Được sự đồng ý của Alphabooks – đơn vị giữ bản quyền – Zing trích đăng cuốn sách Tương lai nhân loại của tác giả Michio Kaku.
Ngoài bất tử sinh học, còn có bất tử kỹ thuật số. Khái niệm này khơi gợi nhiều câu hỏi triết học thú vị. Về lâu dài, có thể bất tử kỹ thuật số sẽ là cách hiệu quả nhất để khám phá các vì sao. Nếu cơ thể sinh học yếu đuối không thể trụ được trong chuyến du hành liên sao thì ta có thể chọn cách thay thế là đưa tâm thức của mình lên các vì sao.
Khi xây dựng lại phả hệ, ta thường gặp một vấn đề. Sau khoảng ba thế hệ, các thông tin thường trở nên mù mờ. Phần lớn tổ tiên ta sống rồi chết đi mà chẳng để lại dấu tích gì về sự tồn tại của mình ngoài các con cháu.
Nhưng ngày nay, ta để lại rất nhiều “dấu chân điện tử”. Thí dụ, chỉ bằng cách phân tích lịch sử giao dịch thẻ tín dụng của bạn, người ta có thể chỉ ra bạn đến thăm những quốc gia nào, thích ăn gì, mặc kiểu đồ gì, học những trường nào.
Đó là chưa kể những bài viết trên blog, nhật ký mạng, email, video, hình ảnh, v.v. Với những thông tin trên, có thể tạo ra một ảnh ảo ba chiều vừa có thể nói và hành động giống hệt bạn vừa sở hữu phong cách và ký ức của bạn.
Tới ngày nào đó, có thể chúng ta sẽ có một Thư viện Linh hồn. Thay vì đọc một cuốn sách về Winston Churchill, ta có thể giao tiếp thẳng với ông. Ta có thể nói chuyện với một ảnh chiếu có nét mặt, chuyển động cơ thể và giọng nói mang ngữ điệu của ông.
Bản ghi kỹ thuật số sẽ truy cập dữ liệu về lý lịch, các bài viết, quan điểm chính trị, tôn giáo và các vấn đề cá nhân của ông. Bạn sẽ cảm thấy như đang trò chuyện với chính Winston Churchill. Cá nhân mình, tôi sẽ vui sướng được trò chuyện cùng Albert Einstein để thảo luận về thuyết tương đối. Một ngày nào đó, biết đâu chút chít của bạn sẽ có dịp trò chuyện cùng bạn. Đây là một dạng bất tử kỹ thuật số.
Nhưng đó có phải là “bạn” thật không? Nó chỉ là cỗ máy hay một thứ mô phỏng mang phong cách và các chi tiết tiểu sử của bạn. Sẽ có người bảo rằng linh hồn không thể thu lại thành thông tin thuần túy được.
Điều gì sẽ xảy ra khi ta có thể tái tạo bộ não của bạn chính xác đến từng nơron, tới mức ký ức và cảm giác của bạn đều được ghi lại? Đó sẽ là cấp độ bất tử kỹ thuật số cao hơn Thư viện Linh hồn: Dự án Bản đồ thần kinh Con người, với tham vọng số hóa toàn bộ bộ não người.
Daniel Hillis, nhà đồng sáng lập công ty Thinking Machines, từng nói: “Tôi cũng yêu cơ thể của mình như mọi người, nhưng nếu tôi có thể sống đến 200 tuổi với cơ thể silicon, tôi sẽ chọn cơ thể silicon”.
Hai phương pháp số hóa tâm thức
Có hai cách tiếp cận riêng biệt nhằm số hóa bộ não người. Thứ nhất là Dự án Não bộ Con người (Human Brain Project) của Thụy Sĩ, hướng tới tạo ra chương trình máy tính có thể mô phỏng toàn bộ chức năng cơ bản của não, sử dụng các bóng bán dẫn thay cho nơron.
Cho đến nay, họ đã mô phỏng được “quá trình tư duy” của chuột và thỏ trong vòng vài phút. Mục tiêu của dự án là tạo ra một máy tính có thể trò chuyện có lý trí giống như người thật. Giám đốc dự án Henry Markram nói: “Nếu chế tạo đúng cách, nó có thể nói chuyện và sở hữu trí thông minh, cách cư xử rất giống con người”.
Đây là cách tiếp cận điện tử – bắt chước trí tuệ não bộ bằng một loạt bóng bán dẫn với khả năng tính toán cực mạnh. Nhưng có một cách tiếp cận khác đang được theo đuổi tại Hoa Kỳ, đó là phương pháp sinh học, cố gắng vẽ lại các đường mòn thần kinh trong não.
Phương pháp này mang tên Sáng kiến BRAIN (BRAIN trong tiếng Anh nghĩa là bộ não, đồng thời là từ viết tắt của Brain Research through Advancing Innovative Neurotechnologies: Nghiên cứu não bộ qua việc thúc đẩy công nghệ nơron tiên tiến). Mục tiêu của nó là giải mã cấu trúc thần kinh não đến từng tế bào, từ đó tiến đến ghi nhận đường mòn của từng nơron. Do não người chứa đến gần 100 tỷ nơron, mỗi nơron lại kết nối với 10.000 nơron khác, nên việc vẽ bản đồ từng đường mòn nơron thoạt nghe có vẻ bất khả thi.
Elon Musk cũng có ý tưởng kết nối não người với máy tính. |
Ngay việc vẽ bản đồ não muỗi khá đơn giản cũng đã tạo ra lượng dữ liệu mà nếu ghi vào đĩa CD, số đĩa sẽ đủ lấp kín một căn phòng từ sàn đến trần. Nhưng các máy tính và robot đã giúp giảm đáng kể thời gian cũng như công sức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ buồn tẻ, mệt mỏi này.
Một cách để dựng bản đồ là phương pháp “cắt và thái” (slice and dice), tức cắt não ra hàng nghìn lát rồi dùng kính hiển vi tái lập kết nối giữa các nơron. Gần đây, có một cách thức khác nhanh hơn rất nhiều được các nhà khoa học tại Đại học Stanford tiên phong đề xướng, mang tên kỹ thuật quang gen (optogenetics). Theo kỹ thuật này, đầu tiên phải tách lấy loại protein thị giác mang tên opsin. Khi chiếu ánh sáng vào gen opsin bên trong nơron, nơron sẽ sáng lên.
Nhờ công nghệ gen, ta có thể cấy gen opsin vào các nơron cần nghiên cứu. Khi chiếu ánh sáng vào một phần não chuột, nhà nghiên cứu có thể khiến các nơron phụ trách một hoạt động nhất định của nó sáng lên và chuột bắt đầu thực hiện một số hoạt động cụ thể, chẳng hạn như chạy loanh quanh. Nhờ vậy, ta sẽ nhìn ra chính xác đường mòn thần kinh dùng để điểu khiển một loại hành vi nào đó.
Ví dụ, dự án đầy tham vọng này sẽ giúp chúng ta khám phá bí mật của bệnh thần kinh – một trong những chứng bệnh hủy hoại con người ghê gớm nhất. Bằng cách vẽ bản đồ não người, ta sẽ xác định được bệnh xuất phát từ đâu.
Thí dụ, tất cả chúng ta đều nói thầm với chính mình. Khi chúng ta làm vậy, não trái điều khiển ngôn ngữ sẽ trao đổi thông tin với vỏ não trước trán. Nhưng giờ ta đã biết, ở người bị tâm thần phân liệt, não trái sẽ tự kích hoạt mà không có sự ra lệnh từ vỏ não trước trán, trong khi đây lại chính là phần ý thức của não. Do không có sự trao đổi giữa não trái với phần ý thức, nên người bệnh nghĩ rằng giọng nói trong đầu họ là thật.
Ngay cả khi đã có những kỹ thuật mới mang tính cách mạng này thì cũng phải mất vài thập kỷ làm việc vất vả nữa, các nhà khoa học mới có thể xây dựng bản đồ não người chi tiết. Nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ này, có lẽ là khoảng cuối thế kỷ 21, phải chăng ta có thể tải tâm thức của mình vào máy tính rồi đưa đến các vì sao?
Linh hồn chỉ là thông tin?
Nếu chúng ta qua đời nhưng bản đồ thần kinh vẫn tồn tại, liệu có phải về mặt nào đó, ta đã bất tử? Nếu tâm thức có thể được số hóa thì liệu có phải linh hồn chỉ là thông tin? Nếu ta đưa toàn bộ các mạch nơron và ký ức trong não vào đĩa rồi tải lên một siêu máy tính, bộ não này có hoạt động như não thường không? Có thể phân biệt nó với não thường hay không?
Một số người thấy ý tưởng này thật gởm ghiếc, vì nếu đưa tâm thức vào máy tính, bạn sẽ vĩnh viễn bị giam trong một cỗ máy khô cứng. Một số người nghĩ điều này còn tệ hơn cái chết. Trong một tập phim Star Trek xuất hiện một nền văn minh cực kỳ tiến bộ, tâm thức của cư dân ở đây đều được giữ trong một quả cầu phát sáng. Từ rất xa xưa, họ đã từ bỏ thể xác vật lý và sống trong quả cầu đó. Họ trở thành bất tử, nhưng có một cư dân muốn lấy lại thân xác để có thể thực sự cảm nhận những cảm giác và đam mê, kể cả điều đó có nghĩa là phải nhập vào thân xác người khác.
Tuy ý tưởng sống trong máy tính có vẻ khó chấp nhận với một số người, nhưng không có nghĩa là bạn mất đi mọi cảm giác cho thấy mình là con người đang sống và hít thở. Bản đồ thần kinh có thể nằm trong một máy tính lớn, nhưng nó có thể điều khiển một robot giống hệt ta. Bạn sẽ cảm nhận được mọi thứ mà robot đang trải qua, nhờ đó mà có cảm giác mình đang sống bên trong một cơ thể thực sự, thậm chí còn là cơ thể với siêu sức mạnh. Mọi thứ người máy thấy và cảm nhận đều được truyền về máy tính lớn và tích hợp vào tâm thức của bạn. Vậy nên điều khiển người máy thế thân cũng chẳng khác bạn đang thực sự “ở bên trong” thế thân.
Bằng cách này, ta có thể khám phá những hành tinh xa xôi. Robot thế thân của bạn sẽ chịu được nhiệt độ nóng bỏng của các hành tinh gần mặt trời hay nhiệt độ giá lạnh của những vệ tinh băng. Tàu liên sao chở theo máy tính lớn chứa bản đồ thần kinh có thể được phóng đến một Hệ Mặt Trời mới. Khi đến hành tinh thích hợp, robot thế thân sẽ được thả xuống thám hiểm, kể cả nếu hành tinh này có khí quyển độc hại.
Nhà khoa học máy tính Hans Moravec thậm chí còn hình dung một cách tải tâm thức lên máy tính tiên tiến hơn. Khi được tôi phỏng vấn, ông khẳng định trong quá trình thực hiện phương pháp này, chúng ta vẫn không bị mất ý thức.
Trước tiên, bạn sẽ được đặt nằm trên giường bệnh, bên cạnh robot. Sau đó, người ta sẽ tiến hành phẫu thuật để lấy các nơron trong não bạn và tạo bản sao (làm bằng bóng bán dẫn) bên trong robot. Một sợi đây cáp sẽ kết nối các nơron bán dẫn này với não bạn. Dần dần, số nơron đưa ra khỏi não bạn và được sao chép trong robot ngày càng tăng. Do não bạn kết nối với não robot, nên bạn vẫn hoàn toàn có ý thức khi các nơron dần được thay bằng bóng bán dẫn.
Sau cùng, vẫn trong trạng thái có ý thức, toàn bộ não của bạn và các nơron được thay thế bằng các bóng bán dẫn. Sau khi toàn bộ 100 tỷ nơron đã được sao chép, kết nối giữa bạn và não nhân tạo mới bị cắt. Nhìn lại từ trên giường, bạn thấy thân thể cũ của mình, không còn bộ não, còn tâm thức của bạn giờ đã tồn tại trong robot.
Nhưng một câu hỏi vẫn còn đó: Đó có thực sự là “bạn” không? Đối với phần lớn các nhà khoa học, nếu một robot có thể sao chép mọi hành vi cử chỉ của bạn không sót chút nào, sở hữu mọi ký ức và thói quen của bạn và người khác không tài nào phân biệt được nó với con người ban đầu là bạn, thì họ sẽ nói đó gần như chính là “bạn”.
Như đã thấy, khoảng cách giữa các ngôi sao lớn đến mức sẽ phải mất vài đời người mới đến được ngôi sao gần nhất trong thiên hà láng giềng. Vậy nên các phương pháp du hành đa thế hệ, kéo dài sự sống và tìm kiếm sự bất tử đều sẽ đóng vai trò thiết yếu trong công cuộc khám phá vũ trụ.
Vượt trên câu hỏi về sự bất tử là một câu hỏi khác lớn hơn: Nếu đã kéo dài được tuổi thọ, vậy còn thể xác thì sao? Sẽ có rất nhiều khả năng xuất hiện nếu ta điều chỉnh được di sản gen của mình. Với những tiến bộ rất nhanh của BCI (brain-computer interface: giao diện não-máy tính) và công nghệ gen, ta có thể tạo ra cơ thể nâng cấp với những kỹ năng và tiềm năng mới. Một ngày kia, có lẽ ta sẽ bước vào kỷ nguyên “hậu con người”, đây có thể sẽ là con đường tốt nhất để khám phá vũ trụ.