Sách Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam. Ảnh: Việt Linh. |
TS Dương Thanh Mừng là tác giả nhiều công trình nổi bật về lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là phong trào Chấn hưng Phật giáo. Tác phẩm Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam là thành quả nhiều năm nghiên cứu của ông, hứa hẹn giới thiệu đến độc giả những góc nhìn mới còn vắng bóng trong các nghiên cứu trước đây.
Kiên nhẫn tìm kiếm tư liệu và đi điền dã
TS Dương Thanh Mừng chia sẻ ông vốn không phải là Phật tử mà chỉ là một người có lòng ái mộ đạo Phật. Để viết nên công trình này là một hành trình dài với nhiều câu chuyện, nhiều cơ duyên thú vị.
Trước đây khi làm luận văn thạc sĩ, ông Mừng chọn đề tài phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung. Thầy hướng dẫn lưu ý đề tài ông chọn sẽ gặp khó về tư liệu, trước đó từng có học viên bỏ cuộc vì nguồn tư liệu không đủ để luận giải và làm sáng tỏ vấn đề.
Chính lưu ý này của thầy đã kích thích sự tò mò và lòng hiếu kỳ muốn chinh phục của ông, đưa ông đến đề tài liên quan đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam.
Dấn thân vào hành trình rồi, ông mới thấy quả thật đúng như thầy nói, tại thời điểm năm 2011, các nguồn sử liệu liên quan khá tản mát. Nhưng với lòng kiên tâm ông đã dấn thân vào hành trình tìm kiếm nguồn tư liệu. Không chỉ dừng lại ở các trung tâm lưu trữ, các thư viện, các tổ đình trong nước, ông còn liên hệ với những người bạn ở Pháp, Mỹ để khai thác thêm các nguồn tư liệu.
Nhờ vậy ông đã hoàn thành tốt bản luận văn và luận án tiến sĩ Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam 1932 – 1951, công trình cũng này đã được Hội đồng Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật – giải thưởng có uy tín hàng đầu của ngành sử học cả nước – xem xét, đánh giá và trao giải ba vào năm 2017.
Trên nền tảng nghiên cứu này, TS Dương Thanh Mừng đã tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu của mình vào miền Nam. Công trình Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ năm 2017.
Ảnh trái: Tác giả Dương Thanh Mừng trò chuyện cùng thầy trụ trì chùa Báo quốc Huế trong quá trình tìm tài liệu phục vụ cho cuốn sách. Ảnh phải: Hình chụp khi tác giả đi khảo sát tư liệu tại chùa Tân Đức, Bến Tre. |
Các nguồn tài liệu được sử dụng trong công trình của ông đến từ nhiều nguồn khác nhau. Đầu tiên phải kể đến nguồn tài liệu gốc đang được lưu giữ tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp, Thư viện Quốc gia Pháp, thư viện Trường đại học Cornell của Mỹ, Thư viện Huệ Quang… Tiếp đến là các công trình, bài viết của các học giả đi trước và cuối cùng là tài liệu thu thập được từ quá trình điền dã, khảo sát thực tế ở các tổ đình, tự viện của Phật giáo.
Ông Mừng chia sẻ càng đi sâu tìm hiểu lại càng nhận thấy có nhiều khoảng trống cần được quan tâm làm rõ, do vậy thời gian hoàn thành công trình này tương đối dài. Đổi lại với sự đầu tư về mặt thời gian và công sức, công trình đã góp phần đưa đến cho bạn đọc những vấn đề mới, những nhận thức mới còn thiếu vắng trong các công trình nghiên cứu trước đây.
Theo ông Mừng, nhiều nguyên do chủ quan-khách quan khác nhau mà Phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam có dung lượng lớn hơn công trình trước đó. Bên cạnh việc tìm được nguồn sử liệu mới, thì một nguyên do tất yếu là phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam có quy mô lớn cả về phương diện tổ chức lẫn sức lan tỏa.
Phong trào Chấn hưng Phật giáo khẳng định tinh thần đồng hành cùng dân tộc
Tác giả Dương Thanh Mừng nhận định phong trào chấn hưng đã thực sự tạo nên “một bước ngoặt to lớn đối với tiến trình phát triển của Phật giáo tại Việt Nam”.
Theo đó, phong trào đã góp phần hiện đại hóa cơ cấu tổ chức và nền giáo dục Phật giáo Việt Nam, đưa sinh hoạt của tăng ni, Phật tử vào trong khuôn khổ thống nhất, loại bỏ các hạn chế, bất cập đang tồn tại đồng thời, tiếp biến và bổ sung thêm những thành tựu tân tiến của thời đại.
Ngay ở hiện tại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đang có sự kế thừa, vận dụng nhiều thành quả từ công cuộc chấn hưng trước đó.
Chấn hưng Phật giáo từ đó cũng góp phần khẳng định tinh thần đồng hành cùng dân tộc, tinh thần “hộ quốc, an dân” của tôn giáo vốn đã “gắn bó keo sơn” với lịch sử Việt Nam này. Phong trào đã đưa Phật giáo Việt Nam trở lại đúng với truyền thống, vai trò và vị trí của mình trong đời sống xã hội.
Đồng thời,TS Mừng cũng khẳng định rằng phong trào chấn hưng còn cho thấy lòng tự tôn và ý thức dân tộc của tăng ni, Phật tử, các nhà trí thức trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị thuộc về bản sắc văn hóa chủ lưu của dân tộc trước sức mạnh đồng hóa của văn hóa, văn minh phương Tây.
TS Dương Thanh Mừng chia sẻ hiện nay nguyện vọng của các nhà khoa học là sớm có tiếng nói thống nhất để biên soạn nên bộ công trình “Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, được kỳ vọng là sẽ có nhiều giá trị và ý nghĩa cả về phương diện khoa học lẫn thực tiễn.
Rộng hơn nữa, TS Mừng nhận xét các nguồn tài liệu về phong trào chấn hưng nếu được hệ thống hóa và tập hợp một cách đầy đủ sẽ góp phần hỗ trợ lớn cho việc biên soạn công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên cho đến hiện tại.
Giải thưởng Sách Quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ sáu (2023) tổ chức ngày 29/12/2023 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đơn vị tài trợ Kim cương: Ngân hàng VIB, Đơn vị tài trợ bạc: THACO.
You must be logged in to post a comment Login