Nhắc đến văn học chủ đề đồng tính, không thể không kể tới Căn phòng của Giovanni của James Baldwin, một tiểu thuyết mang tính đặt nền móng cho phong trào giải phóng tính dục và là một cú sốc gây chấn động văn đàn thế giới giữa bối cảnh xã hội khắc nghiệt đầu thế kỷ 20.
Hãy làm một phép thử nhỏ để kiểm tra sức ảnh hưởng và độ phủ sóng từ Căn phòng của Giovanni: Bạn chỉ cần đánh cụm từ “best gay novel” (tiểu thuyết đồng tính xuất sắc) lên thanh công cụ tìm kiếm của Google, kết quả đầu tiên được trả về là Giovanni’s Room.
Sinh ra trong một gia đình có tới chín anh chị em ở khu Harlem tại Manhattan, tác giả James Baldwin lớn lên đúng vào giai đoạn bùng nổ phong trào phục hưng văn hóa Mỹ gốc Phi.
Ông chịu ảnh hưởng lớn từ làn sóng nghệ thuật phóng khoáng này. Nhà văn từng mơ ước trở thành một nhạc sĩ, một họa sĩ hay một diễn viên.
Năm 19 tuổi, ông đã quyết tâm theo nghiệp cầm bút sau cái chết của cha mình, người luôn phản đối ông trở thành nhà văn bởi “một người da đen viết sách là đi ngược với định nghĩa của người da trắng, anh ta sẽ bị giết, bị ám hại”.
Lời cảnh báo không hẳn vô căn cứ. Năm 24 tuổi, sau vụ nhảy cầu tự sát của một người bạn đồng tính, James Baldwin quyết định sang châu Âu để thoát khỏi bầu không khí mà ông gọi là “bức tử” và nếu ở lại lâu hơn, sợ sẽ tới “kết cục nằm dưới chân cầu như người bạn ấy”.
Tiểu thuyết Căn phòng của Giovanni của James Baldwin. Ảnh: Tao Đàn |
Cuốn tiểu thuyết gây chấn động
James Baldwin dành phần lớn thời gian sinh sống tại Pháp, nơi ông đã hoàn thành tiểu thuyết đầu tay. Tác phẩm chào sân văn chương của James Baldwin Go Tell It On The Mountain đã đưa ông lên đài danh vọng. Pháp cũng là nơi nhà văn sáng tác tiểu thuyết đầu tiên về đề tài đồng tính Căn phòng của Giovanni.
Lấy bối cảnh ở Paris, câu chuyện xoay quanh David, một người đàn ông Mỹ da trắng bỏ trốn đến châu Âu để tìm lại chính mình sau những thất bại tại quê nhà.
Sau khi cầu hôn người bạn gái, anh ta vô tình gặp Giovanni, một chàng nhân viên quán bar và nhanh chóng rơi vào lưới tình.
Sự cuồng nhiệt của tình yêu giữa hai người, sự đau đớn, dằn vặt của David khi phải liên tục vật lộn (và chối bỏ) xu hướng tính dục của bản thân đã tạo nên bầu không khí căng thẳng, chua chát, dữ dội xuyên suốt mạch truyện.
Căn phòng của Giovanni không có một khởi đầu êm đẹp. Hoàn thiện năm 1956, bản thảo từng bị dọa đốt và bị từ chối in tại Mỹ vì nhà xuất bản phản đối một tiểu thuyết đồng tính đến từ một tác giả da đen.
Sau rất nhiều trở ngại, cuối cùng tiểu thuyết được xuất bản ở Mỹ.
Hồi tưởng lại sự kiện này, nhà văn chia sẻ: “Người Mỹ đơn thuần chỉ muốn những tác giả da đen truyền tải đúng trải nghiệm của người da đen theo cái cách mà họ công nhận. Nhưng ngôn ngữ không có giới hạn”.
“Không một lời kể thực tế nào về đời sống của người da đen có thể tìm được chỗ đứng trong từ vựng của người Mỹ. Và cách duy nhất để đối phó với điều này là bằng một nhát thật mạnh đập tan tành những mặc định của họ”, James Baldwin từng viết.
Nhưng James Baldwin viết Căn phòng của Giovanni không chỉ hướng tới đối tượng độc giả da trắng. Thực tế, ông sáng tác nó cho chính mình, đó là một quyết định liều lĩnh, như ông từng chia sẻ.
James Baldwin thực hiện cuốn sách để khai sáng cho bản thân về niềm tuyệt vọng khôn kham. Nhà văn cũng muốn giải mã những chất liệu kỳ dị đã dệt thành bản ngã của chính ông.
Căn phòng của Giovanni không đơn thuần là một tiểu thuyết đồng tính, mà đồng tính chỉ là phương tiện để James Baldwin làm sáng tỏ mối liên hệ mật thiết giữa tính dục với tâm lý con người, với xung đột đạo đức nội tại.
Nhà phê bình văn chương Colm Tóibín nhận xét điểm sáng tạo của tiểu thuyết này là “văn phong xưng tội”. “Sáng tạo của Baldwin về văn phong xưng tội, được lấp đầy bằng những chỗ hoa mĩ bất chợt và thức nhận đớn đau”, nhà phê bình Tóibín viết.
Sự tự chỉ trích của nhân vật David gần với giọng của Oscar Wilde trong De Profundis. Y như Wilde so sánh mình với Kitô ở nỗi thống khổ, David trong Căn phòng của Giovanni nói: “Judas và đấng Cứu rỗi đã gặp nhau trong tôi”.
Trong Căn phòng của Giovanni, người nói vừa diễn xuất cho chúng ta vừa giảng đạo cho chính anh.
Nhân vật dùng giọng nói hùng hồn để chính anh biết điều mình đã làm. Giọng này được hướng vào bên trong, nhưng cũng có cảm giác rằng David gần như hân hưởng cái âm thanh mà anh tạo ra – lối hùng biện dịu dàng kiểu xưng tội.
Nhà văn James Baldwin. Ảnh: The Guardian. |
Từ câu chuyện cá nhân đến bi kịch thời đại
Người đọc Căn phòng của Giovanni có thể nhìn thấy từ một góc độ nào đó, câu chuyện được xây dựng từ những cặp đối lập liên hệ chặt chẽ với nhau: Châu Âu – châu Mỹ, người Mỹ – người Pháp, quê nhà – đất khách, mỏ neo – trốn chạy, dị tính – đồng tính.
Xuyên suốt câu chuyện, nhân vật chính David liên tục mô tả Paris như một xứ sở ngoại lai, già nua, mục rữa, ngập tràn những quán bar đồng tính, những người ăn mặc ẻo lả, đi đi lại lại như xác sống; trái ngược hẳn với New York, như David mô tả là một nơi sống động, náo nhiệt, đậm tính đàn ông và khơi gợi sự yên ấm, quen thuộc trong anh.
Có thể thấy David đánh đồng nước Pháp là chốn ngoại lai và tượng trưng cho đồng tính, còn nước Mỹ là quê hương và tượng trưng cho dị tính.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân vật vẫn muốn bấu víu lấy cái mỏ neo là tính đàn ông được quy định cho anh, và ghê sợ mỗi khi những tình cảm chân thật bộc lộ.
Tâm trạng của David khi ở Paris hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của anh, ấy là muốn rời Mỹ đến châu Âu để “tìm lại bản thân mình”.
Có thể thấy cả cuộc đời David vẫn luôn là một cuộc đuổi bắt không hồi kết, sau sự cố tuổi thiếu niên khiến anh nhận ra mình thích đàn ông.
Rốt cục, cuộc chạy trốn của anh lại dẫn anh đến với thứ chính anh muốn chối bỏ. Âm hưởng của sự dịch chuyển, những chuyến tàu hỏa, những đôi chân lang thang trên đường phố vang vọng suốt Căn phòng của Giovanni. Đó là tiếng động đầy ám ảnh của một tâm hồn hãi sợ, không ngừng bỏ trốn khỏi căn cước của chính mình.
Căn phòng của Giovanni cho đến nay đã được công nhận là một trong những tiểu thuyết quan trọng bậc nhất trong phong trào văn học đồng tính.
Tiểu thuyết được xếp hạng nhì trong danh sách 100 tiểu thuyết đồng tính xuất sắc của báo The Publishing Triangle và cũng nằm trong danh sách 100 tác phẩm ảnh hưởng lớn của BBC.