Nguyễn Giáng Hương, tác giả sách Paris 55 ngày cấm túc – nhật ký viết từ tâm dịch là tiến sĩ tại Pháp, chị cũng đã có một số đầu sách dịch đã xuất bản.
Chị chuyên trách văn học và văn hóa Đông Nam Á ở thư viện François Mitterand, Paris, đồng thời phụ trách về nội dung các tủ sách, giới thiệu và quảng bá sách về Đông Nam Á tới bạn đọc, làm cầu nối cho các nhà nghiên cứu tiếp cận với tư liệu, đảm bảo việc phục vụ bạn đọc trực tuyến và cả tại phòng đọc.
Zing đã có cuộc trò chuyện với chị trao đổi về tác phẩm và những cảm nhận liên quan tới đại dịch Covid-19 nhìn từ châu Âu.
Nguyễn Giáng Hương, tác giả sách Paris 55 ngày cấm túc – nhật ký viết từ tâm dịch. Ảnh: My My – Ngọc Hiếu. |
Chuyện về chiếc khẩu trang
– Sách của chị kết thúc bằng lệnh dỡ bỏ cách ly. Tuy nhiên đến nay, đã có những làn sóng dịch tiếp theo xuất hiện. Chị có thể chia sẻ tình hình hiện tại ở Paris?
– Nhìn chung tình hình vẫn căng thẳng lắm. Nhất là từ khi có chủng biến thể mới ở Anh. Nước Anh đã phong tỏa toàn bộ, nước Pháp đang phát hiện một số ổ dịch trong đó có trường hợp mắc biến chủng mới.
Trong mọi câu chuyện phiếm, nói qua nói lại người ta vẫn chỉ nói về Covid-19, nó đã trở thành nỗi ám ảnh của mọi người. Biến chủng mới khiến người ta lo ngại, tôi cũng lo nhưng bản thân có phương châm thế này, nếu lo để tìm ra giải pháp thì nên lo, mà không có giải pháp thì lo chỉ làm ta thêm mệt mỏi. Nên tôi tìm cách thích nghi trong sinh hoạt và tránh tiếp xúc nhất có thể.
Một phần mọi người cũng đang có tia hy vọng về vaccine. So với đầu năm ngoái thì người ta đã quen với kiểu sinh hoạt thời Covid, các cơ quan, tổ chức, công ty… cũng học cách quản lý co giãn tùy tình hình. Có nơi làm cách nhật, có nơi làm từ xa toàn phần, nói chung tùy vào tính chất công việc.
– Vì sao chị chọn con số 55 ngày cho tác phẩm “Paris 55 ngày cấm túc – nhật ký viết từ tâm dịch”?
– Đơn giản vì đợt cách ly thứ nhất kéo dài trong 55 ngày. 55 ngày đó là việc ngồi đếm lại, chứ ban đầu mọi người không biết sẽ cách ly trong bao nhiêu ngày.
Đối với việc cách ly gắt gao tôi đã viết trong sách thì đó là 55 ngày dài đằng đẵng. Nhất là khi nghe tuyên bố cách ly hoặc các biện pháp phong tỏa, cơ quan tổ chức không biết thời hạn bao lâu, nên người dân khi đang cách ly không biết bao giờ mới được sinh hoạt trở lại bình thường.
Trong thời gian đó, ngày nào nỗi lo cũng thường trực vì trên tivi, báo chí chỉ nói về Covid-19, không có tin nào khác. Mỗi ngày là những thống kê người nhập viện, số người chết vì dịch… đến ám ảnh.
– Chị cảm nhận ra sao về việc chấp hành cách ly, phong tỏa ở Pháp và châu Âu?
– Qua những gì đã diễn ra, tôi thấy lúc đầu người ta chưa quen với những thay đổi đối với sinh hoạt, làm việc từ sự cách ly nên hai, ba ngày đầu tiên trên đường vẫn nhộn nhịp lắm.
Khi ở Việt Nam đang tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội thì bên này chỉ coi là cúm thông thường.
Bây giờ với hiện thực không thể thay đổi thì mọi người biết sợ rồi và thực hiện nghiêm túc những quy định về phòng chống dịch của nhà chức trách để bảo vệ mình và mọi người.
– Trong tác phẩm, chị có đề cập nhiều đến chiếc khẩu trang. Ngay ban đầu đó là một trong những vật dụng phòng chống Covid, còn ở châu Âu thì sao?
– Thái độ ban đầu của họ rất khác với suy nghĩ của chúng ta. Đối với người phương Tây nói chung và người Pháp nói riêng, ban đầu đeo khẩu trang là một thứ kỳ lạ.
Vì khuôn mặt trần, đầu trần thậm chí là áo khoét cổ sâu khoe ngực đối với phụ nữ là biểu tượng của tự do, nhất là nước Pháp lại là quốc gia của “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” nữa.
Đeo khẩu trang, về tính biểu trưng, giống như kiểu bạn bị cản trở tự do vậy. Ngoài ra, còn có những lý do liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng nữa. Nhưng bây giờ trước nguy cơ của dịch, mọi người đã chủ động với việc đeo khẩu trang rồi.
Tác phẩm Paris 55 ngày cấm túc – nhật ký viết từ tâm dịch. Ảnh: Đình Ba. |
Ghi lại những cảm xúc chân thực
– Theo dõi tin tức phòng chống dịch ở Việt Nam, chị có cảm nhận ra sao?
– Việt Nam mình đã làm rất tốt. Chính quyền phản ứng rất kịp thời, linh hoạt và người dân có tinh thần hợp tác cao, nghiêm túc phòng chống dịch. Người Pháp cũng phải nể phục tính kỷ luật của người Việt Nam và châu Á.
Hiện nay nếu bạn nhìn toàn cầu sẽ thấy dịch càng ngày càng diễn biến phức tạp ở phương Tây, trong khi đó châu Á vẫn trong tầm kiểm soát. Có thể có vài trường hợp, nhưng nó không quá nghiêm trọng nếu so với tinh trạng vỡ trận ở châu Âu.
– Trong lúc dịch ở Pháp như vậy, chị có suy nghĩ đến phương án về nước tránh dịch?
– Tôi rất muốn trở về Việt Nam. Trong cả năm trời tôi sống trong nỗi nhớ quê cùng những thay đổi cảm xúc, tâm lý song hành cũng diễn biến của đại dịch này.
Tuy nhiên, tôi còn công việc, con tôi đang đi học nên để về Việt Nam cũng rất khó. Rồi còn bạn bè, đồng nghiệp… nói chung là một cuộc sống với các mối quan hệ khác. Do đó tôi chọn ở lại và thích nghi.
– Sách viết dạng nhật ký, ghi chép theo ngày, đó có đơn giản là ghi chép giãi bày, hay chị đã có dự định ngay từ đầu sẽ xuất bản sách dạng nhật ký?
Tôi không về Việt Nam lúc này được, nên muốn viết những dòng tâm tình chân thực nhất gửi đến người thân nơi quê nhà.
TS Giáng Hương
– Tôi đã có dự định ngay từ đầu những ghi chép này sẽ in thành sách. Nhưng ban đầu tôi không xác định là thể loại gì, chỉ nghĩ là cứ viết nhật ký chân thực nhất rồi dùng đó để viết sang thể loại khác. Dần dần tôi lại thấy để nguyên như thế để bạn đọc cùng đồng hành qua mỗi trang sách. Vậy là tôi xuất bản dưới dạng nhật ký.
Mặt khác, vì tôi không về Việt Nam lúc này được, nên cũng muốn viết những dòng tâm tình chân thực nhất gửi đến bố mẹ, đến người thân và bạn bè.
– Sau khi đọc “Paris 55 ngày cấm túc – nhật ký viết từ tâm dịch”, chị nhận phản hồi ra sao từ bạn đọc?
– Mọi người đọc xong thì cảm xúc lẫn lộn lắm. Có nhiều đoạn làm mọi người trong gia đình tôi nhớ lại một số kỷ niệm chung. Có những cảm xúc tôi chỉ nhận được sự im lặng vì nhiều khi người thân đọc rồi lắng đọng không nói ra được thành lời.
Nhờ tác phẩm mọi người cũng hiểu thêm về tâm thế, tâm lý của dân mình ở châu Âu, dù cái nhìn của tôi cũng mang tính chất cá nhân, vì mỗi người một hoàn cảnh cũng sẽ có những cái nhìn khác nhau.
corona_counter.css