Sáng 7/7, thí sinh trên cả nước đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Kết thúc 120 phút làm bài, nhiều thí sinh vui vẻ với đề thi được đánh giá nhẹ nhàng, quen thuộc, mức độ phân hóa rõ ràng.
Đề thi môn Ngữ Văn năm 2021. |
Phạm Hoàng Minh Học tại điểm thi THPT Trần Phú (Hà Nội), lạc quan với bài làm của mình. Nữ sinh cho biết đề thi năm nay vừa sức với nhiều thí sinh.
“Câu hỏi nghị luận xã hội rất phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay, em đã lấy dẫn chứng về những y bác sĩ đang cống hiến sức mình để chiến đấu với dịch bệnh”, Minh Ngọc nói.
Thí sinh Trịnh Vũ Khánh Huyền ở điểm thi THCS Trưng Vương (Hà Nội) nhận xét đề thi vừa sức với bản thân. Nữ sinh dự đoán bài thi môn Ngữ văn của mình có thể đạt được trên điểm 8.
Nhiều điểm 5,5 tới 6,5
Đối với đề thi môn Ngữ văn năm nay, thầy Trịnh Đình Chung, giáo viên trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) nhận định, phổ điểm mà thí sinh có thể đạt được chủ yếu là từ 5,5 tới 6,5 điểm. Thí sinh học và làm bài kỹ mới có thể đạt được điểm 8 trở lên.
Theo thầy Chung, nếu ở phần nghị luận xã hội, thí sinh có thể làm tốt, thì ở phần đọc hiểu, thí sinh sẽ dễ mất điểm trong câu hỏi 3 và 4. Đối với phần nghị luận văn học, nếu thí sinh học qua loa thì sẽ không thể phân tích đầy đủ được vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
Thạc sĩ Nguyễn Phú Hải, giáo viên THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định, đề thi bám sát kiến thức nền của lớp 12. Tuy nhiên, để đạt điểm cao, thí sinh cần có sự chuẩn bị tốt, thường xuyên luyện đề và thực hành bài bản. Theo thầy Hải, với đề thi này, điểm thi của thí sinh có thể dao động ở mức trung bình khá, tức là khoảng từ 5 đến 7 điểm.
Cùng quan điểm về việc đề thi Ngữ văn không khó, nhưng thí sinh khó đạt được điểm cao, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) cho rằng, chỉ những học sinh có kỹ năng làm bài và ôn luyện chăm chỉ mới có thể đạt trên điểm 7.
Nguyên nhân thí sinh khó đạt điểm cao là do đề thi năm nay khác hoàn toàn so với đề minh hoạ năm 2021. Nhiều học sinh ôn luyện theo sát đề minh hoạ sẽ bất ngờ, khó phóng bút để làm tốt.
Cụ thể, thầy Đức Anh nhận định: “Trong đề thi minh hoạ, Bộ GD&ĐT chọn ngữ liệu phần đọc hiểu là một đoạn thơ và nghị luận văn học là một đoạn văn xuôi. Trong đề thi chính thức năm 2021 thì ngược lại, ngữ liệu phần đọc hiểu là một đoạn văn xuôi và nghị luận văn học là một đoạn thơ”.
Tuy nhiên, theo thầy Đức Anh, thí sinh vẫn có thể làm được đề thi này. “Đề không có câu gài bẫy, đánh đố hay làm khó học sinh. Câu đọc hiểu có ngữ liệu ngắn vừa phải, nội dung hay, nhẹ nhàng và có tính giáo dục cao. Phần nghị luận văn học, bài thơ ‘Sóng’ đã có trích dẫn trong đề nên thí sinh có kỹ năng viết và xử lý đề vẫn có thể làm tốt dù ‘trật tủ”, thầy Đức Anh nói.
Cấu trúc đề thi quen thuộc
Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn , Th.S Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) đánh giá cao đề thi này hơn đề thi năm trước.
“Trong những năm gần đây, cấu trúc đề thi đã ổn định, học sinh đã quen với cấu trúc này nên không cảm thấy bỡ ngỡ. Tuy đề thi vẫn được ra theo lối cũ, không phá cách, sáng tạo, nhưng về cơ bản, đề thi này đáp ứng được yêu cầu bối cảnh hiện tại”, Th.S Nguyên Minh nói.
Nhận định cụ thể về đề thi, Th.S cho biết, đề thi năm nay có mức độ phân hóa khá rõ. Cụ thể, ở phần đọc hiểu, câu 1 và câu 2 là những câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, câu 3 là mức độ thông hiểu và câu 4 có mức độ vận dụng.
“Cách hỏi ở phần đọc hiểu rõ ràng, mạch lạc, sự phân hóa được thể hiện rõ trong các câu hỏi” – Th.S Nguyên Minh chia sẻ.
Đánh giá câu hỏi nghị luận xã hội trong phần làm văn, Th.S Nguyên Minh nhận định, tuy vấn đề đặt ra cũ kĩ nhưng giữa lúc tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cần sự chung tay góp sức, cần sự cống hiến của mỗi người thì vấn đề đặt ra có ý nghĩa.
Cũng theo Th.S Nguyên Minh, sự phân hóa của đề thi còn thể hiện rõ ở câu nghị luận xã hội. Nhiều thí sinh có thể dễ dàng làm được yêu cầu cơ bản là phân tích bài thơ. Nhưng đối với yêu cầu nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh thì có mức độ nâng cao hơn, chỉ thí sinh khá giỏi và có yêu cầu xét tuyển đại học mới làm tốt.
TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên hệ thống giáo dục Học Mãi (Hà Nội) lại cho rằng mức độ phân hóa của đề thi năm nay không rõ.
“Nhìn chung, đề thi đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề thi vừa sức, quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo; phần làm văn không có những câu lệnh tạo dư địa cho phản biện và sự thể hiện quan điểm độc lập của thí sinh. Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ xuất hiện trong câu hỏi đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần làm văn”.