Cho đến lúc này, tôi có thể nói chắc chắn một điều rằng: Không có bà mẹ nào trên đời này muốn phải một mình sinh con và nuôi con.
Không một đứa trẻ nào sinh ra mà không muốn gia đình đầy đủ hạnh phúc, có cha, mẹ, cho dù có thể cái gia đình đó cơm không lành, canh chẳng ngọt.
Không có người mẹ nào muốn làm mẹ kế và nuôi con người khác. Cũng không có người mẹ nào muốn người phụ nữ khác nuôi con mình.
Sách Để con được bay. Nguồn: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Thế nhưng, dòng đời vẫn xô đẩy, vẫn có những đưa trẻ không có cha được sinh ra và lớn lên, thậm chí ngày càng có nhiều những đứa trẻ không cha, không được cha thừa nhận ra đời và lớn lên.
Vì sao vậy?
Chẳng phải chúng ta đều mong kết hôn, sinh con, con cái có ông bà nội ngoại, được đón nhận đó sao? Vì sao lại càng ngày càng có nhiều đứa trẻ không cha ra đời đến thế?
Có quá nhiều lý do, có quá nhiều hoàn cảnh.
Mẹ đơn thân!
Những bài viết trên báo chí phần lớn là những bài dịch từ báo nước ngoài, bởi nó thực sự vẫn là một từ mới trong ngôn ngữ Việt. Một từ nhạy cảm, ít người muốn nhắc đến hay không muốn nhắc đến.
Mẹ đơn thân!
Đang gắn với hình ảnh các cô người mẫu, ca sĩ, diễn viên, những con người sống với cái Tôi lớn và khác người.
Mẹ đơn thân là những ai?
Một cô gái trẻ ngây thơ bị “lừa”, ăn cơm trước kẻng, lúc yêu thì ngon ngọt, đến khi có bầu rồi người tình mất biệt.
Một người đàn bà không tin tưởng vào hôn nhân và tình yêu, có kinh tế, quyết định tự mình sinh con, tự mình nuôi con và làm chủ cuộc đời mình.
Một hoàn cảnh quá lứa lỡ thì nào đó, không thể trờ thành một người vợ nhưng mong muốn được là một người mẹ.
Có thể đó là những bà mẹ đơn thân sau ly hôn, chia tay chồng, một mình nuôi con khi chồng cũ đã lấy vợ mới…
Hàng trăm hoàn cảnh khác nhau, hàng trăm trường hợp khác nhau, hàng trăm câu chuyện khác nhau dẫn đến một kết thúc giống nhau, một người mẹ phải nuôi con một mình với một trái tim rỉ máu và một vết thương khó lành cùng những tổn thương lớn nhỏ trong tâm hồn.
Những đứa trẻ cứ lớn lên mỗi ngày, những người phụ nữ vẫn gánh gồng mọi thứ trên vai mỗi ngày. Từ việc vừa làm bố vừa làm mẹ đến việc làm kinh tế, chăm sóc gia đình, đủ thứ trên bờ vai đến trở thành cái ô gánh đỡ những cái nhìn dư luận.
Họ vừa nuôi con, vừa tự chữa lành vết thương của mình, vừa là người bảo vệ cho con. Họ thật sự gặp nhiều khó khăn và thử thách với hơn 100% sức lực mà mình có. Gồng mình lên với mọi việc.
Và cho đến lúc này, tôi cũng khẳng định một điều rằng những kẻ ác mồm ác miệng nhất với những người mẹ đơn thân chính là phụ nữ. Soi mói và cợt nhả trên khó khăn của người khác. Nói xấu và đặt điều, thậm chí làm đủ trò khiến những người mẹ đơn thân một mình cô độc càng thêm tự ti, càng thêm khép mình.
Tôi muốn nói với cả thế giới ngoài kia rằng, chúng tôi là những người mẹ đơn thân và chúng tôi cũng giống như tất cả những người phụ nữ khác đều có mưu cầu hạnh phúc.
Làm mẹ đơn thân có thể là một sai lầm mà cũng có thể là một lựa chọn. Vì vậy, hỡi những người phụ nữ đang tưởng mình hạnh phúc và châm chọc vào nỗi đau của người khác, hãy tự bảo vệ và hãnh diện với hạnh phúc của mình nhưng cũng hãy bao dung với chúng tôi, và biết đâu sẽ có lúc bạn cũng cần một bàn tay giơ ra nâng đỡ.
Chúng tôi sẽ có cách riêng để hạnh phúc dù chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chúng tôi kiếm tìm hạnh phúc mới cho riêng mình nhưng không dễ dàng bởi một mái ấm gia đình giờ đây phải bắt đầu từ hai tình yêu, dành cho mẹ và dành cho con.
Mấy người đàn ông có được sự bao dung và độ lượng đến thế! Nhưng có nhất thiết một mái ấm phải có ba người mới được coi là hạnh phúc? Có phải gia đình nào có đủ cha đủ mẹ cũng đang hạnh phúc?
Chuyện của tôi là chuyện của mẹ đơn thân, không chồng mà có con. Đừng nhầm lẫn với một người mẹ đã ly hôn và phải nuôi con. Nó khác đấy. Khác rất nhiều đấy. Khác từ cái bắt đầu cho đến cả cách đi tìm hạnh phúc. Nhưng nó sẽ có chung một mục đích là tìm ngôi nhà cho mình và an yên ở đó.
Bắt đầu nào! Bắt đầu từ cái ngày cách đây 5 năm khi tôi có bầu và bắt đầu hành trình chông gai mang tên người mẹ đơn thân. Chuyện của tôi là một trong hàng trăm nghìn câu chuyện đơn thân khác với nhiều nét tương đồng mà ai đó đọc sẽ thảng thốt lên mà rằng: “Ôi! Sao giống chuyện của tôi quá!”.
Phải! Bởi những gì tôi phải trải qua cũng là những điều nhiều người phụ nữ đơn thân khác phải trải qua. Và nỗi đau mà chỉ có những người phụ nữ đơn thân mới có thể hiểu được tôi đã đều trải qua. Thể xác, tinh thần, những hố đen cứ cuốn mình xuống dù có cố gắng gượng đến thế nào, có cố vùng vẫy ra sao, tủi thân, thậm chí muốn chết đi… tôi đều đã nhận.
Kể lại chuyện không phải vì tôi muốn vạch áo cho người xem quá khứ của mình và cũng chẳng phải tôi định tự hào gì với những gì đã trải qua, kể cả nhìn lại mình, để người đời hiểu và thông cảm cho những người như chúng tôi và tìm đường cho mình trong tương lai.