Châu La Việt chuyên viết về đề tài chiến tranh cách mạng, thể hiện ở nhiều thể loại: Văn, thơ, sáng tác kịch bản, báo chí… ở phương diện nào cũng có đóng góp nhất định. Tên khai sinh là Lê Khánh Hoài, bút danh khác là Triệu Phong, học hết lớp 10 (bậc học phổ thông trước đây), 16 tuổi, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu, biên chế thuộc bộ đội pháo binh.
Những năm trực tiếp chiến đấu đã cho anh vốn sống dày dặn, phong phú, sau giải phóng lại học chuyên về văn chương, vẫn vẹn nguyên cảm xúc tươi rói, nồng nàn của người thanh niên sống ở thời sẵn sàng xả thân vì đất nước đã tạo cho trang viết của anh dạt dào chất lý tưởng và đậm đà chất văn.
Tập sách Hoa Ê miêng (NXB Quân đội nhân dân, 2023) vừa xuất bản tái hiện một cách chân thực, sinh động cuộc đời người lính trẻ thời chống Mỹ, cứu nước mà tác giả là người trực tiếp tham gia. Với lợi thế từ nhỏ đã sống, quen biết nhiều nghệ sĩ (là con đẻ của nghệ sĩ nổi tiếng Tân Nhân) nên anh có điều kiện khắc họa những chân dung nghệ sĩ cách mạng vừa thân quen vừa mới lạ, vừa chân thật vừa có nét riêng.
Tác giả kể lại chính chuyện của mình đến cơ quan chào bố (vừa ở chiến trường ra để ngày mai lên đường nhập ngũ). Một câu chuyện rất tự nhiên, bình thường ở thời chiến để bật ra một ý nghĩa: Đất nước có giặc thì mọi người coi chuyện đi đuổi giặc như là lẽ tự nhiên vậy, “lớp cha trước, lớp con sau” đều sẵn sàng ra trận (Người cha thân yêu và bài báo đầu tiên trong đời của tôi).
Những người lính trẻ măng hành quân qua Trường Sơn vượt mọi gian khổ, đói rét, bệnh tật chỉ muốn mau được ra chiến trường. Những bông hoa trên dải Trường Sơn tinh khôi, thơm ngát chào đón họ. Những cô gái dân tộc Tây Nguyên đẹp như hoa rừng làm liên lạc dẫn đường (Hoa Ê miêng)…
Trong cái nhìn lãng mạn của những chàng lính trẻ, hoa và các cô gái đều đẹp như nhau, họ liền lấy một cái tên của cô gái đặt tên cho loại hoa rừng: Hoa Ê miêng! Những câu chuyện như không có chuyện ấy đã phần nào cắt nghĩa dân tộc ta chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược hung hãn là nhờ sức mạnh tâm hồn, tình yêu trong vắt vì lý tưởng của thế hệ trẻ.
Nhờ vốn sống người lính và sự am hiểu âm nhạc, Châu La Việt tái hiện sinh động bối cảnh ra đời bài hát Trên đồi Him Lam của nhạc sĩ Đỗ Nhuận ở giữa chiến hào Điện Biên còn vương khói súng. Đồng cảm cùng nỗi lòng xa mẹ từ nhỏ, anh kể, phân tích cảm động xuất xứ bài thơ Mẹ khổ đau của tác giả Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội). Viết về nhạc sĩ Chu Minh, anh cho thấy sự cống hiến hết mình vì đất nước, vì nghệ thuật của lớp nghệ sĩ cách mạng tiền bối, đồng thời dựng lại những câu chuyện về tình cảm đồng chí, đồng nghiệp mẫu mực, thiêng liêng.
Nắm bắt kỹ những yếu tố mang tính bước ngoặt về đời tư, đồng thời chủ yếu dựa vào giá trị tác phẩm với quan niệm tác phẩm là tiếng nói trung thực nhất về tác giả, anh kiến tạo những mô hình chân dung nghệ sĩ mang dáng vẻ khác biệt cùng những đóng góp riêng. Kết hợp bút pháp phân tích tinh tế với khả năng khái quát cao, anh đi sâu vào từng bài hát, lời ca, từng bài thơ cùng những chi tiết đặc sắc… để phác thảo gương mặt các tác giả đầy cá tính: Phạm Minh Tuấn, Trần Tiến, Nghệ sĩ Nhân dân Quang Hải…
Một phẩm chất dựng chuyện trong tập sách là sự vận dụng những liên tưởng, tưởng tượng thấm đẫm cảm xúc. Viết văn là viết bằng “cái tôi” của mình, điều này thật rõ với văn ký sự, chân dung Châu La Việt. Một cái tôi giàu có vốn sống về cuộc đời nghệ sĩ, về chiến tranh, về nghệ thuật đã giúp tác giả xâu chuỗi những sự kiện, chi tiết, đưa ra những liên tưởng khi bất ngờ, khi thân mật, gần gũi để làm sâu sắc một ý tưởng thuyết phục độc giả.
Nguồn: https://znews.vn/hoa-e-mieng-no-giua-truong-son-post1447856.html
You must be logged in to post a comment Login