Ông Nguyễn Mạnh Hùng được mệnh danh là “tiến sĩ văn hóa đọc”. Ảnh: T.H. |
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ năm là sự kiện quan trọng để nhìn lại hành trình 70 năm đầy gian khó nhưng đáng tự hào của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
TS Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books – cho rằng, cần nghĩ cách để động viên, khuyến khích các tác giả Việt viết sách.
– Thưa TS Nguyễn Mạnh Hùng, ông đánh giá như thế nào về sức lan tỏa của Giải thưởng Sách quốc gia?
– Hầu hết quốc gia đều có giải thưởng sách. Các đơn vị xuất bản, các tác giả, dịch giả, rồi biên tập viên, hoạ sĩ, thiết kế, nhà in, người làm truyền thông, phát hành sách… rất quan tâm đến giải thưởng này. Bởi đây là cơ hội để chúng tôi được xã hội nhớ đến, quan tâm, động viên, khích lệ.
Giải thưởng sách Quốc gia ngày càng được tổ chức công phu hơn, ấn tượng hơn, thu hút hơn. Giá trị cả vật chất lẫn tinh thần ngày càng lớn hơn. Công tác chấm giải ngày càng nghiêm túc, chặt chẽ và khách quan hơn. Số lượng các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm ngày càng nhiều lên. Rõ ràng, sức lan toả lớn, lớn theo từng năm.
- Bên cạnh các đề tài mang tính học thuật, khảo cứu dành cho độc giả trưởng thành, các tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng nhận được sự quan tâm không nhỏ tại Giải thưởng Sách quốc gia. Cụ thể, nhiều đầu sách hấp dẫn, bổ ích dành cho bạn đọc nhí đã được tôn vinh. Ông đánh giá như thế nào về dòng sách thiếu nhi trong những năm gần đây?
– Thời nay, mỗi gia đình chỉ sinh 1-2 con, nên việc chăm sóc nuôi dạy con được quan tâm rất lớn. Có những bộ sách được quan tâm nhiều và truyền tai nhau để mua như bộ truyện tranh tri thức khoa học, Trẻ là thiên tài theo một cách riêng, Theo chân người tí hon, Kể chuyện văn hoá Việt, Ngày làm bố, ngày làm mẹ… Điều này là minh chứng sống động và rất thật rằng sách thiếu nhi như “tổ ong mật” thu hút không chỉ các con nhỏ mà cả các bố các mẹ.
Trong thời đại hiện nay, điện thoại di động và Internet như ma lực hút các con, vậy nên sách là vị cứu tinh lôi các con ra khỏi các trò chơi phù phiếm, khỏi lối sống ảo vô bổ và khó kiểm soát. Chúng tôi thấy rất rõ trong những lần tham gia các hội nghị, hội thảo, toạ đàm tại Frankfurt, London, Bologna, Singapore, Jakarta, Istanbul, Tokyo… rằng sách thiếu nhi đang được đặc biệt quan tâm. Mừng thay, tại Việt Nam chúng ta cũng đang vậy và từng bước tiến tới mức quan tâm như cả khu vực ASEAN và thế giới.
- Nhiều người đặt ra câu hỏi về số phận của những cuốn sách được giải, về kết quả bán sách sau khi sách được nhận Giải thưởng Sách quốc gia tại Việt Nam. Theo ông, cần có những phương án nào để đưa những cuốn sách đoạt giải tới độc giả trong và ngoài nước?
– Mong muốn của các đơn vị xuất bản, của các tác giả và rất nhiều người là để các tác phẩm được giải bay cao bay xa. Tuy nhiên giải thưởng và số lượng phát hành sách nhiều khi chưa tương xứng. Ở nước ngoài, các cuốn sách được giải thưởng được nhiều đơn vị, cơ quan đặt mua với số lượng lớn, nhất là các thư viện, các trường học.
Tuy nhiên nhiều khi giải thưởng và kết quả phát hành sách lại khác xa nhau vì có thể dựa trên hai thang đo lường, hai hệ tiêu chí khác nhau. Giải thưởng thường được xét về giá trị của tác phẩm, trong khi kết quả kinh doanh lại được đo bằng khả năng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, của bạn đọc, của số đông. Tuy nhiên tôi thấy chỉ cần được tôn vinh, được ghi nhận, được các báo đài truyền thông, giới thiệu thì đã là “bay” cao lắm rồi.
- Ông có niềm tin vào ngành công nghiệp xuất bản của Việt Nam trong tương lai không?
– Tôi đã nghiên cứu và viết tham luận về tương lai ngành xuất bản Việt Nam dựa trên tình hình và xu thế thế giới cũng như thực tế nước nhà. Trong các hội nghị toạ đàm, cùng ngồi với nhau trong 1 bàn mà có đơn vị xuất bản nước ngoài doanh thu tỉ đô, còn chúng tôi thì triệu đô… Chênh lệch quá! Hiện nay, với hơn 15 năm miệt mài tâm huyết với sách và xuất bản mà mong muốn doanh thu mỗi tháng 1 triệu USD vẫn chưa đạt nổi.
Lãi suất ngành xuất bản rất thấp, chỉ có vài phần trăm. Đã thế còn bị sách lậu, sách giả, sách nhái hoành hành dữ dội. Nhưng chúng tôi vẫn có niềm tin vững chắc rằng chúng ta sẽ có ngành công nghiệp xuất bản trong 10 đến 20 năm tới.
- Giải thưởng Sách quốc gia được nhận định đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành xuất bản, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Qua 5 năm, theo ông những người tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia cần làm gì để hoàn thiện hơn?
– Vấn đề lớn nhất là chất lượng các tác phẩm. Chúng ta cần nghĩ cách để động viên, khuyến khích các tác giả Việt viết sách. Rất cần các tác phẩm của người Việt viết có giá trị và bán chạy. Lấy Công ty sách Thái Hà làm ví dụ thì trên 70% sách xuất bản vẫn là sách dịch mà những cuốn bán chạy (trên 10.000 bản) và những cuốn bán rất chạy (trên 100.000 bản) chủ yếu vẫn là của các tác giả nước ngoài. Cần sự động viên khuyến khích bằng mọi cách mạnh hơn nữa.
Thứ 2, cần tăng cường công tác tuyên quyền quảng bá cho sách được giải. Năm nay, rõ ràng sự quan tâm của báo đài và các cơ quan truyền thông khác hẳn năm ngoái. Đây là niềm vui lớn.
Thứ 3, tôi đang nghĩ rằng Chính phủ cần đề nghị thậm chí yêu cầu các thư viện cả nước đặt hàng, mua sách được giải. Ít nhất sách được giải phải có trong thư viện để người dân và bạn đọc có thể đến để đọc.
Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 5 chỉ trao một giải A duy nhất cho tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của tác giả Lê Quang Định, do nhà nghiên cứu Phan Đăng dịch và chú giải, Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Sách Thái Hà xuất bản.
You must be logged in to post a comment Login