Đu trend người nổi tiếng trên tay một bạn đọc. Ảnh: LCS. |
Sau khi ra mắt hai tác phẩm Răng mà thương mà nhớ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) và Loanh quanh Sài Gòn (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) được độc giả hồ hởi đón nhận, vào dịp giáp Tết này, nhà văn, nhà báo Lê Công Sơn lại cho ra mắt tập sách chân dung nhân vật có tên là Đu trend người nổi tiếng. Đây là một Giai phẩm Xuân đầy chất hương. Đó là Hương sắc Xuân rực rỡ, Hương vị tết nồng nàn và Hương lộc mới bừng sáng.
Không phải lúc nào người nổi tiếng cũng dễ tiết lộ
Giai phẩm sách Tết Đu trend người nổi tiếng như muốn cùng kể với độc giả câu chuyện về chủ đề “Cho Hương đừng bay đi” trong năm mới đầy cuốn hút. Tác phẩm “tiết lộ” nhiều câu chuyện lý thú, hấp dẫn mà lần đầu tiên 36 người nổi tiếng ở Việt Nam, ở các lĩnh vực sẽ cũng bật mí đến người đọc những câu chuyện tình tự kể, quá trình vượt khó đi lên của người nổi tiếng để truyền cảm hứng sống đến mọi người.
Trong gần 30 năm công tác ở Báo Thanh Niên (từ năm 1995) nghề chữ nghĩa đã cho nhà báo Lê Công Sơn cơ hội gặp gỡ và chơi thân với rất nhiều người nổi tiếng. Đằng sau ánh hào quang vẫn còn đó những góc khuất mà không phải ai cũng được họ tiết lộ.
Viết về các nhân vật thì dễ nhưng để viết hay và khai thác sâu các tình tiết không phải lúc nào người nổi tiếng cũng dễ tiết lộ, nếu không phải lúc.
Vì vậy, điều tác giả tâm đắc nhất ở họ là sự làm việc, lao động quên mình. Bất kể là ai cũng phải từng ngày hoàn thiện mình. Nếu gục ngã sẽ không có cơ hội làm lại, hoặc thậm chí còn gây ra bao hệ lụy cho người khác, cho gia đình.
Nhà báo Lê Công Sơn (hàng ngồi, bên trái) bên những người bạn. Ảnh: NVCC. |
Góc khuất phía sau sau ánh hào quang
Nhà báo Lê Công Sơn chia sẻ anh nhớ mãi câu tâm sự của nghệ sĩ Thanh Thủy – một nhân vật trong sách: “Ở đời chẳng biết ai khóc nhiều hơn ai đâu, có khi đi trên đường nước mắt của tôi chảy dài hòa trong mưa nữa đấy chứ nhưng vẫn cố giấu, bởi vì xung quanh còn biết bao người thân đang dựa dẫm vào mình, có muốn ngã cũng phải gượng dậy…Nếu được chọn lựa ở kiếp sau, tôi luôn muốn mình cơn gió mát mẻ, hay đám mây nhẹ nhàng bay lang thang khắp nơi hơn là làm người.
Còn bắt buộc phải làm người thì chắc phải quay lại đời nghệ sĩ thôi vì tôi đâu có giỏi giang việc gì ngoài nghề mình đang làm đâu. Dù tôi biết, làm diễn viên cũng như bao nghề khác đều phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới đi đến thành công”.
Đó còn là sự yêu nghề, lăn xả của nghệ sĩ Thanh Thủy cùng vai diễn: “Với tôi, sân khấu có gì đó như ma mị, quyến rũ con người đến mức không ăn không ngủ. Rất nhiều vai diễn, tôi phải trăn trở, ngôi đâu cũng nhớ, tối nằm ngủ cũng chập chờn luôn nghĩ tới nó.
Thậm chí khi dựng tuồng vừa xong, tóc lại rụng và bạc thêm nhiều. Trời mưa, nếu người giàu sẵn sàng lấy áo đang mặc để bọc lại cục tiền cho khỏi ướt thì nghệ sĩ chỉ lo bọc kỹ quyển kịch bản. Vì đó là máu thịt, là cuộc đời. Trước ngày phúc khảo còn không dám đi đâu, chạy xe máy chậm rãi lo sợ rủi có tai nạn thì làm sao ra sân khấu diễn tròn vai cho khán giả xem”.
Đu trend người nổi tiếng còn là câu chuyện về thân phận nghèo khổ, sống lênh đênh trên sông nước của bác Ba Phi Mạc Can từng ngày “vượt khó”.
Ông kể: “Ngày xưa, đa phần nghệ sĩ ai cũng nghèo. Gia tài cả nhà tôi chỉ có một chiếc ghe hát lênh đênh trên sông rạch, cứ đi tới đâu thấy khán giả đông là ghé. Năm 1945, cha mẹ sinh tôi ra trên ghe hát ngay dòng sông Tiền.
Mặc dù không làm giấy khai sinh được nhưng tôi nhớ như in nguyên quán quê ở xã Vĩnh Lợi (tỉnh Minh Hải cũ), sau này mới theo ông nội lên sống tại Sài Gòn. Dù gia cảnh chẳng khá khẩm, tôi vẫn tự hào về gánh xiếc của nhà tôi duy nhất hoạt động ở miền Tây lúc đó. Hễ đêm nào có diễn thì có cháo ăn, còn ít khách thì nhịn đói. Cũng vì điều kiện lưu lạc nên tính tình tôi cứ không nhất định một cái gì, lãng đãng, nhiều khi là đà…, không biết nói sao cho dễ hiểu”.
Trong sách còn có nhiều nhân vật mà khi tác giả còn nhỏ, họ đã là những “cây đa cây đề” tưởng chừng không làm sao với tới được: NSND Thế Anh, danh ca Khánh Ly, Nữ hoàng sầu muộn Giao Linh, học giả An Chi, danh hài Vân Sơn…
Nhận xét về tập sách, nhà thơ Lê Minh Quốc viết: “Viết chân dung nhân vật nói chung, không bao giờ là điều dễ dàng. Trong một bài báo, với chừng ấy từ (theo quy định của tòa soạn), nhà báo không thể chuyển tải hết mọi thông tin mà họ đang / đã có. Chỉ có thể là một ‘lát cắt’ trong giai đoạn làm nghề của nhân vật.
Nhà báo Lê Công Sơn không tác nghiệp bằng cách “khai thác” toàn bộ cuộc đời, anh biết chọn lọc lấy những gì mà bạn đọc quan tâm nhất về nhân vật đó. Vì rằng, trong cuộc đời mỗi người, năm tháng đi qua với biết bao câu chuyện, nhưng rồi có những chuyện lưu lại mãi trong ký ức. Khó quên. Vì thế, không chỉ “người trong cuộc” mà ngay cả người ngoài cũng ít nhiều quan tâm, biết đến. Tập sách của nhà báo Lê Công Sơn là viết theo hướng này”.
Qua Đu Trend người nổi tiếng, nhà báo Lê Công Sơn mong làm một cánh én nhỏ chao lượn giữa đất trời trong những ngày xuân. Qua các nhân vật, độc giả có thể tìm thấy bóng dáng mình trong cuốn sách để có thêm “vitamin trải nghiệm” bổ sung cho cuộc đời, nhất là khi đứng trước khó khăn thử thách vẫn luôn hiện diện phía trước mặt.
Nguồn: https://znews.vn/giai-pham-xuan-kham-pha-goc-khuat-36-nhan-vat-noi-tieng-viet-nam-post1451986.html
You must be logged in to post a comment Login