NXB Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp quỹ Mãi mãi tuổi 20 và câu lạc bộ Trái tim người lính, tổ chức xuất bản bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam của nhiều tác giả, do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên.
Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang. Lần đầu tiên, những tác phẩm nhật ký thời chiến Việt Nam nổi tiếng một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả.
Trong đó, có những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… mang đến một cái nhìn chân thật và sống động, đời thường về những cuộc chiến nhiều gian khổ hy sinh để đi tới hòa bình, thống nhất cho non sông.
Nhà văn Đặng Vương Hưng trò chuyện quanh bộ sách đáng chú ý này.
Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Tư liệu chân thực về cuộc chiến giành độc lập, thống nhất đất nước
– “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc – “Mãi mãi tuổi 20” – đã xuất bản hàng triệu bản, dịch ra nhiều thứ tiếng và gây xúc động cho hàng triệu con tim. Lần này là tuyển tập nhật ký của 30 tác giả, nó có quá nhiều và vì thế kém chọn lọc?
– Năm 2004, vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, thay mặt nhóm các nhà văn và cựu chiến binh, chúng tôi phát động cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam.
Ý tưởng trên đã được các đồng nghiệp và bạn đọc gần xa hưởng ứng nồng nhiệt. Các tác phẩm: Mãi mãi tuổi hai mươi, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống để yêu thương và dâng hiến, Gửi lại mai sau, Tài hoa ra trận, Nhật ký Vũ Xuân, Trở về trong giấc mơ, Tây tiến viễn chinh… là kết quả của cuộc phát động này.
Riêng mảng sách tư liệu về Những lá thư thời chiến Việt Nam, sau khi cho xuất bản những tập lẻ của nhiều tác giả và của riêng một số cá nhân, chúng tôi đã xuất bản Những lá thư thời chiến Việt Nam – Tuyển tập (NXB Công an Nhân dân, 2015), dày gần nghìn trang in, khổ lớn, được dư luận bạn đọc đồng thuận và đánh giá cao.
Chúng tôi cho rằng đôi khi, chính những trang nhật ký, ghi chép sổ tay… tưởng chừng rất đỗi riêng tư, xưa cũ, lại mang đến cho chúng ta những thông tin và tư liệu cực kỳ quý báu.
Chúng có thể gợi mở biết bao điều về đời sống tinh thần, vật chất và cả văn hóa của xã hội trong quá khứ, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử, làm cho cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta tốt đẹp hơn.
Ý tưởng làm bộ sách tư liệu về chiến tranh qua những trang nhật ký được viết trong thời chiến của chúng tôi đã hình thành như thế, từ nhiều năm nay.
Đó là bộ sách tư liệu chân thực về các cuộc kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc và cuộc chiến tranh vệ quốc chống xâm lược bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Những cuộc chiến đó đã kết thúc từ lâu trên đất nước ta, nhưng dấu ấn của nó còn in đậm trong mỗi gia đình Việt Nam, nhất là với những gia đình thương bình, liệt sĩ, cựu chiến binh.
Trong lần in đầu tiên của bộ sách, Nhật ký thời chiến Việt Nam được tạm chia làm 4 tập. Về cơ bản, đó là những trang nhật ký được viết trong thập niên 60 đến thập kỷ 80 của thế kỷ trước…
2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Lần đầu tiên, những tác phẩm nhật ký thời chiến Việt Nam đứng chung trong một bộ sách, với hơn 30 tác phẩm của 30 tác giả.
Đó không chỉ là điều ý nghĩa với những người lính, mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho các lớp độc giả hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Đấy cũng là tâm nguyện của nhiều người khi cung cấp tư liệu cho bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam nhiều tập.
Những trang nhật ký thời chiến được đưa vào tập sách. Ảnh: NVCC. |
“Dù thô ráp, nhưng nó tươi ròng sống động”
– Làm bộ sách này, ông gặp những câu chuyện cảm động nào?
– Không có người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng sau mấy chục năm nữa, chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành tác giả nhật ký… Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến lạ kỳ.
Có lẽ, giá trị của thể loại nhật ký, trước hết là ở sự chân thực của cảm xúc người viết, sự trung thực với chính mình và trung thực với các nhân vật và sự kiện được phản ánh. Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy.
Tất cả điều ta đọc được ở đây đều là sự thật, dù nó có thể thô ráp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, địa chỉ thật, sự việc thật và những tâm trạng rất thật!
Bởi thế, ngoài những trang viết phơi phới lạc quan chiến thắng, đây đó ta còn bắt gặp cả những “nỗi buồn chiến tranh”, những trang viết thấm đẫm nước mắt.
Tất cả điều ta đọc được ở đây đều là sự thật, dù nó có thể thô ráp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, địa chỉ thật, sự việc thật và những tâm trạng rất thật!
Nhà văn Đặng Vương Hưng
Ta biết đã có lúc người lính phân vân, thậm chí hoang mang, vì bản năng sống, vì anh có thể đón nhận những điều phũ phàng nhất do chiến tranh mang lại. Thậm chí, có phút giây, anh nghĩ tới cái chết. Nhưng đó là những tình cảm rất thật của con người.
Nếu đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong, nhật ký Những ngày trong vòng vây của Trần Mai Hạnh, nhật ký Vượt Trường Sơn của Phạm Quang Nghị, Nhật ký chiến trường của Dương Thị Xuân Quý, Nhật kýBê trọc của Phạm Việt Long, hay Nhật ký đi B của Triệu Bôn…, chúng ta sẽ thấy các tác giả giống nhau ở một điểm.
Họ đều là những phóng viên chiến trường, nhật ký đều được viết trong nửa cuối những năm 1960 tới đầu những năm 1970 tại chiến trường miền Nam. Nhưng, mỗi người một góc nhìn, bổ sung cho nhau, phản ánh sự thật ác liệt đến trần trụi.
Những trang viết đầy máu lửa ấy, bao năm rồi, vẫn như nóng hổi hơi thở chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.
Còn đọc nhật ký Tây tiến viễn chinh của Trần Duy Chiến, được viết đầu thập niên 80 tại chiến trường Campuchia, bạn sẽ thấy tác giả viết rất nhiều về những “thói hư tật xấu” trong sinh hoạt của tiểu đội trưởng và những đồng đội trong đơn vị. Điều bi tráng là sau chiến tranh, hầu hết nhân vật nhiều “thói hư tật xấu” đó và kể cả tác giả, đều hy sinh.
Trong mỗi người lính thời đất nước có chiến tranh, đều có những niềm vui, nỗi buồn và tình yêu không bao giờ vơi cạn. Điều quan trọng là họ vẫn chiến đấu cho tới ngày toàn thắng.
Nhà văn Đặng Vương Hưng và bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Ảnh: Ngô Vương. |
– Sau khi hoàn thành 4 tập với 4.000 trang sách, ông có dự định gì tiếp theo với các trang nhật ký thời chiến?
– Chúng tôi tiếp tục biên soạn những tập tiếp theo. Trong 4 tập lần này, hầu hết tác giả là văn nghệ sĩ, trí thức, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân, trực tiếp sống và chiến đấu thời kháng chiến chống Mỹ và một phần của chiến tranh bảo vệ biên giới.
Chúng tôi hy vọng ở những tập sau của bộ sách này, còn có cả nhật ký của những người thuộc “phía bên kia” chiến tuyến.
Tại sao không, khi mà chiến tranh phải có sự tham gia từ nhiều phía. Và nếu nhìn dưới góc độ tình cảm cá nhân, gia đình…, những người lính ra trận đều có vợ con, cha mẹ và nỗi nhớ nhung giống nhau.
Nếu họ không may ngã xuống, dù ở bên nào, cũng đều để lại nỗi mất mát, trống vắng và đau đớn không thể bù đắp được cho người thân.
Bởi thế, để làm cho tác phẩm nhân văn, đầy đủ và ý nghĩa hơn, chúng tôi rất muốn sưu tầm, biên soạn và bổ sung vào bộ sách những trang nhật ký từ phía “bên kia” chiến tuyến, để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới.