Không đợi đến khai mạc Liên hoan truyện tranh Angoulême quốc tế lần thứ 50 (26-29/1/2023), khi nhà xuất bản Pháp Ankama dựng lên bức vách đồ sộ ở mặt tiền gian trưng bày bằng ảnh bìa truyện tranh mang tên Sống với đầy đủ dấu như tiếng Việt; mà ngay tháng 12 năm ngoái, khi các nhà sách cho đăng ký trước, độc giả châu Âu đã lưu ý tên sách lạ lẫm, uyển mềm như thư pháp trên nền xanh cây lá, với hai phụ nữ châu Á. Sách thật sự gây sức hút.
Pauline và Hải Anh (giữa) ký tặng độc giả. |
Hỏi Hải Anh – người viết kịch bản sinh năm 1993 – vì sao chọn tên Sống và chọn cách viết nguyên bản nơi bìa sách, cô nói từ Sống (vivre) trong tiếng Pháp có nghĩa “còn sống”, là từ cô nghĩ đến khi nghe mẹ kể về những cuộc phiêu lưu thời niên thiếu. Còn vì sao không dịch ra tiếng Pháp, Hải Anh cho biết cô mong muốn tác phẩm đầu tiên của mình mang tựa tiếng Việt, bởi đó là ngôn ngữ cô kết nối với mẹ và với cội nguồn đất nước. Một tựa Pháp/ tiếp sau có thể là ngôn ngữ khác, khó chuyên tải hết ý nghĩa cô mong muốn.
Không chỉ tựa, Sống chia ra 14 chương, mỗi chương lại lần nữa có tên tiếng Việt, phụ ngữ tiếng Pháp trong dấu ngoặc, kiểu: GẶP (rencontrer), TIẾC NUỐI (regretter), NẤU (cuisiner), CHIA TAY (se séparer), BỊ THƯƠNG (se blesser),… Cùng rất nhiều từ tiếng Việt bên trong chuyện kể như: ba, mẹ, bà ngoại, ông ngoại, tên người, địa danh, món ăn …; ngôn ngữ Việt Nam với đầy đủ dấu trong Sống cứ lặp ngân duyên dáng- sự duyên dáng mà vì đó họa sĩ Pauline Guitton phải kỳ công vẽ riêng phông chữ, thay vì sử dụng các phông có sẵn mà theo cô quá… công nghiệp.
Về nội dung sách, nhà xuất bản Ankama giới thiệu như sau: “Một người mẹ kể cho con gái nghe câu chuyện thời niên thiếu của mình trong chiến tranh Việt Nam chống Mỹ. Từ năm 1969 đến 1975, Linh – hôm nay là đạo diễn – đã trải qua bảy năm sống cùng người cách mạng cộng sản, những người đã bước đầu hướng dẫn cô vào kháng chiến cũng như hướng dẫn cô đến với điện ảnh”. Mẹ tác giả Hải Anh là đạo diễn Việt Linh – người có hai phim phát hành thương mại ở Pháp, trong đó Chung cư là phim Việt Nam đầu tiên lọt mạng lưới phát hành quốc gia.
Tiên đoán sách sẽ ăn khách, Nhà xuất bản Ankama cho in 8.000 bản lần đầu, tổ chức mười bốn buổi ký tặng ở Paris và các tỉnh, nhưng họ hoàn toàn bất ngờ khi Sống của hai tác giả mới ra đã bán chạy nhất trong số 8 cuốn chọn tham dự liên hoan chính thức.
Trước và sau Festival rất nhiều trang mạng, đài, báo, trong đó có France Info, BFMtv, RTBF (Bỉ), Le Monde, L’Humanité đánh giá sách “nổi bật”, “nên đọc”. Nhà phê bình sách Adrien Le Gal của Le Monde đặt Sống trong top 10 “Tuyển chọn xuất sắc ra mắt mùa đông nhân dịp liên hoan Angoulême lần thứ 50”.
Bìa sách Sống. |
Phía độc giả có những ý kiến nồng nhiệt như Korail, trang Sanctuary: “Đầy sắc nét, bộ ba (trio) bao gồm nữ biên kịch Hải Anh, Linh mẹ cô và nữ họa sĩ Pauline Guitton, đạt thành quả không chê vào đâu được. Câu chuyện về chứng từ của một người mẹ dành cho con gái mình vượt ra ngoài vòng thân mật, đối diện với lịch sử chiến tranh. Góc nhìn chéo của ba người phụ nữ đến từ thế giới điện ảnh mang đến lối phân cảnh và dựng hình hoàn hảo cho một truyện tranh chất lượng cao. Tôi xin tiến cử vô điều kiện”.
Như Vincent, trên trang Bdfugue: “Mối quan hệ đầu tiên ta có với một truyện tranh là hình họa của nó. Bắt đầu là hình bìa, sau đó là các trang trong. Với SỐNG, sự quyến rũ xảy đến ngay lập tức. Bước thứ hai là thông qua đọc, văn viết và kịch bản đi đôi với căn tính họa hình. Và lần nữa ở đây, chúng ta hòa nhập vào câu chuyện thân thiết, hấp dẫn, đưa ta từ tiểu sử một gia đình đến mảng lịch sử to lớn, với sự tinh tế đáng hoan nghênh”.
Và Sonia từ Thụy Sĩ: “Tôi vừa ngấu nghiến cuốn SỐNG đặt mua qua nhà sách ở Lausanne – Thụy Sĩ. Và tôi muốn nói với hai tác giả lời Bravo vì cuốn sách tinh tế tuyệt vời này. Người ta có cảm tưởng thời gian ngừng lại khi đọc nó, như ở trong một bong bóng. Lâu lắm rồi mới có quyển sách tác động đến tôi như vậy. Nhất định tôi sẽ nói mẹ tôi – người Sài Gòn cùng thế hệ với Linh – và những người khác phải đọc”.
Truyền thông thuận lợi, dư luận hào hứng, nhưng theo phỏng vấn nhanh của người viết bài với cá nhân/ý kiến các nhà sách thì Sống bán chạy không chỉ vì câu chuyện liên quan chiến tranh chống Mỹ – có quá nhiều sách viết đủ hơn, không phải chuyện nữ quyền – có quá nhiều nơi nói mạnh hơn, cũng không phải tính mỹ thuật – có quá nhiều sách đẹp hơn; mà là mối liên hệ giữa hai thế hệ – ở đây là mẹ con – đã làm quyển sách chạm đến cảm xúc con người phổ quát.
Nói đến liên hệ mẹ con phải nhắc đến tác giả Mỹ gốc Việt sinh năm 1990 Lê Trung Nguyễn – người đã thành danh trong công việc hình họa, trong đó truyện tranh đầu tay Con cá phép thuật (The magic fish) được giải văn học Harvey thể loại tiểu thuyết hình họa, được hệ thống thư viện công cộng New York bình chọn sách hay nhất năm 2021, được nhà xuất bản Ankama mua bản quyền tiếng Pháp, đưa vào vòng thi sách Trẻ Festival Angoulême.
Câu chuyện của Trung cũng vô cùng độc đáo và cảm động, ở đó, do thiếu ngôn ngữ, người mẹ vượt biên năm 80 và đứa con lớn lên ở Mỹ trò chuyện với nhau qua… cổ tích. Cuối cùng, bằng cách sáng tạo một cái kết cổ tích thân quen, đứa con trai đã gián tiếp thổ lộ giới tính thật, và được mẹ ủng hộ…
Nhìn hai bạn trẻ Việt Nam – nổi tiếng và vô danh – ngồi cạnh nhau trên bàn Dédicace (ký tặng) đón tiếp dòng người hâm mộ, người viết bài lâng lâng sự tiếp nối… Lớp trẻ Việt Nam đã thành danh trong nhiều môn nghệ thuật khác, nay tiếp tục kéo dài tên tuổi Việt Nam (sau Vink, Marcelino Trương…) trong “nghệ thuật thứ 9” – như người ta dành cho nghệ thuật truyện tranh.
You must be logged in to post a comment Login