Trong hơn 10 ngày giãn cách xã hội đầu năm 2020, Dy Khoa hoàn thành cuốn Đi qua hai mùa dịch kể về câu chuyện 11 năm trước anh nhiễm cúm A/H1N1, đồng thời động viên mọi người vượt qua dịch Covid-19. Và hiện tại, bằng những hành động thiết thực, anh đang tiếp tục góp sức cho cuộc chiến chống Covid-19. Anh cũng chia sẻ về một vài dự định sắp tới, đồng thời gửi gắm những điều tốt đẹp nhất tới những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Tinh thần lạc quan góp phần chống dịch hiệu quả
– Điều gì khiến anh viết “Đi qua hai mùa dịch”?
– Mọi người đều nghĩ cuốn sách đầu tay của tôi sẽ viết về những chuyến du lịch. Tuy nhiên, cuộc sống này vốn dĩ không được lập trình sẵn. Mọi thứ đều diễn tiến bất ngờ. Chúng như những thử thách buộc chúng ta phải vượt qua để trưởng thành hơn.
Với Covid-19 lần này cũng vậy, nó buộc mọi người phải thay đổi rất về cảm xúc, công việc, thu nhập, mối quan hệ… Rất nhiều người xung quanh tôi bị ảnh hưởng rất tiêu cực đến kế sinh nhai từ đó tác động xấu đến sức khỏe tâm thần.
Đây là điều thôi thúc tôi viết một cuốn sách kéo lên sự trì trệ tinh thần của tất cả.
Dy Khoa tại lễ ra mắt sách Đi qua hai mùa dịch. Nguồn: NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM. |
– Lý do nào thúc đẩy anh viết cuốn sách này chỉ trong 10 ngày?
Những tác động của dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến hầu hết mọi người ở tất cả ngành nghề. Ở thời điểm các thành phố siết chặt hơn các quy định phòng dịch thì những điều tiêu cực có chiều hướng tăng theo.
Có lẽ, do có chút kinh nghiệm của một người làm báo nên tôi chủ động khai thác, thậm chí tiếp nhận một cách thụ động những câu chuyện ấy.
Trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần đầu tiên theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tôi về nhà với mẹ và cảm nhận được sự đủ đầy của tình thương, và cũng từ đó nhiều hình ảnh của quá khứ cứ ùa về.
Ở lần dịch cách đây 11 năm, tôi đã nhiễm virus cúm A/H1N1. Khi đó tôi sốt rất cao. Nhưng ký ức dù đẹp đẽ hay xấu xí cũng giúp ta trưởng thành hơn, do vậy tôi quyết định kết hợp câu chuyện ngày xưa để góp thêm một trải nghiệm bên trong khu điều trị bệnh truyền nhiễm và những quan sát thực tại.
Bởi từng trải qua nên tôi hiểu mọi người đang rất cần những lời động viên từng mọi người xung quanh để vực dậy tinh thần lạc quan góp phần chống dịch hiệu quả.
– “Đi qua hai mùa dịch” không chỉ nói về dịch bệnh mà còn đề cập nhiều vấn đề khác. Vậy thông điệp của cuốn sách này là gì?
– Tôi nhấn mạnh đến tình thương. Tôi tin rằng khi có yêu thương sẽ giúp giải quyết được rất nhiều thứ cho sự việc có to lớn đến đâu hay sắp đổ vỡ đi chăng nữa. Và quan trọng hơn đó là suy nghĩ tích cực.
Nhiều người có thể chưa biết, suy nghĩ tiêu cực, lo âu trong thời gian dài có làm cơ thể bạn yếu đi dẫn đến mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Tương tự với Covid-19 hay A/H1N1 cũng vậy.
Dù bạn dương tính thì lạc quan, tích cực là liều thuốc hữu hiệu nhất để vượt qua. Nghịch cảnh hay thách thức bản thân luôn là một vận động tự nhiên nên nhiệm vụ của chúng ta là phải vượt qua nó, không được chùn bước hay nản chí.
Mọi chuyện rồi sẽ ổn
– Dịch Covid-19 bùng phát trở lại và nguy hiểm hơn trước, anh có định tái bản “Đi qua hai mùa dịch” và cập nhật thêm những thông tin mới cho cuốn sách này không?
– Nước mắt ở Đà Nẵng đã rơi. Nước mắt tiễn đưa những người thân qua đời vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Các thành phố khác cũng đã thay đổi cảnh báo, đến giãn cách thậm chí là cách ly xã hội.
Và tất nhiên lúc này tình người lại được dịp trỗi dậy, tình đồng bào cuộn sóng. Cứu trợ và giúp đỡ. Dẫu trong lo lắng nhưng ai trong chúng ta đều có chung niềm tin sẽ đẩy lùi, chiến thắng Covid-19.
Nữ y bác sĩ Đà Nẵng cắt ngắn tóc để lên tuyến đầu chống dịch. |
Để làm được như vậy thì chúng ta không được quyền bi lụy. Hãy lạc quan lên, xốc dậy tinh thần bản thân và những người xung quanh. Như trong Đi qua hai mùa dịch, tôi có lặp lại nhiều lần: Mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Tôi dự định sẽ có thêm một quyển sách nữa xuất bản trước cuối năm nay, kể về một năm đầy biến động. Đây sẽ không phải là tái bản của Đi qua hai mùa dịch mà sẽ theo một format khác. Hiện tôi đang thu thập thông tin.
– Ngoài cuốn sách này, anh đã và sẽ làm gì và góp sức ra sao cho cuộc chiến chống Covid-19?
– Tôi tin mỗi khi nhắc đến “đồng bào” thì ai cũng nức nở tự hào. Và khi máu mủ bị ảnh hưởng thì không phải riêng tôi mà tất cả đều muốn góp sức mình dù nhỏ bé.
Hiện tại, tôi đang làm quản lý truyền thông tại một trung tâm công nghệ y khoa nên được tiếp cận với nhiều thông tin sức khỏe. Chúng tôi đã thực hiện hàng loạt video để tăng cường nhận thức của người dân về Covid-19.
Tôi cũng đóng góp những tin nhắn hỗ trợ theo lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận tổ quốc… Và trong vai trò của một người kể chuyện du lịch (travel storyteller) tôi truyền đi những câu chuyện khám phá đất nước để góp phần kích cầu du lịch nội địa…
Tuy nhiên, nói xa cũng phải nói gần, hàng ngày tôi đều đặn gọi điện thoại cho mẹ mình. Tôi nghĩ hành động đó tuy nhỏ nhưng cũng làm cho bà lạc quan và yêu đời hơn.
– Anh muốn gửi điều gì tới những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch?
– Tôi đã thực sự cảm thấy tình thương và sự hy sinh vì nghĩa đồng bào của mọi người với khúc ruột miền Trung đang rất dạt dào và thiết thực.
Hàng trăm chuyên gia y tế, bác sĩ của trung ương, các tỉnh thành có kết nghĩa và không kết nghĩa với Đà Nẵng đã chi viện và chia lửa.
Tôi hiểu các chiến sĩ tuyến đầu đã mệt lắm rồi. Tôi hiểu những giọt mồ hôi của các anh, chị đã rơi trên các trục đường huyết mạch để kiểm soát y tế. Còn bên trong phòng điều trị thì từng phút giây, đội ngũ bác sĩ đang đấu tranh để giành giật sức khỏe, mạng sống của các bệnh nhân nhiễm Covid-19 kèm bệnh lý nền.
Tất cả vì mục tiêu chung là chiến thắng đại dịch, hồi phục và phát triển kinh tế. Vì thế tôi luôn mong các anh, chị nơi tuyến đầu luôn vững tin và không chùn bước trước cuộc chiến với Covid-19. Tôi cũng mong mỗi người trong chúng ta luôn lạc quan, tích cực và có những hành động thiết thực góp phần vào việc chống dịch hiệu quả.