Hồ Chí Minh – biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới là cuốn sách do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An thực hiện, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong “Lời tựa” sách Hồ Chí Minh – biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới: “Với cách trình bày khoa học dựa trên một khối tư liệu phong phú, nội dung cuốn sách đã hệ thống, khắc họa sinh động, sâu sắc những hoạt động quốc tế, hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phong phú tư tưởng, nghệ thuật, phong cách ngoại giao đặc sắc của Người, toát lên tình cảm thắm thiết, niềm tin yêu, kính trọng và sự tôn vinh của Đảng ta, dân tộc ta và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Để hiểu thêm về quá trình biên soạn công trình đồ sộ này, Zing có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Văn Lợi – Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban biên soạn cuốn sách.
Di sản ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh
– Đã có rất nhiều cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình “Hồ Chí Minh – biểu tượng của hòa bình, tình hữu nghị giữa Việt Nam và thế giới” có gì đặc biệt, thưa ông?
– Đây là cuốn sách ảnh đặc biệt, được biên soạn để chào mừng kỷ niệm 110 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 80 năm Bác trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, qua đó tri ân công lao vĩ đại của Người.
Dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu làm cuốn sách với sự say mê, nghiêm túc. Quá trình thực hiện đã có sự kết nối chặt chẽ giữa nhóm nghiên cứu với các cơ quan tổ chức, các khu di tích ở tỉnh thành, đại sứ quán ở các nước…
Điểm khác biệt thứ hai, đây là cuốn sách ảnh nhưng không chỉ có ảnh. Nội dung sách dựa trên cơ sở nghiên cứu. Phần đầu mỗi chương sách đều là một chuyên luận, được bố cục thành các phần: Quê hương, gia đình, tuổi trẻ Hồ Chí Minh; Hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh giai đoạn 1911-1945; Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1954; Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1954-1969; Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại; Kế thừa và phát huy di sản ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sách được xuất bản với mục đích tri ân, thể hiện lòng biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và lan tỏa giá trị di sản tư tưởng, phong cách ngoại giao của Người.
PGS.TS Lê Văn Lợi
Cả phần chuyên luận và phần chú thích ảnh đều bằng song ngữ Việt – Anh để giới thiệu di sản ngoại giao Hồ Chí Minh tới đông đảo bạn bè thế giới.
Thứ ba, việc biên soạn cuốn sách này sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa, để phục vụ chứ không để bán. Sách được xuất bản 3.000 cuốn với mục đích tri ân, thể hiện lòng biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và lan tỏa giá trị di sản tư tưởng, phong cách ngoại giao của Người trong đời sống xã hội và tới bạn bè quốc tế.
Sách được gửi tặng các tỉnh ủy, thành ủy, ban tuyên giáo, trường chính trị trong cả nước. Tỉnh ủy Nghệ An và Thành ủy TP.HCM sau khi tiếp nhận sách, đã tặng cho toàn bộ đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ thành phố.
Đồng thời, thông qua Hội Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam, thông qua Bộ Ngoại giao, sách được tặng cho các đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam
Sau khi cuốn sách này ra đời, nhiều nơi đã có phản hồi tích cực. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy, bạn đọc tiếp cận sách. Bạn đọc mong muốn khi tái bản sách phát hành rộng rãi hơn. Từ cách thức triển khai, nhiều nơi mong muốn hỗ trợ để có nhiều hơn những cuốn sách như này.
Được sự đón nhận của bạn đọc, nhóm nghiên cứu rất tự hào khi đã hoàn thành mục đích đề ra. Song những đóng góp ấy mới chỉ là bước đầu. Sách không tránh khỏi một số sơ suất, khi tái bản sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện hơn để phục vụ bạn đọc trong nước và quốc tế.
– Nhóm biên soạn đã làm việc như thế nào để có được nguồn tư liệu đầy đặn?
– Từ năm 2018, theo đề xuất của Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị tỉnh Nghệ An, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – đã giao chúng tôi biên soạn sách.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Liên hiệp Các hội Hữu nghị Nghệ An đã huy động lực lượng đông đảo nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, nhà báo, nhà làm phim, người làm công tác quản lý bảo tàng và di tích để sưu tầm tài liệu. Trước khi sưu tầm ảnh, tư liệu, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu về từng mảng nội dung.
Hoạt động quốc tế và hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trải dài ở nhiều nơi, nên nhóm nghiên cứu đã sưu tầm tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau như: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ An, tư liệu do các nhiếp ảnh gia, Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam… cung cấp. Nhiều tư liệu đã có trong kho lưu trữ của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân với tình cảm dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cung cấp ảnh. Vấn đề là phải chọn ảnh sao cho chất lượng, thực sự sinh động, mang tính điển hình cho bối cảnh để đưa vào sách. Cả nhóm đã cùng thảo luận, làm việc ròng rã hai năm để làm ra sách này.
Để làm cuốn sách này, lực lượng thực hiện có ba nhóm: Nhóm thứ nhất là các chuyên gia nghiên cứu thuộc các viện chuyên ngành của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh như Viện Lịch sử Đảng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
Các chuyên gia nghiên cứu để dựng hành trình của Người khi tìm đường cứu nước, mở đường, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam. Trong hành trình đó, nhóm nghiên cứu đã làm nổi bật hình tượng Hồ Chí Minh là biểu tượng hòa bình, tình hữu nghị quốc gia, dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ của nhân dân thế giới.
Nhóm thứ hai sưu tầm tư liệu, lựa chọn ảnh, chủ yếu là cán bộ làm công tác tư liệu.
Nhóm thứ ba là chuyên gia các ngành khác nhau thẩm định nội dung chuyên luận, ảnh, tư liệu.
PGS.TS Lê Văn Lợi – Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Những cuốn sách mang giá trị lớn
– Một phần nội dung lớn của sách là hoạt động quốc tế của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (1911-1945). Việc sưu tầm tư liệu về giai đoạn này có gặp khó khăn gì?
– Cái khó không nằm ở giai đoạn nào, mà khó khăn ở chỗ thời gian đã lùi xa, tư liệu có còn không, chất lượng ảnh tốt không. Chúng tôi sẵn sàng tìm, trả bản quyền ảnh, nghiên cứu, sắp xếp ảnh…
Rất nhiều tư liệu về hành trình cứu nước của Bác vẫn được lưu trữ, cơ quan nước ngoài sẵn sàng mở kho tư liệu. Cái khó là ở chỗ phải đến trực tiếp khai thác mới đầy đủ, xác thực.
Rất may, trước đây, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có nhiều đoàn đi nghiên cứu tư liệu về Bác ở nước ngoài (như Pháp, Liên bang Nga, Mỹ, Ấn Độ…). Nhiều đoàn nghiên cứu của chúng tôi đã đến khai thác ở kho lưu trữ của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Pháp, Mỹ, các kho lưu trữ của Ấn Độ, đặc biệt là kho lưu trữ Quốc tế cộng sản ở Liên Xô trước đây nên nguồn tư liệu khá phong phú.
Qua tư liệu, chúng ta có thể biết những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, qua đó thấy được tầm nhìn xa, trông rộng của Người.
Có những ảnh Bác bế cháu nhỏ khi sang thăm các đồng chí của mình ở Pháp, Đức, Liên Xô, tiếp vợ chồng luật sư Loseby… rất cảm động.
Kết hợp nghiên cứu và ảnh chụp chân thực, sinh động, cuốn sách lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách và di sản ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Ông nhận định như thế nào về sách có chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay?
– Sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay rất phong phú, nhiều tác giả tâm huyết với việc nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong đó, sách nghiên cứu chuyên sâu về Hồ Chí Minh có tác dụng nâng cao nhận thức, là tài liệu cho học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, học sinh, sinh viên…
Có loại hình sách mỏng, nhỏ, sách ảnh là câu chuyện cụ thể về Hồ Chí Minh, được đông đảo tầng lớp nhân dân đón nhận. Khi đi làm việc ở cơ sở, chúng tôi thấy bạn đọc sử dụng những cuốn sách ấy và biết đến hoạt động của Người, tấm gương của Người. Có thể nói đó là những cuốn sách nhỏ mà giá trị lớn.
– Nhóm tác giả có chủ trương số hóa để hình ảnh, câu chuyện về Bác lan tỏa nhiều hơn tới đông đảo bạn đọc?
– Chúng tôi đã nghĩ đến việc số hóa để công trình này có sức lan tỏa lớn hơn. Đối với bạn bè quốc tế, việc số hóa sách cũng rất thuận tiện, vì sách có sẵn tiếng Anh rồi. Bạn đọc quốc tế có thể xem ảnh, đọc câu chuyện và hiểu về từng giai đoạn trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.