Sách Nơi không có tuyết của Huỳnh Trọng Khang. Ảnh: Ngô Vinh. |
Ở đâu đó trong Nơi không có tuyết, độc giả sẽ nhận ra có những chi tiết được viết lại từ tác phẩm Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupéry. Một ông già xác xơ, khô héo trên hòn đảo xa xa, tự cho mình là đức vua trị vì một vương quốc, cả đời cần mẫn thắp ngọn hải đăng, gieo hy vọng vào lòng những thủy thủ để họ cảm thấy bớt cô độc giữa trùng dương và tin rằng có ai đó đang chờ họ ở đất liền.
Nơi không có tuyết cũng là nơi ngày xưa một cậu bé hạnh phúc và vui sướng trước những bông tuyết được tạo ra từ chiếc tủ lạnh. Cậu nhóc năm nào lớn lên với nỗi hoài nhớ về gia đình, cố hương, quyết tâm lên đường chinh phục đỉnh tuyết băng vĩnh cữu Hy Mã Lạp Sơn trên chiếc phi cơ mà cậu tự chế.
Trong cuộc đổi vai kể chuyện qua lại giữa một bông tuyết và chàng trai, hoàng tử bé thấp thoáng xuất hiện ở cả hai giọng kể mà đôi khi độc giả khó lòng tách bạch được ai sẽ sắm vai vị hoàng tử giữa xứ tuyết mênh mang.
“Thế nên giống tuyết băng thấy em dị biệt quá, cứ xa lánh em luôn. Đồng loại gọi em, ấy đứa lạc loài, mọi rợ nhưng em chẳng thấy gì đáng sợ hoặc không hay, em ưa thiên hạ gọi mình thế đó: Ôi em mọi tuyết nhỏ dễ thương. Vậy thì em vui vầy sống đời em mọi tuyết, cứ lang thang hoài tìm ý nghĩa của riêng mình. Em tuyết lạc loài ra khỏi giống tuyết, chẳng chịu tan đi, chẳng chịu sống hết một đời giống hết thẩy bạn bầy”.
Và rồi em mọi tuyết bắt đầu dấn thân vào những hành trình bất tận, đi qua bao vùng đất, gặp gỡ muôn thú và loài người. Hành trình của một bông tuyết là hành trình của nỗi buồn trưởng thành trong hình hài trắng tinh lấp lánh đến khi đi đến điểm dừng cũng là lúc bông tuyết bé nhỏ nhận ra ý nghĩa của cái chết miên viễn trong cuộc giao hoan của kiếp nhân sinh.
Có rất nhiều cuộc hạnh ngộ trong những nẻo đường mà bông tuyết đi qua, được lấp đầy bằng những nỗi buồn, nơi hai người bạn tâm giao chia tay nhau giữa trời giá rét, bông tuyết rời đi và đến xứ sở loài người xa lạ. Những giọt nước mắt tiễn đưa bác cá nhà táng, kẹt dưới lớp băng lạnh giá và phía trên loài người sẵn sàng gươm giáo để làm lụi tàn một cơ thể ấm nóng, chứng kiến bao cuộc đổi dời. Bông tuyết trở thành chứng nhân cho những nỗi buồn lẻ loi và đáng quý của muôn người muôn vật trên thế gian.
Sau Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ… Huỳnh Trọng Khang dần dịch chuyển sang một thế giới văn chương khác bằng cuộc thu gom những mảnh đời lưu lạc với thế giới nội tại, nơi mỗi người đối mặt trước các vấn đề của cuộc sống như chiến tranh, biến đổi khí hậu, mưu sinh và trả lời độc giả bằng một câu hỏi: Liệu mọi thứ có tồn tại mãi mãi bằng việc mất đi và tái sinh dưới một dạng thức khác ở một thế giới khác?
Chúng ta dễ dàng bắt gặp trong Nơi không có tuyết những thông điệp được tác giả khéo léo cài cắm như một lời cảnh tỉnh loài người về một tương lai đầy rẫy những bất trắc xuất phát từ lòng tham, sự ích kỷ với những cuộc chiến tranh vô nghĩa và những lần giày xéo thiên nhiên đến kiệt cùng.
Jules Renard từng nói: “Khi sự thật vượt quá năm dòng, đó là tiểu thuyết”. Ở đây, Nơi không có tuyết chính là sự thật, hiện thực được kể bằng một giọng điệu khác trong thế giới của một bông tuyết bé nhỏ. Phải chăng đó cũng chính là lí do để Nơi không có tuyết được phân loại thành truyện dài, được hiểu theo một tầng nghĩa khác là một câu chuyện dài về đời và người được sắp xếp một cách lớp lang trong một thế giới hỗn độn.
Nguồn: https://znews.vn/mot-cau-chuyen-khac-ve-hoang-tu-be-noi-xu-tuyet-menh-mang-post1449026.html
You must be logged in to post a comment Login