Tề Thiên sau khi thua trận, thiên binh áp giải về trời trị tội. Trị cách gì cũng không giết được. Thái Thượng Lão Quân tâu cùng Thượng Đế: “Hay là để thần mang nó về bỏ vào lò bát quái, đốt nó bằng thứ lửa văn vũ mà thần thường dùng để luyện linh đơn…”. […]
Trở lại với cái lò bát quái trên cung Đâu Suất của Lão Quân. Ở Á Đông có tới ba loại bát quái. Bát quái dùng để ninh, hầm Tề Thiên thuộc mô-đen nào?
Trong dân gian, trước cửa nhà thường có treo tấm bùa bát quái để trừ tà ma, xua yêu quỷ. Thầy bói cũng có khi xài loại bát quái này. Nó gồm tám quẻ xếp đặt như sau (kể theo chiều kim đồng hồ): Càn, Cấn, Khảm, Chấn, Khôn, Đoài, Ly, Tốn. Bát quái này không phải loại dùng để hầm Tề Thiên.
Theo Dịch, vua Phục Hy thời thượng cổ đã nghĩ ra sơ đồ tiên thiên bát quái hay tiên thiên cơ ngẫu. Sơ đồ của Phục Hy gồm vị trí tám quẻ như sau: Càn, Đoài, Ly, Chấn (đi ngược chiều kim đồng hồ, tức là theo chiều dương); Tốn, Khảm, Cấn, Khôn (đi xuôi chiều kim đồng hồ, tức là chiều âm).
Theo sơ đồ tiên thiên bát quái, con người nguyên thủy còn thuần lương, tâm người tâm Phật như nhau. Phục Hy biểu tượng bằng quẻ Càn (dương) ở trên, quẻ Khôn (âm) ở dưới. Âm dương chính vị, hòa hài.
Lò bát quái của Lão Quân không đúc theo mô-đen của Phục Hy. Ngô Thừa Ân kể rằng: “Nguyên lò này gồm tám cung của các quẻ Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài”.
Té ra lò bát quái của Lão Quân đúc theo hậu thiên bát quái hay hậu thiên cơ ngẫu, là mô-đen của Văn Vương. Hậu thiên là lúc trời đất, con người, vũ trụ đã không còn đúng tiêu chuẩn chất lượng của thời nguyên sơ khởi thủy. Con người gần quỷ ma, xa Tiên Phật. Tâm người tâm Phật đôi nẻo đôi nơi, hai phương trời cách biệt. Theo sơ đồ của Văn Vương, các quẻ xếp theo chiều âm (xuôi chiều kim đồng hồ), con người có xu hướng biến chất hơn là thăng hoa.
Sơ đồ hậu thiên cho thấy hai quẻ Càn (dương) và Khôn (âm) nằm lệch một bên, không chính vị. Bên dưới là quẻ Khảm (nước, thủy, âm) và trên là quẻ Ly (lửa, hỏa, dương). Kinh Dịch, quẻ chót (quẻ 64) lấy Ly trên hiệp Khảm dưới thành ra quẻ Hỏa Thủy Vị Tế. Vị Tế là chưa xong. Kết thúc Kinh Dịch, làm thành quẻ chót, tại sao lại bày ra chuyện dở dang?
Cuối bộ Tây Du, Đường Tăng đem kinh về Trường An, kinh bị rớt xuống sông Thông Thiên; lúc phơi kinh ai dè lại bị mất hết mấy trang chót, thì lại vẫn là chuyện dở dang.
Mà con người cũng là một dang dở đó thôi. Đã đành làm kiếp người thì cao trội hơn thú vật, nhưng người chưa bằng Phật Tiên. Trên nấc thang chân – thiện – mỹ, giá trị con người mới ở nửa vời. Nếu tiến hóa thêm, con người sẽ hoàn thiện là Hiền Thánh, là Tiên Phật, là Chân Nhân. Còn nếu thoái hóa, người tuy bề ngoài mang hình hài thân xác con người đẹp xinh, sang trọng, nhưng bên trong thì tâm hồn đã rữa nát, ngang loài cầm thú. Ông Charles Darwin (1809 – 1882) chắc cũng đành lắc đầu than thở: Cốt khỉ hoàn cốt khỉ!
Phép tu đạo Lão khi xưa và Cao Đài ngày nay chính là biến hậu thiên bát quái trở lại nguyên vị tiên thiên bát quái, đưa con người hư hao trở lại con người nhân bản mà cuộc đời tôn xưng là Phật, Chúa, Tiên, Thánh, Thần. Biến cải hậu thiên ra tiên thiên, trong đạo Lão và Cao Đài gọi là chiết Khảm điền Ly hay Khảm Ly giao cấu; tức là tách hào hai dương ở quẻ Khảm bên dưới sơ đồ hậu thiên mà đưa vào quẻ Ly ở bên trên, đưa hào hai âm ở quẻ Ly xuống cho quẻ Khảm, thì Khảm Ly (hậu thiên) đổi lại Khôn Càn (tiên thiên), âm dương trở lại chính vị. Cao Đài gọi đây là con đường phản bổn hoàn nguyên. Lão Giáo gọi là phục kỳ bản, phản kỳ chân.
Lò bát quái trong Tây Du như vậy là một ẩn ngữ, nói lên sự tu luyện của con người. Lò đặt ở đâu? Tại cung Đâu Suất chăng? Không phải thế. Lò bát quái ấy nằm trong thân xác con người, đặt ở chỗ mà đạo gia gọi là đơn điền, là phương thốn. Bức hình Tẩy Tâm Thối Tàng Đồ của đạo Lão kèm theo đây cho thấy vị trí lò bát quái trong thân hành giả luyện nội đan.