Những năm gần đây, ngành xuất bản nước ta luôn đạt tăng trưởng. Năm nay, trong vài tháng liên tiếp, dịch bệnh ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống, ngành sách cũng không ngoại lệ.
Ông Phạm Trần Long – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới – nhận định ngành xuất bản đang khẩn trương phục hồi sau thời gian dài giãn cách chống dịch.
Hình ảnh tại Đường sách TP.HCM trong ngày mở cửa trở lại 9/10. Ảnh: Chí Hùng. |
Chỉ dấu của đà hồi phục
– Hôm qua, 9/10, Đường sách TP.HCM đã mở cửa trở lại. Ông nhìn nhận thế nào về sự kiện này?
– Sau khoảng thời gian dài mọi thứ gần như đóng băng, ngừng trệ để các lực lượng chức năng ứng phó làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 tại TP.HCM, việc Đường sách TP.HCM mở cửa trở lại là sự kiện quan trọng.
Nó không chỉ đánh dấu bước ngoặt thành công trong công tác ứng phó với đại dịch, mà còn đồng thời mang lại những tín hiệu tích cực của một nhịp sống được hồi sinh, dần trở lại nhịp điệu sôi động vốn có của mình.
Đây không chỉ là niềm vui của toàn thể ngành xuất bản, in và phát hành (mà hôm nay, 10/10, là ngày truyền thống). Đó còn là chỉ dấu của đà hồi phục tại thành phố năng động bậc nhất Việt Nam này. Tôi hy vọng Đường sách TP.HCM sẽ sớm nhen lên những tia hy vọng, để từ đó nhân rộng ra cho các đơn vị sách cũng như ngành nghề khác tại TP.HCM.
– Năm 2020, trong khi nhiều nền xuất bản trên thế giới lao đao vì dịch bệnh, ngành sách của chúng ta vẫn ổn định. Năm nay, Covid-19 bùng phát, theo quan sát của ông, ngành xuất bản chịu ảnh hưởng như thế nào?
– Trong phiên họp thường niên của Ban chấp hành Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á (ABPA) diễn ra chiều 8/7 theo hình thức trực tuyến, đại diện từng hội thành viên lần lượt trình bày báo cáo về tình hình khó khăn của ngành xuất bản nước mình trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành.
Trong bối cảnh khó khăn chung đó, việc Hội Xuất bản Việt Nam trình bày số liệu hoạt động của năm 2020, với hơn 36.000 đầu sách và hơn 400 triệu bản, được nhất trí đánh giá là điểm sáng của hoạt động xuất bản trong khu vực.
Theo quan sát của tôi, ngành xuất bản Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đó trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, kể từ tháng 7 tới nay, làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 khiến loạt thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… phải thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Dịch bệnh tác động tổng thể tới đà phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, ngành xuất bản cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta có thể điểm lại những khó khăn, thậm chí chưa có tiền lệ, về gián đoạn thị trường, đặc biệt tại các trung tâm đô thị với sức mua lớn; đứt gãy chuỗi cung ứng, điển hình là khó khăn khi vận chuyển cung ứng sách giáo khoa cho năm học mới; sức ép về cân đối dòng tiền, khi nguồn thu giảm sút mạnh mẽ trong khi vẫn phải đảm bảo các chi phí thường xuyên…
Quả thật để chống chịu được trước những vấn đề này không phải điều đơn giản.
– Sau thời gian dài giãn cách, hoạt động của các nhà xuất bản, công ty sách hiện ra sao?
– Cùng những tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19, ngành xuất bản Việt Nam cũng dần phát đi những tín hiệu đánh dấu khả năng hồi phục.
Nhịp điệu hoạt động của các nhà xuất bản, công ty sách được thực hiện nhanh hơn. Các dự án vốn chuẩn bị sẵn trong giai đoạn giãn cách trước đó được nhanh chóng triển khai.
– Để khắc phục tổn thất, nhanh chóng phục hồi, theo ông ngành sách cần được hỗ trợ như thế nào?
– Với những khó khăn nêu ra ở trên, một mình ngành xuất bản Việt Nam thực sự khó đương đầu. Chính vì vậy, theo tôi ngành xuất bản rất cần sự chung tay tiếp sức của các bộ, ban, ngành và cơ quan hữu quan.
Ngành sách cần được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ giãn và giảm tiền thuê nhà, đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ các điều kiện thống nhất trong giao thương, phân phối để đưa ấn phẩm sách báo tới tay bạn đọc một cách thuận lợi.
Hình ảnh tại lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba. Đây là một trong những hoạt động tích cực tôn vinh sách, tác giả, người làm sách. |
Nền tảng cho sự phát triển vững chắc của toàn ngành
– Ông nói ngành xuất bản đã phát triển, đạt tăng trưởng trong những năm gần đây. Theo ông, từ đâu ta có thành tựu đó?
– Trong những năm gần đây, ngành xuất bản, in và phát hành Việt Nam đều đạt được nhịp độ tăng trưởng ổn định và bền vững, thể hiện rõ nét ở số lượng đầu sách và tổng số bản sách.
Bên cạnh nội lực và truyền thống của các nhà xuất bản, các công ty sách, cơ sở in và phát hành, phải kể đến sự hỗ trợ định hướng sâu sát của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Xuất bản Việt Nam.
Từ góc độ đơn vị quản lý Nhà nước hay tổ chức xã hội – nghề nghiệp của toàn ngành, Cục và Hội luôn luôn đồng hành và hỗ trợ từng đơn vị trong ngành, cũng như đề xuất các giải pháp, cơ chế kịp thời cho những vấn đề mà ngành đang đối mặt.
Cục Xuất bản, In và Phát hành và Hội Xuất bản luôn đồng hành, hỗ trợ từng đơn vị trong ngành, cũng như đề xuất các giải pháp, cơ chế kịp thời cho những vấn đề mà ngành đang đối mặt.
Ông Phạm Trần Long
Lãnh đạo Cục và lãnh đạo Hội đều là những người am tường những thuận lợi, khó khăn của ngành, nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc nói chung ở Việt Nam.
Giải thưởng Sách Quốc gia đã và đang triển khai, Đề án Chương trình Sách quốc gia cung cấp sách nền tảng đang được xây dựng chính là sự hiện thực hóa nỗ lực của Cục và Hội trong việc khai phóng những điều kiện cho sự phát triển vững chắc hơn nữa của toàn ngành.
– Để phát triển hơn, ngành sách cần nắm bắt cơ hội, những xu hướng nào?
– Chuyển đổi số là câu chuyện tất yếu. Mảng sách điện tử, sách đa phương tiện, sách nói… sẽ không còn là câu chuyện của tương lai, mà là xu thế hiện hữu. Ngành sách Việt Nam cần nắm bắt xu hướng ngay lúc này.
Bên cạnh đó, mảng sách công cụ nền tảng cho các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội cũng sẽ có những bước tiến mới, đặc biệt sau khi Đề án Chương trình Sách quốc gia được phê duyệt. Những tủ sách phục vụ mục đích trang bị kiến thức nền cho việc phát triển đất nước hùng cường sẽ có thêm nhiều dư địa phát triển.