“Cô Vy” tự sự – Gió và tình yêu vẫn thổi là tuyển tập tản văn và truyện ngắn ghi chép lại cảm xúc, trải nghiệm rất thật của các tác giả trong khoảng thời gian của đợt giãn cách xã hội, tháng 4/2020. Được sự đồng ý DuCaBooks, Zing xin trích đăng một phần nội dung sách.
1…
Mấy năm gần đây, hầu như tới giỗ ba là tôi thu xếp về cho gia đình thêm đầm ấm. Từ cuối năm ngoái, tôi đã book vé về Ninh Hòa nhân hai mươi năm sống kiếp tha hương và cùng với anh chị làm cái giỗ thứ mười để tưởng nhớ.
Sách “Cô Vy” tự sự – Gió và tình yêu vẫn thổi (NXB Hà Nội phối hợp DuCaBooks xuất bản năm 2020). Ảnh Hoa Ly. |
Vậy mà cuối cùng người tính không bằng trời tính. Nước Mỹ trở thành tâm dịch Covid-19. Thị trấn nơi tôi ở bé có cả nghìn ca dương tính. Giờ ra đường nhìn ai chắc cũng nghĩ họ dính virus rồi. Việt Nam đóng cửa biên giới không tiếp nhận du khách nước ngoài. Vé máy bay của tôi bị hủy hết trơn.
Bao nhiêu dự định hoàn toàn tan vỡ. Không biết khi nào mọi thứ mới trở lại bình thường, để như ngày xưa cũ, mỗi lúc nhớ nhà, thèm món ăn quê, muốn ngồi cà phê vỉa hè nói chuyện với bạn bè, tôi lại mua vé, sắp xếp đồ đạc, kéo vali ra phi trường. Sau mười bốn tiếng đồng hồ trên đôi cánh sắt, là hít thở được hơi hám đất mẹ nồng nàn và sống trong tình yêu thương của người dân đất Việt.
Covid-19 đánh một cú chí mạng vào niềm kiêu hãnh của nước Mỹ. Khi virus đang ở bên kia bờ Thái Bình Dương, trong lúc Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông lo cuống cuồng chống đỡ, thì tờ Wall Street Journal có một bài báo cho rằng, nếu đại dịch xảy ra, Mỹ và Anh sẽ là hai nước chuẩn bị kỹ càng và có nguồn lực lớn nhất để dập.
Đời không như phim Hollywood, Anh và Mỹ trở thành hai vùng đất chết chóc nhất trong mấy tháng vừa qua. Mỗi ngày mở tin lên, những con số cứ nhảy múa lung tung làm tôi hoảng hốt. Tivi hết chiếu cảnh mấy chiếc xe chở người phủ vải trắng, đến các bài bình luận vì sao nước Mỹ lại lâm vào tình trạng đớn đau này.
Rồi mỗi chiều, Tổng thống Donald Trump cùng các thành viên trong nhóm chống dịch lên ti vi nói về Covid-19. May phước là tôi có máu châu Á trong người nên lo lắng, cẩn thận chuẩn bị từ sớm. Nhà có đủ thức ăn, khẩu trang, nước rửa tay khô và xà bông sát khuẩn. Chứ mà nghe họ khuyến cáo chắc điên lên mất.
Lúc thì bảo khẩu trang chỉ dành cho người bệnh. Rửa tay và đừng chạm lên mặt là cách hữu hiệu phòng virus. Khi thì kêu phải giãn cách xã hội (social distancing) để tránh sự lây lan. Lúc lại khuyên đeo khẩu trang phòng vệ.
Những ngày đầu đại dịch, đi siêu thị Mỹ lẫn Á, hàng nghìn người kiên nhẫn xếp hàng, tranh thủ vô mua thực phẩm, gạo, bột mì, nước rửa tay, giấy vệ sinh, rau củ quả trước lệnh giới nghiêm, mới thấy nỗi sợ hãi hiện diện khắp nơi, không phân biệt sắc dân nào.
Hai mươi năm sống xứ người, đi khắp bốn biển năm châu, lần đầu tiên tôi thấy sợ. Lo mình thì ít, mà cho người thân và bạn bè chung quanh mình thì nhiều. Công ty đóng cửa, mọi người dồn về một nơi chủ yếu thu tiền nhà, trả lương cho nhân viên…
2.
Ngày giỗ của ba, tôi không đi làm. Nhà cũng vắng người, thôi thì làm một mâm cơm nho nhỏ để cúng. Tự nhiên thèm cái không khí giỗ quảy ở quê ghê. Từ hôm trước, các chị tôi đã lo đi chợ mua đầy đủ đồ chất ngay bếp.
Sáng sớm, gà chưa kịp gáy, đã vội dậy nhóm bếp lò. Rồi chút nữa, bà con dòng họ, anh chị em xa gần chạy tới, mỗi người một tay phụ vô làm gà, xắt thịt, rửa rau, giã hành tiêu ớt tỏi, nấu cơm, cuốn chả ram, thưng thịt, nấu lagu, làm bánh ít trần nhân thịt với tôm, mua bánh mì, chặt đá lạnh, ướp nước ngọt, bia… các kiểu.
Một người được đưa đi trên cáng sau khi xét nghiệm Covid-19 tại trung tâmy tế ở Houston. Ảnh: AP. |
Giỗ cũng có cái buồn vì tưởng nhớ người đã mất, nhưng lại là lúc vui nhất vì bà con, hàng xóm có dịp quây quần nói cười rôm rả, kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Những chuyện hồi cố tỉ cố lai cứ ngỡ thời gian và cuộc sống làm người ta sẽ quên đi, nhưng hễ nhắc tới là ai cũng nhớ…
Và đặc biệt, hễ giỗ má thì có dĩa bánh xèo, giỗ ba là phải có món cá trầu (Miền Bắc gọi là cá quả, miền Nam gọi là cá lóc) um mê mẩn. Thuở sanh thời, với ba, việc chài lưới chỉ là thú vui điền viên tao nhã. Dòng Dinh, con nước, tấm lưới, chiếc ghe là nguồn vui ngày tuổi xế…
Xứ Mỹ chẳng có cá trầu tươi sống giãy đành đạch như bên nhà, nhưng chợ Việt có bán cá đông lạnh (hổng biết để ở trỏng bao lâu rồi), kèm mớ đồ mộc đủ loại. Chị chặt cá làm bốn khúc, ướp với nước mắm khoảng một tiếng cho thấm.
Bỏ cá vô chảo mỡ, kêu cái xèo rồi nhanh tay trở cho chín đều. Đồ mộc um cá có nấm mèo, bún tàu ngâm nở, cắt làm đôi, cà chua, thơm, hành tây, ngò và bắp chuối. Đặc biệt phải có ngổ (ngò om). Đó là loại rau nêm làm nên vị đặc biệt của món um, khi chín, sẽ dậy một mùi thơm rất mạnh, át hết mùi tanh của cá, hay các loại rau nêm khác…
3.
Tôi sắp xếp bàn cúng, nhang, nến, nước, kèm bình hoa cúc vàng tươi thắm. Sau đó vô bếp bới vài chén cơm. Quay qua rửa rổ rau, xắt dưa leo, xoài sống, lột tỏi, ớt, giã mắm, nặn chanh, múc vô chén nhỏ bưng bỏ lên bàn. Anh tôi khui hai lon bia, mồi thêm điếu thuốc lá, rồi thay đồ thắp nhang trước. Tôi nhỏ nhất nhà nên sẽ thắp sau.
Không biết có phải tại khói bay mù mịt hay không, mà mắt ai cũng đỏ hoe, rưng rưng muốn khóc. Xứ Mỹ không có khói đốt đồng bảng lảng, chẳng có tiếng cụng ly dzô dzô của hàng xóm bà con, cũng không có những đứa con quây quần kể cho nhau nghe hồi ức về ba hồi xửa hồi xưa, những tháng năm lên núi, xuống rừng, hay lênh đênh sông nước giữa đêm đen kiếm tiền về phụ vợ nuôi con mọn.
Ở đây chỉ có ít món quê mùa, mong ba theo gió cỡi mây, ở bên nhà bay qua đây ăn với lũ con bữa cơm chiều xa xứ.
Ba đừng giận tụi con khi không về được bên nhà trong ngày giỗ thứ mười dù lòng rất muốn. Năm sau tụi con ráng thu xếp về để ba vui nhen. Nói vậy thôi, chứ con biết, ba thương tụi con không hết thì giận dỗi làm gì, nhất là đang giữa mùa đi đâu cũng toàn dịch bệnh.
Nguyễn Hữu Tài
(Maryland, tháng 5 – 2020)