Khi chọn cho mình một cuốn từ điển tiếng Việt để có thể tra cứu hàng ngày, tôi đã mua cuốn Vietlex do GS Hoàng Phê chủ biên, bởi đó là quyển Từ điển Tiếng Việt có cả chữ Hán ở mỗi từ mục có yếu tố Hán Việt. Đây là cách làm khoa học, giúp có thể hiểu đúng và trúng nhất nghĩa của từ, đặc biệt trong việc phân biệt các từ đồng âm.
Bởi vậy, tôi đã đọc cuốn Vui buồn cùng tiếng Việt (NXB Hội Nhà Văn, 2022) của tác giả Bùi Bắc đầy hào hứng.
Sách Vui buồn cùng tiếng Việt. Ảnh: Hà An. |
Vui buồn cùng tiếng Việt
Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác dịch thuật, biên tập, từng dịch trên 60 đầu sách, tác giả của nhiều cuốn sách về kiến thức, khoa học, dịch giả Bùi Bắc đã “quan sát, chiêm nghiệm và nhận diện” cách sử dụng tiếng Việt sao cho đúng, cho chuẩn.
Trong cuốn sách này, ông đã phân tích mổ xẻ 57 từ, cụm từ ở những bài báo trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây, giúp độc giả “tránh dùng từ sai, hiểu sai các từ”. Theo ông, đó là “một trong những cách thiết thực nhất để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt”. Việc đặt tít phụ “Chào mừng Ngày quốc tế Tiếng mẹ đẻ 21/2/2022” ngay sau tên sách cũng thể hiện nỗi trăn trở này.
Nhiều từ và thuật ngữ như “đa dạng sinh học”, “khoa học viễn tưởng”, “người đương thời”… đang được chúng ta sử dụng hàng ngày, nhưng không phải ai cũng biết nghĩa từ nguyên của nó. Hay các từ “chính kiến”, “ốc đảo”, “phi vụ”, “quý tộc”, “đặc vụ”, “cứu cánh”… cũng được sử dụng khác với nghĩa ban đầu.
Trong nỗ lực “Tìm lại những từ tiếng Việt bị thất truyền”, ông cũng phân tích kỹ về cách sử dụng các tước vị như “thái tử”, “hoàng tử”, “công chúa”, “công nương”… và đưa ra cách dùng cho chuẩn.
Dịch giả Bùi Bắc khẳng định: “Vai trò của công tác dịch thuật đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, nâng cao dân trí… chắc chắn là không ai nghi ngờ cả”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, nếu làm ẩu, dùng sai từ, dùng từ không đúng thì hậu quả sẽ tai hại trong việc giữ gìn sự chuẩn mực, chính xác của tiếng Việt.
Ngôn ngữ luôn vận động, phát triển
Ngôn ngữ là sản phẩm đặc biệt, thể hiện tư duy của con người. Mỗi cộng đồng người có một ngôn ngữ khác nhau, là phương tiện giao tiếp giữa những người trong tộc người, nhóm người đó.
Ngôn ngữ là sinh ngữ, chỉ “sống”, tồn tại khi cộng đồng sáng tạo ra ngôn ngữ đó sử dụng nó.
Theo phương pháp Swadesh (phương pháp ngữ thời học), việc thay thế từ vựng cơ bản cổ bằng từ vựng mới là việc xảy ra theo quy luật chung của mọi ngôn ngữ.
Theo số liệu thống kê, kịch tác gia vĩ đại người Anh William Shakespeare đã sáng tạo hơn 1.000 từ tiếng Anh mới và nhiều trong số đó được dùng thường xuyên đến ngày nay.
“Mặt Trời của thi ca Nga” A. Puskin hay đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam cũng là những bậc thầy sáng tạo ngôn ngữ, làm giàu làm đẹp thêm cho ngôn ngữ của quốc gia, dân tộc mình.
Trong cuốn sách của mình, dịch giả Bùi Bắc cũng khẳng định rõ: “Ngôn ngữ luôn luôn vận động, phát triển. Bao giờ cũng có xu hướng một số từ bị đào thải, một số từ mới ‘mọc’ ra”.
Cùng việc giao lưu văn hóa, dịch thuật, tiếng Việt cũng đã mượn của tiếng Anh, Pháp… không chỉ về từ vựng, mà còn cả cấu trúc câu.
Ngay cả tiếng Anh bản ngữ khi sang Mỹ lại biến đổi thành tiếng Anh – Mỹ, sang Ấn Độ, Philippines, Maylaysia hay Singapore cũng đều trở thành một thứ tiếng Anh khác với tiếng Anh người bản ngữ sử dụng.
Nhóm các nước đồng văn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… đều sử dụng Hán tự, nhưng mỗi quốc gia sau đó lại sáng tạo ra một ngôn ngữ của riêng mình.
Đại thi hào Nguyễn Du là người sáng tạo ngôn ngữ, làm giàu làm đẹp thêm cho ngôn ngữ dân tộc. Ảnh: Y.N. |
Nên có thái độ ứng xử với việc sáng tạo các từ mới như thế nào
Trong bài nói chuyện “What makes a word ‘real’?”, GS Ngôn ngữ học người Anh Anne Curzan khẳng định ngôn ngữ chỉ thực sự “sống” khi nó được con người sử dụng. Là người làm công tác biên soạn từ điển, bà kêu gọi hãy thoát khỏi mọi quy tắc về ngữ pháp, cấu trúc để thoải mái sáng tạo từ mới.
Phải chăng đó cũng là lý do khiến kho từ vựng tiếng Anh “nở” ra mỗi ngày, trở thành thứ tiếng có nhiều từ vựng nhất thế giới. Các chuyên gia ngôn ngữ biên soạn Từ điển Oxford ước tính 4.000 từ mới được thêm vào từ điển mỗi năm.
Trong cuốn sách Vui buồn tiếng Việt, dịch giả Bùi Bắc cũng trăn trở với việc sử dụng các từ “vi tính”, “tin học”, “lớp trưởng”, “vi sóng”, “chung cư”… mà theo ông là cọc cạch trong quy tắc kết hợp từ.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách cởi mở hơn theo quan điểm ngôn ngữ học hiện đại, để tiếng Việt trở thành ngôn ngữ phong phú, sống động và tươi mới, có nhất thiết phải luôn tuân thủ chặt chẽ những quy tắc về ngữ pháp đã được định hình trong tiếng Việt?