Kim Liên một thuở là hồi ức của tác giả Vũ Công Chiến kể về những năm tháng gia đình ông sinh sống, gắn bó ở Kim Liên – khu tập thể cao tầng được coi là cao cấp đầu tiên ở Hà Nội. Cuốn sách tái hiện cuộc sống trong khu tập thể gắn bó với thế hệ 5X, 6X, 7X sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Trong khuôn khổ Hội sách mừng Ngày sách Việt Nam, tác giả Vũ Công Chiến có buổi giao lưu với độc giả về cuốn sách.
Khu nhà có điện, sàn lát đá hoa hơn nửa thế kỷ trước
– Từng đoạt giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội với cuốn “Hồi ức lính”, điều gìkhiến ông không đi tiếp đề tài người lính, mà chọn mảng nội dung đời sống gần gũi trong “Kim Liên một thuở”?
– Năm 2016, tôi có cuốn sách viết theo thể ký ức – Hồi ức lính. Thật thà mà nói tôi không phải nhà văn, chỉ là người lính kể chuyện hồi ức của mình, viết theo cách mình nhìn thấy gì, trải qua gì trong sáu năm chiến tranh thì kể lại. Không ngờ chuyện mộc mạc như thế mà phù hợp suy nghĩ mọi người nên cuốn sách ra đời và được giải.
Nhiều nhà văn nói với nguồn tư liệu như Hồi ức lính, thì nhà văn kỳ cựu sẽ viết ra 7, 8 tập tiểu thuyết. Nhưng người lính tay ngang cứ kể mộc mạc, chả giữ điều gì, thành ra một cuốn sách dày thì hết chuyện để nói.
Sau khi Hồi ức lính ra mắt, tôi viết những mẩu chuyện nhỏ đưa lên Facebook. Đó là câu chuyện ký ức của tôi gắn với khu Kim Liên. Nhiều bạn bè từng sống ở khu này thấy thế bảo tôi viết thêm, họ bàn luận, kể thêm nhiều kỷ niệm ở đó.
Rồi bên nhà sách đến nói đó là những câu chuyện thú vị về một không gian đặc thù ở Hà Nội. Họ đề nghị cùng hợp tác xây dựng cuốn sách kể lại cuộc sống người thủ đô ở khu tập thể. Cuốn sách được ra đời như thế.
Sách Kim Liên một thuở. |
– Ông tới khu Kim Liên sống từ khi nào, và gắn bó với nó ra sao để viết hẳn một cuốn sách về khu tập thể này?
– Tôi sống ở khu Kim Liên từ khi nó ra đời, tháng 6/1962. Tôi liên tục sống tại đó đến nay. Căn nhà mà bố mẹ tôi được phân phối chính là căn nhà mà chúng tôi đang ở. Nhiều người trong khu đã chuyển đi, mất đi, định cư ở nước ngoài. Nhưng như con chim lớn lên bay xa vẫn tìm về tổ cũ, họ vẫn tìm về chơi.
Gặp nhau, chúng tôi như sống lại tuổi thơ xưa, đi lang thang, nhắc lại gốc cây này ngày xưa chơi trò gì, góc sân kia đã đánh nhau chí tử.
– Kim Liên ngày ấy được gọi là khu tập thể cao tầng cao cấp, vậy khu ấy hội tụ những điểm gì để được coi là cao cấp?
– Cao cấp vì nó là nhà cao tầng nhất hồi bấy giờ. Những căn biệt thự do người Pháp xây ở Hà Nội là nhà 2,5 tầng. Trong phố mà có cơi nới, xây lên chỉ một tầng là hết. Đến khu Kim Liên gọi là “khu nhà tập thể cao tầng cao cấp”, vì nó cao nhất, có bốn tầng, nhà “bê tông cốt thép”.
Đó là khu nhà đẹp, chất lượng xây dựng tốt. Người ta quy hoạch thoáng, rộng, có những khoảng trống làm sân tập thể, trồng được những hàng cây xà cừ, bạch đàn lớn.
Nếu như các khu tập thể khác nhiều hộ gia đình cùng dùng chung một nhà vệ sinh, bếp, thì ở khu Kim Liên, không gian này chỉ có hai hộ cùng chia sẻ. Chất lượng công trình tốt, sàn nhà lát đá hoa, điện đèn đầy đủ, cửa kính cửa chớp đúng theo kiểu Pháp. Cầu thang lên có điện, từng nhà có điện, có hố xí máy…
Cái gọi là “tập thể cao tầng cao cấp” là nhà nước đặt ra, chứ không phải chúng tôi tự nói. Lúc đó, bố tôi là trưởng một bộ phận trong TƯ Đoàn lao động, theo kháng chiến, vì thế nhà tôi được phân hơn 20 m2.
– Được sống trong khu tập thể cao cấp, cư dân ở đó hãnh diện ra sao?
-Trước khi tới khu Kim Liên, nhà tôi đang sống ở 20 Tràng Thi, trong căn phòng 10 m2, ngăn cách với gia đình khác bằng gỗ ván ép. Vì vậy, khi đến nơi ở mới thì rất sung sướng.
Một khu nhà có hai cầu thang. Lúc bắt thăm phân phối nhà ở, ai cũng muốn tầng cao để được “ngồi” lên đầu người khác.
Người lớn hãnh diện, còn trẻ con thích vì được lên tầng cao gấp máy bay giấy phi xuống dưới, rồi chạy xuống nhặt cũng thú vị. Trò nghịch ngợm nữa của tụi trẻ con chúng tôi là leo lên tầng 4, sau đó ôm cầu thang gỗ trượt xuống dưới.
Ngày xưa thân ái với nhau là vậy
– Trong nhiều tác phẩm ngày nay nói về thời bao cấp thường đưa ra những khu tập thể bất tiện, luộm thuộm, cơi nới. Khu Kim Liên có nằm trong tình trạng ấy?
– Cái bất tiện ở đây là dùng chung công trình phụ. Nhưng ở khu Kim Liên, chỉ có hai nhà chung một công trình phụ. Hai nhà thì dễ bảo nhau, đôi khi tạo nên sự thân thiết, đoàn kết. Hai nhà nấu chung một bếp ăn, ăn gì đều biết, có thể xin nhau lát gừng, quả chanh, thìa muối.
Nhưng càng về sau khi cuộc sống phát triển, kinh tế đi lên, nhu cầu đổi khác thì bất tiện nhỏ ngày càng thành bất tiện lớn. Các gia đình thường chọn phương án cải tạo lại, chia đôi công trình phụ. Nhà nào có điều kiện hơn thì mua lại của những nhà đã chuyển đi.
– Vậy điều gì khiến ông vẫn gắn bó với khu Kim Liên lâu như thế?
– Khu tập thể không đi thang máy, nên gặp nhau là chào hỏi. Nhà mình ở tầng dưới, thấy người ta xách nặng lên tầng bốn thì cũng xách giúp họ. Đi ngoài cầu thang thấy người ta bế trẻ con thì có thể nhắc nhau “trời lạnh đấy, quàng cho nó cái khăn voan”. Ngày xưa thân ái với nhau là vậy.
Những câu chuyện như thế không thể kể hết. Điều đó làm nên tính cách, tình cảm, lối sống của cả một khu.
Tác giả Vũ Công Chiến ký tặng tại hội sách chiều 19/4. |
– Khi những người khác nhà phải chia sẻ với nhau một nhà tắm, nhà bếp, hẳn phải có những chuyện kiểu “dở khóc dở cười” đã diễn ra?
– Có chứ, nhất là các nhà có con trai con gái đến tuổi trưởng thành, yêu nhau không hẳn yêu nhau, tình cảm dành cho nhau rất nhiều vì cùng nhau lớn lên. Thế mà họ không cưới được nhau.
Có nhiều chuyện dở khóc dở cười tế nhị đã diễn ra. Ví dụ, các cô gái phơi đồ lót kín đáo, nhưng lũ con trai nghịch ngợm vẫn lấy sào chọc cho rơi xuống ban công nhà cậu trai tầng dưới để gán ghép… Trêu nhau vậy, nhưng hồi đó trong sáng, không có chuyện để lại hậu quả.
Lúc mới chuyển đến sống, khu nhà này là niềm hãnh diện của các hộ. Nhưng khi những đứa trẻ lớn lên, lập gia đình, có cuộc sống riêng thì những căn hộ 20 m2, 30 m2 bộc lộ những bất cập. Bạn tôi có người lấy vợ hai năm nhưng chưa được làm chuyện vợ chồng vì trong căn nhà còn có bố mẹ, các em cùng ăn ngủ.
– Ngày nay, các khu tập thể cũ đã xuống cấp, nếu quy hoạch lại, những khu tập thể này có thể sẽ không còn. Ông nghĩ sao về nguy cơ những khu từng là biểu tượng một thời có thể sẽ không còn nữa?
– Người già hay tiếc nuối cái cũ. Nhưng hơn nửa thế kỷ đi qua, các khu tập thể ấy đã hoàn thành sứ mệnh. Ngày nay nó có nhiều bất cập, mình có thể chịu được, còn vợ còn con, cháu mình cần không gian, mái nhà tốt hơn.
Tôi chỉ mong thời buổi tấc đất tấc vàng này, khi quy hoạch lại các khu vẫn có không gian, cảnh quan cho sân chơi, cây xanh.