Những mối nguy nếu lạm dụng điện thoại thông minh, cùng những hướng dẫn giúp trẻ tránh nguy cơ này được tác giả người Nhật, giáo sư Yoshihiko Morotomi trình bày trong cuốn Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh.
Sách Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh. Ảnh: T. V. |
Mặt trái của điện thoại thông minh
Ở những chương đầu của cuốn sách Giáo sư Morotomi khái quát cho độc giả về tình hình sử dụng điện thoại thông minh của trẻ em, cũng như tác hại của chúng đối với đối tượng người dùng này.
Là kết quả của sự phát triển khoa học công nghệ, những chiếc điện thoại thông minh ngày nay không chỉ là phương tiện liên lạc đơn thuần, mà còn có các tính năng tương tự như một cái máy tính thu nhỏ.
Người sở hữu điện thoại thông minh có thể liên lạc, giao tiếp với mọi người, đồng thời có thể tính toán, làm nhiều công việc như ý muốn hay giải trí khi cần. Tuy nhiên với tính năng như vậy, cộng thêm sự phát triển của các nền tảng trong đó có mạng xã hội, điện thoại thông minh đã khiến nhiều người trở nên lệ thuộc và chịu ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là trẻ em ở nhiều lứa tuổi.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở độ tuổi mầm non là 55%, tiểu học là 27%, trung học cơ sở là 51,7%, trung học phổ thông là 94,8%.
Trong đó 50% thanh thiếu niên sử dụng Internet hoặc điện thoại thông minh nhiều hơn hai tiếng mỗi ngày; thậm chí 28,4% sử dụng Internet hơn 5 tiếng một ngày; 6,7% sử dụng hơn 8 tiếng một ngày.
Tại Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển tỷ lệ thiếu niên độ tuổi 13-15 sử dụng điện thoại thông minh là từ 87% trở lên. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng tỷ lệ trẻ sử dụng điện thoại thông minh chắc chắn là một con số không hề nhỏ, đặc biệt là tại các thành phố lớn.
Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, ở độ tuổi mầm non, việc sử dụng điện thoại thông minh có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ; đồng thời có nhiều ảnh hưởng khác mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa dám chắc chắn.
Tuy nhiên, sự lệ thuộc của trẻ vào điện thoại di động là không thể bàn cãi vì nếu quan sát những đứa trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại di động, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp các cảnh tượng trẻ không ăn uống, khóc lóc mè nheo dai dẳng khi không được cho xem điện thoại di động… Trong khi đó, các nhà khoa học khẳng định nhiều tác động trong 3 năm đầu đời với trẻ là không gì có thể sửa đổi được.
Với trẻ bắt đầu đi học, nếu sử dụng điện thoại thông minh nhiều sẽ tạo ra sự sao nhãng, không tập trung vào việc học hành, khiến kết quả học tập giảm sút. Khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ cũng bị bào mòn do thói quen cái gì cũng lên mạng tìm kiếm; thậm chí bài tập về nhà cũng lên mạng chép lời giải… Về lâu dài trẻ sẽ bị mất đi năng lực tự suy nghĩ, năng lực sống do lệ thuộc vào điện thoại thông minh.
Điện thoại thông minh cũng làm tâm lý của trẻ ở tuổi dậy thì bất ổn định hơn. Và cả trẻ ở độ tuổi trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông đều rất dễ phải đối mặt với các rắc rối liên quan đến quan hệ gia đình, bạn bè, đặc biệt là nạn bắt nạt trên mạng xã hội.
Và nếu tình trạng lệ thuộc điện thoại vẫn còn kéo dài trong những năm tháng sau này, thì chắc chắn chất lượng công việc, cuộc sống của cá nhân đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trẻ dưới 3 tuổi không nên sử dụng điện thoại thông minh, còn trẻ tiểu học, trung học không sử dụng quá một giờ trong ngày. Ảnh: Freepik. |
Phương pháp sử dụng điện thoại thông minh phù hợp cho trẻ
Trong cuốn sách Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh, giáo sư Yoshihiko Morotomi hướng dẫn cho các bậc phụ huynh các phương pháp hữu hiệu để thực hiện được mục tiêu đúng như tiêu đề của cuốn sách.
Theo Morotomi, nghiện điện thoại di động thực chất cũng giống như nghiện game, ma túy… Nó khiến người bị lệ thuộc cảm thấy bị bứt rút khó chịu, suy nghĩ, hành động bấn loạn khi không được thỏa mãn. Khi đã rơi vào tình trạng này, người lệ thuộc nhất thiết cần phải được điều trị cai nghiện, mới có thể quay trở lại được như bình thường.
Để trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh, điều đầu tiên cha mẹ cần thực hiện là tuyệt đối không cho trẻ lứa tuổi mầm non, đặc biệt là từ 0-3 tuổi sử dụng điện thoại di động.
Việc cho trẻ độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở sử dụng điện thoại thông minh thì càng muộn càng tốt, bởi sử dụng điện thoại thông minh khiến trẻ lãng phí, đánh mất khả năng kiểm soát thời gian rảnh rỗi hiếm hoi ngoài giờ học của mình.
Kết quả nghiên cứu của Đại học Tohoku Nhật Bản trên 70.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở cho thấy thời gian sử dụng điện thoại di động càng tăng thì kết quả học tập càng giảm.
Trong khi đó, trẻ có thời gian sử dụng điện thoại thông minh dưới 1 giờ mỗi ngày thì kết quả học tập không bị ảnh hưởng.
GS Morotomi đưa lời khuyên: “Nếu có ý định cho con sử dụng điện thoại thông minh, bố mẹ hãy luôn nhớ rằng: Chỉ cần dùng quá một giờ đồng hồ mỗi ngày thì mọi công sức học tập của con đều tiêu tan”.
Với các con độ tuổi trung học cơ sở trở lên, khi quyết định cho con sử dụng điện thoại thông minh, các bậc phụ huynh cần lập ra và thống nhất quy tắc sử dụng nghiêm khắc với con.
Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý về thời gian sử dụng, việc tham gia vào mạng xã hội, cài đặt bộ lọc để hạn chế nội dung độc hại cho trẻ.
Tác giả cuốn sách Yoshihiko Morotomi là một nhà nghiên cứu giáo dục. Ông tốt nghiệp khoa Nhân chủng học và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Tsukuba.
Ông từng là nghiên cứu sinh của Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học Transpersonal tại Mỹ và Đại học East Anglia tại Anh. Hiện, ông là giảng viên tại Đại học Meiji, Nhật Bản.