Tối 19/4, đông đảo người yêu sách có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) để dự lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động xoay quanh việc phát triển văn hóa đọc và giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong xuất bản.
Nhiều bạn trẻ tham quan khu vực trưng bày các đầu sách sau lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất (tối 19/4) tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
Các hoạt động chính ở TP.HCM và Hà Nội
Trong khoảng thời gian 19/4-24/4, 3 không gian hiện đại trưng bày sách cho bạn đọc trải nghiệm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Trong đó, không gian chuyển đổi số giới thiệu sách nói, điện tử, tương tác, 3D thực tế ảo… và nhiều mô hình trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới.
Tiếp đến, không gian “Thành phố sách” trưng bày, giới thiệu những tựa sách hay, đa thể loại đến từ các đơn vị xuất bản. Khu vực này cũng là nơi diễn ra các tọa đàm, giao lưu với tác giả và người làm công tác xuất bản.
Không gian thứ ba dành để giới thiệu về văn hóa đọc, triển lãm các tủ sách như doanh nhân, Nobel, cơ quan, gia đình, trường học hay thư viện thông minh…
Không chỉ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường sách Nguyễn Văn Bình và 21 quận, huyện, TP Thủ Đức (TP.HCM) cũng là nơi diễn ra các hoạt động riêng, đặc sắc, kéo dài đến hết tháng tư.
Trong khi đó, thủ đô Hà Nội là nơi diễn ra một số sự kiện dưới hình thức trực tiếp tại Thư viện Quốc gia và Phố sách 19/12 như: Tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản”, Lễ phát động phong trào đọc sách, giới thiệu dự án “Sách cộng đồng”, tọa đàm “Sách với gia đình”, giới thiệu sách thiếu nhi, doanh nhân với sách…
Các hoạt động tại tỉnh, thành khác
Sáng 18/4, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tổ chức buổi lễ phát động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 (do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa phối hợp UBND huyện Đông Sơn tổ chức).
Tại buổi lễ, ông Hoàng Văn Tú – Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa – đã trao thẻ bạn đọc cho học sinh trong trường.
Chia sẻ với Zing, ông Tú cho biết: “Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhiều đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chúng tôi cũng tổ chức lễ phát động, trao tặng tủ sách, thẻ bạn đọc, trưng bày, giới thiệu sách và các hoạt động đọc cho thiếu nhi. Ngày hội sách diễn ra tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, nhưng có thể thấy các hoạt động ở địa phương cũng được thực hiện rất sôi nổi”.
Sau lễ phát động, Thư viện tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ngày hội đọc sách. Một “ôtô lưu động” chứa hàng nghìn đầu sách về chủ đề biển đảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử, khoa học – xã hội… được phục vụ cho các em học sinh, giáo viên.
Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các cơ sở giáo dục tỉnh Ninh Bình cũng triển khai nhiều hoạt động như: Bổ sung các đầu sách, báo mới vào thư viện nhà trường; phát động phong trào xây dựng tủ sách lớp học, mô hình “Thư viện xanh”, “Thư viện thân thiện”; hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022” với chủ đề “Sách và khát vọng cống hiến”…
Học sinh trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh (Thanh Hóa) tham quan khu trưng bày sách của trường. Ảnh: Lường Toán. |
Ngày 17/4, Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên phối hợp các đơn vị tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất với sự có mặt của ông Lê Thanh Hà – Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên; nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng Ban Sinh viên Việt Nam, báo Tiền phong; bà Nguyễn Kim Thoa – CEO Tân Việt Books; ông Chu Đình Hoàng – đại diện Công ty CP Sách và Truyền thông San Hô.
Tại chương trình, sinh viên có cơ hội giao lưu với khách mời, diễn giả về ý nghĩa và kỹ năng đọc. Bà Nguyễn Kim Thoa là diễn giả của talk show với chủ đề “Những người thành công nói về sách như thế nào?”.
“Đây là một buổi giao lưu truyền lửa cho sinh viên Đại học Thái Nguyên. Không khí nhiệt huyết của các bạn khiến tôi cũng bốc cháy hết mình. Con đường thành công của mỗi người là khác nhau nhưng con đường chung cho tất cả là đọc sách”, bà Kim Thoa chia sẻ.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại thư viện tổng hợp của tỉnh.
Sự kiện thu hút khoảng 300 học sinh, sinh viên đến từ các trường cùng người dân địa phương. Tại đây, ban tổ chức giới thiệu 2 ấn phẩm mới của Tủ sách Huế, gồm Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam và Ca Huế – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, hội sách còn có không gian trưng bày với chủ đề “Huế trong mắt em” gồm những bức tranh thiếu nhi đoạt giải của tỉnh.
Cùng đó, Thừa Thiên – Huế mở cửa phòng đọc thiếu nhi và khởi động tuần lễ đọc sách miễn phí, nhằm nâng cao kỹ năng đọc cho mọi tầng lớp, bồi dưỡng tình yêu sách và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên.
Cùng ngày, tọa đàm “Đọc sách xóa mờ khoảng cách, kết nối yêu thương” do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng phối Thư viện Khoa học tổng hợp tổ chức. Tại đây, bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – đã tặng sách cho “Không gian Văn hóa sáng tạo Cửa Biển”.
Bên cạnh đó, hội sách cũng đang diễn ra tại các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Phú Yên, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bắc Ninh… mang đến không khí Ngày Sách và Văn hóa đọc sôi nổi trải dài khắp ba miền trên cả nước.
Ngày 4/11/2021, Thủ tướng có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây.
Theo đó, sự kiện này được tổ chức vào 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc, nhằm tôn vinh độc giả, tác giả, người làm công tác xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Hướng tới ngày hội lớn nhất trong năm của giới xuất bản, kể từ đầu tháng tư, nhiều hoạt động sôi nổi trên cả nước được tổ chức nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất.