Là một nền tảng có sức ảnh hưởng với độc giả, Goodreads được cho là có sức mạnh có thể khiến các nhà văn mới nhanh chóng nổi tiếng và cũng có thể vùi dập họ. Trong năm vừa qua, nhiều tác giả mới như Bethany Baptiste, Molly X Chang, KM Enright, Thea Guanzon, Danielle L Jensen, Akure Phénix, RM Virtues hay Frances White đã phải nhận nhiều đánh giá gay gắt trên Goodreads.
Loạt bê bối về tính chuyên môn văn học
Đáng chú ý, những đánh giá này không phải do các nhà phê bình văn học chuyên môn đưa ra. Thay vào đó, Cait Corrain, một tác giả đầu tay đã sử dụng tài khoản giả mạo để đi bình luận tiêu cực với tác phẩm từ những nhà văn “đối thủ” trên Goodreads. Sau khi bị phát hiện, Corrain phải đăng bài xin lỗi và ngay sau đó bị hủy hợp đồng xuất bản sách.
Từ vụ việc này, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra với Goodreads và tác động to lớn của nó đối với ngành xuất bản. Thống kê tháng 10 vừa qua của Goodreads cho thấy các thành viên mạng xã hội này đã đăng tải 26 triệu bài đánh giá sách và 300 triệu lượt xếp hạng sách trong năm qua.
Theo The Guardian, số lượng đánh giá, bình luận lớn như vậy có thể là một môi trường độc hại với một số tác giả, thậm chí nhấn chìm sự nghiệp của nhiều tay viết mới.
Bethanne Patrick, một nhà phê bình, tác giả và người làm podcast, cho biết: “Goodreads có rất nhiều ảnh hưởng. Hiện nay, kể cả các nhà xuất bản, người đại diện, tác giả và độc giả đều truy cập Goodreads để xem mọi người đang theo dõi tác phẩm gì, mọi người quan tâm đến xu hướng nào? Goodreads có sức ảnh hưởng to lớn trong thế giới sách ở Mỹ và có lẽ còn hơn cả điều mọi người vẫn nghĩ”.
Tác giả Elizabeth Gilbert từng nhận “bão” chỉ trích trên Goodreads hồi năm ngoái. Ảnh: WireImage. |
Goodreads hiện cho phép người dùng xem các đầu sách chưa được xuất bản. Do đó, nhiều nhà xuất bản thường đưa bản thảo lên đây để độc giả đọc trước và từ đó đón nhận sự đánh giá từ thị trường. Tác phẩm nhận được nhiều lượt đánh giá tốt sẽ tạo được tiếng vang khi xuất bản.
Tuy nhiên, vào tháng 10, Goodreads thừa nhận cần phải bảo vệ “tính xác thực” của các xếp hạng và đánh giá này. Họ cũng khuyến khích người dùng báo cáo những nội dung hoặc hành vi vi phạm nguyên tắc của Goodreads.
Goodreads cho biết: “Đầu năm nay, chúng tôi đã tìm cách tạm thời hạn chế các xếp hạng và đánh giá bất thường, vi phạm nguyên tắc của chúng tôi. Những hành vi như vậy không được chấp nhận trên Goodreads và nó làm giảm niềm tin của cộng đồng”.
Trước đó, Goodreads cũng từng vướng vào tranh cãi về các bình luận trực tuyến. Mùa hè năm ngoái, tác giả Elizabeth Gilbert đã trì hoãn xuất bản cuốn tiểu thuyết lịch sử bối cảnh Siberia sau khi hàng trăm người dùng chỉ trích tác phẩm này thiếu tế nhị với tình hình thế giới.
Hay trong một vụ việc khác, nhà văn Sarah Stusek thậm chí bày tỏ bất bình với một người dùng Goodreads tên là Karleigh Kebartas trên TikTok. Lý do là Kebartas đã đánh giá cuốn tiểu thuyết đầu tay Three Rivers của Sarah Stusek bốn sao thay vì mức tối đa năm sao. Hành động của Sarah Stusek đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng và sau đó nhà văn này cũng bị mất hợp đồng xuất bản sách.
Trước bối cảnh này, nhà phê bình Patrick cho rằng, trong khi các tờ báo như Guardian, New York Times và Washington Post đều yêu cầu các nhà báo và nhà phê bình phải tuân thủ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp khi đánh giá sách, thì Goodreads thiếu đi điều này. Và đây là lý do các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp thường tránh thể hiện quan điểm trên Goodreads. Thậm chí khi Patrick xuất bản cuốn hồi ký Life B: Overcoming Double Depression vào đầu năm nay, bà cũng tránh chia sẻ lên Goodreads.
Tính chuyên môn văn học của Goodreads đang bị đặt câu hỏi. Ảnh: Goodreads. |
Cần có sự giám sát với Goodreads
Trên thực tế, những người sáng lập Goodreads không xuất thân từ giới phê bình văn học. Trang web này được Otis Chandler, một lập trình viên máy tính và Elizabeth Khuri, trợ lý biên tập cho tạp chí Sunday thuộc Los Angeles Times ra mắt vào năm 2007. Goodreads sau đó được Amazon mua lại vào năm 2013 và hiện là trang web lớn nhất thế giới dành cho độc giả và giới thiệu sách.
Việc phát triển về hướng thương mại nhanh như vậy đã để lại nhiều lỗ hổng. Như trong vụ của Corrain gần đây, Shelly Romero, một biên tập viên tại New York, chỉ ra rằng hầu hết tác giả đầu tay có sách bị Corrain chê bai trên Goodreads đều là người da màu, những người đã phải đấu tranh rất khó khăn để tác phẩm của họ được xuất hiện.
Bà Romero nói: “Việc thiếu sự kiểm soát dẫn đến nhiều đánh giá sai lệch được đưa ra. Bất kỳ ai đều có thể đưa ra ý kiến. Một mặt, các tác phẩm sẽ nhận được đủ loại ý kiến đa dạng. Nhưng mặt khác, việc thiếu sự kiểm duyệt này cũng đe doạ tác phẩm của nhiều tác giả viết về đề tài dễ bị tổn thương”. Bà Romero lấy dẫn chứng như một tác phẩm về tình dục có thể bị chỉ trích vì không phù hợp với thiếu nhi hay sách về người da màu bị đánh giá xấu chỉ vì tác giả và nhân vật chính là người da màu.
Courtney Maum, tác giả cuốn Before and After the Book Deal, cũng cho biết: “Trong vài năm gần đây, sau khi có quá nhiều vụ việc gây tranh cãi trên Goodreads, nhiều nhà xuất bản dần thấy khá rõ ràng rằng đây không phải là nền tảng mà họ có thể tin tưởng 100%. Nhiều tác giả cũng đang nhận thấy Goodreads không phải là nơi an toàn và họ không được bảo vệ”.
Cũng theo Patrick, cách Goodreads được phát triển hiện nay có thể cho phép ai đó có hành vi không lành mạnh. “Đó là lý do tôi nghĩ cần có nhiều sự giám sát hơn đối với nền tảng này.”
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login