Sinh năm 1996, cây bút Trần Tuyết Hàn (tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP.HCM) vừa trình làng cuốn artbook Hành trình Đông A đúng dịp tháng của nhiều sự kiện về sách và văn hóa đọc.
Vốn là một cô gái đam mê hội họa từ nhỏ, Tuyết Hàn chinh phục độc giả trước hết bằng khả năng cầm cọ tinh tế, sau đó là lời kể đan cài nhuần nhị dựa trên ý tưởng hóa thân thành nhân vật để viết nên những chiến công lẫy lừng trong ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, những danh nhân lịch sử, di sản nghệ thuật và nét văn hóa trong lao động, sinh hoạt thường ngày dưới thời nhà Trần.
Với việc phát triển nội dung cuốn sách từ đồ án tốt nghiệp đại học, Tuyết Hàn gây cảm mến cho người đọc bởi sự kết hợp lồng ghép giữa tranh minh họa và lời kể. Cô chia sẻ về tác phẩm đầu tay của mình cũng như quan điểm về xu thế viết sử của lớp trẻ hiện nay.
Tác giả Trần Tuyết Hàn hiện là một nhà thiết kế sản xuất. Ảnh: NVCC. |
Tình yêu lịch sử khơi nguồn cảm hứng
– Đề tài lịch sử đã được nhiều nhà nghiên cứu sử học khai thác, Tuyết Hàn có chủ ý và hướng đi như thế nào để tác phẩm của mình tạo ra sự mới mẻ trong cách tiếp cận bạn đọc?
Đề tài lịch sử tôi định hướng là một đề tài viết về dân tộc, nhiều khía cạnh và nằm trong quỹ đạo thời gian dài. Theo tôi, mỗi người khi khai thác sẽ chọn một góc độ riêng, và lựa chọn của tôi chính là mang hình ảnh mỹ thuật từ các chi tiết ghi chép hoặc các dấu tích còn hiện hữu ở hiện tại, sau đó sâu chuỗi chúng thành một câu chuyện logic để độc giả có thể tiếp cận một cách nhẹ nhàng mà lại gần gũi.
Tích lũy vốn kiến thức từ môn lịch sử đã học suốt 12 năm khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi đã có cho mình một nền tảng cơ bản để tiếp tục tìm hiểu sâu hơn vấn đề ở các nguồn khác như: Bảo tàng, sách chuyên đề, luận án, phóng sự …
– Là một cô gái họ Trần, liệu đây có phải lý do khiến bạn quyết định chọn thời đại nhà Trần để khai thác?
Đúng là như vậy. Tôi rất thích cái tên Trần Tuyết Hàn của mình và tôi từng ấp ủ sẽ chọn được một đề tài cho cuốn sách sử đầu tay mà ở đó tôi phải là người tự trả lời được cho câu hỏi: Ngay trong họ tên của bản thân dùng suốt hơn 20 năm qua, tôi biết gì về họ Trần?
Với khát khao và thôi thúc ấy, tôi nhen nhóm dự án viết và vẽ Hành trình Đông A. Đây là cơ hội để tôi được đi ngược thời gian, đắm mình vào một thời đại rực rỡ gần tám thế kỉ trước. Cuốn sách này chính là tâm huyết, ước mơ sẻ chia tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam đến các bạn cùng thế hệ và tất cả những ai yêu mến lịch sử dân tộc.
– Việc hóa thân thành nhân vật Trần Đông A để trải nghiệm và kể về lịch sử thời nhà Trần được lấy ý tưởng từ đâu?
Nhân vật Trần Đông A là hình ảnh tôi lấy từ chính bản thân mình, từ tạo hình nhân vật, cách diễn đạt câu chuyện, đến ước mơ tìm hiểu nhiều và sâu hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lịch sử là một phạm trù thuộc về quá khứ, Đông A như hiện thân của mỗi người đọc, giúp họ tự trải nghiệm trong một hành trình đi ngược về quá khứ để thấy lại hình ảnh ông cha ta.
– Việc kết hợp giữa viết và vẽ, nội dung và hình thức của cuốn sách này gây khó khăn gì với bạn?
Ngày thơ ấu, mới biết cầm bút tôi thích vẽ, sau này học văn tôi lại thích viết. Khi gia đình tôi có cơ duyên sở hữu một căn nhà cổ, tôi lại say mê những họa tiết cũ xưa tinh tế và mê hoặc. Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những họa tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay như vậy? Lịch sử và văn hóa bắt đầu lôi cuốn tôi theo cách giản dị như thế.
Hàng ngày đi qua những con đường mang tên các vị anh hùng, các danh nhân văn hóa, các địa danh vẻ vang suốt nghìn năm lịch sử, ngước mắt ngắm nhìn khoảng trời bình yên trên vùng đất tiền nhân đã xây dựng và gìn giữ, tôi càng khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa của đất nước mình.
Tác phẩm đầu tay của cây bút 9X Trần Tuyết Hàn là sự kết hợp nhuần nhị giữa những nét vẽ có hồn và lời kể theo đúng trình tự thời gian của lịch sử. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Đây là cuốn sách sử đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút kết hợp cầm cọ của tôi, chính vì thế tôi muốn nó đạt đến độ chỉn chu nhất có thể. Tôi đã dành và tranh thủ rất nhiều thời gian để tìm tòi, chỉnh sửa.
Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu nên khi bắt đầu phần lời kể, tôi rất cần những sự hướng dẫn đến từ thầy cô trong quá trình làm đồ án, sau này là sự hỗ trợ từ các anh chị có chuyên môn của nhà xuất bản. Đó vừa là khó khăn, đồng thời cũng là một may mắn lớn của tôi để hoàn thiện tác phẩm đầu tay.
Điều gì thu hút khi người trẻ viết sử?
– Bạn mất bao lâu để hiện thực hóa ý tưởng viết và vẽ nên một cuốn sách sử như vậy?
Hành Trình Đông A được hoàn thành dựa trên cuốn truyện minh họa là đồ án tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 2019 của tôi.
Với cuốn sách đầu tay này, tôi đã dành hơn một năm để làm đồ án, và thêm gần hai năm tiếp theo để hoàn thiện, trở thành cuốn sách sử được xuất bản từ NXB Kim Đồng. Ngay từ lúc ấp ủ ý tưởng, tôi đã đặt ra cho mình hai mục tiêu: Một là bảo vệ thành công đồ án trước hội đồng nhà trường, và hai là đưa tác phẩm ra thị trường như một sản phẩm sách sử thực tế.
Đây cũng chính là hành trình của riêng tôi, rời vị trí sinh viên ở trường đại học để đến với con đường sự nghiệp trong xã hội. Bên cạnh công việc chính là một nhà thiết kế sản xuất giấy, vải và nhựa, tôi muốn tiếp tục phát triển viết các cuốn sách về sử theo cách tiếp cận hiện đại, gần gũi.
Không gian trưng bày trong buổi thuyết trình đồ án tốt nghiệp “Hào khí Đông A” của tác giả (năm 2019). Ảnh: NVCC. |
– Theo Tuyết Hàn, điều gì ở tác phẩm này sẽ hấp dẫn và thu hút giới trẻ? Bạn đánh giá sao về xu hướng người trẻ viết sử ngày nay?
Theo tôi, tinh thần của một tác giả trẻ, góc độ diễn đạt của một nhân vật trẻ, hình ảnh minh họa mang phong cách mỹ thuật Việt Nam và gia công thành phẩm rất chất lượng từ nhà xuất bản sẽ là điểm hấp dẫn và thu hút giới trẻ.
Được hòa nhập cùng mọi người trong xu hướng người trẻ viết sử, tôi cảm nhận được rằng, dòng chảy của lịch sử Việt Nam đang được diễn đạt qua rất nhiều phong cách, góc độ, hình thức, làm cho lịch sử được tiếp cận rất dễ dàng, đầy lôi cuốn và dễ ghi nhớ.
– Thông qua cuốn sách, bạn muốn gửi gắm điều gì đến lớp trẻ hiện nay – những con người còn chưa thực sự ý thức được việc “dân ta phải biết sử ta”?
Việc đến với lịch sử của dân tộc phải thật tự nhiên, bình dị, đầy gần gũi, để từ đó mỗi chúng ta sẽ hiểu và càng yêu thêm về lịch sử nước nhà. Lịch sử ấy được tạo dựng bởi mồ hôi và máu của ông cha, đó là sự hy sinh vẻ vang, và cũng là trách nhiệm ông cha gửi gắm lại cho thế hệ trẻ để ngày hôm nay chúng ta được sống dưới một bầu trời bình yên trên mảnh đất phù sa này.
Hiểu biết về lịch sử và trân quý những giá trị thiêng liêng ấy trước nay đã có vô vàn bài học và tấm gương, lớp trẻ chúng ta có thể nhìn vào đó và cố gắng hơn nữa trong việc tiếp nối tình yêu sử.
Hành Trình Đông A với những tư liệu di tích được tái hiện cũng là nơi tôi gửi gắm mong muốn mọi người hãy có thêm tinh thần quan tâm, gìn giữ các di tích đang dần mai một, bởi nơi ấy từng được ông cha tạo dựng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước để vươn đến một Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay.