Sáng 29/1, tạp chí Văn nghệ Quân đội phát động cuộc thi Thơ 2021-2022. Ông Đoàn Văn Mật – Trưởng ban Thơ của tạp chí – đã chia sẻ về đội ngũ sáng tác, chất lượng thơ ca hiện nay.
Vị thế thơ ca không được như trước
– Hàng ngày làm việc trực tiếp với các nhà thơ và những sáng tác mới, ông đánh thế nào về đội ngũ sáng tác thơ hiện nay?
– Rất đông đảo. Mỗi năm, riêng tạp chí Văn nghệ Quân đội chúng tôi giới thiệu 700-800 sáng tác thơ của khoảng 400 tác giả.
Đội ngũ sáng tác thơ hiện nay không chỉ xuất hiện trên ấn phẩm báo chí truyền thống, mà còn đăng tải tác phẩm trên mạng xã hội rất nhiều. Điều đó cho thấy lượng người sáng tác rất lớn.
So với trước đây, lực lượng sáng tác chuyên nghiệp có phần ít hơn. Cũng bởi trước đây, những người làm thơ được bạn đọc quan tâm đông đảo, vị thế của thơ trước đây cao hơn bây giờ.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật. Ảnh: NVCC. |
– Nhiều người viết thơ mà vị thế của thơ ca lại không cao như trước, điều này có mâu thuẫn?
– Thơ, văn chương trước đây luôn là món ăn tinh thần lớn. Còn hiện nay, người dân có nhiều món ăn tinh thần khác.
Sáng tác thơ ở thời nào cũng thế, mỗi thời đại cũng chỉ có thể kể tên được nhóm nhỏ những tên tuổi, chứ không nhiều; trong khi thế hệ nào cũng có hàng nghìn người viết
Để minh chứng cho điều này, ta có thể nhìn vào phong trào thơ mới – giai đoạn mà hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân nói là một thời đại rực rỡ của thi ca. Rực rỡ như thế nhưng lượng tác giả nổi bật kể ra cũng chỉ đếm hơn 10 đầu ngón tay một chút, như: Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Chế lan Viên, Hàn Mặc Tử, Đoàn Văn Cừ, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư…
Đến thế hệ chống Pháp, ta có Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Tế Hanh, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Hữu Loan… Thế hệ chống Mỹ có Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc…
Kể như thế để thấy lượng người viết thơ thời nào cũng rất nhiều, nhưng rất ít cái tên có thể đọng lại với thời gian.
– Dưới đánh giá của một biên tập viên thơ, theo ông thời nay có những tên tuổi nào sẽ trụ lại với thời gian?
– Từ 1986 đến nay, có một số tên tuổi thơ ca được mọi người nhắc đến: Trúc Thông, Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Nguyễn Bình Phương,… Tôi nghĩ đó là những tác giả sẽ được nhắc tới nhiều sau này.
– Theo ông thơ ca có vị thế ra sao trong đời sống hôm nay?
– Việt Nam là đất nước có tinh thần yêu thơ ca lớn. Cứ nhìn vào số lượng đông đảo người viết thì thấy. Người viết, người đọc thơ ca hôm nay có sự khu biệt, họ chia ra những diễn đàn chuyên biệt, có những trang chuyên về thơ lục bát, thơ Đường, thơ hiện đại…
– Ông đánh giá thế nào về chất lượng thi ca hiện nay?
– Đánh giá chất lượng thơ ca hiện nay rất khó, vì có nhiều tiêu chí khác nhau: Dựa trên bạn đọc, dựa trên nhà phê bình, dựa trên người sáng tác…
Trước đây thơ ca phổ biến nhất là thơ ca gắn liền thời đại, gắn liền xu thế thế lịch sử, đất nước, ví dụ thơ ca chống Pháp, thơ ca chống Mỹ.
Thơ ca ngày nay có tính cá nhân rất cao. Khi bạn đọc bài thơ này thấy hay, thì bạn cho là nó hay, nhưng người khác lại không thấy nó tuyệt vời.
Tôi thấy chất lượng thơ ca hiện nay là tương đối tốt. Thơ ca bước vào thế giới thơ hiện đại với trường liên tưởng rất rộng. Nó đang đi tới độ hiện đại, tiệm cận với thơ ca các nước trên thế giới.
– Nhiều người viết, chất lượng thơ tương đối tốt, vậy tại sao có hiện tượng nhà thơ phải tự bỏ tiền túi ra in tác phẩm rồi mang đi tặng mà không mấy người bán được thơ?
– Ở đây có hai vấn đề: Chất lượng và việc phát hành (bán thơ).
Chất lượng tốt không có nghĩa ai viết cũng có thơ hay. Chất lượng tốt ở đây là so mặt bằng chung giữa các thế hệ, các dòng chảy giữa các thế hệ.
Chất lượng thơ cũng như ngọn núi ấy, chất lượng càng lên cao càng ít đi, nhỏ lại như phần đỉnh núi; dưới chân và lưng chừng núi thì rất rộng, nhiều người viết nhưng chất lượng chưa cao. Về chất lượng, ta đánh giá ở ngọn chứ không ở dưới chân. Ta thấy ở chân núi thơ ca rất mênh mông, nhưng lên trên thì vắng bóng. Chất lượng thơ ca càng lên trên càng ít.
Về việc phát hành thơ, từ cổ chí kim, thơ ca không thể kiếm ra tiền. Có câu nổi tiếng là “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Nguyễn Bính cũng từng viết: “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ / Nghèo lắm, con ơi! / Bạc lắm con!”.
Tập thơ Lặng yên cho nước chảy của nhà thơ Mai Văn Phấn – người đoạt giải thưởng Cikada của Thụy Điển. Ảnh: Y Nguyên. |
Tiếp lửa thơ ca
– Ông đánh giá thế nào về hiện tượng thơ ca nảy nở trên mạng xã hội hiện nay?
– Điểm tích cực của mạng xã hội là giúp cho thơ có độ phổ rộng. Xưa kia thơ ca bình dân lưu truyền trong những nhóm nhỏ của cộng đồng làng xã. Còn giờ đây thơ ca bình dân phổ biến trên mạng xã hội, một người viết sẽ đi thẳng tới bất cứ ai đọc tiếng Việt và sử dụng Internet.
Qua thơ mạng, ta thấy sự phổ biến thơ ca, chứng tỏ người Việt yêu thơ nhiều, làm thơ nhiều. Đất nước nhiều người làm thơ, yêu thơ là điều tốt để phát triển thơ ca, nhưng đó là phát triển theo chiều rộng.
Tuy vậy, thơ mạng tác động trực tiếp tới bạn đọc. Quá nhiều thơ, quá nhiều người viết thơ đã tạo ra màn sương dàn trải, độc giả khó tìm được tác phẩm đáng đọc.
– Ban biên tập “Văn nghệ Quân đội” có trách nhiệm ra sao để góp phần vén màn sương mờ đó?
– Một tháng, Văn nghệ Quân đội nhận vài trăm thư cộng tác gửi về, chủ yếu là phần thơ.
Tôi nghĩ những tạp chí văn nghệ như chúng tôi là nơi gạn đục khơi trong; các biên tập viên làm việc như những màng lọc để in những tác phẩm tốt gửi tới bạn đọc.
Trong lịch sử ra đời và phát triển, Văn nghệ Quân đội đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi thơ với sự góp mặt của các tác giả thành danh và cả những tên tuổi mới. Mỗi cuộc thi đều giúp bổ sung cho thi đàn những gương mặt thơ có giọng điệu riêng cũng như có nội lực đồng hành cùng văn chương.
Cuộc thi thơ mà chúng tôi vừa phát động cũng nhằm tìm ra các tài năng, tiếp lửa thơ ca.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội là diễn đàn văn chương uy tín hiện nay. Ảnh: Y Nguyên. |
– Những tiêu chí, mục tiêu mà cuộc thi đặt ra là gì?
– Chất lượng là mục tiêu hàng đầu của cuộc thi, đích đến luôn là chất lượng. Văn nghệ Quân đội là tạp chí của quân đội; chúng tôi vẫn ưu tiên những tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay.
Ở cuộc thi lần này, chúng tôi hy vọng đứng trước những biến động, âu lo, thử thách cũng như những cơ hội, tiềm năng của đời sống hôm nay, mỗi người viết sẽ tìm cho mình được hướng đi mới, đầy sáng tạo, bứt phá để khẳng định được mình.
Bên cạnh đó, cuộc sống cũng ẩn chứa nhiều khuất lấp, mà chỉ khi rung cảm tận cùng và sự nhân văn của con người mới có thể thấu suốt và khơi gợi được vẻ đẹp ấy. Cuộc thi mong muốn ghi nhận những nỗ lực không ngừng để tìm tòi, khám phá, tri nhận những giá trị ấy của mỗi người viết.
Cuộc thi Thơ trên Văn nghệ Quân đội 2021-2022
Thời gian: 1/2021-30/11/2022. Trao giải vào dịp 22/12/2022.
Đối tượng dự thi: Tất cả các công dân Việt Nam trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài.
Đề tài – Nội dung: Không hạn chế đề tài. Khuyến khích những tác phẩm viết trực diện về chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và người chiến sĩ hôm nay.
Đề cao các tác phẩm bám sát vào hiện thực đời sống xã hội Việt Nam đương đại.
Chấp nhận mọi khuynh hướng sáng tác, trân trọng phong cách truyền thống đồng thời khuyến khích những tìm tòi, cách tân với nhãn quan văn học và tư duy nghệ thuật mới mẻ.