“Tôi đã ghê tởm chính mình vì từng đánh con trai nhỏ. Bọn trẻ thật biết cách làm ta phát điên. Con ngủ, tôi nằm khóc vì hoang mang và ân hận”, tác giả Maki Shino đưa ra lời chia sẻ như vậy để mở đầu cuốn sách Những lời cha mẹ không nên nói.
Theo tác giả, phụ huynh cần làm chủ cảm xúc trong quá trình nuôi dạy con trẻ. Thông điệp “không để sự nóng giận điều khiển cách dạy con” và bí quyết nuôi dạy trẻ thành công cũng được bàn đến trong nhiều cuốn sách khác như: Cách bạn nói là cách con bạn trưởng thành, Cha mẹ thông minh dạy con tinh tế, Kỷ luật mềm trong gia đình.
Sách Những lời cha mẹ không nên nói của Maki Shino. Ảnh: H.D. |
Biết kiềm chế cảm xúc khi con mắc lỗi
Câu chuyện của tác giả Maki Shino trong cuốn Những lời cha mẹ không nên nói cũng là vấn đề các bậc phụ huynh thường xuyên gặp phải. Mỗi khi con cái làm sai điều gì đó, phản ứng tức thì của cha mẹ sẽ là nóng giận và buông lời trách mắng. Câu hỏi đặt ra là trẻ có tiếp thu cách dạy dỗ đó không?
Điều này được Maki Shino lý giải rằng nóng giận chỉ làm cho trẻ có ý muốn chống đối, gia tăng cảm giác tự ti, khép mình lại và dần xa lánh phụ huynh.
Theo tác giả, “nóng giận” là khái niệm hoàn toàn khác với “nghiêm khắc”. Cha mẹ có thể nghiêm khắc với con, nhưng lại không nên nóng giận, bởi người chỉ biết nóng giận theo bản năng sẽ không có bản lĩnh để kiềm chế cảm xúc trong những thời điểm cần thiết.
Những lời cha mẹ không nên nói không chỉ trình bày bản chất đằng sau từng lời nói lúc tức giận của cha mẹ, mà còn đưa ra nguyên nhân, giải pháp cho hàng triệu phụ huynh trên khắp thế giới kiểm soát cơn giận và nuôi dạy con trong niềm vui.
Trong cuốn Kỷ luật mềm trong gia đình của TS Nguyễn Thị Thu – Giám đốc đào tạo hệ thống giáo dục Tsubaki (Nhật Bản) – tác giả lý giải rằng xuyên suốt quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, cách ứng xử của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới nhân cách của các con.
Nếu một đứa trẻ nghiện các trò chơi điện tử và dùng smartphone với tần suất quá cao trong ngày, thay vì cấm đoán, cha mẹ chỉ cần dạy con nhận biết bản chất của việc sử dụng chúng.
Cụ thể, khi lên 3, cha mẹ cần hạn chế thời gian cho trẻ xem điện thoại mỗi ngày. Khi 7 tuổi, có thể gợi ý những kênh YouTube bổ ích để con có thể vừa học vừa giải trí.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên khéo léo nhắc nhở con trẻ tại sao những trang mạng này hữu ích, trong khi những trang khác lại không nên xem và tần suất sử dụng smartphone bao nhiêu là đủ.
TS Nguyễn Thị Thu cho rằng có 5 nguyên tắc các bậc phụ huynh cần ghi nhớ khi giáo dục con. Đó là mẹ không nên can thiệp khi cha đang dạy dỗ con và ngược lại; là đồng minh với chồng khi con có hành động thiếu tôn trọng bố; không chê bai khuyết điểm của nhau trước mặt con; giữ thể diện cho nhau trước mặt người khác; ghi nhận những điểm mạnh của đối phương trước mặt con.
Sách Cách bạn nói là cách con bạn trưởng thành của Jang Jae Jin. Ảnh: H.D. |
Lời nói của cha mẹ tác động trực tiếp đến trẻ
Tác giả người Hàn Quốc Jang Jae Jin trong cuốn Cách bạn nói là cách con bạn trưởng thành cho rằng với từng giai đoạn phát triển của trẻ, cha mẹ nên có những cách nói chuyện thay đổi, giúp nuôi dưỡng trẻ thành em bé hạnh phúc và thông minh.
Lên 6 tuổi, trẻ có khả năng ghi nhớ 30.000 từ. Để số lượng ngôn từ này trở nên hữu ích với trẻ, người lớn cần nói những lời động viên tích cực để cổ vũ và gieo vào lòng trẻ điều hay, lẽ phải.
Theo đó, cuốn sách chỉ ra cho các bậc cha mẹ từng giai đoạn phát triển của trẻ và những câu nói nên sử dụng. Cụ thể, trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ cần tạo cho con cảm giác an toàn, cùng con trải nghiệm để khám phá thế giới.
Lên 4 tuổi, trẻ thường muốn được công nhận (khen ngợi, cổ vũ) và đã nhận biết được trật tự, quy tắc. Lên 5, trẻ biết cách lập kế hoạch và có thể tự làm nhiều việc. Từ 6 tuổi trở đi, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ học cách tư duy, bàn luận và quan tâm đến mọi người xung quanh.
Theo tác giả, những đứa trẻ được khích lệ bằng các câu nói như “Mẹ tin rằng con làm được” sẽ đón nhận thử thách không chút sợ hãi. Những đứa trẻ được động viên “Cố lên con nhé” sẽ luôn biết nỗ lực. Những đứa trẻ được nghe “Cảm ơn con” sẽ trân quý giá trị của lòng biết ơn.
Cách bạn nói là cách con bạn trưởng thành giúp các bậc cha mẹ hiểu được rằng lời nói của bản thân có thể giúp khả năng giao tiếp và hành động của con phát triển. Sự tác động ngôn từ thích hợp của bố mẹ cũng giúp con trưởng thành hơn.
Cha mẹ ở bên con là điều cần thiết. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, các bậc phụ huynh cũng nên dạy con trẻ cách tự lập, làm chủ tình huống ở trường cũng như ở nhà. Điều này được bàn đến trong cuốn Cha mẹ thông minh dạy con tinh tế của Joon Ji-Young.
Cuốn sách bao gồm các phương pháp nuôi dạy lòng tự tôn cho trẻ trong độ tuổi tiểu học qua câu chuyện về hành trình làm mẹ của tác giả mà ở đó, người mẹ có thể dạy con cách đối xử tốt với bạn bè, nhưng lại không thể can thiệp được vào mối quan hệ của con.
Theo Joon Ji-Young, có 4 công thức để nuôi dạy trẻ tự lập: Không làm thay trẻ những việc chúng có thể làm, giúp đỡ với những việc chúng không thể tự làm, tạo ra môi trường sống an toàn, liên tục nói những lời động viên khi trẻ gặp vấn đề khó thực hiện.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần có cách nói chuyện khéo léo với con trẻ để nâng cao lòng tự tôn cho các bé bằng cách: Lắng nghe; hỏi suy nghĩ, đọc cảm xúc của trẻ; khích lệ; luyện thói quen nói những lời tích cực với trẻ…