Năm 2000, khi tư vấn cho một uỷ ban của Anh về xung đột giữa Ả Rập và Isarel, Edward de Bono cho rằng nguyên nhân xung đột có thể một phần nằm ở “tỷ lệ sắt khá thấp của người dân ở đây, vì người ta ăn bánh mì chưa lên men”.
De Bono lập luận rằng tỷ lệ sắt thấp trong cơ thể gây nên tâm trạng sự giận dữ, muốn gây gổ. Ông đề nghị vận chuyển tới đây những lọ sốt Marmite để người dân ăn kèm bánh mì, loại sốt bổ sung sắt, như một giải pháp cho vấn đề xung đột.
Thật nực cười? Bạn có thể nghĩ như vậy. Ai mà nghĩ xung đột bùng phát vì thiếu nước sốt cho bánh mì? Nhưng cũng có khả năng khác, rằng không ai trong chúng ta suy nghĩ đột phá, sáng tạo bằng Edward de Bono.
Bác sĩ tâm lý, nhà phát minh, nhà tư vấn Edward de Bono. Ảnh: Debonotraining. |
Người thách thức cách tư duy của Plato, Socrates, Aristotle
Giai thoại này nói lên tính “quái kiệt”, khác người trong tư duy của Edward de Bono, người “dạy suy nghĩ đúng cách”. Ông là tác giả của hơn 70 cuốn sách về tư duy, được dịch ra 40 ngôn ngữ trên thế giới.
Bậc thầy về tư duy này giảng dạy tại Oxford, Cambridge, Harvard, đồng thời cộng tác với các tập đoàn như IBM, Siemens, Microsoft, P&G để dạy tư duy cho các quản lý đầu não tại đây.
Sinh năm 1933 ở Malta trong một gia đình có 7 thế hệ làm bác sĩ, Edward de Bono nhận bằng y khoa ở Royal University, Malta. Sau đó, ông giành học bổng, đến học tại Oxford, lấy bằng về tâm lý, sinh lý học, dược sĩ.
Cũng trong giai đoạn này, ông nhận ra rằng những kiến thức y học có thể áp dụng vào tâm trí con người.
“Tôi nhìn vào thận, hệ tuần hoàn, hệ hô hấp…” – ông nói – “rồi nhận ra những nguyên lý tương tự có thể được áp dụng với những nơron thần kinh trong não”. Cuốn The mechanism of the mind (Cơ chế của tâm trí) của ông ra đời từ đó.
Từ lần đầu tiên viết sách năm 1967, Edward de Bono đã thách thức cách suy nghĩ truyền thống. “Liên quan tư duy, chúng ta chưa làm thêm gì nhiều trong suốt 2.400 năm qua, kể từ thời bộ ba triết gia Hy Lạp cổ Plato, Socrates và Aristotle”, Edward de Bono tuyên bố.
Ông chỉ ra nhiều hạn chế của phương pháp tư duy truyền thống xuất phát từ 3 vị triết gia trên, bao gồm phân tích, đánh giá, tranh luận và phê phán.
Chẳng hạn, về phương pháp tranh luận do Socrates khởi nguồn, Edward de Bono bình luận nếu công kích để phá bỏ những cái sai, cuối cùng, ta sẽ còn lại sự thật.
“Chúng ta tin việc chỉ ra cái sai thì quan trọng hơn nhiều so với việc xây dựng những điều hữu ích”, de Bono đánh giá.
Ông cũng phê phán tư duy theo lối phân tích của Aristotle: “Aristotle gắn kết mọi thứ với nhau, tạo thành hệ thống logic đầy quyền năng dựa trên quy tắc ‘những chiếc hộp’. Đó là các định nghĩa hay cách phân loại dựa trên trải nghiệm trong quá khứ”.
“Vì thế, bất cứ khi nào gặp vấn đề, chúng ta phải đánh giá xem vấn đề đó phù hợp chiếc hộp nào. Nếu cần thiết, chúng ta phân tách tình huống thành những phần nhỏ hơn để xem nó có thể phù hợp những chiếc hộp tiêu chuẩn hay không”.
Theo ông, vẫn còn nhiều vấn đề mà con người không thể tìm ra nguyên nhân và nếu có tìm ra thì cũng không thể xoá bỏ nguyên nhân đó. Vì vậy, những vấn đề này không thể được giải quyết, dù ta có phân tích nhiều thế nào đi nữa.
“Hệ thống tư duy truyền thống đang rất thiếu năng lượng thiết kế, sáng tạo và xây dựng”, Edward de Bono phát biểu.
Một số sách của Debono phát hành ở Việt Nam. |
“Cha đẻ” của những công cụ tư duy sáng tạo
Dù Edward de Bono từ chối đơn giản hoá nhiều lý thuyết tư duy của mình thành “những mô tả khoa trương” như lời trên The New York Times, nhưng sách và bài giảng của ông có thể cho ta hình dung về những điểm đặc trưng nhất trong sự nghiệp của ông.
Edward de Bono chú trọng tư duy sáng tạo. Câu trả lời cho một vấn đề, de Bono nói, có thể đến từ việc chơi đùa với các giải pháp thay thế hoặc thay đổi quan niệm. Nó có thể đòi hỏi “một bước nhảy vọt”, tiến tới mức nhận thức mới về vấn đề.
Chẳng hạn, với câu hỏi: “Làm thế nào để cân một con mèo khó chịu, không chịu ngồi yên?”. Câu trả lời đột phá là bạn hãy nắm lấy con vật, bước lên bàn cân và lấy tổng cân nặng trừ đi trọng lượng của bạn.
Bậc thầy tư duy còn nổi tiếng với phát minh về tư duy song song, hay còn gọi là 6 chiếc mũ tư duy, được giới thiệu lần đầu năm 1976. Nói nôm na, trong một cuộc họp, mọi người đội những chiếc mũ có màu sắc giống nhau, tượng trưng cho 6 hướng suy nghĩ giống nhau: Thông tin, cảm xúc, rủi ro, lợi ích, sự sáng tạo và cuối cùng là sự kiểm soát quá trình tư duy.
De Bono là “cha đẻ” phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”. |
Cùng một thời điểm, mọi người “tư duy song song” về một hướng thay vì tranh luận đối kháng lẫn nhau. Phương pháp được áp dụng tại nhiều tập đoàn lớn, được cho là giảm đến 30% thời lượng cuộc họp.
Những cuốn sách của Edward de Bono đưa người đọc khám phá những ngõ ngách của tư duy, trao cho họ công cụ suy nghĩ mới lạ, đột phá. Đọc sách của ông, ta nhận ra cách mình suy nghĩ… nghèo nàn thế nào.
Ví dụ, bạn thường sử dụng những cách suy luận nào khi giải quyết vấn đề? Đâu là những quá trình cơ bản nhất của tư duy?
Trong Tự luyện cách tư duy (Teach yourself to think), Edward de Bono đưa ra bức tranh tổng quát, gồm: Khái quát hoá, cụ thể hoá, phóng chiếu (tưởng tượng), định hướng sự chú ý (tập trung một số khía cạnh của tình huống), chuyển dịch (liên kết, tạo nên những phương án thay thế…).
Không chỉ dừng lại ở khía cạnh giải quyết vấn đề của tư duy, Edward de Bono bắc cầu nối giữa quá trình tư duy đến những tình huống xã giao hàng ngày, chứng minh một người có khả năng suy nghĩ rành mạch, sáng tạo có thể trở nên duyên dáng và cuốn hút.
Làm người thú vị (How to be more interesting) và Để có một tâm hồn đẹp (How to have a beautiful mind) là hai ấn phẩm xoay quanh khía cạnh này.
Sự nghiệp của Edward de Bono còn nhắc ta về sức nặng của việc rèn luyện khả năng tư duy. “Con người không biết rằng tư duy là một kỹ năng cần được dạy và phát triển”, ông nói.
Ông cũng cảnh báo: “Người ta bảo rằng chúng ta đã có quá nhiều thông tin, vì thế chúng ta không phải nghĩ nữa. Thật nguy hiểm khi trao cho học sinh máy vi tính, chúng bắt đầu tin rằng ta không cần phải tư duy, tất cả những gì cần là search Google và bạn sẽ tìm thấy câu trả lời”.
AI và big data đang mang tới khả năng xử lý vô tiền khoáng hậu, theo Edward de Bono, nhưng khả năng xử lý ấy trong tương lai vẫn sẽ không thể nào bù đắp cho vai trò của tư duy, như cách ông nhận định ngắn gọn: “Tư duy là kỹ năng cơ bản nhất của con người”.