“Ngày hôm qua, tôi vừa thấy một dữ liệu đáng kinh ngạc. Đó là, quá nửa số sinh viên đại học có thời gian đọc sách bằng 0”, TS Takashi Saito viết như vậy trong phần đầu cuốn Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới.
Thông tin này được ông dẫn từ điều tra tình hình thực tế cuộc sống sinh viên của Liên hiệp hội công đoàn đời sống sinh viên toàn quốc Nhật lần thứ 53; theo đó 53,1% sinh viên trả lời thời gian đọc sách mỗi ngày là “0 phút”.
Nếu không đọc sách, thì sinh viên đang làm gì? Họ vẫn đọc, nhưng là đọc trên mạng Internet.
Việc đọc sách, đọc văn bản trên Internet đã được diễn giả Nguyễn Quốc Vương, nhà văn Hiền Trang bàn đến trong tọa đàm quanh cuốn sách Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới. Đây là một trong rất nhiều hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam, được thực hiện tối 16/4 tại Hà Nội.
Sách Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới. Ảnh: Y. N. |
Đọc thông tin trên mạng và đọc sách
Hiền Trang là nhà văn thuộc thế hệ trẻ. Cô không chỉ viết truyện mà dịch sách, viết báo, đam mê âm nhạc, điện ảnh quốc tế. Nhà văn Hiền Trang nói nhìn bề ngoài Internet quan trọng hơn sách. Nếu không có sách, ta vẫn sống, nhưng nếu không có Internet sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống.
Tuy vậy, việc đọc sách vẫn rất quan trọng với cô: “Tôi là một người đọc trung thành, không thể tưởng tượng được ngày nào đó mình không đọc sách nữa. Niềm đam mê của tôi là văn chương, điện ảnh, âm nhạc”. Với nữ nhà văn, sách là một quãng nghỉ, một lối thoát khi ta cảm thấy hiện thực có vấn đề.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương – tác giả, dịch giả, người đi diễn thuyết truyền cảm hứng đọc sách – nói: “Internet là một kho khổng lồ, trên đó có rất nhiều tài nguyên, tri thức, nhưng cũng có cả rác. Giữa việc đọc tin và đọc sách khác nhau”, ông Nguyễn Quốc Vương nói.
Theo diễn giả Nguyễn Quốc Vương, sách có thể chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác, với nhiều hình thức như: Sách giấy sang ebook, audio book, sách tương tác, nhưng trong thời gian dài sắp tới, sách vẫn rất phát triển, không thể mất đi.
Cuốn sách Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới cũng chỉ ra “đọc thông tin trên Internet” và “đọc sách” là hai hành vi hoàn toàn khác nhau. Đọc các văn bản trên mạng Internet, chúng ta không phải là “độc giả”, mà là “người tiêu dùng”. Không chỉ tiêu thụ, người đọc thông tin trên mạng còn khó có thể tích lũy, cứ “hối hả tiếp cận thông tin nhưng lại có chút chao đảo và không giữ lại được gì cho bản thân”.
Trong khi đó, việc đọc sách giúp độc giả có thể trải nghiệm. Tác giả Takashi Saito phát triển cuốn sách dựa trên luận điểm “Đọc sách làm sâu sắc nhân sinh”. Ông không nói cần hạn chế đọc thông tin trên mạng, mà bàn cách để “trong khi vẫn sử dụng Internet và mạng xã hội, chúng ta vẫn đọc sách, đọc như thế nào, nên đọc sách gì”.
Trong khi vẫn đọc trên Internet, chúng ta cần đọc sách hiệu quả. Ảnh: Lê Quân. |
Người trẻ đang đọc nhiều hơn
Hiện nay, ta có thể bắt gặp luồng quan điểm trên một số diễn đàn rằng người trẻ không chịu đọc sách. Nhà văn Hiền Trang nói điều đó không đúng hoàn toàn, bởi các bạn trẻ đọc rất nhiều, dịch những cuốn sách khó. “Tôi không hề bi quan về việc đọc của người trẻ. Thậm chí những người già mới là người cần lo lắng về chuyện đọc sách”, Hiền Trang nói.
Từ trái qua: Nhà văn Hiền Trang, diễn giả Nguyễn Quốc Vương, ông Trần Anh Đức tại chương trình tọa đàm. Ảnh: Y. N. |
Nữ nhà văn cho biết trong một cộng đồng văn chương, cô thấy nhiều tác giả lớn tuổi thường có bốn thần tượng, là bốn nhà văn lớn của thế giới… Trong khi đó bạn trẻ có nhiều thông tin, được tiếp xúc đa dạng nguồn tri thức, và yêu thích nhiều tác giả lớn khác.
“Có những hội thảo về sách, bạn đọc trẻ đưa ra những thông tin cho thấy các bạn có sức đọc và sức tìm hiểu đáng kinh ngạc. Bên cạnh đó, vẫn có những người không đọc sách”.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương nói về thực trạng mất cân đối trong đọc sách ở nước ta: Không phải ở đâu cũng có nhiều người thích đọc, không phải sinh viên hay người trẻ nào cũng chịu đọc.
Là người đi nhiều nơi làm công tác khuyến đọc, ông Nguyễn Quốc Vương đúc rút: “Đọc sách ở ta là ẩn số giữa một nhóm nhỏ đọc sách với quần chúng quảng đại”. Ông cho rằng những người thích đọc sách ngồi với nhau, tụ họp trong một diễn đàn thì thấy quanh mình nhiều người đọc sách, nhưng nếu đưa ra quảng đại quần chúng thì người đọc sách rất ít ỏi.
“Nếu bạn vào group Hội yêu sách thì thấy thế giới này nhiều người đọc sách thật, nhưng nếu vào một nhóm nghiện nhà, yêu xe… và đặt câu hỏi ‘đọc sách để làm gì’, bạn sẽ biết sự thật của tình trạng đọc hiện nay”, diễn giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
Ông nói: “Đôi khi sự xuất hiện của tủ sách trong gia đình không liên quan đến kinh tế. Có những gia đình kinh tế khá lại không có tủ sách. Nhiều bố mẹ nghĩ làm kinh tế giỏi và đọc sách không liên quan với nhau”. Tuy vậy, việc đọc sách vẫn rất cần thiết trong ngày hôm nay, trong thời đại Internet bùng nổ.
Tính thiết yếu của đọc sách được nêu trong cuốn Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới: “Đọc sách giúp phát triển năng lực tư duy, làm phong phú năng lực tưởng tượng và tiếp thêm sức mạnh giúp ta tiến lên phía trước những lúc khốn cùng. Đọc sách là hoạt động không thể thiếu để định hình bản thân và làm phong phú nhân sinh. Giá trị đó sẽ mãi không thay đổi, và ‘ngay bây giờ’ cũng thế”.
Ông Trịnh Minh Tuấn – Giám đốc công ty Quảng Văn, đơn vị xuất bản cuốn sách – nói: “Trong bối cảnh có quá ít ấn phẩm thuộc chủ đề truyền cảm hứng và kỹ năng đọc sách tại Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng những ấn phẩm có hàm lượng thông tin cao và giá trị như cuốn sách này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đồng thời, hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng cũng cần phải có những tài liệu giúp gợi ý và giàu tính lan tỏa như thế này”.