Nhà giáo dục, tiến sĩ Giản Tư Trung. Ảnh: IRED. |
Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và Tôi là cuốn sách được nhà giáo dục, TS Giản Tư Trung dày công thực hiện trong nhiều năm, với sự trợ giúp của các cộng sự ở Viện Giáo Dục IRED.
Tác phẩm vừa chia sẻ mô hình giáo dục của tác giả, vừa tổng hợp những phương pháp sư phạm từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ đó mỗi người có thể tự hình thành nên một phương pháp sư phạm hiệu quả hơn và nhân văn hơn cho riêng mình.
Người thầy không chỉ truyền tải kiến thức
Trong buổi ra mắt sách ngày 6/5 tại khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM), TS Giản Tư Trung đã chia sẻ về quan điểm giáo dục của mình. Trong đó, ông nhấn mạnh đến vai trò của người thầy.
Ông cho rằng người thầy không chỉ truyền tải kiến thức, mà người thầy giỏi là người thầy dạy cho học sinh cách học. Nhưng chỉ con cá và cần câu thì chưa đủ, người thầy lớn còn là người thầy cho học sinh tìm thấy động lực đi câu, tức động lực để theo đuổi việc học.
“Ngoài ra, còn có những người thầy đã và đang làm những điều mà tôi cho là vĩ đại nhất, đó là chỉ ra sự dốt nát của dân tộc mình, từ đó người ta biết được mình cần học”, ông nói thêm.
Theo đó, ông chỉ ra rằng giáo dục khai phóng khác giáo dục thông thường ở chỗ người thầy không chỉ dạy những gì học sinh chưa biết, mà trước khi đi vào bài học, người thầy đã gieo vào học sinh những hạt mầm của sự học. “Giáo dục bình thường dạy chúng ta biết nhiều, còn giáo dục khai phóng dạy chúng ta biết mình”, ông giải thích.
Tác phẩm Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và Tôi. Ảnh: IRED. |
Xoay quanh vấn đề giáo dục từ triết lý đến chính sách, từ nguyên lý đến phương pháp, TS Giản Tư Trung hy vọng tác phẩm sẽ là tài liệu hữu ích giúp các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh có thêm góc nhìn để làm công việc giảng dạy của mình tốt hơn, để việc dạy chính là “làm cho sự học diễn ra”.
“Trên đời này không có đứa trẻ nào là không có tài năng gì đó. Ta phải tin vào điều này, vì mất lòng tin vào con trẻ là giết chết cuộc đời của một đứa trẻ”, ông nhắn nhủ. Theo đó, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của cuốn sách này là tư tưởng cốt lõi: “Dạy chính là giúp người khác học”, và “khai phóng chính là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng con người”.
Học nhiều để làm gì?
Nói về phương pháp dạy khai phóng, TS Giản Tư Trung không quên nhắc lại một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng cũng khó trả lời không kém: Rốt cuộc, học nhiều để làm gì?
Học để làm nghề, học để kiếm tiền, hay chúng ta còn học để làm gì khác? “Nếu học về nghề mà không học về văn hóa, không học làm công dân thì rất tệ”, ông nói.
Tác giả Giản Tư Trung ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: IRED. |
Trong tác phẩm mới của mình, ông đưa ra một mô hình giáo dục khai phóng mà trong đó, đích đến của giáo dục là Con người tự do, Công dân trách nhiệm và Chuyên gia ưu tú. Để đạt được mục đích này, giáo dục cần giúp người học phát triển 3 năng lực là năng lực văn hóa (làm người), năng lực công dân (làm dân) và năng lực chuyên môn (làm nghề).
Trong sự học thời nay, tác giả cho rằng học để biết nhiều là điều rất đáng quý, nhưng đáng quý hơn là ta sẽ làm được gì và sẽ sống thế nào với những điều mình biết. Chính vì thế mà ông khẳng định kết quả của giáo dục là không thể đo đếm được.
“Giáo dục có thể chưa thay đổi hành vi, nhưng nó thay đổi tâm lý. Đó chính là kết quả của giáo dục và kết quả đó không nhìn thấy được. Đó là quá trình chuyển hóa bản thân từ trong tâm trí”, ông giải thích.
Với Sư phạm khai phóng – Thế giới, Việt Nam và Tôi, độc giả có dịp du hành, từ nhìn ra thế giới, nhìn về Việt Nam, rồi nhìn lại chính mình; từ soi lại quá khứ, nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai để có thể vạch ra một con đường sư phạm phù hợp cho chính mình, cho ngôi trường mình và cho giáo dục của xứ sở mình trong bối cảnh mới.
Chữ “Tôi” trong tựa sách chính là những ai đang nỗ lực trên hành trình dạy trò, dạy con và dạy mình. Cuốn sách này gợi mở một phương pháp luận để mỗi nhà trường, mỗi thầy cô và mỗi bậc phụ huynh có thể tham khảo và tự mình đưa ra triết lý giáo dục của mình để “dạy trò”, “dạy con” và cả tự “dạy mình”.
Tác giả Giản Tư Trung nhận bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Phát triển tại Học viện sau đại học Geneva; tu nghiệp về Chính sách Giáo dục Quốc tế tại Đại học Harvard; tốt nghiệp Tiến sĩ về giáo dục tại Học viện Giáo dục Quốc gia Singapore và tốt nghiệp Tiến sĩ về giáo dục tại Đại học London (UCL). Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã vinh danh ông là một nhà lãnh đạo toàn cầu trong vai trò là một nhà hoạt động giáo dục.
Nguồn: https://zingnews.vn/giao-duc-khai-phong-day-con-nguoi-biet-minh-post1428989.html
You must be logged in to post a comment Login