Một người đàn ông đẩy xe đi nhặt chai, vỏ hộp trong tuyết ở Massachusetts, năm 2014. Ảnh: Reuters. |
Theo CNBC, trong 50 năm qua, tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ hầu như không thay đổi nhiều: Khoảng 11% dân số Mỹ được coi là nghèo vào năm 2019. Năm 1970, con số này vào khoảng 12%.
Chia sẻ trong cuốn sách mới của ông Poverty, by America, nhà xã hội học Matthew Desmond viết: “Không có sự cải thiện. Đây là sự trì trệ dài”. Trước đó, cuốn sách Evicted: Poverty and Profit in the American City về cùng chủ đề này của ông đã giành giải Pulitzer 2017 cho thể loại phi hư cấu.
Và trong cuốn sách mới nhất, Desmond đi tìm lý do của tình trạng trì trệ đó và cho rằng nhiều người Mỹ và các tập đoàn thu quá nhiều lợi nhuận trong khi người dân bình thường hưởng lợi quá ít. Các ngân hàng đang kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm từ phí thấu chi và nhiều công ty thì trả lương thấp cho người lao động, hạn chế đi các khoản phúc lợi. Giải thích cụ thể những điều này, Poverty, by America cung cấp nhiều số liệu thống kê làm rõ tình trạng bất bình đẳng của nền kinh tế Mỹ.
Người nghèo nhận được ít nhưng phải trả nhiều
Desmond đã viết kể từ năm 1979, 90% những người có thu nhập thấp nhất ở Mỹ chỉ có mức tăng thu nhập hàng năm là 24%, trong khi tiền lương của 1% những người có thu nhập cao nhất tăng hơn gấp đôi. Phát hiện của ông dựa trên dữ liệu từ một số nguồn, bao gồm Cục Thống kê Lao động Mỹ và Trung tâm Nghiên cứu Pew.
Ông cũng thông tin thêm rằng nhìn vào thu nhập được điều chỉnh theo lạm phát, lương của những người lao động bình thường chỉ tăng 0,3%/năm trong vài thập kỷ qua. “Thật đáng kinh ngạc, mức lương thực tế của nhiều người Mỹ ngày nay gần bằng mức lương của họ 40 năm trước”, Desmond bày tỏ.
Cuốn sách ra mắt ngày 21/3. Ảnh: CNBC. |
Trong khi đó, chính phủ lại liên tục tăng thêm viện trợ cho những người thoải mái về tài chính.
Vào năm 2020, chính phủ liên bang Mỹ đã chi 53 tỷ USD để hỗ trợ nhà ở trực tiếp cho người nghèo. Trong khi đó, hơn 193 tỷ USD đã được chi cho những người có tiền bằng cách giảm trừ lãi suất thế chấp nhà cho những người vay tiền mua nhà.
Desmond đã phân tích dữ liệu thuế từ một số nguồn, bao gồm Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ, và cho biết: “Hầu hết gia đình được hưởng những khoản trợ cấp đó đều có thu nhập sáu con số và là người da trắng. Còn các gia đình nghèo may lắm cũng chỉ được sống trong các căn hộ thuộc sở hữu của chính phủ.
Họ thường phải đối mặt với những bức tường đầy nấm mốc và thậm chí sơn thì có chì. Trong khi đó, các gia đình giàu có lại yêu cầu giảm trừ lãi suất thế chấp đối với ngôi nhà thứ nhất và thậm chí ngôi nhà thứ hai của họ”.
Khoảng cách giàu nghèo quá lớn
Trong cuốn sách của mình, Desmond cũng phân tích dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ và các nguồn khác để đưa ra kết luận rằng cứ 18 người ở Mỹ thì có 1 người sống trong tình trạng được coi là “nghèo đói cùng cực”.
Danh mục này bao gồm những người kiếm được dưới 6.380 USD/năm hoặc gia đình 4 người sống với mức dưới 13.100 USD/năm. Vào năm 2020, gần 18 triệu người ở Mỹ sống trong tình cảnh này, trong đó có khoảng 5 triệu trẻ em.
Desmond viết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nước Mỹ còn có một tầng lớp rất thiếu thốn và khó khăn. Đây là một kiểu nghèo đói cùng cực từng được cho là chỉ tồn tại ở những nơi xa xôi với những con người đi chân trần và bụng thì phình to”.
Tham khảo tác phẩm của các tác giả khác và dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Desmond cũng nhận thấy khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc tại Mỹ ngày nay không khác gì hơn 5 thập kỷ trước.
Vào năm 2019, tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình da trắng ở Mỹ ở mức 188.200 USD, cao hơn nhiều lần so với mức 24.100 USD của các hộ gia đình da màu.
Ông Desmond viết: “Việc từ chối một cách có hệ thống quyền tiếp cận đất đai và của cải của quốc gia đối với người da màu tại Mỹ đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
Tác giả cũng giải thích rằng phần lớn những người mua nhà lần đầu đều nhận được sự giúp đỡ trả trước từ cha mẹ của họ. Những người này có thể làm được như vậy xuất phát từ việc “chính phủ trợ cấp quyền sở hữu nhà ở cho các cộng đồng da trắng sau Thế chiến thứ hai”.
Đối với việc chi trả cho ngân hàng, Desmond cũng thấy rằng phí thấu chi chủ yếu do người nghèo chi trả. Thấu chi là việc ngân hàng cho phép khách hàng chi vượt số tiền có trên tài khoản của khách hàng. Ngân hàng thu lãi vay trên số tiền khách hàng chi vượt. Số tiền này được gọi là phí thấu chi.
Vào năm 2019, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ buộc người dân phải trả phí thấu chi 11,68 tỷ USD. Sau khi xem xét một số báo cáo, trong đó có Trung tâm cho vay có trách nhiệm, Desmond thấy rằng 84% khoản phí đó là do những khách hàng có số dư trung bình dưới 350 USD chi trả. Desmond viết: “Người nghèo phải trả giá cho sự nghèo khó của họ”.
You must be logged in to post a comment Login