Sau thời gian lựa chọn, tranh luận, bỏ phiếu, 10 cuốn sách hay nhất đã được chọn ra, chia thành hai hạng mục: 5 cuốn sách hư cấu và 5 cuốn sách phi hư cấu.
Hạng mục sách Hư cấu
The Bee Sting (tạm dịch: Ong chích), của Paul Murray
Murray đã đánh dấu sự trở lại chói sáng của mình với The Bee Sting, câu chuyện bi thảm về một gia đình Ireland đang vật lộn với khủng hoảng.
Nhà Barnes – Dickie, Imelda, Cass và PJ – là gia tộc Ireland giàu có nhưng tài sản của họ bắt đầu sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài khó khăn chung này, cả bốn người đều phải đối mặt với những rắc rối của riêng mình: bí mật chôn kín từ lâu bỗng dưng tái xuất hiện, màn đe dọa tống tiền, mối tình vừa trải qua đã tan vỡ, kẻ thù không đội trời chung, người bạn trao đổi thư từ trên mạng đáng ngờ…
Cuốn tiểu thuyết xâu chuỗi những câu chuyện xảy đến với từng người trong nhà Barnes vốn ngày càng sống tách biệt với nhau, nhưng xét về tổng thể, tấm thảm mà Murray dệt nên không phải là sự đổ vỡ mà là niềm hy vọng. Đây là cuốn sách thể hiện tình yêu thương và sức kiên cường lạ thường đến từ một gia đình, mặc cho thế giới xung quanh họ sụp đổ.
—————————————————–
Chain-Gang All-Stars (tạm dịch: Siêu sao trong xiềng xích), của Nana Kwame Adjei-Brenyah
Là tác phẩm châm biếm mang phong cách dystopia (phản địa đàng) trong đó các tử tù đấu tay đôi trên TV để có cơ hội được tự do, cuốn tiểu thuyết đầu tay của Adjei-Brenyah – nối tiếp tuyển tập truyện Friday Black (tạm dịch: Thứ sáu đen) năm 2018 của ông, đưa người đọc vào nhóm khán giả háo hức, buộc chúng ta đồng lõa với những người hâm mộ nồng nhiệt ngồi bên cạnh.
Giri Nathan viết trong bài đánh giá của mình: “Cuốn sách này khiến tôi bật cười bao nhiêu thì thế giới mà tôi ngộ ra lại đáng bị giễu nhại bấy nhiêu, nó cũng khiến tôi ước ao rằng những điều mình ngộ ra đừng nên nhiều đến thế. Hợp chủng quốc của ‘Chain-Gang All-Stars’ giống như Nước Mỹ của chúng ta, ngày càng trở nên lố lăng.” Trong câu chuyện tình yêu đau khổ giữa hai đối thủ hàng đầu buộc phải lựa chọn giữa bọn họ và tự do, những cảnh chiến đấu được viết rất hay, chúng khiến người ta cảm thấy thật dễ dàng để chấp nhận thế giới bệnh hoạn đó.
—————————————————–
Eatsbound (tạm dịch: Đông Tiến), của Maylis de Kerangal
Cuốn tiểu thuyết súc tích, nên thơ của De Kerangal, xuất bản lần đầu ở Pháp vào năm 2012 và mới được Jessica Moore chuyển ngữ, kể về anh chàng Aliocha đi lính nghĩa vụ đang ở trên một chuyến tàu xuyên Siberia chở đầy những người lính khác.
Tâm trạng thật u ám. Aliocha, cảm thấy khó chịu với bầu không khí xung quanh sau cuộc cãi vã, quyết định đào ngũ – và trong lúc hành động, cậu trải qua cuộc đồng hành không mấy dễ chịu với một hành khách dân sự, một phụ nữ Pháp.
Trong bài đánh giá, Ken Kalfus đã viết: “Cảm giác bất an khi phải sinh tồn trên miền đất mênh mông này và trên toa tàu nhấn mạnh tầm quan trọng của mối kết nối giữa con người với nhau. Trong thời chiến, mối liên hệ này có thể mang lại cuộc giải phóng và cứu rỗi”.
—————————————————–
The Fraud (tạm dịch: Vụ Lừa Đảo), của Zadie Smith
Dựa trên một phiên tòa hình sự đình đám thế kỷ XIX, trong đó bị cáo phải đối mặt với tội mạo danh một nhà quý tộc, cuốn tiểu thuyết của Smith cung cấp một cái nhìn toàn cảnh rộng lớn, sắc sảo về London và vùng nông thôn nước Anh, đồng thời thành công trong việc sắp đặt những va chạm trong lòng xã hội thời kỳ đó lồng ghép vào trong một số ít nhân vật.
Đứng đầu trong số họ là vị quản gia người Scotland góa vợ, người say mê theo dõi phiên tòa và một người hầu người Jamaica trước đây là nô lệ, người làm chứng thay mặt cho nguyên đơn.
Smith vừa là nhà phê bình vừa là tiểu thuyết gia tài năng. Thông qua nhân vật ông chủ của vị quản gia – nhà văn lừng lẫy một thời và là kình địch thân thiện của Dickens, tác giả phát hiện thấy nhiều cơ hội để thổ lộ cho độc giả về thời kỳ đó trong khi suy ngẫm về câu chuyện của ai đã kể ra, và câu chuyện của ai còn bỏ sót.
Karan Mahajan viết trong bài đánh giá của mình: “Như mọi khi, thật vui khi được hòa cùng tâm trí của Zadie Smith, theo thời gian, nó ngày càng trở nên gắn bó với chính London. Dickens có thể đã khuất xa, nhưng may mắn thay, Smith vẫn còn đây”.
—————————————————–
North Wood (tạm dịch: Rừng Phương Bắc), của Daniel Mason
Cuốn tiểu thuyết tham vọng, đầy sắc màu của Mason đưa độc giả bước qua ngưỡng cửa một ngôi nhà tại vùng hoang dã phía tây Massachusetts và nhìn vào lịch sử 300 năm nơi đây.
Xen kẽ giữa những bức thư, bài thơ, lời bài hát, trang nhật ký, ghi chép ca bệnh, hình minh họa thực vật cổ điển và các sinh vật phù du được phân loại vốn ít khi được đưa vào trong trang văn tiểu thuyết, chúng ta dần làm quen với những cư dân của vùng đất này từ thời thuộc địa cho đến ngày nay.
Có một người trồng táo, một người chiến đấu cho chủ nghĩa bãi nô và một nhà sản xuất giàu có. Một cặp bọ cánh cứng. Một họa sĩ phong cảnh. Một con ma. Sự sống (và cái chết) của họ giao cắt qua nhau thật ngắn ngủi, đa phần chồng lấn lên nhau trên bức trang trí bằng các mẩu giấy rực rỡ sắc màu.
Trong khi đó, thế giới tự nhiên luôn dõi theo – màn hiện diện đầy nhẫn nại, đôi khi mang tính hủy diệt. Mason là vị chủ nhà nhiệt thành và tài hoa, mời bạn ở lại bao lâu tùy thích và tạo nên một góc trời theo ý bạn.
—————————————————–
HẠNG MỤC SÁCH PHI HƯ CẤU
The Best minds
(Tạm dịch: Những tư tưởng xuất chúng – câu chuyện về tình bạn, cơn điên và bi kịch xảy đến với những ý tưởng tài ba), của Jonathan Rosen
Câu chuyện tái hiện chính xác tới từng ly tình bạn lâu dài của tác giả với Michael Laudor, người ban đầu gây được tiếng vang khi là một sinh viên tốt nghiệp Trường Luật Yale khi bác bỏ những định kiến về bệnh tâm thần phân liệt; rồi sau đó vì dùng dao làm bếp đâm chết bạn gái đang mang thai, anh ta được đưa đến bệnh viện tâm thần có an ninh bảo vệ nghiêm ngặt.
Rút ra từ các clip, hồ sơ tòa án và cảnh sát, các nghiên cứu pháp lý và y tế, các cuộc phỏng vấn, nhật ký và các bài viết gây sốt của Laudor (bao gồm cả đề xuất viết sách của chính ông), Rosen xem xét ranh giới mong manh giữa sự xuất chúng và tính điên rồ, những vấn đề chính sách phức tạp được đặt ra cho quá trình thay thế các bệnh viện tâm thần điều trị lâu dài bằng các dịch vụ chăm sóc người bệnh tâm thần ít cô lập hơn và nghĩa vụ đạo đức của cộng đồng.
The Best Minds là bản cáo trạng chi tiết đầy đủ, lập luận sâu sắc về một xã hội đề cao đồng tiền, những giải pháp tình thế và kết thúc có hậu sau chuỗi ngày chữa chạy dài đằng đẵng.
—————————————————–
Bottoms up and the devil laughs
(Tạm dịch: Dưới đáy ngoi lên và những con quỷ nhe răng cười – chuyến du hành vào hoạt động nhà nước ngầm), của Kerry Howley
Bản tường thuật của Howley về tình trạng an ninh quốc gia và những con người dính líu đến nó bao gồm những kẻ dối trá, những người nói ra sự thật, những chiến binh, những người tố giác.
Công cuộc khám phá quá trình giám sát quyền riêng tư và trên nền tảng kỹ thuật số của Howley cuối cùng đã đưa cô đến lãnh địa xấu xa dành cho những kẻ theo thuyết âm mưu. Đó là cung đường vừa đáng giật mình và gây sửng sốt; tất nhiên chuyến hành trình xuyên qua hoạt động ngầm ấy sẽ buộc cô phải dấn thân vào hang hùm. Kết quả là một cuốn sách mê hoặc và hài hước thâm sâu.
—————————————————–
Fire Weather
(Tạm dịch: Tiết trời nổi lửa – câu chuyện đến từ một trái đất nóng lên), của John Vaillant
Năm 2016, các trận cháy rừng dữ dội đã tàn phá Fort McMurray nằm ở tỉnh Alberta của Canada.
Trong Fire Weather, Vaillant kể chi tiết ngọn lửa bắt đầu như thế nào, nó phát triển như thế nào, thiệt hại mà nó gây ra – và cuộc đổ bộ cùng lúc của đủ mọi yếu tố đã dẫn đến thảm họa.
Chúng ta được làm quen với những người lính cứu hỏa, công nhân dầu mỏ, nhà khí tượng học và giám định viên bảo hiểm. Nhưng nhân vật chính thực sự ở đây là bản thân ngọn lửa: một thế lực ngang ngược và đáng sợ với những ham muốn vô độ.
Cuốn sách này vừa là bộ phim ly kỳ dựa trên sự kiện có thật, vừa là bản tường thuật chi tiết về những gì đã xảy ra – và tại sao, khi khí hậu thay đổi còn con người thì không, nó sẽ tiếp tục lặp lại hết lần này tới lần khác.
—————————————————–
Master Slave Husband Wife
(Tạm dịch: Cặp vợ chồng nô lệ bậc thầy – chuyến hành trình kỳ diệu từ thân phận Nô Lệ trở thành Tự Do), của Ilyon Woo
Năm 1848, Ellen và William Craft, cặp vợ chồng nô lệ ở Georgia, đã liều trốn thoát về phương bắc, cải trang thành một chủ đồn điền da trắng trẻ tuổi ốm yếu và tên nô lệ của anh ta – Ellen trong vai người con trai giàu có đội chiếc mũ ống khói, đeo kính màu xanh đậm và quàng dây treo cánh tay phải để che giấu tình trạng mù chữ của mình.
Thật khó tin, những lần thoát khỏi trong gang tấc ngay trước mũi những kẻ săn nô lệ khát máu, cuộc chạy trốn của nhà Craft đã thành công, bọn họ tiếp tục chuyến du hành diễn thuyết tại Anh đòi bãi bỏ tình trạng nô lệ và viết bài tường thuật nổi tiếng về chuyến hành trình của họ.
Câu chuyện của họ, mà một người dẫn dắt phong trào giải phóng nô lệ tại Mỹ gọi là “một trong những câu chuyện ly kỳ nhất trong biên niên sử quốc gia”, đã đủ để gây sự chú ý rồi. Nhưng cách thể hiện sống động của Woo, khơi gợi lên hình ảnh cuộc trốn thoát của nhà Craft với những tình tiết giàu tính tiểu thuyết, cũng là một kỳ công không hề kém cạnh – về giá trị nghiên cứu, cách thức kể chuyện, tinh thần đồng cảm và cái nhìn thấu suốt.
—————————————————–
Some People Need Killing
(Tạm dịch: Kẻ khát màu – Hồi ức về vụ Tàn Sát trên Quê hương tôi), của Patricia Evangelista
Cuốn sách có sức tác động mạnh này chủ yếu đề cập đến quãng những năm từ 2016 đến 2022, khi Rodrigo Duterte làm tổng thống Philippines và theo đuổi một chiến dịch EJK.
Kể lại hồi ức tiết lộ chi tiết và bối cảnh bao quát về lịch sử Philippines, Evangelista cũng rất chú ý đến sử dụng ngôn ngữ, không chỉ vì cô là một nhà văn. Ngôn ngữ có thể được sử dụng để tuyên truyền, phủ nhận, đe dọa, phỉnh nịnh. Nó có thể truyền bá những lời dối trá, nhưng nó cũng cho phép con người ta nói lên sự thật.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: [email protected]. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
You must be logged in to post a comment Login