PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, ĐH Ngoại thương, cho biết qua phân tích phổ điểm các khối tuyển sinh đầu vào của trường như A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Anh), thấy rằng số lượng thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên có nguyện vọng đăng ký vào trường tăng cao hơn năm ngoái.
Tuy nhiên thực tế, một số lượng lớn thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT nhưng đã trúng tuyển và xác định trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh khác của các trường. Do đó, PGS.TS Vũ Thị Hiền cho rằng dù phổ điểm tăng cao nhưng dự kiến điểm trúng tuyển năm 2021 của ĐH Ngoại thương vẫn sẽ giữ ổn định như năm 2020. Các ngành có mức điểm chuẩn tương đương nhau, chênh lệch không nhiều, chỉ từ 0,5-1 điểm.
Điểm chuẩn khối ngành kinh tế được dự báo tương tự năm 2020. Ảnh minh họa: VOV. |
Để tăng cơ hội trúng tuyển, cô Vũ Thị Hiền lưu ý thí sinh nên sắp xếp những nguyện vọng mà mình yêu thích lên trên. Bên cạnh đó, nên chọn thêm những nguyện vọng khác có mức điểm thấp hơn để đảm bảo an toàn.
“Các em nên căn cứ trên kết quả thi, xác định ngành mà mình yêu thích, tìm hiểu những trường nào có đào tạo ngành đó. Cùng một chuyên ngành nhưng mức điểm chuẩn của mỗi trường là khác nhau, do đó các em nên chọn trường, ngành mình yêu thích và cả những nguyện vọng vào các trường có mức điểm an toàn hơn để đảm bảo có thể nhập học ngay trong năm nay”, PGS.TS Vũ Thị Hiền lưu ý.
PGS.TS Bùi Quốc Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường là 20 điểm, đã bao gồm điểm ưu tiên và khu vực.
Dựa vào mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng điểm chuẩn năm nay vẫn sẽ cao nhưng sẽ không tăng quá cao. Một số ngành “hot” có thể tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm. Do đó thí sinh có thể dựa vào điểm thi năm ngoái để điều chỉnh nguyện vọng.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó giám đốc Học viện Tài chính, thông tin năm 2020, mức điểm chuẩn thấp nhất của trường là 24,4 xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến, năm nay mức điểm chuẩn thấp nhất cũng sẽ tương đương năm ngoái. Một số ngành khác điểm chuẩn có thể “nhích” lên từ 0,5-1 điểm so với năm 2020. Ngoài ra, dự kiến điểm chuẩn chương trình chất lượng cao cũng sẽ tăng.
TS Nguyễn Đào Tùng cho biết thêm bên cạnh việc xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, học viện vẫn sẽ tiếp tục áp dụng tiêu chí phụ là ưu tiên thí sinh có điểm thi môn Toán.
Còn theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, ĐH Ngân hàng TP.HCM, mặt bằng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT không có sự chênh lệch quá lớn so với năm 2020. Chỉ tiêu của ĐH Ngân hàng TP.HCM dành cho phương thức thi tốt nghiệp THPT vẫn rất lớn chiếm 75% tổng chỉ tiêu tuyền sinh. Do vậy, mặt bằng điểm chuẩn của trường dự kiến sẽ ít biến động hơn so với các trường có điều chỉnh mạnh về cơ cấu chỉ tiêu của các phương thức xét tuyển.
“Điều quan trọng là thí sinh hãy nghiên cứu kỹ và tận dụng các lợi thế từ quy chế tuyển sinh hiện tại mang lại để có cách điều chỉnh nguyện vọng phù hợp. Các em lưu ý được đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng, chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất có thể, các nguyện vọng thứ tự khác nhau được xét bình đẳng với nhau”, thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ nói.