Trong ca phẫu thuật túi mật của mình, Kristy C. bị ngừng tim. Cô đã trải qua trải nghiệm cận tử, tức thực sự gần như chấm dứt sự sống, thậm chí đã chết lâm sàng. “Tôi ở trên cao nhìn xuống các bác sĩ đang thao tác trên thân thể tôi”, Kristy kể lại sau khi được cứu sống.
Câu chuyện của Kristy chỉ là một trong hàng nghìn trải nghiệm chết đi sống lại đã được khám phá bởi Cơ sở Nghiên cứu Trải nghiệm Cận tử (Near Death Experience Research Foundation, NDERF). Cơ sở này được thành lập bởi Jeffrey Long – một bác sĩ và là nhà nghiên cứu về trải nghiệm cận tử. Từ năm 1998 cho tới nay, hơn bốn nghìn câu chuyện trải nghiệm cận tử đã được gửi về website của NDERF, trở thành nguồn tư liệu cho Jeffrey Long khám phá những huyền bí về cuộc sống ở thế giới bên kia.
Cuốn sách Sự Sống Bất Tử là thành quả nghiên cứu của Jeffrey Long, do ông và nhà báo Paul Perry đồng tác giả. Nhân dịp cuốn sách này mới xuất bản ở Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Jeffrey Long về quá trình tiến hành nghiên cứu và các khám phá của ông.
Ý thức của người cận tử tỉnh táo hơn bất kỳ trạng thái nào
– Điều gì khiến ông nghiên cứu về trải nghiệm cận tử ?
– 30 năm trước, tôi bị lôi cuốn khi đọc một tạp chí y khoa có cụm từ “near-death experience” (trải nghiệm cận tử). Sau đó, tôi đọc một vài cuốn sách về trải nghiệm cận tử và nhận ra rằng nếu trải nghiệm cận tử là có thật, điều này sẽ thay đổi cái nhìn của tôi về vũ trụ chúng ta đang sống và có những ảnh hưởng cực kỳ quan trọng.
Tác giả Jeffrey Long. |
Một vài năm sau, tôi rất ngạc nhiên khi vợ của một người bạn chia sẻ trải nghiệm cận tử. Tôi quyết tâm tìm hiểu xem liệu trải nghiệm này thực sự có thật, bằng cách lập một website khuyến khích mọi người hoàn thành một khảo sát nghiên cứu. Dựa vào những chứng cứ đáng tin cậy nhất, từ 4.500 trường hợp cận kề cái chết, tôi bị thuyết phục rằng trải nghiệm cận tử là hoàn toàn có thật.
– Sau khi nghiên cứu hơn 4.000 trường hợp qua cận tử, ông có thể chia sẻ ngắn gọn về những yếu tố thường gặp nhất trong trải nghiệm này?
– Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng có 12 yếu tố thường gặp khi con người đối diện với cái chết. Những yếu tố này thường xuất hiện theo trình tự: Bao gồm trạng thái xuất ra khỏi cơ thể – tức sự tách ý thức ra khỏi thể xác là hiện tượng đầu tiên xảy ra trong một trường hợp trải nghiệm cận tử điển hình.
Tiếp theo là yếu tố tăng tiến năng lực giác quan, nghĩa là ý thức của người cận kề cái chết tỉnh táo hơn bất kỳ tình trạng nào trước đây. Sau đó, những người này thường sẽ cảm thấy tràn ngập cảm xúc tích cực sâu sắc, như bình an và yêu thương.
Việc đi vào, hay xuyên qua một đường hầm, bắt gặp một nguồn sáng chói loà hoặc nhiệm màu là những trải nghiệm thường gặp kế tiếp. Sau đó là việc gặp những người thân, bạn bè quá cố hay những sinh thể huyền ảo, cảm giác vượt khỏi giới hạn không gian hay thời gian, rồi hồi tưởng về cuộc đời đã qua.
Các trường hợp trải nghiệm cận tử cũng kể về việc đến với thế giới bên kia hay thiên đường, lĩnh ngộ sự hiểu biết đặc biệt và cuối cùng là nhập ngược trở lại cơ thể – ngoài ý muốn hoặc có chủ đích.
“Tôi không tin người sau khi chết có thể tồn tại dưới dạng linh hồn”
– Đâu là trường hợp trải nghiệm cận tử ấn tượng nhất mà ông từng gặp?
– Trường hợp ấn tượng nhất mà tôi biết là Vicki, người khiếm thị hoàn toàn từ lúc mới sinh. Và rồi cô ấy có một trải nghiệm rất chi tiết với những hình ảnh sống động.
Đối với những người khi vừa sinh ra đã mù hoàn toàn, họ không có ý niệm về “sự nhìn”. Bạn không thể giải thích ý niệm này với họ bằng cách sử dụng bốn giác quan còn lại. Vicki cho hay cô chưa từng có bất cứ trải nghiệm thị giác nào.
Trong một tối, trên đường trở về nhà sau buổi làm việc, Vicki gặp tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Tai nạn quá kinh khủng đến nỗi cô suýt mất mạng. Trong trải nghiệm cận tử của mình, cô như thoát khỏi cơ thể. Cô thấy mình đang ở trên trần nhà nhìn xuống một bác sĩ nam và một người phụ nữ đang xử lý ca cấp cứu của cô. Vicki còn nghe họ bàn luận về tình trạng của mình.
Sách Sự sống bất tử. |
Đặc biệt, sau chốc lát, cô nhìn thấy chính cơ thể mình đang nằm trên bàn cấp cứu. Cô nhận ra đó là mình nhờ chiếc nhẫn mà cơ thể đó đang mang – vật bố cô tặng cô từ lâu. Đó là lần đầu tiên trong đời Vicki thật sự “nhìn” và còn thấy chính mình. Cô đã rất kinh ngạc.
Vicki còn kể lại về những chi tiết sau đó: Cô bay xuyên qua một đường hầm, tới một không gian có nhiều ánh sáng, gặp những người quen biết đã qua đời. Các sự kiện này được Vicki kể lại một cách hết sức sống động và chi tiết.
– Ông nghĩ gì về sự tồn tại của thế giới bên kia, linh hồn, cũng như sự giao tiếp và ảnh hưởng của họ với người sống?
– Từ nghiên cứu, tôi không nghĩ rằng những người đã qua đời tồn tại dưới dạng các linh hồn trong cuộc sống thực. Tuy nhiên, tôi tin rằng có khả năng những “người” này giao tiếp được với con người. Theo tôi, đây là một hiện tượng hiếm thấy. Trong nghiên cứu của mình, tôi nhắc đến hiện tượng này với tên gọi “giao tiếp sau cái chết” (after death communication).
– Lẽ thông thường, người ta thường sợ những thứ mình không biết. Ông có nghĩ rằng phần lớn nỗi sợ của con người về cái chết là vì chúng ta chưa biết về nó?
– Tôi đồng tình rằng nỗi sợ cái chết là một trong những nỗi sợ chung nhất và lớn nhất. Nếu con người ta thực sự hiểu và chấp nhận những thông điệp trong trải nghiệm cận tử, họ sẽ ít sợ cái chết hơn.
Chúng tôi hỏi những người từng đứng sát “biên giới sinh tử” về nỗi sợ cái chết. Theo kết quả khảo sát này, sau trải nghiệm cận tử, nỗi sợ cái chết của họ giảm đi đáng kể so với trước kia.