Những tờ báo xưa, nhất là những tờ nhật bản như Hà thành ngọ báo, Trung hòa nhật báo, Sài Gòn... thường có cơ sở vật chất dồi dào, trường vốn, nên việc xuất bản báo thuận tiện. Lại có những tờ báo như Đại Nam đồng văn nhật báo, Nam Việc công báo, Nam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn… được chính quyền hỗ trợ kinh phí, phát hành nên sống khỏe. Còn lại những tờ báo Đời mới, Sống, Tiếng vang làng báo… do ít vốn, thường phải xuất bản theo kiểu chạy ăn từng bữa.
An Nam tạp chí tự thân xuất bản, vô vàn khó khăn
Kinh phí xuất bản báo, có thể nghe Tản Đà tự thuật với tờ An Nam tạp chí. Trước hết là ở chi phí cho việc xuất bản tờ An Nam tạp chí. Trong số 10, ra ngày 1/3/1927, ông Chủ bút An Nam tạp chí tâm sự báo để sống được, mỗi tháng các khoản chi phí chưa tính tiền nhà in, tiền thuê nhà, công người làm thì không dưới 200 đồng. Để tồn tại qua được 10 số báo, nhà thơ phải xoay xở mọi phương cách.
Trụ sở báo L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kỳ). Ảnh: Manhhai/flickr. |
Trong bài “An Nam tạp chí chủ nhân Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu kính trình độc giả chư tôn” trên An Nam tạp chí số 10, ra ngày 1/3/1927, tính toán của Tản Đà thì ông phải nhờ anh em bạn hữu, cùng tiền bán sách, tổng cộng hết 700 đồng đổ vào sự nghiệp xuất bản tờ An Nam tạp chí. Nhưng vì tiền không có, một thân phải lo đủ thứ, đến lúc này không còn vay mượn được nữa, đành phải đình bản đứa con cưng của mình. An Nam tạp chí ra mắt được chẵn 10 số thì tạm dừng.
Khi thi sĩ muốn cho An Nam tạp chí trở lại, ông đã tâm sự với người cháu Nguyễn Văn Phúc, nhưng rồi đụng tới vấn đề hoạt động, là mắc ngay bởi chữ tiền: “Nhưng vấn đề cần thiết nhất là vấn đề tài chính. Nếu không có tiền thời không làm được việc. Mà nghĩ cách xoay tiền thời thi sĩ lại bất lực”, người cháu Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ như thế trong Tôi với Tản Đà.
Báo Sống số 1, ra ngày 22/1/1935 tại Sài Gòn. ẢNH: TL. |
Làm báo đã vất vả, mà có lúc còn mang nợ vào thân. Tản Đà sau lần đình bản An Nam tạp chí, năm 1930 đã cho tờ này ra lại, chỉ vì một lý do, được Lan Khai tiết lộ trong bài “Một tháng với Tản Đà: Đời làm báo của Tản Đà” trên báo Ngày nay số 171, ra ngày 22/7/1939, là bởi Tản Đà còn nợ ông ấm phố Hàng Gai một khoản tiền, nên phải hợp tác để ông ấm kia thu nợ dần. Ông ấm giữ mặt tài chính, lo việc thu tiền mua báo, chi phí in ấn và các khoản chi tiêu khác, còn Tản Đà chỉ trông nom bài vở.
Phụ thuộc kinh phí vào nhà đầu tư, có trường hợp Đông Tây tuần báo của Quỳnh Dao. Đầu năm 1942, Đông Tây tuần báo ra đời do Quỳnh Dao giữ chân chủ bút kiêm trị sự, Lưu Hồ là Chủ nhiệm báo, Anh Thơ làm biên tập, Hồ Thu là họa sĩ. Làm chủ nhiệm báo, Lưu Hồ là người chi tiền để nuôi báo, còn mọi việc đều vào tay Quỳnh Dao cả. Anh chàng 21 tuổi đứng chân chủ nhiệm chỉ để ra oai. Ra số Tết, số Xuân 1943, nhưng sau đó vì Lưu Hồ hết tiền, báo không ra được số 5, rồi bị đình bản.
Cũng tự thân mở báo như tác giả Thề non nước, nhưng óc tổ chức có phần tốt hơn, Lê Tràng Kiều được Phạm Cao Củng khen có tài tổ chức, có sáng kiến táo bạo. Tuy nhiên, tờ này cũng mắc phải yếu tố căn cốt, là tiền; bởi vậy khi ra báo, người thực hiện phải giật gấu vá vai chạy từng số và rồi báo Tân thiếu niên của Tràng Kiều cũng phải vào phận hẩm hiu.
“Muốn tự mình ra một tờ báo độc lập, không bị chi phối bởi một đảng phái hay một kẻ bỏ tiền vốn thì chỉ còn có một cách là ‘giật gấu vá vai’, vay món này đập món nọ, lo chạy tiền in, tiền giấy cho từng số báo một, mà ra báo, tiền bán báo dù báo chạy, so với tiền in, tiền giấy thì chưa thấm vào đâu. Báo muốn sống thì cần phải có nhiều quảng cáo, mà báo ra đều và sống khá lâu rồi thì mới dễ lấy quảng cáo”, Phạm Cao Củng đã rút kinh nghiệm làm báo tự thân trong Hồi ký Phạm Cao Củng.
Tuần báo Sống ra số đầu tiên ngày 22/1/1935 tại đất Sài Gòn. Ngay khi báo mới ra, kinh phí để xuất bản báo khá hẻo. Nhớ lại trong hồi ký Núi Mộng gương Hồ, Mộng Tuyết biết được tình hình phải gửi vòng vàng lên để góp vốn giúp báo duy trì. Để có kinh phí ra báo, Mộng Tuyết, Lê Thị Đức, Lê Thị Thượng và Trần Hữu Trang phải đi cổ động ở khắp nơi để kêu gọi độc giả mua báo. Sau 30 số xuất bản, vì không tự túc được kinh phí, báo phải tự đình bản.
Nam Phong tạp chí nhận trợ cấp 600 đồng mỗi tháng
Tự túc kinh phí để ra báo, nếu nguồn tài chính không dồi dào như nhà Tân Dân, Mai Lĩnh, thì các chủ báo đa phần rơi vào cảnh “chạy ăn từng bữa” kiểu An Nam tạp chí, Sống. Có báo phải thuê mặt bằng, thuê in ấn như An Nam tạp chí, nhưng cũng có báo chủ động được nhiều khoản, như Trung hòa nhật báo, Tiếng dân, Con ong có nhà in riêng.
Có báo được thực dân bảo trợ, nhưng có báo phải tự thân vận động, đó là chưa kể còn bị gây khó dễ từ chính quyền. Báo nào được hậu thuẫn thì sống khá lâu, còn những báo phải tự túc, hoặc bị chính quyền nhòm ngó thì sống trong tình trạng luôn thấp thỏm với hai chữ “đình bản”.
Nam Phong tạp chí số 72, ra tháng 6/1923. Tờ báo này được hỗ trợ kinh phí và hỗ trợ phát hành. ẢNH: T.L. |
Xem trường hợp của Nam Phong tạp chí, báo này Vương Hồng Sển có nói là được bảo trợ để tuyên truyền cho thực dân, lối phát hành thì các làng xã phải gánh mua, mà chưa hẳn đã đọc. Mỗi tháng, Nam Phong tạp chí được chính quyền cấp cho một khoản kinh phí là 600 đồng, trong khi đó Trung Bắc Tân văn được nhận khoản thấp hơn một chút là 500 đồng, theo lời Nguyễn Công Hoan trong Đời viết văn của tôi.
Có những báo lại sống nhờ vào sự ủng hộ của độc giả, mà cụ thể ở đây là báo của những người hoạt động cách mạng cứu nước. Là người tham gia làm báo cuối những năm 1930, Hoàng Quốc Việt trong hồi ký Chặng đường nóng bỏng cho biết khi báo mới ra “tiền thuê in báo thoạt tiên là tiền ủng hộ, khi có báo bán rồi, một phần lãi trang trải cho anh em có cái ăn, còn chủ yếu là làm vốn, tiếp tục ra báo”.
Riêng với báo tiếng Pháp, do đối tượng độc giả hẹp hơn báo quốc ngữ, chủ yếu là trí thức, công chức mua, nên báo tiếng Pháp, cụ thể là báo cộng sản “người mua báo vừa mua vừa ủng hộ nữa. Thỉnh thoảng trên báo lại có mục cảm ơn người ủng hộ, không nói rõ tên, kèm số tiền”.