Bà Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh hiện sống cùng gia đình tại Phần Lan. Khi con của bà Hạnh được hơn 6 tháng tuổi, cơ quan chăm sóc bà mẹ và em bé Neuvola (Phần Lan) đã tư vấn cho phụ nữ này cách giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho bé.
Một trong các phương pháp quan trọng nhất mà Neuvola đề ra là cùng con đọc sách tiếng Việt. Từ đó, bà Hạnh bắt đầu tìm mua sách cho con đọc.
“Nhưng rất khó để mua được sách tiếng Việt tại đây. Một phần cũng do dịch bệnh. Tôi nghĩ nhiều người cũng có suy nghĩ và mong muốn như mình. Từ ý nghĩ đó, tôi mở một hiệu sách cho người Việt, lấy tên là Tiệm Mọt, tên gọi thuần Việt, hướng tới những ‘mọt’ sách”, bà Hạnh chia sẻ.
Cuối năm 2020, Tiệm Mọt đi vào hoạt động. Trụ sở chính đặt tại Phần Lan. Sau đó, Tiệm Mọt có 10 chi nhánh khác tại Thụy Điển, Na Uy, Pháp…
Ngày hội sách do các cơ quan Phần Lan phối hợp tiệm sách “The Stations – Sách Việt tại châu Âu” tổ chức. Ảnh: NVCC. |
Giúp trẻ tìm hiểu văn hóa Việt
Cũng như bà Quỳnh Hạnh, bà Phạm Diệu Huyền cảm thấy loay hoay, khó hòa nhập cuộc sống mới khi cùng gia đình sang định cư tại Phần Lan. “May mắn thay, tôi gặp được những người bạn có sở thích chung là đọc sách”, bà Huyền nói.
Nhận thấy nhu cầu sách Việt tại Phần Lan hiếm hoi và đắt đỏ nên bà Huyền nảy ra ý nghĩ mở một tiệm sách chuyên bán sách tiếng Việt tại châu Âu. Từ đó, “The Stations – Sách Việt tại châu Âu” ra đời.
Theo bà Huyền, tiệm sách này là những trạm dừng chân khác nhau dành cho mỗi người, nhưng đều có chung một điểm là ngôn ngữ quê hương, mong muốn hướng về cội nguồn dân tộc.
Hiện “The Stations – Sách Việt tại châu Âu” có thể phân phối sách đi nhiều nước tại châu Âu nhưng mạnh nhất là Phần Lan, Thuỵ Điển, Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Cộng hòa Séc, Estonia… Sách tại đây đa dạng, phục vụ nhu cầu từ các bạn trẻ đến gia đình có con nhỏ.
Bà Huyền cho biết “The Stations – Sách Việt tại châu Âu” đã liên kết hệ thống Thư viện Quốc gia tại Phần Lan để đưa các cuốn sách về văn hóa, sách thiếu nhi vào chuỗi thư viện dành riêng cho cộng đồng người Việt tại đây.
“Chúng tôi còn tổ chức các buổi họp mặt của hội yêu sách và được Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện để cùng nhau gắn kết, chia sẻ và gìn giữ nét văn hóa Việt tại nơi đất khách quê người”, người sáng lập “The Stations – Sách Việt tại châu Âu” nói thêm.
Nhờ đó, không chỉ đối với người lớn, thanh niên mà ngay cả những em bé sinh ra tại châu Âu cũng dễ dàng tiếp cận văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam hơn. Qua những cuốn sách thiếu nhi, trẻ thêm yêu và hiểu về cội nguồn, có thêm sự gắn kết với gia đình, ông bà, họ hàng tại Việt Nam.
Tâm lý các bậc phụ huynh Việt sống tại nước ngoài là luôn muốn con tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Vì thế, khi lập ra Tiệm Mọt, bà Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh đã lên kế hoạch đưa sách Việt ra thế giới, đặc biệt là các cuốn song ngữ nói về văn hóa dân tộc.
Một số cuốn sách về chủ đề văn hóa, lễ Tết được phân phối tại châu Âu. Ảnh: NVCC. |
Lan tỏa văn hóa đọc cho người Việt trên thế giới
Vốn là người thích đọc sách, từ ngày sang Thụy Sĩ, bà Nguyễn Long Minh Phi gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mua sách Việt.
“Lần nào bay sang, tôi cũng mang thật nhiều sách có thể. Nhưng từ ngày có dịch Covid-19, tôi chỉ có thể trao đổi sách với bạn bè hoặc đọc bản ebook”, bà Phi kể.
Một buổi tối, trong lúc đọc những trang cuối cùng của cuốn Đánh thức con người phi thường trong bạn (Anthony Robbins), bà Phi nảy ra một suy nghĩ: “Lúc này, Thụy Sĩ vẫn chưa có tiệm sách Việt như các nước khác ở châu Âu. Tại sao không thử mở một tiệm sách nhỏ?”.
Đó là cơ duyên ra đời tiệm sách “Yuki-chan”. Bà Phi mong muốn người Việt ở nước ngoài nói chung và Thụy Sĩ nói riêng sẽ có cơ hội tiếp cận sách Việt dễ dàng, thuận tiện hơn.
“Mục đích chính khi tôi mở tiệm sách này là lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Tôi luôn tin sách chính là người bạn tuyệt vời nhất của con người, giúp gắn kết chúng ta lại”, bà Phi bày tỏ.
Hiện “Yuki-chan” có nhiều đầu sách dành cho đối tượng từ trẻ em đến người lớn, sinh viên, mẹ bỉm sữa, người kinh doanh hay nhân viên văn phòng. Chủ đề sách cũng rất đa dạng: Sách phát triển bản thân, tư duy, sống đẹp, sống khỏe, sách kinh doanh và tủ sách gia đình gồm sách nuôi dạy con, truyện thiếu nhi… từ nhà xuất bản Sbooks, Saigon Books, Lionbooks, Nhã Nam…
“Sắp tới, tôi mong muốn được kết nối thêm với nhiều nhà xuất bản trong nước để mang thật nhiều sách Việt sang Thụy Sĩ. Chỉ cần một ngày còn người yêu sách Việt thì tiệm sách này sẽ còn ở đây. Những phản hồi của khách hàng giúp tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng và cần nỗ lực nhiều hơn nữa”, người sáng lập “Yuki-chan” cho hay.
Trong mùa dịch, 11 chi nhánh của Tiệm Mọt đa số hoạt động online trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, mỗi chi nhánh đều có địa chỉ để mọi người đến tận nơi xem sách trước khi quyết định mua.
Bà Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh cho biết ban đầu Tiệm Mọt gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ để hợp tác với các nhà xuất bản trong nước. Vì lệch múi giờ nên thời gian làm việc khó thống nhất. Sau một thời gian hoạt động, tên tuổi Tiệm Mọt tạo được uy tín trên thị trường sách thế giới, hợp tác với các nhà xuất bản như Kim Đồng, Nhã Nam, Trẻ, First New…
“Thời gian này mọi người phải ở nhà nhiều nên rất cần giải trí tinh thần. Đọc sách là một trong những phương pháp hữu hiệu. Sách tiếng Việt được nhiều người Việt sống tại châu Âu chào đón. Mọi người ở đây thường thích đọc tiểu thuyết, sách kỹ năng, sách về chủ đề văn hóa…”, người sáng lập Tiệm Mọt chia sẻ.