Khi Covid-19 lây lan khắp thế giới, các nhà xuất bản, hiệu sách, thư viện, trường học, hội sách – các yếu tố trong hệ sinh thái xuất bản – tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng.
Hiệp hội Xuất bản Quốc tế (IPA) đã có báo cáo “Tác động của Covid-19 đến xuất bản toàn cầu: Từ phản ứng đến phục hồi” dựa trên khảo sát từ 33 vị giám đốc điều hành các hội xuất bản trên khắp thế giới.
Báo cáo này tiết lộ ngành công nghiệp xuất bản đã “bầm dập” trong thời gian đại dịch. Ở hầu hết thị trường, doanh số bán sách giảm mạnh, toàn bộ chuỗi cung ứng đều bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh ấy, các đơn vị, hiệp hội cũng như quốc gia đã có biện pháp nhằm giúp ngành xuất bản vượt qua khó khăn, dần phục hồi.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản. Ảnh minh họa: AP. |
Duy trì kết nối, hỗ trợ thông tin
Từ lúc đại dịch diễn ra, nhiều nơi đã thực hiện giãn cách. Khi hoạt động trở lại, các biện pháp hạn chế tiếp xúc được tuân thủ. Đối mặt những khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng, giới xuất bản các nước tăng cường kết nối, cung cấp thông tin về ngành sách.
Hiệp hội Xuất bản Australia đã cập nhật trạng thái cho các nhà bán lẻ về khả năng cung cấp sách của nhà phát hành. Họ cũng chia sẻ thông tin về yêu cầu an toàn, sức khỏe với trung tâm phân phối sách để họ có thể duy trì hoạt động. Ban điều hành Hiệp hội Xuất bản Australia thường xuyên họp trực tuyến, thảo luận về tác động của đại dịch đối với ngành xuất bản và thiết kế các bản tin cập nhật hoạt động xuất bản, phát hành tới thành viên của hiệp hội.
Cứ hai tuần một lần, Hiệp hội Xuất bản Canada gửi bản tin về Covid-19 tới thành viên. Giới xuất bản Canada lập danh mục hiệu sách độc lập để hỗ trợ việc bán hàng, tiến hành khảo sát từ thành viên để xác định tác động của Covid-19 tới hoạt động thực tế của nhiều đơn vị trong đại dịch.
Liên đoàn các nhà xuất bản châu Âu đã gửi bản tin nêu bật những diễn biến của Covid-19 tới thành viên của mình. Thời kỳ đầu đại dịch, bản tin này được gửi hàng ngày, sau đó chuyển sang cập nhật hàng tuần.
Các thành viên Hiệp hội Xuất bản Đức tổ chức cuộc gọi, hội nghị video hai tuần một lần để thảo luận phương pháp nhằm duy trì hoạt động. Hiệp hội này cũng cung cấp thông tin cập nhật hàng tuần về doanh số bán sách khi các hiệu sách mở cửa trở lại và công bố báo cáo về tác động của Covid-19 đối với ngành xuất bản.
New Zealand lập Liên minh Sách, một cơ quan điều phối bao gồm các nhà phát hành, tác giả và lễ hội văn học của New Zealand, để đưa ra sáng kiến chung, thúc đẩy việc đọc, hỗ trợ sự phát triển, khả năng tồn tại của ngành sách.
Các đơn vị xuất bản Nga tạo một nhóm trên ứng dụng nhắn tin để trao đổi thông tin chi tiết về chiến lược phục hồi kinh doanh và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn của đại dịch.
Anh lập đường dây trợ giúp hỗ trợ kinh doanh, nơi các nhà xuất bản, phát hành có thể nhận lời khuyên miễn phí về luật, thông tin việc làm, lời khuyên về thuế…
Các doanh nghiệp xuất bản Mỹ được hỗ trợ tiếp cận chương trình PPP (Paycheck Protection Program, chương trình cho vay kinh doanh trị giá 953 tỷ USD). Nhờ đó, nhà xuất bản nhỏ có thể giữ chân nhân viên.
Hiệu sách vắng khách vì Covid-19. Ảnh: Getty Images. |
Vận động chính sách hỗ trợ ngành xuất bản
Các đơn vị xuất bản, hiệp hội xuất bản cũng vận động cho chương trình hỗ trợ ngành sách. Hiệp hội Xuất bản Bỉ đã vận động chính phủ có quỹ hỗ trợ 56 triệu USD cho ngành sách. Hiệp hội Xuất bản vùng Flemish vận động coi sách là hàng hóa thiết yếu và phát triển chiến dịch truyền thông xã hội (qua video) về giá trị của ngành xuất bản.
Phòng sách Brazil, Liên minh các nhà xuất bản Brazil, Hiệp hội Thư viện quốc gia Brazil cùng kiến nghị chính phủ gia hạn nộp thuế doanh nghiệp, tìm kiếm gói hỗ trợ từ các tổ chức tài chính, hoãn thanh toán những khoản vay.
Các đơn vị xuất bản Canada đệ trình đề xuất khôi phục ngành lên Chính phủ Canada; yêu cầu một chương trình kích thích ngành xuất bản cụ thể, tăng cường tài trợ cho Quỹ Sách Canada, có chính sách vận chuyện, hỗ trợ tài chính, thuế…
Các nhà xuất bản Ai Cập thành lập ủy ban họp với các bộ như Bộ Văn hóa, Giáo dục, Thể thao, Phát triển Địa phương… với mục tiêu phân bổ ngân sách để mua sách. Ai Cập cũng giới thiệu các chương trình cho vay tới các nhà xuất bản, thành lập thư viện cộng đồng để tăng cường khả năng tiếp cận sách.
Liên đoàn Xuất bản châu Âu kêu gọi sự hỗ trợ từ các chính phủ ở châu Âu. Tổ chức này phối hợp với Liên đoàn các nhà bán sách châu Âu trình bày 10 biện pháp thực hiện ở cấp độ quốc gia và liên minh nhằm hỗ trợ ngành xuất bản.
Các nhà xuất bản Pháp tham gia một cuộc khảo sát để xây dựng đề xuất chung gửi tới chính phủ; đề xuất trợ cấp, cho vay, miễn thuế, có biện pháp kích cầu xuất bản.
Xuất bản Đức vận động chính phủ về một gói kích cầu, chương trình hỗ trợ 54 tỷ USD cho các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo và truyền thông, bao gồm cả xuất bản. Chương trình Neustart Kultur của Đức cũng dành 20 triệu euro hỗ trợ cho ngành sách, trong đó 10 triệu euro cho các nhà xuất bản, 10 triệu euro cho đơn vị phát hành.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thành lập quỹ khẩn cấp trị giá 273.000 USD với sự hỗ trợ từ chính phủ. Số tiền này được phân phối cho 19 nhà xuất bản bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Mỹ xây dựng liên minh cấp liên bang, tiểu bang để hỗ trợ các thành phần thuộc hệ sinh thái xuất bản. Các liên minh này đã vận động Quốc hội dành 2 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp cho thư viện công cộng.
Đẩy mạnh xuất bản, phát hành trực tuyến
Các hiệp hội, doanh nghiệp xuất bản cũng thực hiện những chương trình đào tạo trực tuyến, hỗ trợ kinh doanh. Ghana cung cấp khóa đào tạo trực tuyến về xuất bản sách điện tử. Indonesia có chương trình đào tạo trực tuyến về phát triển và bán sách điện tử, tiếp thị trực tuyến, hợp tác với các thị trường trực tuyến như Tokopedia, Bukulapak, Google.
Các thị trường xuất bản lớn đẩy mạnh làm sách điện tử và phát hành trực tuyến. Nhờ các biện pháp thúc đẩy thị trường trực tuyến, doanh số bán sách qua mạng của Đức tăng 27,2%. Doanh số sách điện tử tăng 16,2%, sách nói tăng 24,5%.
Hầu hết đơn vị xuất bản Mỹ đang tìm cách mở rộng kinh doanh thương mại điện tử. Theo Publishers Weekly, doanh số bán sách điện tử tại Mỹ liên tục phá kỷ lục.
Điểm sáng của ngành xuất bản trong đại dịch chính là sự tăng trưởng ngoạn mục của sách nói. Từ khi đại dịch diễn ra, nhu cầu nghe sách nói nhiều hơn, đặc biệt ở các quốc gia có văn hóa đọc phát triển. Bởi vậy, nhiều đơn vị tham gia ngành công nghiệp xuất bản Mỹ tập trung làm sách nói. Tại Mỹ, hơn 71.000 sách nói được xuất bản trong năm 2020, tăng 39% về số đầu sách so với năm 2019. Doanh thu sách nói ở quốc gia này đạt 1,3 tỷ USD năm 2020.
Các doanh nghiệp xuất bản, công nghệ tại Anh cũng tập trung làm sách nói. Doanh số sách nói ở Anh tăng trưởng ngoạn mục, khoảng 150 triệu USD năm 2020. Nga thúc đẩy sách nói phát triển, doanh thu quý I đạt khoảng 10 triệu USD.