– Ở độ tuổi 82, thầy có gặp khó khăn gì trong việc viết sách?
– Nếu nói đến khó khăn trong việc viết sách ở độ tuổi này thì vấn đề chủ yếu là sức khoẻ của tôi không được dồi dào như trước. Trước kia, một ngày tôi có thể đọc, viết liên tục 5-6 tiếng, nhưng giờ đây chỉ còn tầm 3-4 tiếng… Ngoài ra, tôi cũng không gặp trở ngại nào khác, vì càng nhiều tuổi càng có thêm kinh nghiệm và thông điệp cho việc viết sách.
– Trong cuộc sống, con người không chỉ có một mà rất nhiều con đường để đi, không biết thầy đã phải chọn lựa và từ bỏ con đường nào để gặt hái nhiều thành công như bây giờ?
– Với tôi, có ba lựa chọn về nghề nghiệp: nghiên cứu ngôn ngữ, dịch thuật và dạy tiếng Anh. Con đường thứ nhất, tôi được đào tạo rất kỹ ở Ấn Độ về ngôn ngữ học và 4 năm học cùng sinh viên khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tuy nhiên, tôi không theo nghề này vì không có môi trường và cơ hội.
Thứ hai là dịch thuật. Có thời gian, tôi nhận dịch cho rất nhiều hội nghị và dịch sách, cũng xây dựng được chút tín nhiệm. Nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ rằng trong việc chuyển ngữ hộ tác giả, sức sáng tạo của mình rất hạn chế. Hơn nữa, vốn liếng tiếng Việt của tôi khi ấy còn nghèo nàn nên tôi cũng rời xa con đường này. Cả hai lần chia tay cũng lưu luyến lắm vì thực ra tôi rất yêu thích ngôn ngữ và dịch thuật. Tôi theo đuổi con đường thứ ba cho đến cuối đời.
– Trên ba chặng hành trình ấy, cuộc gặp gỡ nào để lại dấu ấn đặc biệt, tác động đến cuộc sống, định hướng nghề nghiệp sau này của thầy?
– Có hai cuộc gặp gỡ mang tính bản lề. Thứ nhất là với thầy giáo Đặng Chấn Liêu, người dạy tiếng Anh đầu tiên cho tôi khi mới vào đại học. Thầy không dạy lý thuyết nhưng là một Việt kiều sống và làm việc ở nước ngoài khoảng 20 năm nên nói tiếng Anh rất chuẩn. Cuộc gặp gỡ gợi cho tôi một câu hỏi: Làm thế nào để có thể nói tốt được như vậy? Và tôi lao vào tìm hiểu đặc thù của tiếng Anh để chọn ra phương pháp dạy ngoại ngữ hiện đại.
Nhưng cuộc gặp gỡ sau với người thầy thứ hai – ông Brian Hill – GS Đại học Brighton Polytechnic, Vương quốc Anh đã chỉ đường cho tôi. Thầy hướng dẫn tôi khai thác nguồn tư liệu từ thư viện, dạy cách tư duy trước một vấn đề phải giải quyết và phương pháp đọc sách hiệu quả.
– Vậy yếu tố nhà trường và gia đình có tác động đến thói quen đọc của thầy không?
– Muốn xây dựng thói quen đọc sách, phải trải qua quá trình dài chứ không chỉ nhờ vào sự huấn luyện trong khoảng thời gian ngắn. Hồi tiểu học tôi chỉ thích đọc truyện cổ tích. Lên trung học, chủ yếu vẫn đọc truyện cổ tích, truyện ngắn. Tốt nghiệp THPT, tôi xung phong lên miền núi dạy học trò dân tộc và được phân công giảng dạy môn Văn cấp II. Từ đó, tôi bắt buộc phải đọc nhiều để làm giáo án.
Sau này khi nghiên cứu và viết sách, đọc trở thành một yếu tố sống còn của tôi. Khi đi du học, không ai khích lệ nhưng chúng tôi bắt buộc phải đọc sách và tài liệu vì khi lên lớp, thầy giáo chỉ đưa ra một chủ đề kèm với danh mục sách cần đọc. Các sinh viên có 1-2 tuần để nghiên cứu trên thư viện, sau đó trình bày về nội dung đã tìm hiểu. Tất cả những điều đó tạo thành thói quen đọc vô cùng bền vững trong tôi.
– Để trang bị kiến thức và phông nền văn hoá vững chắc cho bản thân, thầy đã đọc sách như thế nào?
– Trước hết, chúng ta phải phân biệt được ba loại đọc sách: đọc giải trí (reading for pleasure), tức là đọc để tăng cường vốn từ vựng, trí tưởng tượng và tạo niềm đam mê đọc suốt đời. Hai là, đọc để lấy thông tin đang cần (reading for target information) – có thể coi đây là cách đọc phục vụ cho nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Ba là, đọc để phối hợp thông tin mình đã biết với sự phát triển của nó (reading for integrating information) – hình thức này chủ yếu giúp tôi viết bài, viết sách chuyên ngành.
– Hiện nay, một bộ phận giới trẻ hay lạm dụng nói tiếng Việt chêm tiếng Anh. Xin hỏi thầy có suy nghĩ gì về thực trạng này?
– Thực ra, việc đang nói ngôn ngữ này mà chêm vào thứ tiếng khác cũng là một điều tốt, khi ngôn ngữ của chúng ta thiếu hụt từ ngữ, khái niệm về xã hội và chuyên ngành. Ví dụ trong công nghệ mới xuất hiện nhiều từ bằng tiếng Anh mà tiếng Việt chưa có hoặc đã có người dịch nhưng chưa thông dụng và hợp lý. Tôi cho rằng đó là việc nên hoan nghênh vì làm phong phú thêm ngôn ngữ của mình. Dần dần, tất cả sẽ được thay thế bằng Tiếng Việt.
Tuy nhiên, đúng là có một bộ phận giới trẻ lạm dụng việc đệm tiếng Anh vào những câu nói hàng ngày. Cùng là người Việt nói chuyện với nhau và tiếng Việt có đủ khả năng diễn đạt, vậy chêm tiếng Anh vào làm gì?
– Ở tuổi của thầy, người ta hay sống bằng ký ức, vậy kỷ niệm đặc biệt nào đã tạo nên những cảm xúc qua từng trang viết?
– Chúng ta không ai trốn chạy ký ức, chẳng qua vì chưa đến lúc thôi. Cuộc đời tôi đã ghi lại nhiều kỷ niệm khó phai: nhớ đến tháng ngày dạy học trò người Tày ở Cao Bằng rất chân thành, giản dị tôi đã viết Những người học trò áo chàm; trong thời gian du học Ấn Độ, cảm xúc và hoài bão khi ấy được tôi gửi gắm vào truyện Miền đất ươm màu cùng cuốn tiểu thuyết Những mùa lá bàng rơi.
Những tháng năm ở Vương quốc Anh, được sống trong khung cảnh huyền diệu của miền thôn dã và mùa thu đẹp đến nao lòng thôi thúc tôi viết Mùa thu xa xứ và Nơi dòng Thames êm đềm chảy. Nền văn học Anh phong phú là nguồn cảm hứng để tôi ra mắt một số chùm thơ dịch như Mùa thu, Mùa đông Giáng Sinh, Nhớ và Miền đất xanh.
Thứ hai là, cảm xúc dành cho Hà Nội rất sâu đậm nên tôi viết tập ký ức Hoài niệm Hà Nội.
– Thầy có thể chia sẻ thêm về hướng khai thác đề tài Hà Nội để tác phẩm có sự khác biệt so với các tác giả khác?
– Khi khai thác đề tài Hà Nội, nhiều người sẽ chọn miêu tả sự vật, hiện tượng trong thành phố. Nhưng tôi nghiêng về hướng thể hiện thói quen, nếp sống của người Hà Nội đã góp phần tạo nên xúc cảm về những hiện tượng ấy. Cùng nói về tàu điện, nhưng tôi không chọn mô tả tàu điện ngày xưa mà tả cảnh bọn trẻ con chúng tôi nhảy tàu ra sao, hình ảnh người bán vé thú vị như thế nào, những bài hát rơi nước mắt của ông xẩm mù hay chú bé nghèo rớt mùng tơi cầm chiếc mũ rách chờ mấy đồng xu của những người đi tàu…
– Mùa thu chiếm phần nhiều trong cảm xúc sáng tác của thầy, có lý do nào đặc biệt không ạ?
– Có lẽ một phần do tôi được sinh ra vào mùa thu và bản thân cũng có nhiều câu chuyện đặc biệt gắn với mùa thu. Trong đó, có thể kể đến bài Cảm xúc trở về, những bài thơ dịch về mùa thu của một số tác giả dòng thơ lãng mạn Anh như Christina Rossetti, John Keats. Gần đây nhất là cuốn Cung đàn mùa thu viết về mối tình thủa học trò nửa thật nửa hư cấu, đẹp và xúc động lắm!
– Chi tiết nào trong các tác phẩm khiến thầy khi ngẫm lại vẫn dạt dào cảm xúc như vừa trải qua?
– Trong cuốn Mùa giáng sinh trên đất khách, tôi kể về cô bạn thân người Nhật tên Kikoko. Vào đêm Giáng sinh, tôi rủ cô ấy đi chơi. Bên Anh có một tục lệ đặc biệt là dưới một số nhà có hàng hiên treo cành tầm gửi, đôi nào đi qua sẽ đứng lại hôn nhau. Trong truyện miêu tả cảnh chúng tôi dẫm chân trên tuyết, hôn nhau dưới cành tầm gửi, vào quán uống chén trà đầu năm, đến lúc ra về đặt lên môi nhau nụ hôn giã biệt năm cũ như thế nào. Kikoko tuy đúng là một người bạn có thật nhưng nhân vật trong câu truyện trên thực ra lại chính là vợ tôi, khi chúng tôi sống trên miền sương tuyết ấy vào những năm 1990-1991.
– Tại sao thầy lại tự gọi mình là một ‘thầy giáo làng’?
– Vào thời sinh viên, thỉnh thoảng khoa tôi có tổ chức họp, mỗi lần như vậy anh Trưởng khối thường đứng lên nói chuyện và gọi chúng tôi là những sinh viên của “làng tiếng Anh”. Khi trở thành giáo viên, chúng tôi hay khiêm tốn bảo nhau mình chỉ là “thầy giáo làng” để nhớ lại ký ức đẹp.
– Với một bề dày về kiến thức và văn hoá, thầy có hay chia sẻ với con cháu không?
– Tôi có hai người con. Con trai tôi sống trong Sài Gòn, tuy không học về tiếng Anh nhưng biết đồ hoạ nên đã giúp tôi thiết kế tất cả các bìa sách. Với 10 năm kinh nghiệm làm về xuất bản sách, cháu cũng hỗ trợ khâu phát hành, tại nhà cháu có riêng một tủ sách do tôi viết.
Còn cô con gái ở cùng với vợ chồng tôi. Cháu được đào tạo ở Anh và theo nghề của bố. Có điều hai đứa cháu nội và cháu ngoại của tôi học tiếng Anh rất bình thường. Bản thân tôi thấy các cháu còn bé chưa cần đầu tư gì, cứ tập trung học giỏi tiếng Việt và tích lũy kiến thức chung đi đã. Tôi ít khi nói chuyện tiếng Anh với bọn trẻ nhà tôi. Thỉnh thoảng tôi sửa cách phát âm, các cháu ngoại bảo: “Ông không biết tiếng Anh” (cười).
Thầy Nguyễn Quốc Hùng sinh năm 1941 tại Hà Nội, là giảng viên tiếng Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội trong 35 năm (1967-2002), có nhiều công trình nghiên cứu và viết sách và phương pháp dạy và học tiếng Anh cho người Việt. Ông cũng là người tiên phong giảng dạy tiếng Anh trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
You must be logged in to post a comment Login