Ngày Quốc tế Hạnh phúc được Liên Hợp Quốc ấn định vào ngày 20/3 kể từ năm 2013. Đó là ngày không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần là tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới, mà còn là ngày của hành động, tích cực và hướng tới cuộc sống hạnh phúc.
Thế nhưng, hạnh phúc là gì và làm sao để có được nó? Liệu đó là một thành tựu cần vươn tới hay “hạnh phúc là trạng thái mặc định của tâm trí” mà chúng ta cần tìm về?
Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc, mời bạn điểm lại một số tác phẩm của những nhà tư tưởng như Alain, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Osho… nói về hạnh phúc, để hiểu và trở nên hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Alain nói về hạnh phúc – Émile Chartlier
Alain nói về hạnh phúc là cuốn sách tập hợp những đoản luận của Émile Chartier – một triết gia nổi tiếng và quan trọng của Pháp vào đầu thế kỷ thứ 20. Ông thường được biết đến với tên gọi thân thuộc là Alain. Những câu chuyện nhỏ thường nhật qua giọng văn điềm tĩnh pha chút hóm hỉnh của Alain chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc về đời sống, khái niệm về hạnh phúc và thái độ của chúng ta đối với bất hạnh.
Cuốn sách không dạy người đọc làm sao để nhặt được hạnh phúc trên mọi nẻo đường, mà là chỉ lối cho bạn làm sao tìm thấy hạnh phúc trong những giây phút không ngờ tới, bởi theo Alain, hạnh phúc là trạng thái mặc định của tâm trí.
Vì thế, ông quan tâm nhiều đến thái độ của con người đối với hạnh phúc và bất hạnh, phân tích tại sao chúng ta không biết hạnh phúc với hạnh phúc của mình mà thường tự làm cho mình bất hạnh hơn nhiều lần. Ông giải thích nguồn gốc của hạnh phúc bắt nguồn từ mối bất hạnh như chứng suy nhược thần kinh, tai nạn, thảm kịch… cho đến niềm vui như nụ cười, hành động và cả tình cảm lứa đôi, gia đình, bạn bè…
———————————————————–
Hạnh phúc đích thực – Hoàng Anh Sướng
Cuối năm 2013, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tổ chức chuyến hoằng pháp đạo Phật kéo dài suốt hai tháng với hàng trăm buổi thuyết pháp, hàng chục khóa tu dọc nước Mỹ.
Hạnh phúc đích thực: trò chuyện với thiền sư Thích Nhất Hạnh là ghi chép của nhà báo Hoàng Anh Sướng – đã theo chân thiền sư trong suốt cuộc hành trình và thực hiện cuộc trò chuyện này với rất nhiều tâm huyết và niềm hứng khởi.
Đây là cuộc đàm thoại về vấn đề hạnh phúc, làm sao để có được hạnh phúc?
Hạt giống của sự khổ đau trong bạn có thể rất mạnh mẽ, nhưng đừng đợi tới khi không còn đau khổ nữa bạn mới cho phép mình hạnh phúc.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Không quá đi sâu vào vấn đề tôn giáo, các buổi diễn thuyết ông đưa đến các vấn đề gần gũi, cần thiết trong đời sống như tìm kiếm hạnh phúc, sự an ổn trong tâm hồn, mối quan hệ giữa con người, các mối quan hệ trong gia đình.
Hạnh phúc, theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, là sự an lạc. Và sự an lạc chỉ có thể được cảm nhận khi con người buông bỏ bớt những phiền muộn, căng thẳng, phải học cách buông bỏ, mong cầu vừa đủ để biết cách hài lòng với thực tại…
————————————————————
Hạnh phúc tại tâm – Osho
Hạnh phúc là trở về với chính mình. Mệnh đề tuy ngắn gọn nhưng là một mệnh đề khắc nghiệt nhất trong hành trình sống của mỗi chúng ta. Cuộc trở về này, theo Osho, là sự hồi sinh phần trong trẻo và tự nhiên nhất của năng lượng, là khả năng nhận biết và yêu mến sự thật.
Là một giáo sư triết học, một đạo sư có khuynh hướng dẫn dắt tâm linh, Osho đã tổng hợp và đưa vào những bài thuyết giảng của mình quan điểm của nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Jain giáo, Ấn Độ giáo…
Qua những câu chuyện về lòng yêu thương và trắc ẩn, Osho cho rằng niềm vui sống sẽ hóa giải tất cả chứ không phải con người phải làm tất cả để có được niềm vui. Khước từ đau khổ cũng không phải là con đường của niềm vui sống. Chịu đựng nó và khóc than cho nó càng không giúp ta có được một tình yêu hài hòa với cuộc đời. Osho khuyến khích chăm sóc nỗi đau khổ của bản thân, đối diện với nỗi đau ấy và vượt qua nó.
———————————————————–
Nghệ thuật sống hạnh phúc – Đạt Lai Lạt Ma & Howard C. Cutler, M. D
Cuốn sách này tường thuật lại nội dung từ cuộc thảo luận mở của đức Đạt Lai Lạt Ma cho đến những cuộc gặp riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma với nhà văn, bác sĩ tâm thần người Mỹ Howard C. Cutler ở vùng Arizona và Ấn Độ.
Tác phẩm chứa đựng những quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về việc định hướng để có một đời sống hạnh phúc hơn, đồng thời cuốn sách cũng bổ sung những chú giải và bình luận của bác sĩ Cutler theo quan điểm của một chuyên gia tâm thần học phương Tây.
“Tất cả chúng ta là giống nhau” đức Đạt Lai Lạt Ma nói như thế, nhưng giống nhau ở chỗ nào. Mọi người đều muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau, nhưng thế giới chúng ta lại toàn là đau khổ và đau khổ lại là do con người tạo ra nhiều hơn cả?
Với những tri thức được đúc kết từ hơn 2500 năm trước và những hiểu biết chung, vi tế về những vấn đề hiện đại, tác phẩm là một phương pháp tiếp cận đầy minh triết để giải quyết những vấn đề về tâm thức và hành vi của con người con người một cách vừa lạc quan vừa thực tiễn. Để đạt được hạnh phúc, theo đức Đạt Lai Lạt Ma phân tích, con người không chỉ mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, mà còn cần hướng tới hạnh phúc của người khác để không gây bất hạnh cho nhau.
———————————————————–
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã – Hae Min
Bằng một lối đi nhỏ giữa những con chữ không cầu kỳ, không thuyết lý, đại đức Hae Min dần dần đưa người đọc đến những miền đất nằm sâu trong chính tâm trí họ. Đó đã là những lời chia sẻ hướng đến những con người đang sẵn sàng dừng lại, lắng nghe và mở lòng mình.
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã chỉ khẽ rung một tiếng chuông tỉnh thức, giúp những con người đang quay cuồng trong một xã hội bận rộn đến chóng mặt. Đại đức Hae Min nhấn mạnh vẻ đẹp của khoảnh khắc hiện tại, của những khoảng lặng để nghỉ ngơi, để tìm sự vui vẻ “ngay khoảnh khắc này”, “ngay lúc này”.
Tác giả không chỉ chia sẻ trên tư cách một người tu hành mà gần gũi, chân thành với bạn đọc. Những điều ông nói cũng không phải là những thứ tuyệt đối mới mẻ, chỉ bởi con người vốn quá vội vã nên dễ dàng quên đi.
You must be logged in to post a comment Login