Connect with us

Tác giả

Murakami nói về những chỉ trích nữ quyền với sách của mình

Được phát hành

,

“Phụ nữ có chức năng tương đối khác biệt với đàn ông… Đó là cách đàn ông và phụ nữ cùng sống sót – giúp đỡ nhau, người này bù đắp cho những gì người kia thiếu sót”.

“Phụ nữ có chức năng tương đối khác biệt với đàn ông… Đó là cách đàn ông và phụ nữ cùng sống sót – giúp đỡ nhau, người này bù đắp cho những gì người kia thiếu sót”.

Haruki Murakami sinh ra ở Kyoto vào năm 1949 và hiện sống gần Tokyo. Các tác phẩm của ông đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ và chiến thắng nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế, bao gồm Giải thưởng Franz Kafka và Giải thưởng Jerusalem. Ông cũng đã nhận được bằng Tiến sĩ Danh dự từ Đại học Liege và Đại học Princeton vì những thành tựu trong văn học của mình.

Mieko Kawakami sinh ra ở Osaka năm 1976 và bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một ca sĩ, nhạc sĩ trước khi ra bắt đầu viết văn vào năm 2006. Tiểu thuyết đầu tay của cô, My Ego, My Teeth, and the World (tạm dịch: Bản Ngã Của Tôi, Răng Của Tôi, Và Thế Giới), xuất bản năm 2007, được đề cử Giải thưởng Akutagawa và đạt giải thưởng Tsubouchi Shoyo cho các nhà văn trẻ mới nổi. Tiểu thuyết ngắn Breasts and Eggs (Ngực Và Trứng) của cô cũng giành Giải thưởng Văn học Akutagawa danh giá nhất Nhật Bản và được khen ngợi từ nhà văn nổi tiếng Yoko Ogawa.

Tuy không thường nhận lời mời phỏng vấn, năm 2017, Haruki Murakami đã tạo một ngoại lệ cho Mieko Kawakami, một người ông rất ngưỡng mộ, và cũng đã viết về ảnh hưởng của Murakami trong tiểu thuyết của cô.

Kawakami chất vấn Murakami về cách các tiểu thuyết của ông thường có nhân vật chính là nam giới, với người phụ nữ được định nghĩa bởi bộ ngực của cô ấy, cũng như việc cô trở thành phương tiện để người nam khám phá thế giới.

Zing trích dịch cuộc phỏng vấn này, từ bản tiếng Anh được đăng tải trên Literature Hub vào tháng 4/2020.

nu quyen trong sach Murakami anh 1

Mieko Kawakami phỏng vấn Haruki Murakami. Ảnh: Literary Hub

– Mieko Kawakami: Tôi rất tò mò về nhân vật Mariye Akigawa trong Killing Commendatore (tạm dịch: Giết Kẻ Chỉ Huy). Cô ấy có vẻ rất căng thẳng về việc gán giá trị bản thân của mình với bộ ngực. Trường hợp này không giống những cô gái trẻ trong những cuốn khác của ông.

Tôi có thể dễ dàng hiểu các nhân vật như Yuki trong Dance Dance Dance (Nhảy Nhảy Nhảy), hay May Kasahara trong The Wind-Up Bird Chronicle (Biên Niên Ký Chim Vặn Dây Cót).

Tôi đang nghĩ về cảnh May Kasahara nói về chuyện “đường cong chết chóc … tròn trịa và mềm mại, giống như một quả bóng mềm”. May có những lời nói cực kỳ mạnh mẽ trong suốt cuốn tiểu thuyết, về sự lẫn lộn giữa việc làm tổn thương chính mình và làm tổn thương người khác, hoặc cái chết của chính mình và cái chết của người khác. Đoạn văn thật tuyệt vời.

Nó nắm bắt được chính xác tinh thần của một cô gái. Tôi rất thích những đoạn đó. Yuki và May không nói nhiều về bộ ngực hay cơ thể của họ. Nhưng Mariye trong “Killing Commendatore” …

– Haruki Murakami: Cô ấy thực sự gắn bó với chúng. Nó gần như là một nỗi ám ảnh.

– Mieko Kawakami: Chắc chắn rồi, nhưng ông có nghĩ rằng cô ấy bấu víu vào những điều đó thái quá không? Khi cô ấy gặp người kể chuyện, một anh chàng mà mình chưa bao giờ gặp trước đây, những lời đầu tiên thốt ra từ miệng cô ấy là một cái gì đó giống như, “Ngực của tôi nhỏ quá, anh có thấy vậy không?”. Tôi khá ngạc nhiên. Nỗi ám ảnh về bộ ngực này đến từ đâu?

– Haruki Murakami: Tôi không có ý nghĩ cụ thể nó đến từ đâu. Tôi chỉ nghĩ hẳn có những cô gái ngoài kia đều cảm thấy như vậy.

– Mieko Kawakami: Nhưng còn khoảng cách giữa cô ấy và người kia thì sao? Khi Mariye bắt đầu hỏi anh ấy về bộ ngực của mình, ông có gặp khó khăn gì với việc nghĩ xem anh ta nên trả lời thế nào không?

– Haruki Murakami: Tôi hiểu những gì cô nói. Nhưng việc cô ấy hỏi ý kiến ​​của anh ta về ngực mình cho thấy cô ấy không thực sự xem anh ta như một người đàn ông. Cô không coi anh ấy là một đối tượng.

Điều này củng cố tính hướng nội, hay bản chất về mặt triết học của cuộc đối thoại giữa họ. Đó là mối quan hệ mà Mariye muốn có với anh ta. Tôi có cảm giác cô ấy tìm kiếm một người mà cô ấy có thể hỏi về những thứ này đã lâu lắm rồi.

Tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý rằng, nói chung, nếu bạn thấy cơ hội để trở thành đối tượng trong mắt ai đó, bạn sẽ không bắt đầu câu chuyện bằng cách nói về việc ngực mình phát triển thế nào, hay núm vú mình nhỏ thế nào.

– Mieko Kawakami: Tôi hiểu quan điểm của ông, mặc dù thực sự tôi đã nghĩ ngược lại. Mariye bắt đầu mọi thứ theo cách đó để mời gọi anh ta. Nhưng ông nói rằng điều đó thực chất loại bỏ bất kỳ yếu tố tình dục nào giữa họ, và củng cố khía cạnh triết học trong mối quan hệ này?

– Haruki Murakami: Phải. Do đó, cuộc đối thoại giữa Mariye và người kể chuyện trở thành một trong những động lực của cuốn tiểu thuyết. Trao đổi của họ làm sáng tỏ câu chuyện theo một cách mới.

– Mieko Kawakami: Nói cách khác, cuộc trò chuyện cho chúng ta hiểu hơn về tính cách và cách xử sự của người kể chuyện – người vẫn còn là một điều bí ẩn đối với độc giả.

– Haruki Murakami: Đúng vậy. Anh ta là kiểu người mà một cô bé mười hai tuổi sẽ cảm thấy thoải mái khi nói chuyện cùng về bộ ngực của mình. Anh ấy là kiểu đó.

– Mieko Kawakami: Điều đó khiến tôi có một câu hỏi khác về những người phụ nữ trong tiểu thuyết của ông. Một điều xuất hiện khá thường xuyên khi nói về tác phẩm của ông. Tôi nghĩ đó là về cách người phụ nữ được miêu tả và vai trò của họ.

Những người bạn nữ của tôi thường hỏi, “Nếu bạn thích Haruki Murakami, bạn bào chữa thế nào cho cách ông ấy miêu trả những người phụ nữ?”. Có điều gì đó không ổn về cách khắc hoạ người phụ nữ trong các câu chuyện của ông. Nó làm một số người, cả nam và nữ, khó chịu.

– Haruki Murakami: Thật sao? Làm sao vậy?

– Mieko Kawakami: Nó không hẳn là việc có thực tế hay không mà liên quan nhiều hơn đến vai trò của họ. Ví dụ, như chúng ta đã nói trước đó, người phụ nữ đóng vai trò dẫn dắt, truyền đạt sự sắp xếp của số phận.

– Haruki Murakami: Cô ấy nắm tay và dẫn bạn đi.

– Mieko Kawakami: Chính xác. Cô ấy kích hoạt một sự biến đổi trong nhân vật chính. Có nhiều trường hợp người phụ nữ đóng vai trò như cánh cổng mở ra những cơ hội để biến chuyển.

– Haruki Murakami: Chắc chắn, tôi có thể thấy có những yếu tố đó.

– Mieko Kawakami: Trong những sự thay đổi này, khi tình dục được đặt ra như cách đi vào một cõi xa lạ, phụ nữ, đối mặt với một nhân vật chính dị tính, về cơ bản không có lựa chọn nào khác ngoài vai trò làm bạn tình.

Nhìn từ một góc độ nào đó, tôi nghĩ nhiều độc giả sẽ cho rằng phụ nữ mãi mãi gặp phải tình huống này, bị ép buộc đóng vai trò tình dục thái quá, đơn giản chỉ vì họ là phụ nữ.

Một số lượng lớn các nhân vật nữ tồn tại chỉ để thực hiện chức năng tình dục. Một mặt, ông có trí tưởng tượng vô tận với các âm mưu, các tầng ý nghĩa, và đàn ông, nhưng tuyệt nhiên không phải về mối quan hệ của họ với phụ nữ.

Những người phụ nữ này không thể tự mình tồn tại. Và trong khi các nhân vật nữ chính, hoặc thậm chí là nữ phụ, có mức độ tự thể hiện vừa phải, nhờ sự độc lập tương đối của họ, xu hướng chung vẫn là phụ nữ hy sinh vì đàn ông. Vì vậy, câu hỏi là, tại sao phụ nữ thường đóng vai trò này trong tiểu thuyết Murakami?

– Haruki Murakami: Đây có thể không phải là lời giải thích thỏa mãn nhất, nhưng tôi không nghĩ bất kỳ nhân vật nào của tôi đều phức tạp như vậy. Trọng tâm là sự tương tác, hoặc cách những người này, cả nam và nữ, tương tác với thế giới họ đang sống.

Nếu có bất cứ điều gì, tôi hết sức cẩn thận không chú tâm quá nhiều đến ý nghĩa của sự tồn tại, tầm quan trọng hoặc ý nghĩa của nó. Như tôi đã nói trước đó, tôi không quan tâm đến cá nhân nhân vật đơn lẻ. Và điều đó áp dụng cho cả nam và nữ.

Tôi sẽ nói rằng 1Q84 là tác phẩm tôi dành nhiều thời gian nhất để khắc hoạ một nhân vật nữ. Aomame rất quan trọng đối với Tengo và Tengo cũng rất quan trọng đối với Aomame.

Họ dường như hai đường thẳng song song không bao giờ giao nhau. Nhưng câu chuyện tập trung vào việc họ tiến đến gần nhau hơn. Họ cùng là nhân vật chính. Cuối cùng, họ đến với nhau. Hai trong một. Không có gì khiêu dâm tận đến cuối cùng. Với tôi, họ ngang bằng nhau.

– Mieko Kawakami: Tiểu thuyết dài của ông thường xoay quanh việc chiến đấu chống lại các thế lực lớn hơn. The Wind-Up Bird Chronicle đặt Toru và Kumiko Okada chống lại Noboru Wataya, và 1Q84 có Aomame và Tengo chiến đấu với một thế lực tà ác hùng mạnh. Điểm chung của hai cuốn tiểu thuyết này là những người đàn ông chiến đấu trong cõi vô thức.

– Haruki Murakami: Khi cô nghĩ nó theo cách đó, chắc chắn. Có lẽ đó là một vấn đề về vai trò của hai giới thông thường bị đảo ngược. Bạn sẽ nhìn nó như thế nào từ một quan điểm nữ quyền? Về phía tôi thì tôi không chắc chắn.

– Mieko Kawakami: Dễ thấy các nhân vật nam của ông chiến đấu một cách vô thức, ở bên trong, khiến phụ nữ phải chiến đấu trong thế giới thực. Ví dụ, trong The Wind-Up Bird Chronicle, chính Kumiko đã rút phích cắm hệ thống hỗ trợ sự sống, giết chết Noboru Wataya và cuối cùng phải trả giá. Và trong 1Q84, Thủ lĩnh bị giết bởi Aomame.

Không nhất thiết phải áp dụng lối phê bình nữ quyền cho mỗi cuốn tiểu thuyết, và theo đuổi chính nghĩa không phải là lý do các nhà văn viết tiểu thuyết, nhưng đọc những cuốn sách này từ góc độ nữ quyền, phản ứng phổ biến có thể sẽ là: “Lại là một người phụ nữ khác phải đổ máu vì sự giác ngộ của một người đàn ông.”

Hầu hết phụ nữ trong thế giới thực đều trải nghiệm việc là một người phụ nữ khiến cuộc sống của họ khó khăn ra sao. Giống như nạn nhân của các vụ tấn công tình dục, những người bị buộc tội là mời gọi.

Thực tế, việc làm cho một người phụ nữ cảm thấy tội lỗi vì cơ thể nữ tính của mình chẳng khác nào phủ nhận sự tồn tại của cô ấy. Có lẽ có một số phụ nữ ngoài kia chưa bao giờ nghĩ theo cách này, nhưng có nhiều cuộc tranh luận rằng họ đã bị xã hội gây áp lực để kìm nén cảm xúc của mình.

Đó là lý do tại sao người đọc có thể thấy rất mệt mỏi liên tục gặp mô tuýp này trong tiểu thuyết, một lời nhắc nhở về cách phụ nữ hy sinh vì lợi ích của đàn ông, phục vụ quá trình giác ngộ hoặc ham muốn tình dục của họ.

– Haruki Murakami: Tôi nghĩ bất kỳ mô tuýp nào có lẽ cũng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi không bao giờ dàn xếp mọi thứ như vậy có mục đích. Tôi đoán câu chuyện có thể diễn biến theo hướng đó, hoàn toàn vô thức.

Nghe có vẻ tuỳ tiện, nhưng các tác phẩm tôi viết không theo bất kỳ lộ trình rõ ràng nào. Ví dụ như Norwegian Wood (Rừng Na Uy) với Naoko và Midori vật lộn với sự tồn tại trong tiềm thức và ý thức của họ. Người đàn ông kể chuyện ở ngôi thứ nhất bị cả hai quyến rũ. Và điều đó đe dọa sẽ chia đôi thế giới của anh ta.

Và có After Dark (Sau Nửa Đêm), câu chuyện chỉ xoay quanh ý chí của các nhân vật nữ. Vì vậy, tôi không đồng ý rằng phụ nữ luôn bị mắc kẹt trong vai phụ như đối tượng tình dục hoặc bất cứ điều gì như cô đề cập.

Ngay cả khi tôi quên mất cốt truyện, tôi vẫn nhớ những nhân vật nữ này. Giống như Reiko hay Hatsumi trong Norwegian Wood. Ngay cả bây giờ, chỉ nghĩ về họ thôi đã làm tôi xúc động.

Những người phụ nữ này không chỉ là phương tiện trong tác phẩm của tôi. Mỗi tác phẩm đều khai thác một hoàn cảnh riêng. Tôi không lấy cớ. Tôi nói từ cảm xúc và kinh nghiệm của mình.

– Mieko Kawakami: Tôi hiểu ý ông. Là một nhà văn, tôi cũng đã quen với những gì ông đề cập tới khi nói về cảm xúc. Đồng thời, tôi thấy giờ độc giả đã có thể hiểu những trải nghiệm đọc chúng ta thảo luận.

Có một điều thực sự quan trọng với tôi về những gì ông vừa nói, theo quan điểm ​​của bạn, phụ nữ có thể vượt ra ngoài tình dục, hoặc tồn tại hoàn toàn tách biệt với nó, và có khả năng đưa câu chuyện đi theo một hướng hoàn toàn khác.

nu quyen trong sach Murakami anh 2

Cảnh trong phim Rừng Na Uy, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Murakami.

Haruki Murakami: Phải. Tôi cảm thấy phụ nữ có chức năng tương đối khác biệt với đàn ông. Có thể nghe rất sáo rỗng, nhưng đó là cách đàn ông và phụ nữ cùng sống sót – giúp đỡ nhau, người này bù đắp cho những gì người kia thiếu. Đôi khi điều đó có nghĩa là hoán đổi vai trò hoặc chức năng giới.

Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào từng người, và hoàn cảnh của họ, cho dù họ xem điều này là vô tình hay hữu ý, là công bằng hay bất công. Cho dù họ thấy khác biệt về giới tính có liên quan đến sự đối đầu gay gắt, hoặc cân bằng hài hòa. Có lẽ nó không hẳn là bù đắp cho nhau, mà giống như triệt tiêu nhau.

Trong trường hợp của tôi, tôi chỉ có thể giải quyết những câu hỏi phức tạp này thông qua tiểu thuyết. Không cần nó phải là tích cực hay tiêu cực, điều tốt nhất tôi có thể làm là tiếp cận những câu chuyện này một cách thuần tuý, từ bên trong chính bản thân mình.

Tôi không phải là một nhà tư tưởng, nhà phê bình hay nhà hoạt động xã hội. Tôi chỉ là một tiểu thuyết gia. Nếu ai đó nói với tôi rằng tác phẩm của tôi đầy lỗi khi đánh giá theo một khía cạnh nhất định, hoặc đáng lẽ nên đầu tư nhiều chất xám hơn, tất cả những gì tôi có thể làm là xin lỗi, ngay lập tức, một cách chân thành.

***

– Mieko Kawakami: Trong các tiểu thuyết của Raymond Chandler, phụ nữ thường có vai trò đưa ra một nhiệm vụ, hoặc một công việc để người đàn ông thực hiện.

Ở một mức độ nào đó, tác phẩm của ông sẽ phần nào giống với cách phụ nữ được miêu tả trong các tiểu thuyết mà ông đã đọc, vì những gì chúng ta đọc có ảnh hưởng lớn đến những gì chúng ta viết.

Nhưng trong tất cả những người phụ nữ trong tác phẩm của ông, người ấn tượng sâu đậm nhất với tôi trong vai trò nhân vật chính là trong truyện ngắn Sleep (Ngủ) – nằm trong cuốn The Elephant Vanishes (Con Voi Biến Mất), 1993.

Tôi đã nghiền ngẫm rất nhiều nhân vật nữ do tác giả nữ viết và nhân vật nữ do tác giả nam viết, nhưng cho đến nay, tôi chưa bao giờ gặp người phụ nữ nào như nhân vật trong Sleep. Nó là một tác phẩm phi thường.

– Haruki Murakami: Câu chuyện đó đăng trên tờ New Yorker, khi tôi còn là một nhà văn vô danh ở Mỹ. Hầu hết người đọc đều nghĩ rằng Haruki Murakami là phụ nữ. Tôi đã nhận được rất nhiều thư từ những người phụ nữ cảm ơn tôi vì đã viết rất hay. Thật không ngờ.

– Mieko Kawakami: Có phải Sleep là lần đầu tiên ông viết truyện từ góc nhìn của một người phụ nữ?

– Haruki Murakami: Đúng vậy.

– Mieko Kawakami: Điều gì đã khiến ông muốn tập trung vào một nhân vật nữ? Có phải nó chỉ tự nó xảy ra?

– Haruki Murakami: Tôi đã viết câu chuyện đó khi sống ở Rome. Không hẳn là suy sụp tinh thần, nhưng lúc đó tôi đang hơi khủng hoảng bởi dư luận xung quanh Norwegian Wood, lúc đó bán chạy nhất ở Nhật Bản.

Tôi không chịu nổi nữa và muốn chạy trốn. Vì vậy, tôi rời Nhật Bản đến Italy, lánh đi một thời gian. Tôi đã chán nản và không thể viết sách được. Nhưng một ngày nọ, tôi lại muốn viết một cái gì đó nữa, và đó là khi tôi viết cuốn TV People (Người TV) và Sleep. Tôi nhớ đó là đầu xuân.

– Mieko Kawakami: Câu chuyện nào ông hoàn thành trước? Có phải là TV People?

– Haruki Murakami: Tôi nghĩ TV People xong trước. Tôi đã xem một video âm nhạc của Lou Reed trên MTV và đột nhiên có cảm hứng dạt dào đến nỗi viết liền một mạch. Sau đó, tôi chuyển sang vai người dẫn truyện nữ cho Sleep.

Đó có lẽ là cách tốt nhất thể hiện những gì tôi cảm thấy lúc đó. Tôi muốn một chút khoảng cách, thậm chí đối với chính bản thân mình. Có lẽ đó là lý do tôi chọn một nhân vật nữ chính. Theo như tôi nhớ, tôi cũng đã viết nó khá nhanh.

– Mieko Kawakami: Sleep là một tác phẩm đáng kinh ngạc. Không ngủ được cũng giống như sống trong một thế giới không có cái chết. Sự lo âu là một loại căng thẳng đặc biệt, nó canh cánh, kéo dài không ngừng nghỉ.

Nó là một phép ẩn dụ hoàn hảo cho người phụ nữ. Hẳn là ông đã dành khá nhiều thời gian để viết tác phẩm này? So với các truyện ngắn khác.

– Haruki Murakami: Chắc chắn rồi, nhưng tôi mất khoảng một tuần để chỉnh sửa.

– Mieko Kawakami: Tôi đã dành vài ngày để nghiền ngẫm từng dòng trong Sleep. Thực sự tôi chưa bao giờ đọc về một người phụ nữ nào như thế này trước đây.

Là một người phụ nữ, tôi rất vui mừng khi bắt gặp một người cùng giới “mới lạ” như vậy. Càng ngạc nhiên hơn khi người tạo nên nhân vật nữ đó lại là một người đàn ông. Câu chuyện là một kinh nghiệm tuyệt vời.

Trong số tất cả các nhân vật nữ trong tiểu thuyết của ông, người phụ nữ trong trong Sleep nổi trội hơn cả. Là một người ủng hộ nữ quyền, khi gặp nhân vật này, tôi càng thêm tin tưởng vào tài năng và các tác phẩm của ông. Cả lối hành văn và sử dụng từ ngữ.

Tôi biết ông đã từng dịch truyện ngắn của nữ nhà văn Grace Paley sang tiếng Nhật, điều này cũng có thể có ảnh hưởng tới cách ông khắc hoạ các nhân vật nữ.

– Haruki Murakami: Cũng không hẳn vậy. Tôi dịch truyện của Grace Paley vì tôi thấy nó rất thú vị. Tôi không quá tập trung vào cách cô ấy miêu tả phụ nữ.

Khi viết Sleep, tôi ghi lại bất cứ điều gì mình nghĩ, hình dung một người phụ nữ sẽ làm thế nào trong hoàn cảnh đó. Người dẫn truyện khi đó cũng tình cờ là một người phụ nữ. Tôi không chủ ý khai phá tâm trí phụ nữ.

– Mieko Kawakami: Khi viết về một nhân vật nữ, có một số mô tuýp nhất định thường được sử dụng để độc giả, cả nam hoặc nữ, cảm nhận được sự chân thật của nhân vật và tác phẩm, nhưng câu chuyện này không có.

– Haruki Murakami: Trừ đoạn kết, khi nhân vật chính dừng xe ở bến nước vào ban đêm. Trong cảnh đó, tôi nhận thức sâu sắc về việc cô ấy là một người phụ nữ. Hai người đàn ông bao vây chiếc xe của một người phụ nữ trong đêm và đẩy qua đẩy lại? Điều đó thực sự đáng sợ.

– Mieko Kawakami: Nó cũng khá đáng sợ đối với một người đàn ông, nhưng có lẽ còn tệ hơn đối với một người phụ nữ.

– Haruki Murakami: Trong mọi khía cạnh khác, tôi tạo nên nhân vật là một con người, chứ không thực sự nghĩ sâu về cô ấy như một người phụ nữ.

– Mieko Kawakami: Phải rồi. Tôi nghĩ rằng chính điều này đã tạo ra khoảng cách, tập trung vào khía cạnh con người của nhân vật nữ, điều đó làm sáng tỏ bản chất của cô ấy như một người phụ nữ, ít nhất là trong suy nghĩ của tôi.

Tôi chưa bao giờ gặp một người phụ nữ nào như thế này ở bất kỳ tác phẩm nào khác. Thật là một câu chuyện tuyệt vời.

– Haruki Murakami: Nhìn lại, tôi nghĩ câu chuyện vẫn có thể thành công tương đương nếu nhân vật chính là một ông chồng nội trợ có vợ là một nữ bác sĩ hoặc nha sĩ, và người chồng không ngủ được, thức cả đêm làm việc nhà. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những thứ khác đi theo cách nào đó.

– Mieko Kawakami: Tôi nghĩ điều quan trọng là đôi vợ chồng có một đứa con trai. Phụ nữ mới là người sinh con. Nhận thức của cô ấy về điều này khiến cô ấy tuyệt vọng, cảm xúc này người chồng khó có thể chia sẻ được.

– Haruki Murakami: Cô ấy oán hận chồng mình. Tôi cảm thấy sự oán hận đó là điều chỉ phụ nữ mới có.

– Mieko Kawakami: Nó vượt xa sự oán hận, nhưng chắc chắn còn điều gì đó nữa.

– Haruki Murakami: Đúng. Thỉnh thoảng khi ở nhà, tôi có thể cảm thấy nó đeo bám tôi. Dai dẳng.

– Mieko Kawakami: Trong hầu hết cuộc hôn nhân, tình trạng đó thường xuyên xảy ra. Tôi đã ngẫm nghĩ về cách chồng và con cô ấy được miêu tả, họ làm mọi việc lặp đi lặp lại như nhau, như cách họ vẫy chào cô ấy hàng ngày.

Bởi vì sự oán hận không được nói hẳn ra, người đọc sẽ tự cảm nhận thấy. Việc nhân vật chính đọc Anna Karenina cũng là một gợi ý.

– Haruki Murakami: Anna Karenina. Một ví dụ kinh điển về sự oán hận của người phụ nữ đối với chồng mình. Có lẽ Tolstoy, trong cuộc sống gia đình của ông, đã cảm thấy sự căng thẳng đó.

– Mieko Kawakami: Ông đã sáng tạo ra rất nhiều nhân vật nam trong các tác phẩm của mình, nhưng ông có nghĩ rằng trong các cuốn sách sau này sẽ có những nhân vật nữ giống như Menshiki trong Killing Commendatore, một kiểu người hơi bí ẩn hoặc lạ lẫm, mới mẻ tới mức có thể khiến độc giả ngạc nhiên không?

Hay ông vẫn sẽ trung thành với kiểu nhân vật nữ truyền thống và thực tế lâu nay?

– Haruki Murakami: Tôi sẽ tiếp tục tạo ra các nhân vật mới, khác trước đây, chắc chắn điều này cũng áp dụng cho các nhân vật nữ.

Ví dụ như Shoko Akigawa, tuy mới là nhân vật phụ, nhưng theo quan điểm của tôi, khác xa hầu hết nhân vật mà tôi đã viết. Với tôi, có điều gì đó thực sự đặc biệt về cô ấy. Tôi muốn tìm hiểu thêm về cô ấy. Tôi có cảm giác mình mới chỉ nhìn trên bề mặt thôi.

– Mieko Kawakami: Tôi tò mò muốn biết cô ấy đã đọc những gì. Ông nghĩ những cuốn nào sẽ là sách gối đầu giường của cô ấy? Những cuốn tiểu thuyết khó đọc nhất? Tôi rất muốn biết. Giống như, khi cô ấy chọn đọc một tác phẩm, thì đó sẽ là cuốn gì?

– Haruki Murakami: Có lẽ là một cái gì đó thật hoành tráng, như Romance of the Three Kingdoms (một trò chơi điện tử – ND).

– Mieko Kawakami: Shoko là kiểu người cứng rắn. Nhiều tiểu thuyết miêu tả rất chi tiết, rõ ràng “từ đầu đến chân” nhân vật nữ, từ kiểu tóc, quần áo, … như ở Chandler.

Trong tiểu thuyết của ông có xu hướng bắt đầu với các chi tiết nhỏ về quần áo. Ông đã tìm hiểu thế nào về quần áo phụ nữ?

– Haruki Murakami: Tôi không làm gì cả. Tôi chỉ viết những gì tôi nghĩ. Tôi không có thời gian nghiên cứu về việc đó. Khi tôi tạo nên hình ảnh của một nhân vật nữ, những gì cô ấy mặc tự nhiên xuất hiện trong tâm trí tôi.

Nhưng có lẽ tôi cũng là người rất chú ý đến quần áo của phụ nữ trong đời thực. Bản thân tôi cũng là một người hay mua sắm.

– Mieko Kawakami: Người vợ Tony Takitani – một truyện ngắn trong cuốn Blind Willow, Sleeping Woman (Cây Liễu Mù, Người Đàn Bà Ngủ), 2002 – là một người mua sắm liên tục, cũng chính vì thế mà cuối cùng cô ấy chết trong một tai nạn xe hơi. Mỗi khi nghĩ về quần áo, cô ấy lại rùng mình, một chi tiết mà tôi rất thích.

Khi trò chuyện với ông, tôi nhớ lại sự đa dạng của các nhân vật nữ mà ông đã viết. Họ không giống nhau, không cùng một kiểu người. Mặc dù tất nhiên, viết về một nhân vật nữ không đồng nghĩa với việc phải làm cô ấy có vai trò quan trọng trong câu chuyện.

– Haruki Murakami: Thành thật mà nói, tôi không hiểu tại sao phải rập khuôn các nhân vật này. Chúng ta có thể nói về một nhóm những người phụ nữ trong tiểu thuyết của tôi, nhưng với tôi, họ là những cá thể độc nhất, và ở mức độ cơ bản, trước khi xem họ là đàn ông hay phụ nữ, tôi nhìn nhận họ là một con người.

Nhưng tạm gạt tất cả sang một bên, cô thấy người vợ trong truyện ngắn The Little Green Monster (Quái Vật Nhỏ Màu Xanh) – cũng nằm trong cuốn The Elephant Vanishes, 1993 – thế nào? Cô ấy có phải là một người đáng sợ không?

– Mieko Kawakami: Vâng, cả cô ấy nữa.

– Haruki Murakami: Tôi đã khám phá một kiểu tàn ác mà dường như chỉ phụ nữ mới có. Tôi có thể cảm nhận được điều đó, nhưng hơi khó tiếp cận. Tôi không muốn gặp rắc rối vì động chạm tới vấn đề khác biệt giới tính, nhưng tôi nghĩ sự tàn nhẫn này rất hiếm ở nam giới.

Đàn ông tất nhiên có thể tàn nhẫn, nhưng tôi nghĩ nó dễ đoán, logic hơn, hoặc như biểu hiện của bệnh lý tâm thần. Nhưng sự cay nghiệt của phụ nữ xảy ra thường nhật hơn, đôi khi bình thường hiển hiện tới mức khiến người ta không nhận thức được. Ngạc nhiên là rất nhiều độc giả nữ rất thích The Little Green Monster.

– Mieko Kawakami: Vâng, rất nhiều bạn bè của tôi thích câu chuyện đó. Nó cũng là một trong những tác phẩm yêu thích của tôi.

Làm thế nào để diễn tả nhỉ? Nó giống như, đáng sợ mà không bị coi là đáng sợ, khiến người đọc coi nó hoàn toàn bình thường. Một kiểu tàn ác quen thuộc.

Nguồn: https://zingnews.vn/murakami-noi-ve-nhung-chi-trich-nu-quyen-voi-sach-cua-minh-post1081512.html

Tác giả

Để dòng chảy văn hóa đọc luôn được khơi thông, tiếp nối

Được phát hành

,

Bởi

Khẳng định sách có vị trí trung tâm trong đời sống văn hóa, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người đọc sách.

Zing News giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, chiều 21/4.

Hôm nay, chúng tôi rất vui mừng khi đến tham dự Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai tổ chức tại thành phố Huế, một vùng đất có nhiều truyền thống lịch sử và rất đậm đà bản sắc Việt Nam. Tôi nhiệt liệt chào mừng và thân ái gửi đến quý vị đại biểu và các vị khách quý tham dự lễ khai mạc, cũng như bạn đọc cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Truyền thống hiếu học, trọng sách của dân tộc ta

Thưa quý vị đại biểu, khách quý và bạn đọc cả nước! Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về vai trò của sách đã nhấn mạnh: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.

Cách đây hơn 2 thế kỷ, đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới từng khẳng định: “Sách vở đầy bốn vách / Có mấy cũng không vừa”.

Những lời khẳng định này đã phần nào đúc kết được truyền thống hiếu học, trọng sách của dân tộc ta.

Để tiếp tục khẳng định vai trò của sách và đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.

Thời gian qua, Ngày Sách Việt Nam đã ngày càng khẳng định được ý nghĩa, vị trí, vai trò, nhiệm vụ và từng bước đi lên một tầm cao mới. Cụ thể là năm 2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng, những năm qua, cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, cộng đồng, địa phương, các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, các thư viện và những doanh nghiệp, cá nhân đã nhiệt tình tham gia hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, giúp cho công tác xuất bản có bước phát triển nhanh, làm cho văn hóa đọc có sự tiến bộ đáng được ghi nhận.

Phong trào đọc sách, tặng sách đã đến được nhiều nơi trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là ‘nền tảng tinh thần’, ‘động lực phát triển’, và ‘soi đường cho quốc dân đi’; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.

Vai trò trung tâm của sách trong đời sống

Năm nay, tại thành phố Huế, trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước, vùng đất giàu tính lịch sử, nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa giá trị của Việt Nam, lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai cùng Hội sách chào mừng đã được các đơn vị phối hợp tổ chức trang trọng, đảm bảo xứng tầm với sự mong đợi của bạn đọc trong cả nước.

Sự kết hợp giữa nét văn hóa truyền thống cùng yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang

Sự kết hợp hài hòa giữa những nét văn hóa truyền thống cùng những yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc trong đời sống văn hóa để dòng chảy văn hóa đọc luôn được khơi thông, tiếp nối.

Chúng tôi tin tưởng rằng các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức hôm nay và trong những ngày tới tại thành phố Huế cũng như khắp mọi miền Tổ quốc sẽ thực sự phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống: Tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách.

Chúng tôi đề nghị cả hệ thống chính trị các cấp, các bộ ngành, cộng đồng, địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp, tập trung đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như: Xây dựng văn hóa, khuyến học…; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách nhằm tạo ra tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Nhân dịp này, đề nghị Bộ Ngoại giao, các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường cả sự gắn kết, làm cầu nối cho hành trình Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lan tỏa đến bà con người Việt đang ở xa Tổ quốc nhưng rất gần về tâm hồn và văn hóa của quê cha đất mẹ Việt Nam.

Một lần nữa, xin được thay mặt Chính phủ, xin chúc các vị đại biểu, khách quý và bạn đọc luôn hạnh phúc và nhiều niềm vui!

Chúc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai và các hoạt động chào mừng trên cả nước thành công tốt đẹp!

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai khai mạc ngày 21/4 tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế, kéo dài đến hết ngày 25/4. Trong khuôn khổ chương trình, bên cạnh hội sách, còn có nhiều sự kiện đáng chú ý như: Tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và nền tảng hỗ trợ xuất bản, phát hành” sáng 22/4; tọa đàm “Dư luận nữ quyền tại Huế xưa và nay” chiều 22/4; tọa đàm giới thiệu sách “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc” sáng 23/4…

Nguồn: https://zingnews.vn/de-dong-chay-van-hoa-doc-luon-duoc-khoi-thong-tiep-noi-post1424222.html

Tiếp tục đọc

Tác giả

Hiểu về ngành xuất bản qua ‘Những con chữ ngoài trang sách’

Được phát hành

,

Bởi

Ông Trần Đình Ba, tác giả sách “Những con chữ ngoài trang sách”, nhận định rằng in ấn, xuất bản thời nay đã là thời của khoa học công nghệ; các hoạt động cũng được chuyên môn hóa.

Trần Đình Ba là tác giả đã có những tác phẩm nghiên cứu ấn tượng như Việt án – Lần theo trang sử cũ, Đằng sau mặt báo – Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945.

Với kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử của mình, kết hợp cùng hiểu biết của một người làm trong ngành xuất bản (là một trong những người làm xuất bản tiêu biểu trong dịp kỷ niệm 70 năm ngành Xuất bản, in và phát hành Việt Nam), ông đã thực hiện cuốn sách Những con chữ ngoài trang sách, trưng ra những mảnh nhỏ về in ấn, xuất bản và phát hành sách từ khi có kỹ thuật in chữ rời người Pháp du nhập đến 1945.

Trao đổi với Zing, tác giả chia sẻ về quá trình nghiên cứu, thu thập tư liệu, đồng thời cung cấp góc nhìn đối chiếu, so sánh xuất bản xưa và nay.

Nỗi tò mò từ khi ngồi trên ghế nhà trường

Điều gì khiến ông nghiên cứu về sách vở, xuất bản giai đoạn trước 1945?

– Lý do thì rất nhiều. Trước hết thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945 có nhiều tác giả, tác phẩm hay, nổi tiếng, để lại dấu ấn lớn trong sự phát triển văn học, lịch sử và nói chung là văn hóa Việt Nam một thời như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh…

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được đọc nhiều tác phẩm liên quan của Hồ Biểu Chánh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… nhưng số đó còn quá ít so với kho tàng đồ sộ họ để lại.

Đó là lý do thôi thúc tôi phải tìm đọc thêm và không chỉ ở mảng văn học, mà những tác phẩm lịch sử, địa chí của Diệp Văn Kỳ, Đặng Thúc Liêng, Cao Hải Để, Đào Trinh Nhất, Ngô Vi Liễn, Huỳnh Thị Bảo Hòa…

Thêm nữa, sách vở, hoạt động xuất bản thời gian nửa cuối thế kỷ XIX đến 1945 hiện nay lưu trữ, còn lại không đầy đủ. Hoạt động xuất bản thời gian này rất ít sách viết. Chẳng hạn sách Lịch sử xuất bản sách Việt Nam năm 1996, nội dung dành cho thời gian cuối thế kỷ XIX đến 1945 chỉ hơn 40 trang, không bao quát được diện mạo xuất bản thời gian đó và chỉ tập trung mảng xuất bản.

con chu ngoai trang sach anh 1
Tác giả Trần Đình Ba. Ảnh: Thanh Trần.

Việc cần có tài liệu tìm hiểu, bổ khuyết một mảnh nào đó cho hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách từ khi có kỹ thuật in chữ rời của phương Tây du nhập vào theo bước chân người Pháp cho đến 1945, là rất cần thiết không chỉ đối với người trong nghề nói riêng, mà cả với độc giả nói chung.

Qua đó, chúng ta hình dung rõ hơn về in ấn, xuất bản, phát hành sách ở Việt Nam trong một khoảng thời gian gần cả 100 năm còn chưa có nhiều người tìm hiểu hệ thống.

Tất nhiên, để thực hiện được một tác phẩm thiên về in ấn, xuất bản, phát hành như thế, cần nhiều thời gian, công sức và nhất là nguồn tài liệu liên quan.

Lợi thế của tôi là người làm trong nghề, hiểu biết mức độ nhất định về lĩnh vực này. Trước khi thực hiện tác phẩm này, tôi đã dành thời gian rảnh rỗi ít ỏi có được để đọc, gạn lọc, tìm hiểu, viết bài đăng liên quan đăng rải rác ở các báo, tạp chí: Thanh niên, Phụ nữ TP.HCM, Pháp luật TP.HCM, Văn nghệ TP.HCM, Zingnews… Trong đó có những chuỗi bài dài kỳ “Phía sau trang sách”, “Mở trang sách cũ”.

Từ một dung lượng nội dung nhất định đã thực hiện rời rạc, tôi tạo động lực cho bản thân xây dựng đề tài, dựng khung đề cương và từ đó viết, bổ sung để tạo thành tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách.

Ông đã thu thập, tìm kiếm tài liệu về tiến trình phát triển của ngành xuất bản như thế nào?

– Tư liệu cho đề tài có hai nguồn chính.

Một nguồn là ghi chép, hồi ký, hồi ức của những người thời ấy hoặc liên quan Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Đặng Thúc Liêng, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Hồ Hữu Tường… Những hồi ký, hồi ức đó đề cập nhiều đến hoạt động báo chí và xuất bản sách dù chỉ viết xen lẫn vào trong hồi ký của họ.

Bên cạnh đó là báo chí khắp ba kỳ cuối thế kỷ XIX cho đến 1945 thỉnh thoảng vẫn đề cập đến xuất bản sách hay giới thiệu sách mới như Thông loại khóa trình (Sự loại thông khảo), Nam Kỳ, Dân báo, Nông cổ mín đàm, Công luận báo, Phong hóa, Điễn tín, Tràng An báo, Sài Gòn

Từ những sách hồi ký, hồi ức mà bản thân có được, cũng như nguồn file báo chí liên quan tiếp cận được, tôi lần về những tài liệu sách vở liên quan được họ đề cập.

Nhưng trong khi sử dụng tài liệu, tôi cũng phải vất vả để đối sánh giữa ghi chép trong hồi ký, hồi ức theo trí nhớ của người liên quan với thực tế đã xảy ra. Vì có những ghi chép các tác giả nhầm thời gian, sự kiện hoặc nhầm tên tác giả, tác phẩm.

Chẳng hạn Nguyễn Công Hoan nhớ tác phẩm Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ của Đào Trinh Nhất là do nhà in Nghiêm Hàm thực hiện, nhưng thực tế là do Nhà in Thụy Ký in năm 1924; hay cuốn Loạn Thái Nguyên của Trần Huy Liệu in năm 1935, trong khi bản thân ông lại nhớ nó ra đời sau khi Tiếng vang làng báo đình bản, mà Tiếng vang làng báo đình bản năm 1936…

Ngoài nguồn nguồn tư liệu trên, thì quan trọng hơn nữa phải có tài liệu thực chứng là chính những sách đã được xuất bản.

Bản thân tôi hay tìm tư liệu để phục vụ công việc biên tập, đối sánh việc sử dụng tài liệu tham khảo, trích dẫn của các tác giả cũng như có nguồn tài liệu sử dụng viết báo (Nhờ nguồn ebook có được từ Thư viện quốc gia Pháp, Thư viện quốc gia Việt Nam và nhiều nguồn khác với khoảng 2 vạn tài liệu khác nhau, trong đó một lượng lớn là những sách xuất bản 1945 trở về trước); nên khi triển khai đề tài này, mình có thể đọc được những tài liệu liên quan đó để dẫn chứng.

Nhưng với quỹ thời gian hạn hẹp, cũng như viết dạng khái quát theo chủ đề, nên không thể nào bao quát hết được tất cả sách, tài liệu liên quan mà tôi được tiếp cận, đó là chưa kể còn thiếu rất nhiều tác giả, tác phẩm mà bản thân chưa thể tiếp cận. Trong tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách, tôi chỉ có thể điểm qua được vài trăm đầu sách cùng các tác giả liên quan trong đời sống xuất bản thời gian đó.

Trong quá trình nghiên cứu, có điểm gì về ngành xuất bản ông cảm thấy đặc biệt thú vị?

– Một cách bao quát và chung nhất, thì ngành nào cũng có những nét riêng biệt làm nên đặc trưng so với ngành nghề khác. Hoạt động xuất bản cũng vậy.

Những điểm thú vị nếu gạn lọc, tôi có thể là nói đến những nét riêng nho nhỏ, khác biệt của xuất bản 1945 về trước như việc in giá trên bìa 1, có sách đưa cả mục lục hoặc yếu mục lên bìa 1; hay không như bây giờ có trang lưu chiểu ghi rõ người chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập, dàn trang, vẽ bìa và số lượng in, đơn vị in… thời đó trang này chủ yếu chỉ ghi địa điểm in ấn, số lượng bản in, bản thường, bản đặc biệt nếu có mà thôi; và sách thời đó cũng như báo, đăng rất nhiều quảng cáo cho đủ thứ nhãn hàng, không chỉ ở bìa 4 mà cả có ở trong trang nội dung.

Còn về tổng quan, dẫu mỗi thời, hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành có khác nhau, vẫn có những mẫu số chung như trong xuất bản vẫn có những ông lớn – cả nhà nước và tư nhân; sách cũng đa dạng thể loại, phân nhiều cấp độ như sách bản phổ thông, sách đặc biệt cho người chơi sách; có những giai đoạn sẽ có những dòng sách được độc giả ưa chuộng, trở thành trào lưu như hiện tượng tiểu thuyết Tàu đầu thế kỷ XX, tiểu thuyết ba xu giữa những năm 1930, cũng như xuất bản thời nay từng có dạo tiểu thuyết đam mỹ tạo sóng trong làng xuất bản…

con chu ngoai trang sach anh 2
Sách Những con chữ ngoài trang sách của Trần Đình Ba cung cấp nhiều thông tin thú vị về ngành xuất bản Việt Nam. Ảnh: ĐB.

In ấn, xuất bản và phát hành ngày nay được chuyên môn hóa

Đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa xuất bản ngày nay so với giai đoạn ông nghiên cứu trong sách?

– Nếu nói về khác nhau, có lẽ phải có cả một nghiên cứu đối sánh, thống kê mới hợp lẽ được. In ấn, xuất bản thời nay đã là thời của khoa học công nghệ rồi.

Đơn cử như việc in sách không còn phải tỉ mẩn nhặt từng con chữ bỏ vào khuôn in như trước nữa, mà đã tiến tới bước máy móc được lập trình theo sự điều khiển của con người để in ấn. Hay phát hành thời xưa để sách đến được với người đọc, phải thông qua hệ thống đại lý là các cửa hàng sách lớn nhỏ ở các tỉnh thành.

Ngày nay việc kinh doanh, phát hành sách theo cửa hàng sách truyền thống nhỏ lẻ theo hộ gia đình thậm chí đang thui chột, các cửa hàng sách gia đình chủ yếu bán sách giáo khoa, sách tham khảo và văn phòng phẩm cho học sinh, còn các hiệu sách lớn cũng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sàn thương mại điện tử mà người có nhu cầu, chỉ cần cài đặt ứng dụng trên thiết bị điện tử cá nhân, thực hiện vài thao tác là có thể ngồi chờ sách được giao đến tận tay trong dăm ngày hay thậm chí là trong 2 giờ (ở những thành phố lớn).

Như trên chỉ là hai khác biệt cơ bản về in ấn, phát hành của ngày xưa so với ngày nay.

Lại có những sự khác biệt cũng rất đáng kể như khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khi việc in ấn, xuất bản nằm trong tay các nhà in công tư. Phải đến cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930, mô hình nhà xuất bản mới hiện diện và vươn lên thực hiện vai trò xuất bản, phát hành, các nhà in dần lui về hậu trường chuyên trách chức năng in ấn.

Còn hiện nay, hoạt động in ấn, xuất bản và phát hành được chuyên môn hóa hơn. Nhà in thực hiện nhiệm vụ nhà in, nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản (khai thác bản thảo, biên tập, thiết kế, xuất bản sách).

Trong hoạt động này, các công ty sách tham gia năng động và có vai trò lớn. Việc phát hành, kinh doanh tập trung vào các công ty nhà nước, tư nhân.

Thời gian 1945 trở về trước, các nhà xuất bản tư nhân mọc lên rất nhiều. Thậm chí có những nhà xuất bản trở thành thế lực lớn của làng xuất bản như Tân Dân, Mai Lĩnh, hay Đời Nay…

Nhưng cũng có những nhà xuất bản tư nhân được lập nên với quy mô nhỏ phải giật gấu vá vai như đơn vị của Huy Cận – Xuân Diệu, Nguyễn Đức Chính. Thời nay, nhà xuất bản là của nhà nước, tư nhân tham gia hoạt động xuất bản phổ biến ở hình thức các công ty sách…

Ông nhận xét thế nào về tiến độ phát triển của ngành xuất bản thời gian gần đây và ngành sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?

– Ngành xuất bản thời gian gần đây rõ ràng là phát triển nhanh, mạnh về số lượng đầu sách được xuất bản, đa dạng thể loại sách xuất hiện trên thị trường.

Ngành xuất bản thời gian gần đây phát triển nhanh, mạnh về số lượng đầu sách, đa dạng thể loại trên thị trường.

Trần Đình Ba

Có những dòng sách đang thực sự nhận được sự quan tâm của các đơn vị xuất bản và độc giả như sách về chuyển đổi số, sách về chữa lành, sách văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới…

Còn vế sau của câu hỏi “ngành sẽ đi theo hướng nào trong thời gian tới?”. Đây là một câu hỏi mang tính dự báo. Mà dự báo thì luôn có xác suất đúng sai như dự báo thời tiết vậy. Nó phụ thuộc vào định hướng của cấp quản lý, vào đường hướng phát triển của các đơn vị xuất bản góp phần tạo nên tổng thể bức tranh chung về hoạt động xuất bản Việt Nam.

Nguồn: https://zingnews.vn/hieu-ve-nganh-xuat-ban-qua-nhung-con-chu-ngoai-trang-sach-post1422238.html

Tiếp tục đọc

Tác giả

MC Phan Đăng: ‘Đọc sách cũng giống như yêu’

Được phát hành

,

Bởi

“Nếu không có phương pháp, không có mục tiêu thì ngay cả khi chúng ta yêu sách, chúng ta đọc sách cũng là một tình yêu lầm lạc”, tác giả Phan Đăng nhấn mạnh.

Chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhà báo – tác giả Phan Đăng tổ chức buổi talk show với nội dung “Đọc sách rất nguy hiểm nếu…”, tập trung vào các vấn đề độc giả quan tâm: Nên đọc sách như thế nào? Phương pháp đọc? Lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi, đối tượng?…

“Nếu như thời ấy có ai đó nói cho tôi biết, đọc sách là rất tốt, nhưng phải có mục đích đọc, phải có phương pháp đọc, phải có kỹ thuật đọc thì con đường tôi đi sẽ được rút ngắn lại rất nhiều. Phải đến bây giờ – 39 tuổi, tôi mới thật sự hiểu thế nào là ‘đọc quên để nhớ’, thế nào là ‘đọc của người để trở thành mình’ chứ không phải ‘đọc của người để trở thành nô lệ cho người’. Điều này thấm thía và quý giá vô cùng. Nó thực sự làm tôi như được bung ra, vỡ ra để nhìn thấu cả một chân trời mới”, tác giả Phan Đăng chia sẻ.

Tac gia Phan Dang anh 1

Tác giả Phan Đăng.

Phan Đăng so sánh rất dí dỏm, yêu mà không có phương pháp cũng chết, yêu không có phương pháp, cái giá phải trả rất đắt, có khi đừng yêu còn đỡ hơn, đọc sách cũng vậy.

Theo anh, có nhiều hệ lụy của việc đọc không có mục tiêu, thứ nhất đó là “tầm chương trích cú”, trong đầu lúc nào cũng sống bằng ý nghĩ của người khác mà cứ tưởng đấy là của mình.

Thứ hai là tin hết vào sách. Như vậy, dễ trở thành một kẻ độc tài tri thức, thấy ai đó nói không giống kiến thức mình đọc được tỏ thái độ cực đoan.

Hệ lụy thứ ba, đem mớ lý luận đọc được “tấn công” đối tượng nào đó nên mới có những cuộc bút chiến trên mạng xã hội khiến nhiều độc giả tin một cách mù quáng. Thực tế, có không ít người vẫn tin những chuyện hàn lâm, nhưng thật ra chẳng phải để cùng khai phóng, trao đổi về chân trời tri thức mà mục tiêu là đem mớ lý thuyết đấy “mài” thành lưỡi lê sắc bén cứa vào da thịt người khác nhằm chứng tỏ cái tôi hơn người.

Cái tôi là ảo tưởng của lầm lạc

Về phương pháp đọc, tác giả Phan Đăng cho rằng đọc sách phải có chiến lược, mục tiêu đọc chứ không bạ đâu đọc đấy, không lan man.

“Khi xây dựng mục tiêu đọc, phải trả lời được hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là chúng ta muốn phát triển ngách tri thức nào? Bể tri thức của nhân loại mênh mông vô tận, bạn có mười đời cũng không đọc được hết nhưng có quyền chọn một ngách để đào sâu tát cạn. Không hẳn vì mong muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đấy mà đơn giản thỏa mãn tận cùng những khát vọng của bản thân. Muốn làm được điều đó, phải phát triển kiến thức nền, phông văn hóa cho chính mình. Như vậy, mới có một lộ trình đọc tốt”, tác giả Phan Đăng khẳng định.

Tac gia Phan Dang anh 2

“Ai cũng phải có một cuốn sổ đọc của riêng mình”, tác giả Phan Đăng bày tỏ.

Tuy nhiên, Phan Đăng cho rằng nếu chỉ có kiến thức ngách mà không có kiến thức nền thì chỉ thấy vài giọt nước chứ không thấy được cả dòng sông… và ngược lại. Để vừa cảm nhận được sự cô đọng, tinh túy của một giọt nước hay sự mênh mang, rộng lớn của dòng sông phải đọc cả tri thức ngách lẫn tri thức nền. Điều đó giúp cho các bạn có thể chia sẻ với con cái, cùng hoạch định một chiến lược đọc rõ ràng.

“Ai cũng phải có một cuốn sổ đọc của riêng mình”, tác giả Phan Đăng bày tỏ.

Theo anh, khi đọc cần một đầu óc khai phóng và kỹ thuật hoài nghi. Thậm chí, đọc trong sự trăn trở lật đi lật lại không ngừng nghỉ.

“Đọc sách rất nguy hiểm nếu… không cẩn thận thì càng đọc càng nuôi nấng cái tôi của mình, mang cái tôi để hơn thua với cuộc đời. Trong khi cái tôi theo quan điểm của Phật giáo, vốn dĩ nó không có thật, là một ảo tưởng của lầm lạc mà thôi. Đọc sách mà mang kiến thức của mình để coi thường người khác thì đọc làm gì. Đây là những hệ lụy rất nguy hiểm. Nếu không có phương pháp, không có mục tiêu ngay cả khi chúng ta yêu sách, chúng ta đọc sách đó cũng là một tình yêu lầm lạc”, tác giả Phan Đăng nhấn mạnh.

Phan Đăng từng công tác tại báo An ninh Thế giới. Anh được nhiều người biết đến trong vai trò một bình luận viên thể thao, MC chương trình Ai là triệu phú. Phan Đăng từng ra mắt các cuốn sách: Ở trong đầu tri thức, Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi, 39 câu hỏi cho người trẻ

Nguồn: https://zingnews.vn/mc-phan-dang-doc-sach-cung-giong-nhu-yeu-post1422829.html

Tiếp tục đọc

Xu hướng