Một loại thuyền thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ. |
Lúc đầu chưa có luật lệ gì quy định cho ghe thuyền đi trên sông rạch, khi xảy ra thưa kiện, nhà chức trách không biết căn cứ vào đâu mà xét xử. Để tránh tình trạng trên, Nguyễn Cư Trinh khi giữ chức Tham mưu dinh Điều Khiển ở Gia Định bèn đưa ra điều lệnh thống nhất:
“Phàm ghe thuyền đi bất luận gặp gió, nước thuận hay nghịch, khi đi gần gặp nhau thì đều phải hô “bát” (tục thường ghe đi phía tả gọi là “cạy”, đi phía hữu gọi là “bát”) thì ghe mình đi qua phía hữu theo chiều của mình, ghe kia cũng phải đi về phía hữu theo chiều của họ, để cho thuận lái thuận sào điều khiển mà tránh nhau. Nếu ghe này đã hô “bát” mà ghe kia vẫn còn đi về phía tả không tránh để cho đụng nhau hư hỏng, thì lỗi ấy về ghe không tránh kia”.
Tuy nhiên trong thực tế, đứng trước công môn, hai bên nguyên bị vẫn tìm cách chống chế, đổ hết lỗi cho đối phương để giành lẽ phải về mình, đường quan cũng khó phân xử. Vì vậy Nguyễn CưTrinh đặt thêm quy định:
“Trong trường hợp như quy định trên mà còn có kẻ biện chiết chưa chịu khuất phục, thì phải xét ghe nào chở nhẹ hơn và đi thuận dòng hơn, thừa thế ấy chạy nhanh phải đụng ghe kia thì ghe ấy bị lỗi”. Từ đó ghe thuyền qua lại trên sông đều phải theo đúng như thế. Lâu thành thói quen.
Khi gặp ghe đi ngược chiều thì chỉ hô tiếng “bát” thành thông lệ. Cũng có khi ghe lọt vào nơi vũng quanh bến đậu mà gặp gió khó xoay chuyển hoặc bị mắc cạn, hoặc vì một duyên cớ gì chính đáng, được phép linh động hô “cạy”. Nhưng cũng ít khi xảy ra.
Trong bất cứ một xã hội nào, thời đại nào, một tập thể nào cũng có người hay kẻ dở, người lương thiện kẻ gian tà. Trong giới thương hồ sống trôi nổi trên sông rạch cũng chung quy luật đó. Bên cạnh những ghe thuyền qua lại làm ăn buôn bán trên sông một cách lương thiện, tôn trọng pháp luật, cũng có một số người dùng ghe thuyền chứa chấp bọn cướp sông gọi là bối.
Chúng thường bôi mặt cải trang, đón các ghe buôn để cướp đoạt hàng hóa hay tiền bạc. Nạn nhân không có cách gì nhận diện được bọn chúng hay cũng không có vật gì để làm bằng cứ để giúp nhà chức trách truy cứu để bắt và trừng trị. Vì vậy Nguyễn Cư Trinh lại ban hành điều lệnh:
“Tất cả các ghe thuyền lớn nhỏ trong xứ Gia Định, quan nha sở tại buộc phải khai báo tên họ làm sổ sách tra cứu rõ ràng, rồi khắc chữ đóng nơi đầu ghe thuyền. Bộ tịch ghe để lưu chiếu. Người nào trái lệnh sẽ bị tội. Từ đó người chủ bị cướp nhận thấy được kẻ cướp, chỉ tên ra tố cáo, truy nã, mà bọn côn đồ khiếp phục, yên lặng cả”.
Việc đăng ký ghe thuyền ngoài lý do vì an ninh như đã nói trên, còn có tác dụng để Nhà nước căn cứ vào đó mà định thuế di chuyển. Các ghe thuyền lớn còn phải thay phiên chuyên chở thóc gạo Nhà nước. Thuyền nào đến hạn trưng dụng trong năm, chủ thuyền khỏi nạp thuế di chuyển mà còn được cấp phát thêm 15 quan tiền. Thuyền nào còn mới thì chỉ được cấp 10 quan tiền. Số tiền cấp thêm này là để chủ thuyền sửa chữa thuyền trước hoặc sau chuyến đi.
Chủ thuyền lại còn được cấp 10 quan tiền để dùng làm lễ cầu gió. Để việc kiểm soát ghe thuyền đi ngoài biển, trên sông hay ghé vào các bến cảng, năm Canh Thìn (1700) chúa Nguyễn bắt đầu định sắc cờ cho các ghe vận tải, ra lệnh cho ghe các hạt chở thuế mỗi hạt có sắc cờ riêng, trong đó Gia Định thì cờ trên xanh dưới đỏ cho dễ nhận.
Nhu cầu vận chuyển lúa thuế từ các dinh về chính dinh rất lớn. Nhưng ghe thuyền lớn của tư nhân trưng dụng được rất ít, vì lẽ tư nhân dùng ghe thuyền ấy để đi buôn hoặc chở thuê hàng hóa cho khách buôn, lợi nhiều hơn chở lúa thuế cho Nhà nước. Vì vậy tháng 9 năm Giáp Ngọ (1714) chúa Nguyễn giao cho Chưởng cơ Tống Phước Diệu, Ký lục Lê Quang Hiến, Cai bộ Phạm Hữu Huệ, Đô tri Thuận Đức, Ký lục Nguyễn Đăng Đệ, Tri bộ Nguyễn Khoa Chiêm bàn định lại quy chế ghe thuyền vận tải.
Thể lệ mới sẽ xem xét cụ thể từng chuyến vận chuyển xa gần và ghe thuyền lớn nhỏ để trợ cấp cho chủ ghe thuyền nhiều ít khác nhau. Qua triều các vua nhà Nguyễn cũng áp dụng các luật lệ trên, chỉ có một số sửa đổi cho thích hợp với giai đoạn mới, thời đại mới mà thôi. Cụ thể như năm Bính Thân (1836), Nam Kỳ kinh lược sứ là Trương Minh Giảng, Trương Đăng Quế tâu:
“Lần trước trong tập thỉnh an của Bố chánh Vĩnh Long là Trương Văn Uyển và Bố chánh Định Tường là Trần Tuyên đều nói: đất sáu tỉnh Nam Kỳ nhiều đường sông, mọi người đều có ghe thuyền, dân lười biếng trốn tránh đi lính và dao dịch, côn đồ nhân sơ hở mò mẫm đều do đấy. Vậy xin tất cả ghe thuyền mới cũ của dân đều cho trình sở tại để cấp bài chỉ cắm ở mũi ghe thuyền, hoặc là khắc chữ (ghi khắc tên xã, thôn) ở mũi ghe thuyền.
Lại chia việc tuần sông, liệu thiết lập đồn xích hậu, xét ra kẻ nào đội tên giả mạo thì bắt tội. Về việc thuyền bè, đã được giao cho bàn xét và kiểm tra lại, thì năm trước, đình thần có bàn, chắc đã chu tất cả rồi. Nếu quan địa phương biết thể theo mà làm, tự khắc có thể chặn được cái tệ trốn tránh, không còn phải tìm kiếm ở đâu khác nữa. Nếu quy cho cớ nhiều ghe thuyền, rồi đặt pháp lệnh để nghiêm phòng, thì mỗi khi đặt một pháp lệnh lại sinh một tệ hại, phiền phức sẽ không kể xiết.
Ngay như đóng một chiếc ghe thuyền nho nhỏ, phải trình quan cấp bài, báo quan khắc chữ, vậy có giữ được bọn lại dịch khỏi khó dễ yêu sách không? Chỉ vì Nam Kỳ đường sông có nhiều ngả, côn đồ dễ ra vào, bọn du thủ du thực phần nhiều cũng mượn cuộc sống lênh đênh đó để làm kế qua khỏi tạm thời. Vậy xin: ở những nơi giáp giới giữa 6 tỉnh Nam Kỳ, chọn chỗ xung yếu, dựng một sở tuần tấn, phái lính phòng giữ. Phàm ghe thuyền dân qua lại, xét đủ tờ bằng chiếu mới cho đi. Lại ở các xã thôn ven sông, liệu chỗ đặt đồn xích hậu, kiểm soát thình lình, hễ thuyền nào không có bằng chiếu thì bắt giải tỉnh để trừng trị.
Nếu muốn phân biệt ghe thuyền từng tỉnh hạt, thì xin sơn màu sắc ở mũi thuyền để tiện nhận xét. Gia Định đầu thuyền sơn toàn màu đỏ, Biên Hòa là kiêm hạt cũng sơn màu đỏ, ngoài viền màu đen. Vĩnh Long mũi thuyền đều sơn toàn màu đen. Định Tường là kiêm hạt cũng sơn đen, ngoài viền màu hồng. Trấn Tây và An Giang mũi thuyền sơn toàn màu lục. Hà Tiên là kiêm hạt cũng sơn màu lục, ngoài viền màu đỏ. Kẻ nào sơn giả mạo sẽ trị tội nặng. Như thế thì dân trốn tránh không còn chỗ nào dung thân, mà côn đồ giặc cướp cũng không còn nơi ẩn núp”. Vua thuận y lời tâu.
You must be logged in to post a comment Login