“Ban đầu chúng tôi quyết định viết cuốn sách này bởi vì chúng tôi cảm thấy ngột ngạt khi điện thoại liên tục réo gọi bắt chúng tôi phải chú ý và kéo chúng tôi ra khỏi những gì đang xảy ra trong thế giới thực”, hai tác giả Imran Rashid và Soren Kenner lý giải như vậy trong cuốn sách của mình.
Các trang mạng xã hội mới chỉ xuất hiện những năm gần đây: Facebook được thành lập năm 2004, Youtube – 2005, Twitter – 2006 và Instagram – 2010. Thế nhưng mức độ “thao túng” người dùng của nó thật đáng kinh ngạc.
Trước thông số đó, Offline phơi bày hành vi sử dụng công nghệ kỹ thuật số quá tải và hậu quả, đồng thời mách nhỏ người đọc giải phóng tâm trí, tạo khoảng cách an toàn với điện thoại thông minh và mạng xã hội.
Mạng xã hội đang “thao túng” con người
Tính đến năm 2019, trên thế giới có đến hơn 5 tỉ người có điện thoại thông minh và 1,5 tỉ người có máy tính bảng. Chẳng bao lâu nữa, dự kiến sẽ có khoảng 75% tổng dân số toàn cầu sử dụng loại thiết bị tiên tiến này.
Giữa các trang mạng xã hội hiện nay, Facebook đang giữ danh hiệu nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất. Ở Việt Nam, có tới hơn 70% dân số có tài khoản Facebook.
Thế nhưng, một thông tin gây bất ngờ là, giữa một rừng “con nghiện” Facebook thì ngay cha đẻ của nó – Mark Zuckerberg – lại không hề dành nhiều thời gian để lướt sản phẩm mình tạo ra. Thay vào đó, anh sống một cuộc đời an vui với các hoạt động đọc sách, đi du lịch, chơi thể thao…
Giữa dòng người đắm chìm trong việc online, Mark Zuckerberg (người tạo ra Facebook) vẫn ung dung đi du lịch, chơi thể thao và đọc sách. Ảnh: Bing Bong Bot. |
Hàng ngày chúng ta “cống nạp” thời gian online cho Mark, thay vì dành cho những người thân hay công việc khác lành mạnh, và việc online này liên tục biến chúng ta trở thành thần dân, có trách nhiệm trả lời vị vua của mình câu hỏi “Bạn đang nghĩ gì?”.
Sách Offline đã dành ra nửa số trang để dấy lên những tiết lộ về chiêu trò hack não mà Facebook, Apple, Tiktok, hay Instagram đã dùng để lôi kéo người sử dụng. Càng dán mắt vào màn hình thì các ông vua sáng lập ứng dụng công nghệ kia sẽ càng có nhiều khoản bỏ túi hơn.
Online thế nào để không gây hại?
Không thể phủ nhận rằng, các thiết bị điện tử cũng phần nào thay đổi từng cá nhân và toàn xã hội theo chiều hướng tốt đẹp khi gắn kết sự giao lưu, tương tác của con người một cách nhanh chóng. Tác động xấu hay tốt phụ thuộc vào cách chúng ta dành thời gian và tâm trí đến đâu để online trên mạng xã hội.
Soren Kenner (một trong hai tác giả của cuốn sách) chia sẻ, trong thế giới công nghệ cao này, ông thậm chí phải nhắn tin qua Messenger để mời các con xuống ăn tối vì ông biết nếu không thì chúng sẽ không chịu xuống.
Sách Offline giúp giải phóng tâm trí khỏi điện thoại thông minh và mạng xã hội. Ảnh: T.T. |
Tiếp đến, hai người viết đưa ra câu hỏi: Bạn có bao giờ cảm thấy ớn lạnh ở quán cafe khi những câu bông đùa thân thiện được thay thế bằng sự im lặng đến mức ảm đạm, khi mà cả quán nhấp nháy với thứ ánh sáng được phát ra từ hàng chục màn hình điện tử lớn, nhỏ?
Điện thoại thông minh dần trở thành vật dụng đầu tiên bạn nhìn vào mỗi sáng và cuối cùng bạn nhìn thấy trước khi đi ngủ. Mạng xã hội còn gây nên cảm giác ảo cho con người, khiến đôi khi ta cảm nhận như thể túi áo quần đang rung lên. Nhưng đây chỉ là một trong số vô vàn hậu quả của việc online quá nhiều.
Mức độ thiệt hại này có thể được cải thiện nếu biết kiểm soát tần suất “cống nạp” thời gian cho mạng xã hội và các ứng dụng công nghệ cao. Với cách viết thực tế, đi thẳng vào vấn đề, Imran Rashid và Soren Kenner đưa ra hàng loạt phương pháp để giải phóng tâm trí khỏi điện thoại thông minh thông qua việc thiết lập chế độ tạo dựng thay đổi: Xác định yếu tố kích hoạt, lập kế hoạch đối phó, các nguyên tắc tâm lý cơ bản, học cách tập trung…
Offline không chỉ nghiên cứu những chiêu trò thu hút, thao túng não bộ của người sử dụng, mà còn ghé tai mách nhỏ độc giả cách tự bảo vệ mình khỏi những ô nhiễm kỹ thuật số để sử dụng các thiết bị điện tử lành mạnh và kết nối với thế giới thực nhiều hơn.