Đường Tăng là ai? Yêu tinh có mấy loại? Lò bát quái đặt ở đâu? Lửa nào đốt lò bát quái? Vì sao lò bát quái không thiêu chết Tôn Ngộ Không? Vì sao cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không không qua khỏi được bàn tay của Phật Tổ? Lá bùa sáu chữ trên núi Ngũ Hành giam Tôn Ngộ Không có ý nghĩa gì? Vì sao chỉ có Tam Tạng mới giúp được Tề Thiên hất tung núi Ngũ Hành? Tại sao Hồng Hài Nhi tu 300 năm nhưng vẫn là đứa con nít?…
Đó là những câu hỏi được tác giả Huệ Khải (tên thật là Lê Anh Dũng) đặt ra trong cuốn sách của mình có tên là Giải mã truyện Tây du.
Sách Giải mã truyện Tây du. Ảnh: M.C. |
Phía sau những chương hồi gay cấn
Và trong cuốn sách này, ông đã sử dụng nền tảng căn bản của Phật học, Lão học, Dịch học, Thiền học, Đạo học (Đạo Cao đài), để kiến giải, làm rõ các câu hỏi trên.
Nói cách khác theo Huệ Khải “là giải mã những mật ngữ “hình nhi thượng học” (là cái học siêu hình) nằm ẩn khuất sau những chương hồi gay cấn, tưởng chừng như chỉ nhằm thỏa mãn thị hiếu giải trí của đại chúng”.
Theo Huệ Khải, Tây du ký không chỉ là câu chuyện về một chuyến thỉnh kinh sang xứ Tây thiên của năm thầy trò Đường Tam Tạng, mà còn là phúng dụ để nói về hành trình tu luyện của mỗi cá nhân trong cõi người. Nói cách khác, truyện Tây du ký của Ngô Thừa Ân dẫn dắt người đọc đi vào những góc cạnh của Đạo học phương Đông và tác phẩm này cần được khơi mở, khám phá.
Giải mã truyện Tây du xuất bản lần đầu năm 1993 (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM) gồm 9 bài viết: Đường Tăng! Anh là ai?, Trăng sao cửa động đá đầu non, Ngọn gió trong lò, Núi cáo chi mấy núi ơi! Vạn năm chờ quả chín, Bốn biển không yên cơn lửa trẻ, Sáu bảy mười ba, Nẻo về bên ấy, Nỗi lòng giấy trắng.
Từ lần in thứ 2 đến lần in thứ 10 ngoài các bài điểm sách in trong phần Dư âm Giải mã truyện Tây du, sách bổ sung thêm phần Phụ lục & Tăng bổ gồm các bài: Tâm lập, Hư thực đôi điều, Lý chí thường Thường Xuân Chân Nhân Tây du ký,Tây du ký có bài lão Tôn Phật không?, Đường Tăng thỉnh kinh hư cấu và lịch sử, Hầu Vương được hư cấu như thế nào, Bài phú Tây du trong Đạo Cao đài, Nói chuyện Trư Bát Giới.
Ở bản in lần thứ 11, năm 2022 này, tác giả bổ sung 3 bài: Con chuột trong Tây du ký, Con cọp trong Tây du ký, Thoáng chút duyên với Thầy Thanh Tuệ – An Tiêm.
Theo Dương Ngọc Dũng, tác giả bài điểm báo Đọc Giải mã truyện Tây du in trong sách (phần Dư âm Giải mã truyện Tây du) cho rằng, Huệ Khải đã dùng kiến giải về Phật học, Lão học Dịch học và Đạo học để trình bày lại những ẩn ngữ của Tây du ký.
Ông Dũng cũng cho rằng Huệ Khải trong một phạm vi nào đó đã áp dụng phương pháp phân tích cấu trúc (ít dùng trong phân tích tác phẩm văn học ở nước ta). Phương pháp này không nghiên cứu tâm lý nhân vật, không xác định chủ đề mà được sử dụng nhằm phát hiện cấu trúc nội tại của tác phẩm. Bên cạnh đó, hệ thống tín hiệu cho phép giải mã tác phẩm, đưa các cấu trúc tiềm ẩn ra ánh sáng.
Áp dụng thuyết cấu trúc còn nhằm mục đích phát hiện hệ thống các quy luật ngầm, cho phép kết hợp các ký hiệu rời rạc thành một hệ thống nhất, có ý nghĩa. Đó là giải mã những tín hiệu đã được mã hóa.
Bốn thầy trò Đường Tăng trong phim Tây du ký 1986. Nguồn: baike.baidu. |
Chiếc chìa khóa giải mã
Quan điểm này của ông Dũng cũng nhận được sự đồng tình của ông Trần Trung Phượng (bài Thêm một ngón tay chỉ mặt trăng) và ông Trần Văn Chánh (bài Nhân đọc lại Giải mã truyện Tây du).
Lấy ví dụ về áp dụng thuyết cấu trúc, trong bài thứ năm Vạn năm chờ quả chín, trước hết tác giả nêu lên sự vô lý trong việc mô tả cây nhân sâm (to như cây đại thụ), mà một người học vấn uyên bác như Ngô Thừa Ân không thể lầm lẫn được.
Chúng ta cần phải đón bắt những tín hiệu khác để hiểu sự lầm lẫn cố ý này. Những tín hiệu đó nằm rải rác trong toàn bộ hồi thứ hai mươi bốn: quả nhân sâm tương khắc với ngũ hành, tên núi vạn thọ, tượng số chín nghìn năm, nhân sâm có hình dạng giống đứa trẻ mới sinh…
Chiếc chìa khóa giải mã câu chuyện này là: Ngô Thừa Ân biến củ sâm thành quả sâm, tức đem cái dưới đất lên ngọn cây. Đó là hình tượng của con đường trở về nội tâm mà Phật bảo là cái bổn lai diện mục của mình. Còn Lão giáo gọi là phục kỳ bản, phản kỳ chân, và Đạo học (Cao Đài) mệnh danh là con đường phản bổn hoàn nguyên để giác ngộ giải thoát.
Trong bài Ngọn gió trong lò, đầu tiên tác giả nói đến việc Tề Thiên thua trận, bị thiên binh áp về trời trị tội. Trị cách gì cũng không chết được. Cuối cùng Lão Quân đem về cung Đâu suất, ném vào lò bát quái.
Các tín hiệu khác để làm rõ câu chuyện này là: lò bát quái đó là tám cung tương ứng các quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Thất thất và cửu cửu (bảy bảy bốn chín, chín chín tám mốt) là những con số nói đến quá trình tu tập. Số 5, số 9 và cung Tốn trong Dịch học: số 5 là ngũ hành, số 9 là số lão dương hay thuần dương, cung Tốn là gió. Vị trí đặt lò bát quái không phải cung Đâu Suất mà là nằm trong thân xác con người. Thứ lửa đốt lò bát quái là lửa văn và lửa vũ…
Ẩn ý trong câu chuyện Lò bát quái là: Lão quân đòi giết Tôn Ngộ Không trong lò bát quái tức là dùng cái công phu thiền pháp diệt cái tâm điên đảo. Tề Thiên núp ở trong cung Tốn bốn chín ngày nên không chết. Lò bát quái nấu kim đan của Lão Quân là lò luyện nên vàng mười. Thân phàm phu huyết nhục qua trui luyện thành công sẽ trở nên kim thân bất hoại. Mỗi con người đều sẵn có trong cơ thể một lò bát quái. Đường Tăng là người đã chụm lửa đốt lò bát quái, mang lò ấy đi ngược dòng thế tục, tìm về cõi Phật thành Phật thành Tiên.
Tóm lại, tác giả sử dụng nền tảng căn bản của Phật học, Lão học, Dịch học, Thiền học, Đạo học (Đạo Cao đài) và thuyết cấu trúc để giải mã tác phẩm, đưa các cấu trúc tiềm ẩn ra ánh sáng. Giải mã truyện Tây du giúp cho độc giả thêm cái nhìn sâu sắc hơn khi đọc tác phẩm Tây du ký của Ngô Thừa Ân.