Những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam từ cuối đời Lê Hiển Tông (1740-1786) đến đầu đời Gia Long (1802-1820) được ghi lại khá tỉ mỉ.
Không ghi chép lại một cách khô khan như một cuốn sử biên niên, các tác giả đã dựng lên những bức tranh sinh động, tạo được không khí và đi sâu vào bản chất lịch sử để nêu lên quá trình suy vong không gì cưỡng nổi của chính quyền phong kiến. Chất muối hài trào phúng góp phần đưa tác phẩm trở thành một trong những đỉnh cao của văn học trung đại.
Nhân vật tự mình đóng trò, dựng ra những màn trò để che mắt người khác hoặc che đậy bản chất thật của mình, tiêu biểu là vua Cảnh Hưng. Bị chúa Trịnh Sâm chèn ép mà chấp nhận an phận làm bù nhìn, khi bề tôi ta thán, ái ngại cho cảnh “Hoàng đế” bị mất thực quyền, chịu nhục thì vua mới bảo: “Các ngươi chỉ biết có một mà không biết hai, nhà vua đối với nhà chúa hiện nay đang vào ở cái thế bị ngờ vực nếu trẫm lấy việc mất quyền làm tức giận thì nhà chúa ắt ngầm tính chuyện chẳng hay. Vì vậy, trẫm phải mượn hứng vui chơi như thường để tránh tai vạ đó thôi”. Thì ra vua này “khôn” chứ cũng chẳng đến nỗi dại. Vua đóng trò để che mắt nhà chúa!
Nhưng đóng trò giỏi nhất là Đặng Thị Huệ. Mở đầu tác phẩm, người đọc đã thấy một cảnh tượng hài hước diễn ra ngay trong phủ Chúa. Nàng Thị Huệ “giận dỗi”, “nũng nịu” Trịnh Sâm. Một nét “xây xẩm” của nàng cũng khiến Chúa rối lòng. Một hành động ném viên ngọc xuống đất của thị cũng làm Chúa “phải tìm nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng”.
Một vị tướng tài ba đã lập bao nhiêu công trạng, được coi “là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán sáng suốt, trí tuệ hơn người, có đủ tài về văn lẫn võ”, thế mà vẫn bị một ả xuất thân bần tiện đóng trò lừa dối để biến thành một vị quân vương mê muội chốn phòng the. Thị Huệ cũng chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến kết cục thảm bại của triều đình chúa Trịnh.
Tác phẩm trên nền cảnh thời vua Lê chúa Trịnh! |
Hành động đóng trò của nhân vật này vừa lật tẩy con người thực của Chúa, vừa làm rõ cái gian manh ghê gớm của kẻ “đàn bà dễ có mấy tay”. Không ngẫu nhiên chi tiết này được đặt ở phần mở đầu, như muốn nói nhà Chúa “dột từ nóc”, từ trong cung cấm, từ chốn buồng the của Chúa.
Một màn trò hài hước mà đậm chất bi là sự gặp gỡ đầy nghịch cảnh của ba người Thị Huệ, Thánh Mẫu và Trịnh Sâm. Hai người đàn bà đóng trò diễn kịch còn Trịnh Sâm là nạn nhân đáng thương. Hai người, một là mẹ, một là vợ, đóng trò trước người con, người chồng sắp chết. Họ đều tỏ ra thương Chúa sắp băng hà nhưng thực chất là “thương” cái ngôi chúa.
Trước đó, mâu thuẫn giữa Trịnh Sâm và Thánh Mẫu cũng xuất phát từ cái ngôi chúa ấy. Thánh Mẫu bênh vực và muốn Trịnh Tông lên ngôi xuất phát từ cái lý và cái tình của người đàn bà, cũng là cái lý, cái tình của một người chủ gia đình truyền thống muốn lịch sử đi đúng theo “con đường ray” đạo lý là con trưởng nối ngôi. Bà chẳng ưa Thị Huệ cũng là tất nhiên, chỉ vì Chúa mê ả, nghe theo ả mà mọi chuyện trong phủ rối tinh cả lên.
Giây phút lâm chung của Trịnh Sâm là một bi hài kịch, mỗi người đeo đuổi một tâm trạng riêng. Trịnh Sâm khóc, xúc động vì ngỡ mẹ, vợ xót xa đau khổ vì mình. Ông ta còn lo sợ hai người thân yêu nhất vì quá đau đớn mà làm chuyện dại dột. Hết dặn mẹ lại quay ra dặn vợ, đừng quá đau lòng, đừng quá xót thương…!!!
Chúa đâu biết Thánh Mẫu khóc thương con thì ít mà lo nghĩ về ngôi Thế tử thì nhiều nên cứ dùng dằng không ra ngoài. Tất cả cử chỉ “nức nở, sụt sùi, ngập ngừng” kia đều là giả dối. Còn vợ thì khóc lóc, lại còn diễn trò cắt tóc thề, đòi chết theo chồng nhưng thực chất chỉ vì “tờ cố mệnh” tức tờ sắc phong Tuyên phi chưa xong. Mà có trở thành Tuyên phi thì ngôi chúa mới chắc vào tay con thị – Trịnh Cán. Có vậy thị mới thành Thánh Mẫu!
Đáng thương cho Trịnh Sâm đến chết vẫn cô đơn, đến chết vẫn bị lừa dối. Trong vở kịch ấy, chỉ có ông ta là nói và nghĩ thực lòng mình. Còn hai người kia chỉ là “nước mắt cá sấu”.
Với một hài kịch thường là có kẻ thua người thắng, người phải người trái, người mất kẻ được. Ở đây cả hai mẹ con Trịnh Sâm đều thua Đặng Thị Huệ, kẻ đóng trò giỏi hơn, ma mãnh hơn. Thị khóc để đóng trò, bên ngoài ả khóc mà bên trong thì hả hê. Thánh Mẫu đành chịu rút lui trong đau khổ, phẫn uất, tức tưởi. Đau khổ vì đứa con đã chết. Phẫn uất vì căm thù Thị Huệ. Tức tưởi vì ngôi chúa mất vào tay Trịnh Cán.
Nếu trò hoá thì nhân vật chủ động đóng trò nên mang tính chủ quan còn hề hoá là do khách quan bên ngoài phát hiện ra tính chất xấu xí mà có khi nhân vật không biết.
Hành động “mờ ám” của Quận Huy với Thị Huệ là một trò hề: “Trăm quan ít sáng nhiều mờ / Để cho Huy Quận vào sờ chính cung”. Nhưng bị hề hóa đến cao độ phải là nhân vật Lý Trần Quán. Ông ta đại diện cho kiểu nhân vật trung thành tuyệt đối với quan niệm tôn phù nhà Lê.
Hành động tự chôn mình để bảo toàn “khí tiết” của kẻ nho sĩ, tiếc rằng, vì là “ngu trung” nên trở thành trò cười cho thiên hạ. Những câu nói tưởng là biểu hiện của niềm trung hiếu trở thành hài hước, ngô nghê, đáng thương. Đúng là cười ra nước mắt: “Hãy còn thiếu một câu nữa, phải nói hết cái đã”,“Phiền ông đem câu ấy dặn lại con ta, bảo nó sau này dán ở nhà thờ mà thờ ta”…
Cảnh chúa nhỏ Trịnh Cán lên ngôi cũng được miêu tả theo nguyên tắc “hề hoá”. Thế tử được Quận Diễm “bế” lên ngôi chúa, rồi lại được “bế” vào cung để lạy Thánh Mẫu. Sau đó, mọi người lại nhanh chóng thay triều phục, mặc áo trở để làm lễ phát tang chúa bố. Một màn “lên ngôi” vội vã, lạ đời, một đứa trẻ mới năm sáu tuổi, lại sài đẹn, “rốn lồi cả gang” nay được lên chức “Chúa” mà chính “Chúa” cũng chẳng biết đó là chức gì, càng chưa biết phải làm gì.
Màn kịch hề hoá đáng xem, đáng cười nhất là màn Trịnh Tông lên ngôi chúa. Nhưng trước đó là những sự chuẩn bị mang tính “đạo cụ” cũng hài hước không kém. “Lãnh đạo” đội kiêu binh là viên Biện lại đội Tiệp Bảo tên Bằng Vũ được giới thiệu: “Gã người thấp bé, thanh nhã như dáng học trò. Sau khi vào đội Tiệp Bảo, nhờ biết dăm ba chữ, gã được làm chân Biện lại. Ở kinh, gã thường làm mướn đơn kiện cho người ta, vẫn lừng tiếng là tay điêu toa trong việc xui nguyên giục bị”.
Điều này đã cho thấy bản chất của kẻ không tử tế. Đến khi cái giọng của hắn được miêu tả là “sỗ sàng” thì rõ một kiểu lưu manh: “Chỉ sợ anh em không cùng một bụng thôi. Chứ nếu ba quân đồng lòng, thì bất quá chỉ thừa dịp cúng cơm sáng xong, đánh một hồi trống trong phủ làm hiệu, rồi kéo ùa cả vào, nắm cẳng hắn, vứt chỏng gọng xuống dưới thềm một cái là xong thôi mà!”. Đấy là lời Bằng Vũ bàn với đám kiêu binh, nhờ lời này mà hắn được tôn làm “thủ lĩnh”.
Một cuộc đảo chính bát nháo, vô chính phủ, tự phát, hỗn loạn, ô hợp được thể hiện qua nhiều chi tiết mỉa mai đắt giá. Mưu đồ cuộc binh biến thay “chính phủ” mà lại được bắt đầu từ một anh đầu bếp có tên Dự Vũ, tiếp đến là một gia thần của Trịnh Tông có tên Gia Thọ.
Cuộc họp của “Bộ chỉ huy” bắt đầu là “một cuộc đánh chén”, Trịnh Tông “mời bọn biện lại trong đám thân quân đánh chén”. Cuộc binh biến “nổi dậy” này như một màn trò, đám kiêu binh là những kẻ làm trò, còn Trịnh Tông là anh hề, không hơn!
Cảnh Trịnh Tông lên ngôi chúa, một màn tấn phong cũng là một màn hài kịch: “Họ kiệu thế tử lên vai, rồi đứng xúm chung quanh gào lên vui sướng”.
“Trong lúc gấp vội không có kỷ sập, phải dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế, đặt thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc họ lại nâng bổng chiếc mâm lên đầu mà đội, đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên đầu. Những kẻ buôn bán ở các phố phường đều tranh nhau kéo đến xem chúa, sân phủ đông như họp chợ”.
Chúa mới bị hạ thấp theo kiểu vật hoá một cách triệt để. Chúa được đặt lên chiếc mâm vốn để bày cỗ lộc thì khác gì coi Chúa cũng chỉ là thứ “lộc” hoa quả hay rượu thịt. Lối so sánh càng làm rõ tính chất vật hoá “giống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật”. Người ta kéo đến“xem Chúa”, đông đến mức “sân phủ chúa đông như họp chợ”, thì khác gì coi Chúa chỉ như hàng hoá ngoài chợ vậy!