Ông Hoàng Phong Hà cho biết Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba được chấm qua ba vòng chặt chẽ, hội đồng xét giải có nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.
Sách Quốc gia là giải thưởng cấp quốc gia, được tổ chức hàng năm, nhằm trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ; nhằm tôn vinh tác giả, dịch giả, các nhà khoa học và những người làm công tác xuất bản, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc; thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển.
Để giúp độc giả có thêm thông tin về giải thưởng này, Zing có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Phong Hà, Phó chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, Ủy viên Thường trực Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia.
– Xin ông cho biết những điểm chính trong tiêu chí xét giải là gì?
– Về tiêu chí xét giải, Điều 4, Điều lệ Giải thưởng Sách Quốc gia nêu rõ sách tham dự phải bảo đảm các điều kiện: Được xuất bản và phát hành theo đúng quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ; Sách được xuất bản tính từ 31/10 năm trước đến 31/10 của năm liền trước năm trao giải; sách được xuất bản lần đầu hay tái bản nhưng chưa dự xét giải (bao gồm sách điện tử); sách viết bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài, sách chuyển ngữ Hán – Nôm hoặc từ tiếng các dân tộc ít người, sách dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.
Đối với bộ sách được xuất bản với các nội dung liên tục và kết nối nhau được tính là một tên sách, khi đã xuất bản và tham gia dự giải trọn bộ, tập cuối của bộ sách được xuất bản trong khoảng thời gian từ 31/10 năm trước đến 31/10 của năm liền trước năm xét giải. Đối với bộ sách xuất bản theo chủ đề, các tập có nội dung độc lập, hoàn chỉnh: Mỗi tập được tính là một tên sách riêng biệt.
– Cơ cấu và đối tượng giải được quy định ra sao?
– Về cơ cấu giải, Điều 5, Điều lệ Giải thưởng Sách Quốc gia quy định: Giải thưởng Sách Quốc gia gồm 3 mức giải: Giải A, giải B, giải C; được trao cho 5 mảng sách: Chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi.
Số lượng giải của mỗi mảng sách không quá 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C. Khi tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba, Điều lệ đã bổ sung Khoản 3, Điều 5: “Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia xem xét, quyết định điều chỉnh số lượng giải của mỗi mảng sách quy định tại Khoản 2 Điều này; trao 1 giải đặc biệt cho 1 cuốn sách trong số các sách đoạt giải A, có giá trị xuất sắc, vượt trội về nội dung”.
Về đối tượng đề cử và nhận giải, Điều 6, Điều lệ Giải thưởng Sách Quốc gia quy định đối tượng đề cử Giải thưởng Sách Quốc gia gồm: Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Xuất bản); nhà xuất bản; đối tác liên kết; các cơ quan chuyên môn, hội chuyên ngành.
Đối tượng nhận giải thưởng gồm: Tác giả (tập thể tác giả), dịch giả (tập thể dịch giả); nhà xuất bản; đối tác liên kết.
– Hàng năm, ở nước ta có hàng nghìn đầu sách mới ra mắt độc giả. Ông có thể cho biết cách thức làm việc của Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia để lựa chọn được những đầu sách giá trị trao giải?
– Căn cứ kế hoạch tổ chức giải thưởng hàng năm được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Cục Xuất bản xây dựng kế hoạch tổ chức chấm giải, kế hoạch tuyên truyền, kế hoạch tổ chức lễ trao giải.
Trên cơ sở kế hoạch chấm giải, Hội Xuất bản đã có công văn hướng dẫn gửi các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách về tiêu chí xét giải và lựa chọn sách. Theo hướng dẫn của Hội Xuất bản, các nhà xuất bản thành lập hội đồng để lựa chọn sách gửi tham dự giải.
Qua ba kỳ tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia, số lượng tên sách và số cuốn tham dự giải về cơ bản vẫn giữ ở mức tương đương nhau giữa các mùa giải (lần thứ hai có 259 tên sách và bộ sách, gồm 355 cuốn; lần thứ ba có 255 tên sách và 362 cuốn sách).
Bước tiếp theo, Văn phòng Hội cùng Ban Thư ký đã rà soát sách dự giải theo quy chế về thời gian nộp lưu chiểu và phân loại sách theo 5 mảng: Chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi.
Từng cuốn sách dự giải đều được chấm điểm theo thang điểm và có bản nhận xét, đánh giá theo mẫu quy định, bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan trong quy trình chấm giải.
Các cuốn sách được đề nghị đoạt giải đều phải trải qua các vòng chấm: Các tiểu ban chuyên ngành Hội đồng chấm Sơ khảo; Hội đồng chấm Chung khảo; Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia.
Các cuốn sách được đề nghị giải A còn phải qua khâu phản biện kín.
Kết quả mùa giải thứ ba này, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã bỏ phiếu, thống nhất trao giải cho 27 cuốn sách và bộ sách, trong đó có 3 giải A, 10 giải B và 14 giải C.
– Trong điều kiện dịch bệnh Covid–19, công tác tổ chức, triển khai Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba có khó khăn, thuận lợi gì?
– Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có ngành xuất bản. Nhiều đơn vị trong ngành, công ty phát hành, công ty sách bị ngưng trệ sản xuất.
Doanh thu của các đơn vị phát hành, công ty sách bị sụt giảm mạnh, trong điều kiện vẫn phải trang trải chi phí thuê lao động, thuê mặt bằng… Nhiều cửa hàng sách phải tạm thời đóng cửa, thu nhập của người lao động trong ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn…
Tình hình này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc động viên, thu hút các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách tích cực tham gia, lựa chọn những đầu sách có giá trị để gửi dự xét giải.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội, kế hoạch chấm giải và kế hoạch tổ chức lễ trao giải đã phải lùi lại. Theo Điều lệ, Giải trao hàng năm vào dịp Ngày Sách Việt Nam (21/4), nhưng lần này, kế hoạch tổ chức trao giải phải lùi đến tháng 10.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức chấm giải, việc triệu tập, họp các hội đồng chấm giải, nhất là đối với các thành viên ở xa (ở phía Nam) gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba cũng như hoạt động xuất bản, phát triển văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, sự giúp đỡ tận tình của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, nhất là lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; sự ủng hộ tích cực của các nhà xuất bản, các tác giả, dịch giả; sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm cao của các chuyên gia, nhà khoa học trong suốt quá trình chấm giải.
Sự đồng hành của các nhà tài trợ cũng đã góp phần thuận lợi cho công tác tổ chức chấm giải, lễ trao giải…
– Ông có thể cho biết những điểm mới trong quá trình tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba?
– Mỗi mùa giải đều có những điểm mới. Mùa giải thứ ba được tổ chức trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những khó khăn mang tính đặc thù như đã nêu ở trên, nhưng cũng có nhiều điểm mới.
Điều lệ và Quy chế Giải thưởng được bổ sung hoàn thiện hơn. Dựa trên cơ sở ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện mùa giải lần hai, Hội xuất bản Việt Nam và Cục Xuất bản đã thống nhất kiến nghị với Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép “điều chỉnh số lượng giải của mỗi mảng sách”, xem xét bổ sung việc trao 1 giải đặc biệt cho 1 cuốn sách trong số các sách đoạt giải A, có giá trị xuất sắc, vượt trội về nội dung…
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, số lượng các nhà xuất bản tham gia dự giải lần này vẫn tăng hơn so với các giải trước. Số lượng tên sách và số cuốn về cơ bản vẫn giữ ở mức tương đương nhau giữa các mùa.
Các Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã mời một số chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học có uy tín, phù hợp với chuyên ngành sách, trong đó có 3 chuyên gia, nhà khoa học tại Thành phố Hồ Chí Minh, để bổ sung, thay thế một số thành viên các hội đồng do điều kiện thời gian, sức khỏe không thể tiếp tục tham gia chấm giải.
Trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách xã hội, quy trình chấm giải vẫn bảo đảm chặt chẽ, đúng quy chế, đúng thời gian. Thành viên các hội đồng chấm giải đều bám sát quy chế Giải thưởng, các nội dung hướng dẫn chấm điểm, chấm chéo, thảo luận ý kiến tập thể trong từng hội đồng.
Từng cuốn sách dự giải đều được cho điểm theo thang điểm quy định và có bản nhận xét, đánh giá theo mẫu quy định, bảo đảm tính nghiêm túc, khách quan trong quy trình chấm giải.
– Để tăng cường, bổ sung cho các hội đồng chấm giải, mùa giải tới ban tổ chức có dự kiến mời thêm các chuyên gia, các nhà khoa học trẻ tham gia?
– Giải thưởng Sách Quốc gia đã trải qua ba mùa giải. Thành công của mỗi mùa đều gắn liền với sự đóng góp quan trọng của thành viên các hội đồng. Báo cáo kết quả của từng mùa giải đều khẳng định: Các thành viên Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, nghiêm túc, khách quan trong quá trình chấm giải.
Có thể thấy, các hội đồng chấm giải đã quy tụ được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người trong số họ là những tác giả, dịch giả đã cống hiến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị cao…
Trong các hội đồng có một số thành viên cao tuổi, nhưng luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời còn dành nhiều công sức và sự quan tâm đến phát triển xuất bản, văn hóa đọc của nước nhà.
Công việc của các hội đồng luôn đòi hỏi và đặt ra yêu cầu: Để hoàn thành nhiệm vụ, các thành viên cần có khả năng chuyên môn phù hợp, sự nhiệt tình, am hiểu công việc, công tâm, trách nhiệm. Bên cạnh đó, người chấm giải phải có sức khỏe và thời gian để hoàn thành công việc. Vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là phải bảo đảm các tiêu chí như đã nêu ở trên.
Ban tổ chức giải thưởng rất quan tâm vấn đề mời thêm các chuyên gia, nhà khoa học trẻ tham gia hội đồng chấm giải.
Tại mùa giải lần thứ ba này, một số nhà khoa học trẻ thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam… đã được mời tham gia chấm giải và đã có những đóng góp tích cực vào thành công của giải.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba sẽ diễn ra vào 20h ngày 9/10 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Sungroup, Công ty Phú Long và HDBank.