Sinh ở đời sau, bình phẩm người ở đời trước, khó cho công bằng được. Vậy đối với ông Nhiệm, ta hãy theo về phương diện hành vi mà xét xem ông là một người thế nào. Cụ Phương Đình cho ông Nhiệm là “công danh chi sĩ”, thực là xác luận. Cứ như hành vi và tố chí của ông thì ông là người muốn có công danh sự nghiệp ở đời, không chịu theo thói thường cùng đời chìm nổi.
Ông đã hoài bão cái chí ấy, nếu có thời cơ để phát triển, tất chẳng chịu để lỡ nào. Thì một cơ hội rất tốt đã đến với ông. Năm Bính Ngọ (1786), vị cái thế anh hùng đại đế Tây Sơn Nguyễn Huệ theo lời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân từ Nam Hà ra Bắc Hà, diệt Trịnh phò Lê. Vốn đã nghe biết tài học, đại đế liền thu dụng ông, một lòng tin yêu, cho làm mưu thần ở trong quân trưởng, chuyên coi việc từ hàn.
Dẹp yên được thời cục Bắc Hà lúc ấy, dù trọng ở việc võ bị, nhưng còn có hai sự rất khó khăn: bên ngoài đối với nước Tàu là một láng giềng mạnh lớn […]; bên trong đối với sĩ dân, giữ sao cho đâu đấy đều thiếp phục, khỏi mượn điều khởi nghĩa, phá hoại cuộc trị an. Hai sự khó khăn ấy, không thể toàn cậy ở võ bị được, tất phải dùng văn sự. Nhận ra hai việc quan yếu ấy rồi, nhưng ai sẽ là người đảm nhận được. Đại đế Nguyễn Huệ liền giao phó ngay việc ấy cho ông Ngô Thời Nhiệm.
Muốn tỏ cho toàn thể quan quân biết rõ cái người mà mình đã biệt đãi và trọng dụng ấy, ông Nguyễn Huệ khi kéo quân về Nam, giao cho đại tướng Ngô Văn Sở thống suất đại quân giữ thành Thăng Long không quên dặn lại mấy điều rất khẩu thiết:
– Ngô Thời Nhiệm không phải như các ngươi, chỉ là những thần hạ của ta. Người ấy dù chịu làm tôi, nhưng ta vẫn coi như khách và như người thầy đấy. Vậy bất cứ việc gì, nhà ngươi đều phải cùng Nhiệm bàn bạc nên chăng thế nào rồi hãy làm. Ta đã xét rõ trong bọn tiến sĩ Bắc Hà này, duy có Nhiệm là có tài am hiểu việc đời. Hắn chính là một cánh tay phải để giúp ta làm nên nghiệp lớn đó.
Hình ảnh trên bìa cuốn truyện tranh lịch sử Ngô Thì Nhậm – Nhà yêu nước, bậc khoa bảng thức thời của NXB Giáo dục. |
Sau vua Chiêu Thống nhà Lê nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh, chống lại quân Tây Sơn, bị thua, rồi cầu nhà Thanh đem quân sang giúp. Khi Tôn Sĩ Nghị thống suất 10 vạn quân, ầm ầm như gió bão, kéo sang nước ta, đại tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở cùng các tướng định đem quân chống đánh. Ông Nhiệm bày tỏ các lẽ lợi hại, rồi bàn hãy nên tạm tránh, giữ toàn quân đội, kéo lui vào cả vùng núi Tam Điệp, chờ ông Nguyễn Huệ ở Nam ra, lúc ấy sẽ họp binh cùng tiến đánh. Theo ý ông, kế đó là nuôi thêm cái khí kiêu ngạo của quân Thanh và gây thêm cái lòng hăng hái của quân mình, thế nào cũng thắng.
Duy có anh hùng mới lại biết anh hùng. Ông Nguyễn Huệ khi ra tới núi Tam Điệp hỏi rõ việc ấy, cho là trúng ý mình, tỏ lời khen ngợi, rồi tổ chức thêm quân đội, lên ngôi hoàng đế, thân xuất đại quân tiến ra Bắc Hà.
Quả nhiên như lời ông Nhiệm đã nói trước, Tôn Sĩ Nghị khi kéo quân từ biên giới đến thẳng Thăng Long, thấy quân Tây Sơn không đâu dám chống đánh, vội vàng bỏ lui, cho là chẳng có thực lực gì, không đáng để ý đến. Vì vậy, Tôn chẳng lo gì phòng bị. Vua tôi nhà Lê nhiều lần khẩn khoản xin đem quân đuổi đánh quân Tây Sơn để chẹn đường trước, Tôn đều cự tuyệt và càng tỏ ý khinh thường. Đùng một cái, đại binh Tây Sơn kéo ra như trào dâng gió cuốn. Tới khi đã kéo đến sông Thanh Quyết, quân Thanh mới biết, hốt hoảng chạy về Thăng Long cấp báo thì đã muộn rồi.
Bấy giờ Tôn Sĩ Nghị mới vội vàng chia quân đi chống giữ, nhưng không sao ngăn cản được thanh thế rất mạnh của Tây Sơn. Tính ra ngày 30 tháng chạp năm Mậu Thân (1788), vua Quang Trung đem đội quân ở Nghệ An ra, nửa đêm ngày mồng ba Tết năm Kỷ Dậu đã kéo đến Hạ Hồi. Rồi tiếp luôn mấy trận đại chiến và một trận huyết chiến rất kịch liệt gớm ghê, hàng mấy vạn quân Thanh bị chém giết, máu chảy thành sông, thây chất thành núi ở Nhân Mục, Khương Thượng và Vịnh Kiều. Trưa ngày mồng năm, Vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị thấy thế nguy, đã chốn đi từ trước. Một cuộc chiến thắng rất vẻ vang!
Trong bữa đại tiệc ăn mừng cuộc chiến thắng và cho quan quân được thưởng năm mới, vua Quang Trung truyền bảo quần thần:
– Ta lần này nhờ có toàn thể tướng sĩ đều hợp lực đồng tâm, nên nắm chắc được phần thắng, đánh đuổi 10 vạn quân Thanh trong có sáu ngày. Nhưng nó là nước lớn, thế lực gấp mười ta, sau trận thua đau này, vì thể diện, thế nào nó lại chẳng kéo sang báo thù. Nạn binh lửa kéo dài làm cho dân nước phải lầm than, lòng ta không nỡ. Vậy từ nay ta phải chú ý đến việc giao thiệp với nó, mà muốn giao thiệp, cần phải có người giỏi về từ lệnh để đối đáp với nó mới mong giải được mối thù. Như ta đã biết, việc này phi Ngô Thời Nhiệm, không còn ai làm được. Ta nói quyết với các ngươi, chỉ trong 10 năm, hễ ta đã làm nên được nước giàu quân mạnh rồi thì ta chẳng sợ gì nó.
[…]
Sự bang giao lần đầu được thành công, vua Quang Trung rất ngợi khen ông Nhiệm:
– Một ngòi bút của Ngô Thời Nhiệm có sức mạnh ngăn được mấy chục vạn quân.
Từ đó trở đi, việc giao thiệp của ta với nước Tàu ngày càng thân mật. Muốn dò xem ý tứ vua Thanh, vua Quang Trung luôn luôn kiếm cớ sai ông Nhiệm thảo biểu văn đưa sang, yêu cầu hết việc nọ đến việc kia, đều được vua Thanh theo như ý muốn. Ngày nay, ta giở tập Bang giao lục là tập chép lại những bài biểu ấy và các văn thư giao thiệp với các nhân vật trọng yếu triều đình Thanh bấy giờ, đều do ở tay ông Nhiệm thảo ra cả, đủ thấy khoa từ lệnh trong việc ngoại giao của ông khôn khéo là dường nào. Chính Thang Hồng Nghiệp, một vị biện thần nhà Thanh hồi ấy, cũng tỏ ý phục tài ông bằng một câu khen ngợi:
– Một từ thần (người coi về việc thư từ ngoại giao) như Ngô Thời Nhiệm của vua An Nam, thực là một nhân vật ít có!
You must be logged in to post a comment Login