Hẳn trong tất cả chúng ta, ai ai cũng giữ cho mình những hình ảnh những kỉ niệm đẹp của một người nào đó trong sâu thẳm trái tim. Và tôi cũng vậy, dành tất cả trái tim mình, tôi khắc sâu hình ảnh đáng kính người mà tôi yêu thương nhất trong đại gia đình thân yêu của tôi – ông ngoại.
Ngoại tôi giờ đã đi thật xa, những sâu thẳm trong trái tim tôi, hình ảnh ông không bao giờ phai nhạt. Một người đàn ông đẹp lão với vóc dáng thanh mảnh và đôi mắt sâu, cái cửa sổ tâm hồn đượm buồn nhưng tràn đầy sức sống. Đằng sau đôi mắt đó là bao nỗi nhọc nhằn, lo toan mà những vết nhăn chứng minh đã hằn sâu bên khoé mắt. Nhìn vào gương mặt với làn da ngăm ngăm của ông, có lẽ điều nổi bật nhất chính là đôi môi rộng và hàm răng trắng đều tuy tuổi đã cao. Bằng chính đôi môi này ông đã dành cho lũ cháu trẻ chúng tôi những nụ hôn ấm áp, và cũng chính bởi bàn tay chai sạn, khô ráp này đã từng nhiều đêm vỗ về cho tôi ngủ, nhiều đêm nhọc nhằn chăm sóc tôi khi ốm mà không có ba mẹ bên cạnh. Ngoại tôi vóc dáng không cao lớn, vạm vỡ như những người đàn ông khác bởi bao lo toan, vất vả không còn làm ông tôi còn cường tráng như thời còn trai trẻ. Cho dù đã già nhưng ngoại tôi không có thậm chí đến một sợi tóc bạc nào, mái tóc cứ đen như thế mãi. Ngoại giản dị lắm, một bữa cơm đạm bạc với vài ba món, cũng chỉ diện bộ quần áo kaki màu xám đã cũ và vẫn đôi dép quai hậu màu đen mà bà ngoại tôi đã kể rằng nó đã theo ông từ thời còn kháng chiến.
Ngoại tôi tính tình hiền lành, nhân hậu. Cái đức tính chăm chỉ làm lụng ấy không lúc nào làm ông có thể nghỉ tay. Bà ngoại tôi luôn nói rằng: “Ông là người chồng tốt nhất nhưng hơi độc đoán!” Có lẽ bà ngoại tôi nói đúng, nhưng tôi tin chắc rằng chính bởi sự độc đoán của mình, ông tôi đã nuôi nấng mười đứa con nên người, ai ai cũng ngoan ngoãn, cũng học hành đến nơi đến chốn. Tuy vậy, ông ngoại chưa bao giờ dành sự độc đoán của mình cho lũ cháu chung tôi. Ông luôn dành cho chúng tôi sự yêu thương vô bờ bến trong từng cử chỉ dịu dàng, từng lời nói tràn ngập tiếng cười nhưng đằng sau là cả những bài học bổ ích.
Với ông tôi có nhiều kỉ niệm mà có lẽ rằng suốt cuộc đời này, không bao giờ tôi có thể quên được. Biết bao nhiêu kỉ niệm từ thời ấu thơ được ông bồng bế, yêu chiều, được ông hát ru, được ngồi trên những chiếc xe đẩy ông làm,… Tất cả tuy giờ đã vào trong dĩ vãng.
Có một kỉ niệm mà tôi nhớ như in, không hề quên dù chỉ là một giây phút bé nhỏ về ngày hôm đó. một buổi sáng, ông đã đạp chiếc xe quen thuộc của mình để lên nhà đón tôi, một buổi sớm mai thật vui và tràn ngập tiếng cười. Cả tối đêm trước, ông đã ngồi hì hục, làm không ngơi tay cho xong chiếc ghế nhỏ trên xe đạp cho tôi. Lúc ông lên nhà, tôi vẫn đang còn ngủ, nhưng không bởi vì thế mà ông đánh thức tôi dậy, ông ngồi ngắm tôi ngủ và còn hát ru tôi ngủ nữa. Nghe tiếng hát của ông, tôi vội choàng mình tỉnh dậy.
– Cháu gái cưng của ông không ngủ nữa à? – Giọng ông dịu dàng
– Dạ không. Để Đen dậy rồi ông ngoại chở Đen đi chơi nha!
Ông khẽ gật đầu. Ông đã tự mình cầm chiếc bàn chải để đánh răng cho tôi, lau mặt cho tôi. Ông vẫn đèo tôi bằng chiếc xe đạp cũ nhưng vs chỗ ngồi mới hơn. Và tôi tin chắc rằng, tôi sẽ được chơi một món đồ chơi mới do ông mới tìm ra. Và quả thật vậy, với cả những anh chị họ của tôi nữa. Chơi cả ngày tôi cũng thấm mệt, sau khi được ông cho ăn, tôi ngã lăn vào giấc ngủ. Ông còn mắng các anh chị vì làm ồn không cho tôi ngủ. Tối mẹ xuống đưa tôi về nhà nhưng tôi vẫn muốn ở lại bên ông. Mẹ mắng tôi một trận. Không hiểu sao hai hàng nước mắt cứ lăn dài ra mãi trên gương mặt của một đưa trẻ khi ấy như tôi. Tôi ôm chầm lấy ông vì tôi biết thế nào ông cũng sẽ bênh vực tôi. Ông bế xốc tôi lên và nói với mẹ:
– Tối nay con để cháu ở lại ngủ với ông.
Và thế là mẹ về nhà. Tôi sung sướng vô cùng. Từng ngày lớn lên bên ông, cả tuổi thơ của tôi như ngập tràn trong hạnh phúc.
Vậy mà….
Ngày hôm đó, cả thế giới quanh tôi như sụp đổ khi ba trở về, báo tin ngoại mất. Tôi sững sờ, ngồi sụp xuống đất như một con búp bê vô hồn. Ông luôn là người thương yêu tôi nhất trên đời, là người luôn che chở, cưng chiều tôi. Vậy mà ông mãi ra đi, để lại trong tôi sự cô đơn và đau khổ. Tưởng chừng như khi ấy, tôi đã phải khóc cạn cả nước mắt, xung quanh như không còn một ai bên cạnh. Tôi không thể tin và cũng không bao giờ muốn tin kể từ nay tôi không được nghe ông kể chuyện, không được nghe tiếng ông vỗ về, không được ông chở trên chiếc xe đạp cũ, không có ai đi giữa mưa chỉ để mang cho tôi chiếc áo khoác khi để quên áo mưa ở nhà và cũng không còn được ông ôm vào lòng ru ngủ nữa,…
Hôm nay đã sắp đến ngày giỗ ngoại, thế mà 10 năm đã trôi qua. Từ sau ngày ngoại mất, tôi chẳng thể nào ngủ được, đêm nào nhớ đến ngoại, những hạt pha lê mỏng manh cứ thế vỡ oà trên mí mắt. Nhưng thật sự, dẫu có như thế nào, tôi vẫn phải đứng dậy như lời dặn của ngoại: “Dù sau này ngoại không bao giờ còn bên cháu gái cưng của ngoại nữa thì mỗi khi vấp ngã phải biết tự mình đứng dậy, phải trở thành một con người tốt, lúc nào cũng phải vui vẻ, mỉm cười trước cuộc sống”.
Tôi sẽ mãi nhớ lời dạy của ngoại và không bao giờ quên được hình ảnh đáng kính của ngoại tôi, người luôn yêu thương và che chở, cưng chiều tôi trong suốt cuộc đời. “Con sẽ luôn nhớ những lời dạy đầy ý nghĩa của ngoại, nhớ mãi những câu chuyện và cả kho ca dao tục ngữ chẳng bao giờ vơi cạn của ngoại con và sẽ luôn làm theo lời ngoại dạy. Ngoại ơi! Đứa cháu gái ngoan hiền của ngoại yêu ngoại nhiều lắm!” Nếu giờ đây có riêng cho mình một điều ước tôi sẽ ước mình có thời gian bên ngoại để nói câu nói ấy, để hôn lên gương mặt ngoại, để xáo tan bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống mà ngoại tôi – người đàn ông tôi yêu thương nhất đã phải trải qua.