“Trước năm 20 tuổi, tránh phạm phải bốn điều sau: Thứ nhất, không làm chết người; thứ hai, không làm chết mình; thứ ba, không vi phạm luật hình sự; thứ tư, không làm ai có bầu”.
Đây chỉ là một trong những nguyên tắc nuôi dạy con của vợ chồng Tiến sĩ Cherry Vũ và Rob England được chia sẻ trong cuốn sách Con mình chẳng lẽ lại “vứt”. Sách đang được nhiều bậc phụ huynh, nhất là những người có con ở độ tuổi dậy thì, quan tâm.
Cuốn sách Con mình chẳng lẽ lại “vứt” được viết bởi ba tác giả, là những người trong một gia đình: TS Cherry Vũ, David Nguyễn và Rob England. Sách cung cấp kiến thức để độc giả có thêm hành trang trên hành trình nuôi dạy con cái.
Sách Con mình chẳng lẽ lại vứt. Ảnh: H. S. |
“Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”
Góc nhìn của một chuyên gia quản lý và đào tạo cho phép Cherry Vũ phát hiện những lỗ hổng tai hại trong vấn đề giáo dục con cái ở nhiều gia đình hiện nay. Đó là sự tồn tại ăn sâu của một “nền văn hóa sợ hãi” trong nuôi dạy con.
Sự sợ hãi quá mức dẫn đến hành vi bao bọc con thái quá, khiến thế hệ tương lai chẳng khác gì những “vật nuôi công nghiệp”, e dè với thế giới bên ngoài. Đó là hiện tượng ồ ạt cho con đăng ký các lớp học thêm, hoạt động ngoại khóa, như một biện pháp “khai quật” nhanh chóng tố chất thiên bẩm trong con, mà không hề biết chúng trở thành những cơn ác mộng quá tải thế nào với trẻ.
Than phiền khi con sa đà vào các trò chơi điện tử, mạng xã hội nhưng lại không hiểu rằng, đó là biểu hiện của việc thiếu kết nối với thế giới sống bên ngoài, mà nguyên do chính đến từ sự thờ ơ vô tâm của cha mẹ.
Có thể nói, nhận thức sai sót, lệch lạc khiến nhiều gia đình có thiên hướng dạy dỗ con theo bản năng, thị hiếu số đông, mà lại quên đi sâu vào bản chất và sự phát triển bên trong của trẻ.
Có một ví von rất hay mà cuốn sách nêu ra: “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Theo các tác giả, con cái chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Cha mẹ muốn con có những phẩm chất, tính cánh tốt đẹp nào; thì chính mình phải rèn luyện và thường xuyên thể hiện ra tính cách phẩm chất đó để con học hỏi theo (và chắc chắn là con sẽ học hỏi được).
Cách tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề chính trong nuôi dạy con cái là cố gắng chạm đến trái tim của chúng. Lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu sẽ giúp người lớn kết nối nhanh chóng với tâm tư và cảm xúc con trẻ, giúp chúng nhận ra những giá trị sống và sống đúng với những giá trị của mình.
“Dạy mà như không dạy” – đây là phương pháp giáo dục tích cực được tác giả đề cập bên trong cuốn sách. Cha mẹ và con cái, ai dạy ai? Đã đến lúc, người lớn tự hạ quyền lực “toàn năng, khống chế” của mình trong vấn đề giáo dưỡng những đứa trẻ, biến nó thành “nghề làm cha mẹ”, cởi mở tiếp thu những điều chưa ổn của bản thân, từ con cái hay từ bất kỳ một ai khác.
TS Cherry Vũ viết: “Câu chuyện của chính cha mẹ là câu chuyện quan trọng nhất mà bọn trẻ sẽ đọc. Chúng đọc nó trong thực tế sống động, bằng hơi thở, bằng da thịt”.
Sách nêu cha mẹ phải làm gương “nhìn con sửa mình”. Ảnh: H. S. |
Hành trình kiên trì, lòng yêu thương vô bờ bến
TS Cherry Vũ đề nghị cha mẹ thay vì thốt lên bất lực: “Trời ơi, tôi có gieo gì đâu mà sao đời tôi gặt toàn cỏ dại?”, sao lại không tuyên bố: “Trời ơi, tôi có gieo gì đâu mà sao đời tôi gặt toàn quả ngọt!”. Thay đổi góc nhìn, cách nhìn sẽ giúp việc làm cha mẹ bớt áp lực, thậm chí có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.
Trên tất cả, cha mẹ cần biểu hiện yêu thương, hành xử với con cái một cách đúng mực, để giành lại được tình yêu và sự tôn trọng của những đứa con.
Một tâm niệm duy nhất mà tác giả Cherry Vũ muốn dành lời khuyên đến các bậc cha mẹ, đó là: “Đừng quá lo lắng, con sẽ ổn thôi”. Hãy để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, để những đứa trẻ được cảm thấy hạnh phúc, an toàn bên trong ngôi nhà ấm áp của mình.
Làm cha mẹ chưa bao giờ là một hành trình có đáp số nhanh chóng dễ dàng. Trên chặng đường đó, luôn đòi hỏi đến sự kiên trì, cố gắng, và trên hết là một tình yêu thương con vô bờ bến.
Thông qua những bức thư của David Nguyễn gửi cho cha mẹ, hai tác giả Dr. Cherry Vũ và Rob England đã chứng minh phần nào trái ngọt đơm kết của mình trong quá trình “làm mẹ”.
Hành trình nhận thức của một đứa trẻ trưởng thành dần đều qua câu chữ viết ra. Những tâm sự, thương yêu không tiện nói, nay được mạnh dạn tỏ bày. Đây có lẽ là món quà xúc động nhất mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng muốn đón nhận.
Các vấn đề phức tạp diễn biến theo tâm lý lứa tuổi được các tác giả tổng hợp và tư vấn đầy đủ bên trong cuốn sách, đi từ vấn đề nhỏ nhặt như con thường xuyên để phòng bừa bộn, con “nghiện game” đến những vấn đề lớn hơn như khi con yêu, khi con thất tình, và kể cả những vấn đề “siêu lớn” hơn nữa liên quan đến giới tính, sex.
Xin phép khép bài viết bằng những tâm tư chan chứa mà Người mẹ Cherry Vũ hay bất cứ một bậc cha mẹ nào cũng đều muốn gửi gắm đến những thiên thần bé nhỏ của mình:
”Cuối cùng, mẹ chỉ mong con sống thật hạnh phúc theo cách mà chính bản thân con mong muốn. Hãy tự hào về những gì mình đã làm được và hãy luôn tin con sẽ làm được những điều mình mơ ước.
Ngoài kia, những chân trời đang để ngỏ đón chờ con…
Mẹ yêu con!”