Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã mơ ước hai điều. Thứ nhất là trở thành cầu thủ bóng đá, thứ hai là được chơi bóng ở châu Âu.
Nghe có vẻ khó tin, nhưng ngay từ năm thứ 3 tiểu học, bắt đầu được bố huấn luyện nghiêm túc, tôi đã có suy nghĩ rằng sau này mình muốn chơi bóng ở châu Âu. Lúc đó, tôi đang ở cái tuổi chưa biết gì, cứ nghĩ giấc mơ thì trước hết cứ phải lớn lao cái đã. Không biết đấy có phải là nhờ vào sự “tẩy não” của bố hay không nữa.
Sách Hồi ký bóng đá của Son Heung-min. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Giấc mơ châu Âu
Bố tôi nói rằng bố từng mơ ước được đến Đức để chơi bóng ở giải Bundesliga từ khi còn là một thiếu niên. Sau này tìm hiểu tôi mới biết, vào những năm 1970, Bundesliga là giải bóng đá hay nhất thế giới. Vào thời tôi thì giấc mơ là được thi đấu ở Premier League. Một năm sau ngày chính thức tập luyện bóng đá, tôi đã rất ấn tượng khi xem World Cup 2002 do Hàn Quốc – Nhật Bản đăng cai.
Tôi cũng đã xem trận bán kết Champions League 2004-2005, chứng kiến sự kết hợp của bộ đôi anh hùng Park Ji-sung và Lee Young-pyo trong màu áo câu lạc bộ PSV Eindhoven (Hà Lan). Hai cầu thủ này về sau đã chuyển đến câu lạc bộ Manchester United và Tottenham Hotspur. Còn tôi khi đó mới chỉ bắt đầu sự nghiệp bóng đá của mình ở một đội cấp trường.
Tôi còn không tin rằng có một cầu thủ Hàn Quốc đá cho đội bóng mà David Backham từng chơi. Khi được xem quá trình thi đấu đầy thử thách của các cầu thủ Hàn Quốc ở nước ngoài, tôi đã dần dần cụ thể hóa cụm từ “đấu trường châu Âu” từng là giấc mơ của tôi khi còn nhỏ thành giải đấu Premier League.
Tôi cũng muốn được chơi bóng ở đó, tôi cũng muốn ghi bàn ở “sân khấu” lớn đó. Đối với một cậu bé cả ngày chỉ lặp đi lặp lại việc tâng bóng ở bãi đất trống thì đó quả là một giấc mơ vô cùng lớn lao.
Ngay khi vừa bắt đầu trở thành học sinh năm nhất của trường cấp III Dongbuk, tôi đã có cơ hội để thực hiện giấc mơ đó. Tôi còn nhớ lúc ấy mình đang dự Giải bóng đá trung học phổ thông quốc gia SBS 2008. Bất ngờ có “chỉ thị” từ bố, ông bảo tôi phải đến Trung tâm Bóng đá Quốc gia Paju ngay.
Năm đó, KFA đã chọn ra 6 người để đưa đi châu Âu theo diện du học, đào tạo bóng đá. Tôi biết về chương trình này từ trước. Hồi tôi học cấp II, có lần bố đưa cho tôi một chồng tài liệu dày cộp và bảo: “Đọc cho kĩ nhé”. Đó là nhật kí ghi lại quá trình học tập của các cầu thủ từng du học ở châu Âu.
Bố tôi là người sống khép kín với thế giới bên ngoài, nhưng ông đã tìm những tài liệu như thế và đưa cho con trai mình.[…] Nội dung chi tiết trong tài liệu khá ít nhưng đọc xong tôi có thể phần nào mường tượng ra cuộc sống và cách đào tạo bóng đá ở châu Âu. Đến bây giờ các thông tin về chương trình du học đó vẫn có thể tải xuống được từ website chính thức của KFA.
Hình ảnh Son Heung-min ngày nhỏ in trong sách. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
“Tôi sẽ đưa cậu bé đó đi”
Chỉ có đúng một từ có thể diễn tả chính xác cảm xúc của tôi, đó là: Ghen tị. Thật sự ghen tị. Lúc đó người tôi nóng bừng, rạo rực một ý chí: “Mình cũng có thể làm được”. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc tự tạo cơ hội sang châu Âu học tập là điều bất khả thi với tôi. Chính vì thế, chương trình du học của KFA lúc đó là con đường duy nhất.
Bố nói với giọng đầy hào hứng: “Kế hoạch khả thi đấy, lần này con thử làm tử tế xem sao”. Phản ứng đầu tiên của tôi là “Vâng”. Tôi thì thích nhưng vốn dĩ bố là người có suy nghĩ hơi khác biệt. Bố tôi đặc biệt dị ứng với những từ như: Hiệp hội, liên đoàn, đội tuyển chuyên nghiệp, bóng đá thiếu niên… Mỗi khi nghe nhắc đến là bố tôi lại tỏ vẻ không hài lòng, mà tôi chẳng biết lí do tại sao.
Tôi thì rất sợ bố nên chưa bao giờ dám hỏi. Mẹ chỉ giải thích đơn giản rằng: “Bố ghét mấy thứ đó”. Thế nên, tự dưng bây giờ chính miệng bố bảo “Khả thi đấy,” làm tôi không khỏi ngạc nhiên. Hôm ấy thời tiết rất nóng nực, chẳng biết có phải vì thế không mà bỗng nhiên tính tình bố lại thay đổi như vậy?
Khi đến Paju, tôi đã tìm ra câu trả lời cho mình. Câu lạc bộ bóng đá của Đức sẽ trực tiếp tuyển chọn cầu thủ trong số những người xuất sắc ở đây. Chương trình này từng diễn ra 5 lần trước đó và đã có 5 lứa cầu thủ được KFA gửi sang châu Âu đào tạo. Đương nhiên, họ sẽ chọn lựa cầu thủ theo tiêu chí năng lực và kĩ năng đá bóng. Đa số những người đã tham gia chương trình này đều nói rằng họ khá vất vả để thích nghi với môi trường bóng đá tại các câu lạc bộ của Anh, Brazil, Pháp.
[…]
Trời ơi, tin được không? Tôi được chọn để đến châu Âu đào tạo. Tôi được huấn luyện ở Học viện Bóng đá trẻ Hamburg. Thật không vậy? Cảm giác lúc đó y như khi tôi giành được chiếc máy chơi game Playstation tại cuộc thi Canon Shot hồi tiểu học.
Tôi thật sự quá đỗi vui mừng. Đối với tôi, châu Âu là nước Đức, nơi có Bundesliga. Giờ đây là Hamburg hay Nuremberg cũng được. Dù đã được chọn nhưng trong lòng tôi vẫn chất chứa nhiều lo lắng. Tại sao khi đó người ta lại yêu cầu tôi thay đổi vị trí nhiều thế?
Sau đó, người phụ trách của KFA đã giải thích cho tôi thế này: “Thật ra trước đó, các nhà tuyển trạch của Hamburg đang khá khó chịu. Họ nói rằng họ không vừa ý với cầu thủ nào cả, cho đến tận trận đấu cuối cùng (trận mà tôi tham gia). Có một người từ phía Hamburg đã hỏi ban huấn luyện: ‘Này, cậu bé kia là ai thế?’ Sau khi hiệp đầu kết thúc, người đó nói là để cậu bé chơi ở bên cánh trái. Tiếp theo, họ lại yêu cầu đổi vị trí cậu lên hàng công. Họ đã chú ý tới em ngay từ đầu. Họ đã quan sát em thi đấu và thay đổi đa dạng các vị trí. Cuối cùng, họ bảo: ‘Tôi sẽ đưa cậu bé đó đi’”. Tên của vị chuyên gia người Đức, người khi đó liên tục yêu cầu tôi thay đổi vị trí là Thies Bliemeister. Sau này, vị đó trở thành người đại diện của tôi. Đó là một cuộc gặp gỡ định mệnh.