bắt đầu tặng gạo cho mọi người.
– Các nguồn lực được huy động ra sao để thực hiện việc phát gạo qua ATM?
– Tôi bỏ ra 10 tấn gạo, có một bạn chở đến 1 tấn, một bạn khác ủng hộ 3 tấn. Ngày đầu, chúng tôi phát 2,3 tấn gạo. Chúng tôi huy động nhân viên Công ty sách Thái Hà. Những ngày sau, các bạn tình nguyện viên đến giúp.
Dự kiến sáng 13/4, một máy sẽ hoạt động ở nhà văn hóa Bắc Từ Liêm. Một người nữa muốn lắp máy ở phường Phương Mai, nơi có nhiều bệnh nhân đang chạy thận ở trọ.
Nhiều người ủng hộ việc làm này. Có người gửi một khoản tiền, người gửi 100.000 đồng; có người mang mấy kg, người chở cả tấn gạo; có người gửi khẩu trang, người đưa mấy lọ nước sát khuẩn… Tôi xúc động lắm khi chứng kiến tình người, “lá lành đùm lá rách”.
Thỉnh thoảng, chúng ta lên mạng, thấy người Việt nói về thói hư tật xấu của nhau. Nhưng trong khó khăn mới thấy người Việt rất đoàn kết.
Bạn đọc chủ động nhận sách mình muốn
– Từ ATM gạo hỗ trợ mùa Covid-19, điều gì khiến ông đưa ra ý tưởng thực hiện ATM sách miễn phí?
– Chúng ta sử dụng máy, lấy tay hoặc chân ấn vào để nhả ra gạo, gọi là ATM gạo. Là người làm sách, đi nói chuyện, tặng sách nhiều năm nay, tôi luôn muốn sách đến tay người đọc một cách hiệu quả. Vì vậy, khi làm được ATM gạo, tôi nghĩ tới mô hình cho sách.
Nguyên tắc của ATM sách cũng giống ATM gạo. Chỉ có điều, sách có nhiều khổ, nhiều nội dung chủ đề khác nhau, phải thiết kế nhiều ô đựng sách khác nhau.
ATM sách sẽ bày khoảng 20 đầu sách theo những nội dung, chủ đề khác nhau. Ai thích mảng sách nào thì ấn vào ô ấy để nhận.
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Khi tặng sách thông thường, chúng ta không biết bạn đọc muốn cuốn nào. Với ATM sách, mọi người có thể chọn theo nhu cầu.
Chúng ta có thể trang trí ATM sách cho đẹp, chạy những dòng chữ điện tử khích lệ mọi người đọc sách.
Bản chất ATM sách vẫn là tặng sách, nhưng bạn đọc được chọn cuốn mình thích.
– ATM gạo có người làm rồi, nhưng ATM sách dường như chưa ai thực hiện. Ông gặp khó khăn gì khi làm máy? Nếu nó phức tạp, tốn kém, ông có triển khai nữa không?
– Đầu tiên, tôi phải đưa ý tưởng xem dư luận đón nhận ra sao. Sau đó, tôi sẽ tìm người có thể chế tạo được máy.
Tôi muốn làm được chiếc máy này trong 10 ngày tới. Sách lấy từ nguồn của công ty. Nhiều người cũng liên hệ, sẽ quyên góp sách cho chương trình này. Hiện tại, điều khó nhất là làm máy.
Tôi có khoảng 1 tỷ để làm các công việc xã hội. Vì vậy, nếu 5 chiếc máy ATM này không vượt quá ngân sách của mình, tôi có thể làm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books. Ảnh: Hoàng Đông. |
– Ông từng nhắc tới mô hình tặng sách theo chương trình “tách cà phê trên tường”. Người mua sách có thể mua thêm 1 cuốn đặt trên tường để tặng cho những ai không đủ điều kiện mua. Đến nay, chương trình tặng sách đó còn được triển khai?
– Chương trình này vẫn thực hiện, nhưng phải dừng lại do Covid-19. Các điểm bán sách, cà phê đều đóng cửa. Còn mô hình ATM sách vẫn phù hợp giữa dịch vì ai muốn nhận có thể đến ấn máy, mang sách về đọc.
Tôi định đặt ATM sách miễn phí ở 5 địa điểm: Tòa nhà Thái Hà Books (Hà Nội), đường sách Nguyễn Văn Bình TP.HCM, phố sách 19/12, đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và một cái ở miền Trung.
– Ngoài chương trình ATM gạo và muốn làm ATM sách, ông còn thực hiện những công việc thiện nguyện nào khác?
– Ở nước ngoài, nhiều người ra ứng cử chức vụ đều là người có tiền, muốn làm việc phục vụ xã hội. Các doanh nhân cũng làm việc này và coi đó là trách nhiệm xã hội cần thực thi.
Tôi từng nghèo, may mắn lớn lên được học tập và đi làm có chút tiền, nên giờ gặp ai khó khăn thì giúp đỡ. Tôi từng thực hiện nhiều chương trình tặng sách, quần áo, xe đẹp, xây nhà tình nghĩa, xây cầu… Đôi khi gặp người khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tôi sẵn sàng giúp đỡ.
Tôi làm những việc này đều xuất phát từ tính cách, con người mình. Tôi muốn mọi người sống có trách nhiệm, yêu thương nhau nhiều hơn.